Bài giảng đa ngôn ngữ được thực hiện như thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con tự hỏi làm thế nào để cử hành một Thánh lễ song ngữ, khi chỉ có khi một linh mục nói tiếng Anh trong một cộng đồng nhiều người nói tiếng Tây Ban Nha tại một giáo xứ Mỹ, đặc biệt liên quan đến bài Tin Mừng và bài giảng. Chủ tế có thể công bố bài Tin Mừng bằng tiếng Anh và một giáo dân đọc lại bằng tiếng Tây Ban Nha không, và sau bài giảng có phần tóm lược bằng tiếng Tây Ban Nha không? – O. K., Tomball, Texas, Mỹ.

Đáp: Mặc dầu chúng tôi đã giải quyết các câu hỏi tương tự trong nhiều năm qua, các câu trả lời trước đây dựa nhiều vào sự quan sát và giải thích cá nhân hơn là vào các qui định chính thức. Từ các trả lời ấy, Ủy ban phụng vụ thuộc Hội Đồng Giám Mục Mỹ đã công bố một số hướng dẫn làm sáng tỏ tình trạng này, mặc dù hướng dẫn chỉ nói đến tình huống đa ngôn ngữ chứ không phải là tình huống song ngữ. Toàn bộ các hướng dẫn này có thể được tìm thấy tại: http://www.usccb.org/prayer-and-worship/the-mass/frequently-asked-questions/guidelines-for-a-multilingual-celebration-of-mass.cfm.

Tài liệu này cũng cho rằng các giáo xứ đa ngôn ngữ chăm lo các nhu cầu thiêng liêng của các tín hữu, và do đó, Thánh lễ đa ngôn ngữ nên là hiếm khi cử hành và nên sử dụng cho các dịp mà các cộng đồng qui tụ lại với nhau. Vì vậy, nó không chú ý đến tình huống của một linh mục không nói được ngôn ngữ thứ hai.

Tuy nhiên, chúng tôi trình bày ở đây một số các qui định áp dụng cho Thánh Lễ.

“1. Nghi thức đầu lễ- “Mục đích các nghi thức này là giúp cho các tín hữu đã tập họp được hiệp thông với nhau và chuẩn bị tâm hồn để nghe Lời Chúa cho nghiêm chỉnh và để cử hành Thánh Lễ cho xứng đáng” (GIRM, số 46; bản dịch Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma bằng Việt Ngữ của linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang). Do đó, mọi nỗ lực cần được thực hiện để tạo sự sắp xếp sẵn sàng cho những người tập họp.

“a. Sự lựa chọn âm nhạc cho đám rước, lời chào mừng đầu lễ và âm nhạc cho nghi thức sám hối, kinh Vinh Danh (Gloria), có thể gợi ra một nhận thức về tính đa dạng văn hóa và ngôn ngữ của những người tập họp cho phụng vụ.

“b. Lời mời gọi cầu nguyện trước lời Tổng nguyện có thể được thực hiện bằng các ngôn ngữ khác nhau của ngưởi tập họp. Lời Tổng nguyện nên được đọc trong một ngôn ngữ mà thôi để bảo tồn tính toàn vẹn của nó.

“2. Phụng vụ Lời Chúa – “Qua lời Thánh Kinh đọc trong Hội Thánh, chính Thiên Chúa nói với dân Ngài và Ðức Kitô, hiện diện trong lời của mình, loan báo Tin Mừng. Bởi đó, mọi người phải kính cẩn lắng nghe các bài đọc Lời Chúa, một yếu tố rất quan trọng trong phụng vụ. Mặc dầu Lời Chúa trong các bài đọc Thánh Kinh hướng về mọi người, thuộc mọi thời đại, và họ có thể hiểu được, nhưng Lời Chúa sẽ thêm hiệu lực, nhờ việc trình bày sống động, tức là nhờ bài diễn giảng, là thành phần của hành động phụng vụ” (GIRM, số 29; bản dịch, như trên).

“Để lời Kinh Thánh có thể nghe với lòng tôn kính và mọi người đều hiểu, cần chú trọng đến các ngôn ngữ mà lời Chúa được công bố và được quảng diễn trong bài giảng.

“a. Một hoặc cả hai bài đọc trước bài Tin Mừng phải được công bố bằng ngôn ngữ được đa số người tập họp hiểu được. Nếu hai bài đọc sẽ được công bố, một bài có thể được công bố trong một ngôn ngữ khác thích hợp với các người tập họp. Như một gợi ý, bởi vì bài đọc 1 và bài Tin Mừng thường có chủ đề tương tự, chúng có thể được công bố trong các ngôn ngữ khác nhau, để mỗi nhóm có thể nghe ít nhất một số trong các chủ đề chính của lời Kinh Thánh trong ngày.

“b. Các sách in nhỏ, vốn cung cấp các bản dịch của các bài đọc Kinh Thánh, đã tỏ ra hữu ích và cần được tiếp tục. Việc cung cấp một bài bình giải ngắn trong các tập tài liệu có thể có hiệu quả, chẳng hạn một câu mà Sách Bài Đọc cung cấp.

