Tương quan giữa THĐGM về Gia dình và Năm Thánh Lòng Thương Xót

Phỏng vấn ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, về tương quan giữa Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia đình và Năm Thánh Lòng Thương Xót

Năm Thánh Lòng Thương Xót đã bắt đầu sau hai Thượng Hội Đồng Giám Mục liên tiếp về gia đình.

Sau đây là bài phỏng vấn ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, về tương quan giữa Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia đình và Năm Thánh Lòng Thương Xót.

+++

Hỏi: Thưa ĐHY, với chặng hai của lộ trình Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình năm 2015 đã khép lại một chu kỳ. Có thể đưa ra nhận định nào giúp tổng kết các kết qủa của giai đoạn này hay không?

Đáp:

Thượng Hội Đồng Giám Mục đã là một lúc hết sức đặc biệt, bởi vì chúng tôi đã bắt đầu một lộ trình khác với trong qúa khứ. Thật thế, ngay từ dầu triều đại của ngài, ĐTC Phanxicô đã đặc biệt chú ý tới tổ chức Thượng Hội Đồng Giám Mục và đã yêu cầu canh tân nó. Có thể nói nó là phần của chương trình cải tổ các cơ quan trung ương Toà Thánh, mà ĐTC đang thực hiện, mặc dù nó là một cơ cấu đứng riêng rẽ. Nó đã nảy sinih như hoa trái của Công Đồng Chung Vatican, và từ đó đến nay, nó đã trở thành một sự hiện diện tích cực và hữu hiệu để trợ giúp ĐTC trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ. Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục cuối cùng vừa qua, chúng tôi đã kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày 15 tháng 9 năm 1965 do ý muốn của ĐGH Phaolô VI. Việc kỷ niệm cũng đã là dịp  quý báu cho phép quan sát với cái nhìn hướng vế đàng sau, con đường dài đã đi, được khởi sự với nhiều hăng say và được củng cố trong thời gian với các thay đổi. Ngày nay, chúng ta đứng trước một cơ cấu có tầm quan trọng lớn đối với cuộc sống của Giáo Hội, nhưng đồng thời cũng cần duyệt xét lại. Trong một bài phỏng vấn hồi bắt đầu triều đại của ngài, ĐTC Phanxicô đã nói tới Thượng Hội Đồng Giám Mục như là một cơ quan hơi dậm chân tại chỗ, nghĩa là thiếu năng động. Tôi tin rằng chính việc kỷ niệm đã minh nhiên tất cả qua các phát biểu của các thuyết trình viên và nhất là diễn văn của ĐTC, có thể được coi như một trong các diễn văn định đoạt nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Hỏi: Có thể tiếp nhận các chỉ dẫn chứa đựng trong diễn văn này của ĐTC như thế nào, thưa ĐHY?

Đáp:

Đang có nhiều suy tư về đề tài này là tính cách thượng hội đồng mà ĐTC ước mong được đào sâu. Một tính cách thượng hội đồng phát triển theo lộ trình vòng tròn: từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới. Đó là một kiểu quan niệm về Giáo Hội như là cơ quan sống động di chuyển trên nhiều mức độ khác nhau, không có các ô tù đọng. Một Giáo Hội sống một sự hiệp thông thực sự, mà không chỉ đồng hoá với chóp bu hay với nền tảng, một Giáo Hội trong đó tất cả các thành phần dân Chúa đều được mời gọi “cùng đồng hành”, mỗi người với các ơn và các nhiệm vụ riêng của mình. Một cách đặc biệt tính cách thượng hội động là chân trời, trong đó ta cũng hiểu các nhiệm vụ và các cơ cấu được đề nghị hướng dẫn thân mình Giáo Hội. Và chính ở trên mức độ này, có vấn đề tính cách giám mục đoàn, là đề tài gắn liền với tính cách thượng hội đồng giám mục, nhưng không trùng hợp vói nó. Thật vậy, tính cách giám mục đoàn liên quan tới quyền bính mà tất cả các Giám Mục, như là các thành phần tuy tụ lại với nhau, thi hành trên Giáo Hội “với và dưới Phêrô”. Tính cách thượng hội đồng, trái lại, liên quan tới toàn dân Chúa, hiểu không phải như là chủ thể thụ động, mà tích cực theo các nhiệm vụ, các đặc sủng và các sứ vụ của mỗi người. Ở đây, người ta cũng nói về ý thức của tín hữu, là kiểu nói muốn minh nhiên sự tham dự của tất cả moi thành phần dân Chúa, như là những người đã được rửa tội, vào việc phân định của Giáo Hội và vào công trình rao giảng Tin Mừng.

Hỏi: ĐTC cũng đã đề cập tới  khả thể cử hành các thượng hội đồng vùng miền, có đúng thế không, thưa ĐHY?

