Như thế nào để được thực hành phương pháp kế hoạch hóa gia đình tự nhiên?

hp-66d26Câu hỏi: Như thế nào được xem là “nghiêm trọng” để được thực hành phương pháp kế hoạch hóa gia đình tự nhiên? Một số người gọi đây là cách tránh thai theo kiểu Công Giáo. Người khác thì nói ngược lại. Có giáo huấn nào trực tiếp trả lời câu hỏi này không?

Trả lời: Trước hết cần phải hiểu rằng chúng ta đang nói về kế hoạch hóa gia đình theo phương cách tự nhiên chứ không phải bất cứ loại tránh thai nào giúp quan hệ tình dục mà không có con.

Một số người gọi mình là “người theo thuyết tin rằng sự quan phòng của Chúa” khi cho rằng Chúa đã cho mình bao nhiêu con mà Ngài muốn. Dĩ nhiên, các đôi vợ chồng (và tất cả những Kitô hữu) nên tin vào sự quan phòng của Chúa. Nhưng như Germain Grisez nói, “sự quan phòng ấy cho các đôi vợ chồng Công Giáo lý trí được đức tin soi dẫn và khả năng để hành động theo nó.” Mộ đạo không được lầm lẫn với suy đoán.

Thông điệp Casti Connubii của Đức Pius XI không đề cập chính xác điểm này nhưng chỉ nói về “nhân đức tiết dục mà luật Kitô giáo cho phép trong hôn nhân khi cả hai vơ chồng cùng đồng ý.” Chính Đức Pius XI cũng nói đến nghĩa vụ phải lan truyền sự sống, ngoại trừ bốn trường hợp có “động cơ nghiêm trọng”: y tế, ưu sinh, kinh tế và xã hội. Như thế, theo Đức Pius XII, chọn lựa trì hoãn việc sinh con sẽ được chấp nhận với điều kiện hợp lý và chính đáng. Không có những điều kiện hợp lý và chính đáng này thì việc không muốn có con sẽ đi ngược với sự sống và luật luân lý.

Công Đồng Vatican cũng dạy rằng: “Hôn nhân và tình yêu đôi lứa, tự bản chất, phải hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái. Con cái thực sự là món quà cao vời nhất của hôn nhân và góp phần vào sự phong phú của cha mẹ.” (Gaudium et Spes, số 50). Cùng với Giáo Luật 1055, triệt 1, và GLGHCG số 1601, Công Đồng nói đến những yếu tố mà các cặp vợ chồng phải cân nhắc: hạnh phúc của mình và con cái (đã có hoặc chưa có); những điều kiện vật chất và tinh thần; thậm chí là những lợi ích của nhóm gia đình, xã hội lúc này và của chính Giáo Hội. Công Đồng dạy rằng: “Chính cha mẹ phải suy xét điều này trước mặt Chúa” (GS, số 50). Đây không thể là một quyết định võ đoán tùy tiện nhưng là một phán đoán của lương tâm, phù hợp với luật của Chúa và giáo huấn của Giáo Hội là nơi giải thích luật ấy dưới ánh sáng của Tin Mừng.

Trong vấn đề hòa hợp giữa tình yêu lứa đôi với sự sống con người, Công Đồng dạy rằng phương diện luân lý của chọn lựa ở đây “không chỉ phụ thuộc vào ý hướng chân thành” (chỉ động cơ), nhưng còn vào những chuẩn mực khách quan “dựa trên bản tính của con người và hành vi của người ấy trong việc bảo tồn ý nghĩa trọn vẹn của sự trao ban lẫn nhau và sinh sản trong bối cảnh của một tình yêu thực sự” (GS, số 51).

Tiếp đến, Đức Phaolo VI trong Humanae Vitae,  số 10 và 16, tiếp tục giáo huấn của Đức Pius XII và Công Đồng, khi nói rằng: “Các cặp vợ chồng có thể cân nhắc dựa trên những điều kiện về thể lý, kinh tế, sinh lý và xã hội để quyết định cách sáng suốt và quảng đại là có thêm con hay không, và với những ai quyết định không có thêm con trong một thời gian không xác định nào đó thì phải có những lý do nghiêm trọng và tôn trọng những quy định luân lý.”

Huấn dụ của Đức Gioan Phaolo II, Familiaris Consortio, lại chẳng đề cập gì đến “những lý do” để thực hiện việc kế hoạch hóa gia đình bằng phương pháp tự nhiên. Tuy nhiên, trong một quyển sách tổng hợp các loạt bài nói chuyện của ngài có tựa đề Những suy tư vầ Humanae Vitae (1984), ngài có nói đến vấn đề này rất cụ thể. Ngài nói rằng phương pháp tránh thai tự nhiên có thể sẽ bị lạm dụng nếu sử dụng vì “những lý do không đáng”. Do đó, cần phải suy xét kỹ, không chỉ vì lợi ích của gia đình, nhưng còn sức khỏe và khả năng của vợ chồng, nhưng còn vì thiện ích cho xã hội và Giáo Hội.

Cuối cùng, trong Thông Điệp Evangelium Vitae, trong phần dành để nói về việc xây dựng một “văn hóa sự sống” mới, Đức Gioan Phaolo II cũng nói về việc huấn luyện, đào tạo các cặp vợ chồng trong việc sinh sản có trách nhiệm: “Điều này xảy ra khi gia đình quảng đại mở ra với những mầm sống mới, và khi vợ chồng có một thái độ cởi mở và phục vụ sự sống, cho dù, vì những lý do nghiêm trọng và trong sự tôn trọng luật tự nhiên, họ có thể tránh có con trong một khoảng thời gian hay mãi mãi”.

Quan điểm Công Giáo mời gọi sự quảng đại của các đôi vợ chồng, nhưng cũng nhận ra là có khi vì những lý do nghiêm trọng, họ không thể có thêm con cái. Điều quan trọng là khi làm việc này, họ phải tự vấn mình là họ có đáp lại lời mời gọi của Chúa để quảng đại phục vụ sự sống hay không.

(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 130)

Lược dịch: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*