Bài ca của Đức Ma-ri-a, Bài ca lòng Chúa xót thương – Bài 2

Đức Ma-ri-a hoàn tất bài ca Ngợi Khen của Mẹ bằng một tấm chân tình cảm tạ tri ân đối với lòng Chúa xót thương dành cho dân tộc Mẹ, vì Ngài đã không quên lời hứa của Ngài.
Bài ca của Đức Ma-ri-a, Bài ca lòng Chúa xót thương

Bài ca của Đức Ma-ri-a, Bài ca lòng Chúa xót thương

Suy niệm Năm Thánh Lòng Thương Xót – Bài 2 – Bài ca của Đức Ma-ri-a, bài ca lòng Chúa xót thương (Lc 1, 46-55)

Dẫn nhập:

Đức Ma-ri-a đã cất lên bài “Ngợi khen” ca ngợi “lòng Chúa xót thương” trong bối cảnh “thăm viếng bà Ê-li-sa-bét”. Bà Ê-li-sa-bét “được đầy tràn Thánh Thần” (1,41) nhận biết đầy đủ ý nghĩa của những sự việc xảy ra trong lòng bà và chung quanh bà, từ đó bà đã cất tiếng ca ngợi hai ân phúc lớn lao hình thành nên sự cao cả của Đức Ma-ri-a, người em họ mình: Ân phúc được làm Mẹ Thiên Chúa (1,42-43) và ân phúc vì Mẹ đã tin rằng lời Chúa nói với Mẹ sẽ được thực hiện (1,45). Ở nơi Đức Ma-ri-a, hai ân phúc này là một, theo đó ân phúc được làm Mẹ Thiên Chúa là kết quả của ân phúc tin vào lời Chúa. Quả thật, ngay khi tin rằng lời Chúa nói với Mẹ sẽ được thực hiện, Đức Ma-ri-a trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa làm người trong cung lòng Mẹ.

Đây là điều Mẹ đã muốn giữ kín trong lòng, nay bà Ê-li-sa-bét đã phát hiện, vì thế Mẹ không còn lý do gì để giữ kín nữa, nhưng để cho niềm cảm tạ tri ân của mình vỡ tràn thành bài ca“Ngợi khen”“Hoa trái đầu tiên của Chúa Thánh Thần là bình an và niềm vui. Và Đức Trinh Nữ đã đón nhận trong cung lòng của Mẹ tất cả ân sủng của Chúa Thánh Thần” (St Basil, In Psalmos homiliae, on Ps 32).

Bài “Ngợi khen” của Đức Ma-ri-a hòa nhập vào dòng chảy cảm tạ tri ân của những người Do Thái mộ đạo. Đối với người Do Thái đạo hạnh, không có biến cố nào, dù giản dị mấy đi nữa, mà không trở thành một bài ca chúc tụng Thiên Chúa của mình. Một ngày sống của một người Do Thái thánh thiện được đan dệt bằng những lời cảm tạ và tri ân Thiên Chúa của mình. Tâm tình mà người Do Thái dành cho Thiên Chúa của mình rất cụ thể, thực tế. Họ không bao giờ chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong thế giới trừu tượng, nhưng thân thưa với Thiên Chúa của mình là Đấng sáng tạo, Đấng hoạt động, Đấng can thiệp, cất tiếng cảm tạ và tri ân lòng Chúa xót thương qua một sự kiện hay một biến cố chính xác, và trên hết, vì Giao Ước.

Do đó, có biết bao bài thánh thi tự phát mà Cựu Ước vẫn còn trân trọng bảo tồn cho chúng ta, chẳng hạn như nguồn thi hứng bất tận của nhiều Thánh vịnh; bài thánh thi của ông Môsê ca ngợi ơn cứu thoát của Thiên Chúa sau khi vượt qua biển Đỏ (Xh 15,1-18); bài thánh thi của bà Đơvôra hát mừng Thiên Chúa, Đấng thân chinh cùng Ít-ra-en trong cuộc chiến thắng quân Ca-na-an (Tl 5,1-31); những bài thánh thi trong sách Tô-bi-a, nhất là bài thánh thi sau cùng xưng tụng Thiên Chúa vì đã cho họ được thấy một thiên sứ của Thiên Chúa (Tb 13,1-17); và cuối cùng, đặc biệt là bài thánh thi của bà An-na, mẹ của ông Sa-mu-en, bà cất tiếng cảm tạ tri ân lòng Chúa xót thương dành cho bà khi ban cho bà một người con biết bao mong đợi (1 Sm 2,1-10). Bài “Ngợi khen” của Đức Ma-ri-a được khơi nguồn cảm hứng từ bài thánh thi của bà An-na này.

