Năm Thánh Lòng Thương xót đã kết thúc, nhưng Lòng Thương xót vẫn còn mãi

WHĐ (21.11.2016) – Bằng một cử chỉ chậm rãi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đóng một cánh cửa, rồi một cánh cửa nữa. Trong một khoảnh khắc, một tia sáng nhỏ len qua giữa hai cánh cửa trước khi Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô được đóng lại dứt khoát vào sáng Chúa nhật 20-11-2016, có nghĩa là Năm Thánh Lòng Thương xótmà Đức Thánh Cha Phanxicô mở ra vào ngày 8-12-2015 đã kết thúc.

“Dù Cửa Thánh đã đóng lại, cửa thực sự của lòng thương xót vẫn luôn mở rộng cho chúng ta, chính là Thánh TâmChúa Kitô”. Đó là nội dung chính trong bài giảng Thánh lễ kính Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, đại lễ kết thúc năm phụng vụ cũng như kết thúc Năm Thánh Lòng Thương xót.

Đức Thánh Cha giải thích về Vương quốc của Chúa Giêsu: “Vương quốc ấy không thuộc về thế gian này (Ga 18,36); nhưng nơi Người, Thánh Tông đồ Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc thứ hai, chúng ta được cứu chuộc và được tha thứ (x. Col 1,13-14). Vì sự cao cả của vương quốc của Người không phải là sức mạnh theo thế gian nhưng là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể gặp gỡ và chữa lành tất cả mọi thứ. Bằng tình yêu ấy, Chúa Kitô đã hạ mình đến với chúng ta, Người đã sống nỗi khốn cùng của con người, đã chịu đựng hoàn cảnh bi đát nhất của chúng ta: bất công,bị phản bội, bị bỏ rơi; Người đã trải qua cái chết, được chôn trong mồ và xuống âm phủ. Bằng cách này, vị Vua của chúng ta đã đi đến tận cùng vũ trụ để ôm lấy và cứu vớt tất cả những kẻ sống. Người không kết án chúng ta, thậm chí cũng không chinh phục chúng ta, Người không hề xâm phạm quyền tự do của chúng ta nhưng mở đường cho chúng ta bằng tình yêu khiêm hạ: tình yêu tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (x. 1 Cr 13,7). Chỉ có tình yêu này mới chiến thắng và luôn chiến thắng những kẻ thù lớn của chúng ta: tội lỗi, cái chết và nỗi sợ. … Hôm nay, chúng ta vui mừng chia sẻ nét huy hoàng được có Chúa Giêsu là Vua của chúng ta: vương quyền tình yêu của Người biến đổi tội lỗi thành ân sủng, sự chết thành phục sinh, nỗi sợ hãi thành niềm tin tưởng”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là Vua vũ trụ và là trung tâm của lịch sử mà lại không nhận Người làm Chúa của cuộc sống chúng ta: tất cả đều vô ích nếu chúng ta không đón nhận chính Người và cung cách cai trị của Người”.

Và Đức Thánh Cha quảng diễn về ba nhân vật trong bài Phúc âm: dân chúng đứng nhìn, những người đứng gần thập giá và kẻ trộm lành.

Cũng như dân chúng đứng nhìn, “trước những hoàn cảnh của cuộc sống hay trước những mong đợi chưa tròn, chúng ta cũng có thể bị cám dỗ giữ khoảng cách với vương quyền của Chúa Giêsu, không hoàn toàn chấp nhận cớ vấp phạm là tình yêu khiêm hạ của Người, một tình yêu dằn vặt và làm phiền chúng ta”. Đang khi đó, “dân thánh –có Chúa Giêsu là Vua–, được kêu gọi đi theo con đường tình yêu cụ thể của Ngài; để hằng ngày mỗi người sẽ tự hỏi mình: ‘Tình yêu đòihỏi tôi điều gì, thúc đẩy tôi đi đâu? Tôi trả lời với Chúa Giêsu như thế nào bằng cuộc sống của tôi?’”

“Nhóm thứ hai gồm nhiều người: những người lãnh đạo dân chúng, binh lính và một phạm nhân. Họ chế giễu Chúa Giêsu. Họ thách thức Chúa: ‘Hãy cứu lấy mình đi!’ (Lc 23,35.37.39). Cám dỗ này còn tệ hại hơn cám dỗ của dânchúng. Ở đây họ thử thách Chúa như ma quỷ đã thử Chúa ở những trang đầu của Phúc âm (Lc 4,1-13)… Đây là cơncám dỗ khủng khiếp nhất, cơn cám dỗ đầu tiên và cơn cám dỗ cuối cùng trong Phúc âm. … Chúa Giêsu đã không đáp lại, không làm gì. Người không tự bảo vệ, không tìm cách thuyết phục, không biện mình cho vương quyền của Người.Mà vẫn cứ yêu thương, tha thứ, Người sống giây phút thử thách này theo ý Chúa Cha, để tình yêu mang lại hoa trái”.

