Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót tại nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng

Kể từ năm Thánh 2000, Chúa Nhật thứ II Phục Sinh được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolo II ấn định  để cử hành Thánh lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa theo mạc khải của Chúa Giê-su với Thánh Nữ Faustina vào năm 1931: “Cha ước ao có một lễ tôn kính Lòng Thương Xót của Cha. Cha muốn bức ảnh con vẽ, được làm phép trọng thể vào chúa nhật sau lễ Phục Sinh. Chúa nhật này cũng là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (Ngọc Đính CMC dịch, Cuộc Đời Thánh Nữ Faustina Kowaska, trang 60-61).
Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót tại nhà thờ Chính Tòa Đà Nẵng

Tại tiền đường Nhà thờ Chính Tòa giáo phận Đà Nẵng, lúc 17h00 Chúa nhật 23/4/2017, Đức Cha Giuse – Giám mục giáo phận đã chủ tế thánh lễ đồng tế Kính Lòng Thương Xót Chúa với 12 linh mục, một thầy phó tế và nhiều vị đại diện các nhóm Lòng Thương Xót, đông đảo giáo dân Chính Tòa và các giáo xứ lân cận. Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha  chủ tế đã diễn giải ý nghĩa của các cử hành kính Lòng Chúa Thương Xót Chúa vào Chúa Nhật 2 phục sinh cùng với quyết định ban ơn toàn xá cho cộng đoàn tín hữu hiện diện: “Trong quyền của Tòa thánh ban cho các Giám mục trong giáo phận của mình, một năm có thể ban ơn toàn xá 3 lần và hôm nay trong ngày đại lễ, chúng ta sẽ hưởng ơn toàn xá Hội thánh”.

Trong bài giảng lễ, dựa theo câu chuyện Tin Mừng thánh Gioan tường thuật biến cố Chúa Giê-su Phục sinh đã hiện ra với các tông đồ và đặc biệt với tông đồ Tôma đang còn nghi ngại mầu nhiệm sống lại của Chúa Giê-su, Đức Cha đã chia sẻ như sau: “Các nhà tu đức học cho rằng: không phải Tôma không tin việc thầy mình sống lại cho bằng ông muốn được nhìn thấy, được cảm nhận, được động chạm và nhất là được chạm tới trái tim, tức là cảm nhận tình yêu vô bờ của Chúa dành cho nhân loại và cách riêng là dành cho chính ông. Để ông có thể trở nên chứng nhân của Thầy kể cả chịu chết vì thầy thì ông cũng muốn được như anh em, được nhìn thấy, được động chạm để cảm nhận một tình yêu đến tận cùng của Thầy và cũng là Chúa của ông… Lịch sử Giáo Hội Công Giáo hơn 2000 năm cũng là lịch sử của lòng tin mạnh mẽ, trải qua những thăng trầm, những bách hại và hơn nữa ngày nay chứng kiến sự lạm dụng tự do dẫn tới ngăn cản quyền sống, hạn chế quyền tự do lương tâm và sự xuống cấp những chuẩn mực đạo đức đã và đang ngăn cản đức tin của con cái Chúa nơi thế giới con người”. Và từ đó Đức Cha đã kết nối ý nghĩa của ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót được cử hành trong ngày lễ Chúa Nhật 2 Phục sinh: “Nhưng Chúa không bỏ rơi chúng ta, Giáo hội nói chung và mỗi người chúng ta luôn được Chúa Giê-su ban ơn đồng hành như Lời Người đã phán: “Thầy ở cùng với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Chính mỗi người chúng ta cũng cảm nhận được phúc lành của Chúa khi chúng ta can đảm tuyên xưng đức tin, tình yêu mến qua dòng lịch sử của Giáo hội với lời chúc phúc đầy thân thương của Chúa Giêsu : “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Ngày hôm nay, để nâng đỡ chúng ta Chúa ban thêm một dấu chỉ qua thánh nữ Faustina đó là Chúa Giê-su biểu lộ lòng thương xót qua tình yêu đến tận cùng. Chính Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phao Lô 2 khi quyết định tôn kính, cổ vũ khuyến khích và dành ngày Chúa nhật 2 Phục sinh hàng năm là lễ kính Lòng Thương Xót, để mời gọi chúng ta lại một lần nữa như động chạm, cảm nhận trái tim tình yêu đến tận cùng của Chúa”. Cộng đoàn dân Chúa cũng được mời gọi “tái khám phá ra và đón nhận món quà tình yêu của Chúa là món quà tình yêu, là lòng thương xót; để rồi chúng ta mang về gia đình, mang đến công sở, trường học hay bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện sống và làm việc. Đó là tâm tình của thánh Tôma tông đồ cảm nhận động chạm tới tình yêu của Chúa Giêsu, nơi chính trái tim của người”.

Thánh lễ tôn kính Lòng Chúa Thương Xót được kết thúc với tâm tình đặc biệt của Đức Cha Giuse trước khi ban phép lành Toàn Xá, vì là lần đầu tiên chủ tế thánh lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa tại Giáo phận Đà Nẵng sau 1 năm ngài nhậm chức Giám mục giáo phận: “Thánh lễ hôm nay thật cảm động. Trong cuộc đời làm mục tử của mình, năm nay cũng là năm thứ 10, thì với giáo phận Lạng Sơn mỗi năm mừng ngày lễ này chỉ có khoảng 200 đến 300 giáo dân; còn ngày hôm nay,với anh chị em cộng đoàn Lòng Thương Xót, cùng với dân Chúa giáo xứ Chính Tòa và nhiều giáo xứ khác tham dự, đã để lại giá trị đức tin.”

Phêrô Nguyễn Toàn

 

Nguồn tin: Giáo phận Đà Nẵng

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*