Đáp:

Trong diễn văn, ĐTC đã nói tới một tính cách thượng hội đồng được phân chia thành nhiều mức độ khác nhau, bằng cách đặc biệt minh nhiên vài trò của các HĐGM. Đề tài này đã được nhắc tới trong Tông huần Niềm Vui Phúc Âm, trong đó ĐTC đã đề cập tới việc cải tổ các cơ quan trung ương Toà Thánh và cả tương quan giữa quyền tối thượng của Phêrô và Giám mục đoàn. Trong viễn tượng này, các HĐGM có một vai trò quan trọng. Chính để có thể góp phần vào việc hiểu biết lớn hơn về tính cách thượng hội đồng giám mục, văn phòng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ tổ chức vào tháng hai tới đây, một cuộc hội học dành cho các chuyên viên trong lãnh vực giáo hội học cũng như trong lãnh vực giáo luật. Sáng kiến này muốn đào sâu, hay ít nhất,  bắt đầu các nghiên cứu, khởi hành từ giáo lý và các nghiên cứu đã có. Thật thế, cần phải đẩy mạnh việc nghiên cứu tính cách thượng hội đồng giáo hội từ phía các chuyên viên thần học và giáo luật.

Hỏi: Thưa ĐHY, trong hai Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua, phương pháp làm việc đã được thay đổi. Nó có mang lại kết quả nào không?

Đáp:

Việc thay đổi đã được đánh giá cao, cả khi ban đầu nó đã gây ra một sự mệt mỏi nào đó, bởi vì nó là một phương pháp mới, trên bình diện lý thuyết xem ra dễ áp dụng, nhưng trên bình diện cụ thể, nó tạo ra các vấn đề không thể tránh được liên quan tới việc thử phương pháp mới. Nhưng nói chung, chúng tôi đã ghi nhận một thành công tốt. Việc canh tân phương pháp đã định đoạt, trước hết bởi quyết định chưa từng có cử hành hai Thượng Hội Đồng Giám Mục trên cùng một đề tài, biến nó trở thành hai giai đoạn của một lộ trình duy nhất. Và lý do là vi đề tài cần được suy tư trong một thời gian dài hơn. Trong giai đoạn thứ nhất, nghĩa là trong Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường, chúng tôi đã duyệt xét các thách đố mục vụ liên quan tới gia đình trong bối cảnh truyền giáo hiện nay. Khởi đầu từ kinh nghiệm, từ chính cuộc sống của các Giáo Hội của chúng ta, qua một bảng câu hỏi được phổ biến trên toàn thế giới, văn phòng tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã thu thập các câu trả lời được đưa vào trong Đề cương. Tài liệu này đã được gửi tới các Giám Mục và đã khơi dậy sự chú ý rất lớn vì gia đình là đề tài liên quan tới tất cả mọi người. Trong giai đoạn thứ nhất, phương pháp đã được sử dụng vẫn hầu như y nguyên, trừ việc nới rộng uỷ ban soạn thảo tài liệu từ ba thành viên – tức gồm một tổng tường trình viên, thư ký đặc biệt và tổng thư ký –  tăng lên thành bẩy thành viên ý, tức thêm vài đại diện của các châu lục. Điều mới mẻ thứ hai, đó là thay vì các đề nghị, thì đã có một tài liệu chung kết được soạn thảo trong hình thức một bản tường trình mà ĐTC đã nhận được và quyết định biến nó thành Đề cương của giai đoạn hai. Đồng thời, ĐTC đã xin đào sâu tài liệu đã soạn thảo qua vài câu hỏi do hội đồng bình thường của văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục đưa ra và đặt bên lề. Các câu trả lời của tất cả mọi HĐGM được đưa vào trong Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ hai. Bắt đầu giai đoạn hai của lộ trình, nghĩa là của Thượng Hội Đồng Giám Mục bình thường của tháng 10 vừa qua, chính ĐTC đã tuyên bố rằng Tài liệu làm việc là văn bản nền tảng của các công việc, từ đó soạn thảo bản tường trình chung kết.

Hỏi: Có các mới mẻ nào khác liên quan tới giai đoạn hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình không, thưa ĐHY?

Đáp:

Có một điều mới mẻ khác, đó là chia các công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thành ba giai đoạn, tương đương với ba phần của Tài liệu làm việc, để sau cùng đi tới một dự án văn bản duy nhất, chứ không phải là các đề nghị đơn sơ. Việc phân chia này đã cho phép suy tư các đề tài một cách riêng rẽ, không lẫn lộn, hay lập đi lập lại, trong các phiên họp khoáng đại cũng như trong các cuộc họp theo nhóm nhỏ. Điểm mới mẻ sau cùng là đã để cho các nhóm nhỏ, theo ngôn ngữ, có nhiều thời gian hơn để các nghị phụ có thể phát biểu một cách tự do hơn để soạn thảo các văn bản qua đó soạn lại văn bản nền tảng cho tài liệu chung kết. Nói chung, phương pháp mới này đã cho các nghị phụ nhiều thời gian phát biểu hơn, cả khi mỗi vị chỉ có 3 phút phát biểu, chứ không phải 4 phút như trước kia trong các phiên khoáng đại. Trong các buổi họp nhóm và trong giờ tự do cuối ngày, các vị đã có thể phát biểu một cách rộng rãi hơn. Ngoài ra, uỷ ban soạn thảo tài liệu chung kết đã được nới rộng từ 7 tăng lên 10 thành viên. Uỷ ban đó đã soạn thảo một dự án của tài liệu chung kết và được đệ trình các nghị phụ duyệt xét và thêm thắt. Như thế, chúng tôi đã có thể thay đổi văn bản chung kết và đệ trình lên ĐTC.