Trong bài “Ngợi khen” của Đức Ma-ri-a, các câu Kinh Thánh không được trích dẫn cách minh nhiên, tuy nhiên chúng được đan kết với nhau bằng những ngôn từ, những diễn ngữ gợi mở độc giả đến những câu, những đoạn Kinh Thánh Cựu Ước đa dạng. Mỗi người Do Thái đạo hạnh vào thời đó đã cầu nguyện bằng những lời Kinh Thánh hay suy gẫm những gì mà họ nhớ khi đọc Kinh Thánh, vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi đọc thấy trong bài Ngợi khen, Đức Ma-ri-a thốt lên những lời cầu nguyện theo cùng cách thức như thế.

Thêm nữa, chính Chúa Thánh Thần đã gợi hứng cho các tác giả Cựu Ước, bây giờ Ngài gợi hứng cho Đức Ma-ri-a cất tiếng ngợi khen lòng Chúa xót thương: “Kinh Magnificat, – có thể nói, là bức chân dung của tâm hồn Mẹ – hoàn toàn được dệt nên bằng các sợi chỉ Kinh Thánh, những sợi chỉ rút ra từ Lời Chúa. Như thế, khi ở trong Lời Chúa, Đức Ma-ri-a tỏ ra thật sự ở trong nhà mình, Mẹ thoải mái đi ra đi vào. Mẹ nói năng và suy nghĩ nhờ Lời Chúa; Lời Chúa trở thành lời của Mẹ, và lời của Mẹ phát sinh từ Lời Chúa. Ở đây, chúng ta thấy tư tưởng của Mẹ hoà điệu với tư tưởng của Thiên Chúa như thế nào, ý muốn của Mẹ nên một với ý muốn của Thiên Chúa như thế nào. Vì được Lời Chúa thấm nhuần sâu xa, Đức Ma-ri-a có thể trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể” (ĐTC Bênêđictô XVI, “Verbum Domini”, 74).

Bài “Ngợi khen” này, một bài thánh thi lóng lánh những sắc màu chan chứa tâm tình cảm tạ và tri ân lòng Chúa xót thương, gồm ba khổ thơ được phân biệt rất rõ nét:

A- Đức Ma-ri-a ca ngợi lòng Chúa xót thương dành cho bản thân Mẹ (1,46-50).

B- Đức Ma-ri-a ca ngợi lòng Chúa xót thương dành cho những người phận nhỏ (1,51-53).

C- Đức Ma-ri-a ca ngợi lòng Chúa xót thương dành cho dân tộc Mẹ (1,54-55).

A- Đức Ma-ri-a ca ngợi lòng Chúa xót thương dành cho bản thân Mẹ (1,46-50)

Trong khổ thơ thứ nhất (1,46-50), Đức Ma-ri-a cất tiếng ngợi khen lòng Chúa xót thương dành cho bản thân Mẹ, vì Ngài đã ban cho Mẹ biết bao ân phúc.

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (1,46-47)

Bài ca của bà An-na cũng bắt đầu với tâm tình tương tự như vậy:

“Tâm hồn con hoan hỷ vì Đức Chúa,

nhờ Đức Chúa, con ngẩng đầu hiên ngang.

Con mở miệng nhạo báng quân thù:

Vâng, con vui sướng vì được Người cứu độ” (1 Sm 2,1).

W. Barclay nhận xét rằng những câu mở đầu bài “Ngợi khen” của Đức Ma-ri-a dưới khía cạnh “cuộc cách mạng tâm linh”“Cô thiếu nữ trẻ trung, đơn sơ, khiêm nhường của Na-da-rét hai ngàn năm trước đã nhận được cuộc thăm viếng kỳ diệu của Chúa. Hồng ân tuyệt diệu đó đã tác động, biến đổi, khiến cô có thể dâng bài ca chúc tụng Chúa Hằng Sống” (W. Barclay, TM Luca, 14).

“Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc” (1,48)

Trong trường hợp của Đức Trinh Nữ, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ nhiều ân ban hơn bất cứ người nào khác, đặc biệt chỉ là một trinh nữ hèn mọn làng quê Na-da-rét được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Con Một nhập thể của Ngài. Từ trước cho đến nay, Thiên Chúa đã biểu lộ lòng xót thương của Ngài cho biết bao người trong dân Chúa chọn như Ngài đã cất nỗi tủi nhục của bà Xa-ra, mẹ của I-xa-ác; bà An-na, mẹ của Sa-mu-en; hay bà Ê-li-sa-bét, mẹ của Gioan Tẩy Giả, nhưng chưa bao giờ Ngài bày tỏ lòng xót thương dành cho Đức Ma-ri-a đến mức Mẹ vừa là Mẹ của Con Một Ngài vừa là Trinh Nữ.

Vào ngày lễ tôn kính Đức Ma-ri-a, Giáo Hội đã ca ngợi Mẹ ở nơi ân phúc cao vời này: “Lạy Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ thật diễm phúc, vì đã cưu mang Đấng tạo thành nên Mẹ và muôn đời Mẹ vẫn trinh khiết” (Sách lễ Rôma, Ca nhập lễ). Đức Thánh Cha Pi-ô X mời gọi các tín hữu:“Vui với Đức Mẹ vì phẩm giá của Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và ca ngợi Chúa, cảm tạ Ngài vì đã ban cho chúng ta Đức Giê-su Ki-tô qua Đức Ma-ri-a”(St Pius X Cathechism, 333).