“Để đón nhận vương quyền của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chống lại cơn cám dỗ này, nhìn lên Đấng chịu đóng đinh, để càng thêm trung tín với Người. Biết bao lần chúng ta đi tìm những tiện nghi và an toàn của thế gian. Biết bao lần chúng ta bị cám dỗ xuống khỏi thập giá. Sức hấp dẫn của quyền lực và thành công dường như là một cách truyền bá Tin Mừng nhanh chóng và dễ dàng, chúng ta quên đi quá nhanh triều đại của Thiên Chúa hoạt động như thế nào. Năm Thánh Lòng Thương xót này mời gọi chúng ta khám phá lại điều cốt lõi, trở lại với điều chính yếu. Thời khắc của lòng thương xót này mời gọi chúng ta nhìn vào khuôn mặt thật của vị Vua của chúng ta, rạng ngời trong ngàyPhục sinh, và khám phá lại khuôn mặt trẻ trung xinh đẹp của Giáo hội tỏa sáng khi Giáo hội ấy niềm nở, tự do, trung tín, nghèo của cải nhưng giàu yêu thương, hăng say truyền giáo”.

“Một nhân vật khác xuất hiện trong Phúc âm, ở gần Chúa Giêsu hơn, là người trộm lành. Người ấy cầu nguyện rằng:‘Lạy Ngài Giêsu, khi vào vương quốc của Ngài, xin nhớ đến tôi!’ (c. 42). Người này chỉ đơn giản nhìn vào Chúa Giêsu, tin vào triều đại của Người. Anh không đóng kín vào mình, nhưng cùng với những sai lầm, tội lỗi và những lo lắng của mình, anh thân thưa với Chúa Giêsu. Anh xin Chúa nhớ đến anh và anh đã được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa: ‘Hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên đàng với tôi’ (c. 43). Thiên Chúa nhớ đến chúng ta khi chúng ta cho Ngàicơ hội. Ngài sẵn sàng xóa sạch tội lỗi luôn mãi, vì trí nhớ của Ngài – không giống như chúng ta – không nhớ điều xấu chúng ta đã phạm và những bất công chúng ta đã làm. Thiên Chúa không nhớ đến tội lỗi, nhưng nhớ đến chúng ta, mỗi người chúng ta, là con cái yêu quý của Ngài. Và Thiên Chúa tin rằng luôn luôn có thể bắt đầu lại, có thể đứng lên”.

“Chúng ta cũng xin được trí nhớ cởi mở và sống động này. Chúng ta hãy xin ơn đừng bao giờ đóng cửa hoà giải và tha thứ, nhưng biết vượt qua điều xấu và những bất đồng, bằng cách mở ra mọi con đường hy vọng. Như Thiên Chúa đã tin tưởng chúng ta, vượt xa công trạng của chúng ta, chúng ta cũng được kêu gọi gieo niềm hy vọng và tạo cơ hội cho những người khác. Dù Cửa Thánh đã đóng lại, cửa thực sự của lòng thương xót vẫn luôn mở rộng cho chúng ta, chính là Thánh Tâm Chúa Kitô. Từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đấng chịu đóng đinh, tuôn trào lòng thương xót, niềm an ủi và hy vọng đến bất tận”.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Nhiều người hành hương đã bước qua Cửa Thánh để hưởng nếm lòng nhânlành cao cả của Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì điều đó và nhớ rằng chúng ta đã được thương xót để cũng biết xót thương, để trở nên khí cụ của lòng thương xót. Chúng ta hãy cùng nhau tiến bước trên con đường này. Xin Mẹ Maria đồng hành với chúng ta, Mẹ đã sinh ra chúng ta vì Mẹ là Mẹ dịu hiền của Giáo hội, Mẹ đã muốn quy tụ tất cả chúng ta dưới áo choàng của Mẹ. Dưới chân thập giá Mẹ đã nhìn thấy người trộm lành được ơn tha thứ và nhận người môn đệ của Chúa Giêsu làm con Mẹ. Mẹ là Mẹ hay thương xót. Chúng ta phó thác cho Mẹ; mọi hoàn cảnh, mọi lời nguyện xin dâng lên đôi mắt xót thương của Mẹ sẽ được đón nhận”.

 

Minh Đức chuyển ngữ

 

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*