“c. Trong Thánh lễ đa ngôn ngữ, Thánh vịnh đáp ca có thể được chia thành các ngôn ngữ khác nhau, vốn có thể là một cảm nghiệm phong phú. Việc đưa bản dịch của các câu đã được chứng tỏ là hiệu quả. Ngôn ngữ được sử dụng có thể là (mặc dù không nhất thiết) cùng ngôn ngữ như bài đọc 1, bởi vì Thánh Vịnh trong một cách nào đó đáp trả với nó, và điều này sẽ cho thấy mối quan hệ là rõ ràng hơn. Điệp ca được sử dụng với Thánh Vịnh nên là cùng ngôn ngữ như bài Thánh vịnh hoặc đa ngôn ngữ.

“d. Bài Tin Mừng, mà chính Chúa Kitô công bố, có thể được đọc trọn vẹn bằng nhiều hơn một ngôn ngữ…. Khi kết thúc đọc bài Tin mừng trong ngôn ngữ thứ nhất, một thừa tác viên ngay lập tức tiến hành công bố bài Tin mừng trong ngôn ngữ tiếp theo. Lời kết luận chỉ được đọc một lần sau lần đọc bằng ngôn ngữ sau cùng. Câu Alleluia song ngữ / đa ngôn ngữ cũng là hữu ích. Không khuyến khích chia bài Tin Mừng thành nhiều phần khác nhau cho các ngôn ngữ khác nhau.

“e. Bài giảng thường nên được thực hiện bằng ngôn ngữ hiểu theo đa số người có mặt. Một bản tóm tắt ngắn có thể được đưa ra trong các ngôn ngữ khác. Vị giảng lễ có thể phản ánh chủ đề tương tự trong bản tóm tắt của mình, trong khi đưa thêm một sự triển khai khác hoặc minh họa văn hóa khác.

. “f. Nhiều tùy chọn cho lời nguyện giáo dân có sẵn:

“i. Việc mời gọi cho từng lời cầu có thể được đưa ra trong các ngôn ngữ khác nhau mà người tập họp hiểu được (thí dụ, “Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội” và “Chúng ta hãy cầu nguyện cho người bệnh” …). Sau mỗi lời mời, sự dừng lại im lặng một chút sẽ cho phép cộng đoàn hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho ý chỉ đặc biệt. Câu kết cho từng lời cầu sau đó có thể được nói hoặc hát trong cùng một ngôn ngữ, để nói lên đặc điểm phù hợp và trôi chảy của câu đáp giữa cộng đoàn.

“ii. Hoặc, mỗi lời cầu có thể nói hoặc hát trong một ngôn ngữ khác, mỗi lời với một câu đáp chung, ví dụ như, Kyrie eleison (Xin chúa thương xót chúng con) hoặc Te rogamus audi nos (Xin Chúa nghe lời chúng con) hoặc Domine, nos exaudi (Xin Chúa nhậm lời chúng con) … Điều này sẽ loại bỏ sự lặp lại của lời mời gọi trong nhiều ngôn ngữ cho mỗi lời cầu.

“iii. Hoặc, phần đầu của lời cầu có thể được đưa ra trong một ngôn ngữ và phần thứ hai (câu đáp của cộng đoàn) được đưa ra trong một ngôn ngữ khác.

“3. Phụng vụ Thánh Thể

“Chuẩn bị lễ phẩm.”Bắt đầu phụng vụ Thánh Thể, thì đưa lên bàn thờ các lễ phẩm sẽ trở thành Mình và Máu Ðức Kitô” (GIRM, số 73; bản dịch, như trên). Bánh và rượu, cũng như lễ phẩm cho Giáo Hội hoặc người nghèo, được các tín hữu mang tới hay thu góp được trong Thánh Lễ, là thích hợp.

“b. Kinh nguyện Thánh Thể. Để giữ gìn sự toàn vẹn của Kinh Nguyện Thánh Thể, toàn bộ các phần của linh mục trong Kinh nguyện (từ Kinh Tiền tụng cho đến Vinh tụng ca) phải là cùng trong một ngôn ngữ. Lời tung hô được công bố bởi cộng đoàn có thể hoặc là đa ngôn ngữ hoặc trong ngôn ngữ của Kinh Nguyện Thánh Thể.

“c. Nghi thức Hiệp Lễ. Bởi vì Kinh Lạy Cha là chung cho tất cả các Kitô hữu, các thành viên của cộng đoàn có thể được mời đọc kinh theo ngôn ngữ của mình cùng lúc với các người khác. Nếu không, để duy trì sự toàn vẹn của nghi thức Rước lễ, Kinh Lạy Cha nên tiến hành trong một ngôn ngữ (khác với các Kinh Nguyện Thánh Thể). Kinh lạy Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) có thể là đa ngôn ngữ hoặc trong ngôn ngữ của phần còn lại của nghi thức Hiệp lễ.