Hỏi: Thưa ĐHY, trong phiên họp khoáng đại cuối cùng, cuộc thảo luận đã đặc biệt sôi nổi, và đã ghi nhận các lập trường khác nhau giữa các Giám Mục, nhưng sau cùng, việc bỏ phiếu đã ghi nhận một sự đồng thuận rất lớn. ĐHY giải thích sự kiện này như thế nào?

Đáp:

Đó đã là một công việc lớn, trong đó chúng tôi phải công nhận sự nghiêm chỉnh và tinh thần hiệp thông đã cho phép tất cả mọi người đồng ý đi tới việc chấp nhận các vấn đề khác nhau. Trong việc này, ĐTC đã là một trợ giúp khổng lồ, ngài đã nhắc cho các nghị phụ biết rằng phiên khoáng đại không phải là một quốc hội, mà là một không gian trong đó cần phải để cho Chúa Thánh Thần hành động. Việc đối chiếu trong Thượng Hội Đồng Giám Mục đã thực sự làm giầu cho văn bản nền tảng. Các nghị phụ đã trao đổi ý kiến, cùng nhau làm việc với lòng chân thành, sự nghiêm chỉnh và liêm chính, không lắt léo, cả khi các phương tiện truyền thông đã làm sai lạc vài khiá cạnh. Cả lá thư gửi ĐTC từ phía vài Hồng Y cũng được nhìn và hiểu trong chân trời này: vài nghị phụ đã bầy tỏ các khó khăn của các vị trong việc chấp nhận phương pháp mới này và đã muốn phát biểu, và nhận được câu trả lời nhanh chóng. Các nghi ngờ của các vị đã được giải toả ngày hôm sau. Chính tôi đã minh giải trong bài phát biểu của mình, ĐTC cũng đã ngỏ lời với các nghị phụ và cống hiến các minh xác quan trọng. Và tất cả các nghị phụ đã rất hài lòng.

Hỏi: Thưa ĐHY, trong phiên họp cuối cùng, các nghị phụ đã đưa ra một số  đề nghị cho đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần tới. Công việc chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục tới sẽ được cụ thể hóa trong các tháng này ra sao?

Đáp:

Trong lúc này, chúng ta chờ đợi Tông huấn của ĐTC liên quan tới lộ trình Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa kết thúc. Liên quan tới tương lai sẽ có một cuộc họp của uy  ban thường vụ mới của văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 4 tới đây. Trong dịp đó, văn phòng tổng thư ký sẽ trình bầy một tổng hợp các đề nghị của các nghị phụ và của các HĐGM  liên quan tới đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục tới. Hiện nay, chúng tôi chỉ có các đề nghị của các nghị phụ. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về thời gian, vì trong lúc này, chúng tôi đang làm việc liên quan tới sự cải tổ trật tự Thượng Hội Đồng Giám Mục. Thật thế, dưới ánh sáng của cuộc hội học vào tháng hai tới đây, và với kinh nghiệm của hai Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua, chúng tôi cố ý nghiên cứu việc duyệt xét này.

Hỏi: Có tương quan giữa lộ trình Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vửa kết thúc và Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót mới bắt đầu không, thưa ĐHY?

Đáp:

Có. Trong diễn văn kết thúc phiên khoáng đại cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục, ĐTC đã khẳng định rằng “Chúng ta đã tìm ôm lấy sự tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa một cách trọn vẹn và can đảm, mà không bao giờ rơi vào trong nguy hiểm của khuynh hướng tương đối hóa hay làm mất uy tín người khác”, “để sáp nhập vào và sống Thượng Hội Đồng Giám Mục này trong bối cảnh của năm ngoại thường lòng thương xót, mà Giáo Hội được mời gọi sống”. Chúng ta có thể nói rằng lộ trình thượng hội đồng giám mục đã cống hiến một khúc nhạc mở đầu cho Năm Thánh, bằng cách chỉ cho thấy nơi lòng thương xót một cột trụ chính yếu trên đó chúng ta xây dựng cuộc sống cụ thể của gia đình và chính việc mục vụ gia đình. Gia đình là một nơi ưu tiên để thực thi lòng thương xót: trong gia đình các thành phần được mời gọi liên lỉ thực thi nghệ thuật tha thứ cho nhau, bỏ quá các lỗi lầm và thiếu sót của người khác. Và đây là môt suy tư từ các gia đình trải rộng ra gia đình kitô và toàn gia đình nhân loại, trong ý thức rằng thời đại chúng ta đắc biệt cần đến lòng thương xót, như ĐTC đã nhấn mạnh nhiều lần. (SD 29-12-2015)

(Vatican 12.01.2016)

Linh Tiến Khải

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*