“4. Nghi thức kết thúc – Khi có nhiều hình thức trang trọng hơn của việc ban phép lành được lựa chọn, mỗi lời chúc phúc có thể được đưa ra trong các ngôn ngữ đan xen thích hợp cho người tham dự”.

Trong phần thứ ba, tài liệu cung cấp các qui định hợp lệ cho âm nhạc, bao gồm việc đề nghị cộng đoàn học hát các thánh ca Latinh phổ biến nhất cho Lễ quy Thánh lễ, và việc sử dụng các bài hát quen thuộc trong nhiều ngôn ngữ.

Trong trường hợp đặc biệt của độc giả chúng ta trên đây, phần lớn Thánh Lễ là bằng tiếng Anh với một số phần bằng tiếng Tây Ban Nha. Tài liệu trên giả định rằng chính linh mục đọc bản tóm tắt bài giảng của mình, và thực sự đây sẽ là trường hợp tốt nhất. Sự nhiệt tâm và nỗ lực của nhiều linh mục nói tiếng Anh tại Mỹ, để đáp ứng nhu cầu mục vụ của dân số nói tiếng Tây Ban Nha đang gia tăng, là thực sự đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, việc học một ngôn ngữ mới không bao giờ là dễ dàng, và việc làm như vậy khi một người đã được thăng tiến trong đời sống, là dễ làm nản chí, và không phải lúc nào cũng khả thi.

Các khó khăn này thường phức tạp bởi sự việc rằng không phải tất cả những người nhập cư nói cùng một kiểu tiếng Tây Ban Nha. Và có cả các người nhập cư nông thôn từ các quốc gia như Peru và Mexico, mà tiếng Tây Ban Nha không phải là ngôn ngữ số một của họ.

Bất chấp khó khăn này, người ta thường có thể học ít nhất cách đọc ngôn ngữ cho chính xác, và giải pháp tốt nhất là linh mục đọc bản văn đã chuẩn bị của mình. Kinh nghiệm của tôi với người nói tiếng Tây Ban Nha là họ đều là những ngưởi dễ chịu và có tính xây dựng khi thừa tác viên cố gắng nói ngôn ngữ của họ. Họ cũng rất bao dung và tha thứ cho các lỗi và chữ không chính xác.

Tôi không nghĩ rằng việc một giáo dân đọc một bản dịch của bài giảng là một giải pháp khả thi. Nó có thể gây nhầm lẫn và để lại ấn tượng rằng người giáo dân ấy đang thực sự giảng lễ, một điều đã nhiều lần bị cấm. Ngoài ra, một bài giảng là còn hơn một bản văn được đọc; nó gần gũi hơn với cuộc nói chuyện, một giao tiếp cá nhân, mà trong đó thừa tác viên có chức thánh

giải thích lời Chúa và khuyên nhủ các tín hữu sống theo những gì họ đã nghe. Do đó, yếu tố cá nhân là rất hữu ích cho hiệu quả của sự truyền thông.

Một giải pháp hợp pháp là linh mục giảng bằng tiếng Anh trong khi một người khác, một phó tế hay một giáo dân, cùng dịch đồng thời bài giảng ấy hoặc đọc một bản văn đã chuẩn bị sau đó. Theo một thừa tác viên mục vụ kinh nghiệm, đây là giải pháp được ưa thích và tốt nhất trong nhiều giáo xứ. Thừa tác viên ấy đã viết:

“Việc dịch đồng thời duy trì tương quan ‘giao tiếp’ gốc của mục tử với đàn chiên của mình. Kinh nghiệm gần đây của tôi về tình trạng này ở Mỹ là trình độ tiếng Anh của các người nghe [nói tiếng Tây Ban Nha] là cực kỳ đa dạng. Một số sẽ hiểu 100%, một số hiểu 80%, 50%, … Những người không hiểu tiếng Anh có lời dịch trực tiếp sống động, và họ cũng có thể cảm nhận được tính cách của linh mục trong cung giọng, nét mặt và cử chỉ của ngài. Nó thiết lập một mối quan hệ cá nhân nhiều hơn so với chỉ lắng nghe một bản văn viết được đọc cho họ nghe.

“Tôi đã thấy nhiều linh mục làm điều này trong một cách hấp dẫn, vốn tạo ra được một mối quan hệ rất sống động với cộng đoàn, ngay cả khi người giảng không nói một từ ngữ nào trong ngôn ngữ của họ. Trong tình hình được mô tả, chắc chắn có nhiều người muốn làm việc dịch thuật đồng thời và, cuối cùng, tất cả sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc đó”.

Nếu một việc dịch đồng thời là không khả thi, có thể một người nào đó dịch sẵn bài giảng trước, thì tôi tin rằng giải pháp tốt nhất là linh mục giảng bằng tiếng Anh và sau mỗi đoạn hay điểm chính, một người khác đọc bản dịch, tốt nhất sử dụng một micro khác.

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 5-1-2016)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*