Việc Đức Ma-ri-a tự nhận mình là “Phận nữ tỳ hèn mọn” khiến thánh Bê-na-đô đã phải thốt lên: “Sự chết đã đột nhập vào thế gian qua sự tự cao tự đại của hai ông bà nguyên tổ chúng ta như thế nào, thì Sự Sống đột nhập vào thế gian được bày tỏ qua đức khiêm hạ của Đức Ma-ri-a cũng như vậy” (In Lucae Evangelium expositio, in loc.). Với lời này “Người đoái thương nhìn tới”, Đức Ma-ri-a không còn tham chiếu đến bài ca của bà An-na nữa, nhưng đến lời khấn hứa nồng nàn thấm đẫm nước mắt của bà An-na khi thổ lộ tâm can cùng Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, nếu Người đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Người đây” (1 Sm 1,10).

Thiên Chúa ân thưởng cho đức khiêm hạ của Đức Trinh Nữ khi vén mở cho nhân loại nhận biết sự cao cả của Mẹ:“Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Lời này được ứng nghiệm mỗi lần người tín hữu đọc Kinh Kính Mừng, và quả thật trên trần thế Mẹ được ca ngợi liên tục không hề dứt. “Từ những thời rất xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu ‘Mẹ Thiên Chúa’, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó. Nhất là từ công đồng Ê-phê-xô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Đức Ma-ri-a cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn và noi gương đúng như lời Mẹ đã tiên báo: ‘Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc trọng đại’” (Vatican II, Lumen gentium, 66).

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!” (1,49)

Lời này được mượn ý tứ từ Tv 71,19: “Người làm những việc lớn lao, lạy Thiên Chúa, nào ai sánh tày!” và được thích ứng vào cá nhân Đức Ma-ri-a. Đức Ma-ri-a thêm vào đây một lời khẩn nguyện của riêng mình: “Danh Người thật chí thánh chí tôn!”, kiểu nói này mang đậm nét Do Thái và được Chúa Giê-su lấy lại trong Kinh Lạy Cha: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Lc 11,2).

“Đời nọ đến đời kia,

Chúa hằng thương xót

những ai kính sợ Người” (1,50)

Ngay từ giây phút Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng trinh khiết của Đức Ma-ri-a, những lời này mở ra một viễn cảnh lịch sử cứu độ. Sau biến cố Phục Sinh của Đức Giê-su, viễn cảnh này thật sự mới về cả phương diện lịch sử lẫn phương diện cánh chung. Từ đó cho đến nay, lòng Chúa thương xót không hề dứt, từ thế hệ này đến thế hệ khác, dành cho những ai kính sợ Chúa trong gia đình nhân loại bao la, theo chiều hướng càng lúc càng gia tăng. Đó cũng là lòng Chúa thương xót không hề vơi, từ thế hệ này đến thế hệ khác, dành cho Dân Thiên Chúa Mới, được ghi dấu cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su và “được đóng ấn” bởi mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Một mặc khải tuyệt mức về lòng Chúa xót thương mà Đức Ma-ri-a đã công bố ở ngưỡng cửa nhà chị họ của Mẹ.

Trong khổ thơ thứ nhất này, Đức Ma-ri-a ngợi khen lòng Chúa xót thương dành cho Mẹ khi Ngài chọn Mẹ làm Mẹ Con của Ngài, dù Mẹ chỉ là phận nữ tỳ hèn mọn, chẳng có công trạng gì. Đó là lý do tại sao các thế hệ tương lai sẽ gọi Mẹ là người có phúc nhất. Do đó, Mẹ hiểu hơn ai hết rằng biến cố Nhập Thể là cách thức diễn tả tận mức lòng Chúa xót thương. “Vì thế, Đức Ma-ri-a là người ‘có một sự hiểu biết sâu xa nhất về mầu nhiệm lòng xót thương của Thiên Chúa’. Mẹ biết giá trị của mầu nhiệm này, Mẹ biết mầu nhiệm này thật vĩ đại biết bao.

Theo ý nghĩa này, chúng ta gọi Mẹ: ‘Đức Bà đầy tràn lòng Chúa xót thương’  hay “Đức Mẹ chan chứa lòng Chúa xót thương”; ở nơi mỗi tước hiệu này có một ý nghĩa thần học sâu xa, vì chúng diễn tả sự chuẩn bị đặc biệt của tâm hồn Mẹ, toàn bộ nhân cách của Mẹ, đến nỗi Mẹ đã có thể nhận biết, qua những biến cố phức tạp, trước hết của Ít-ra-en, đoạn của mỗi một cá nhân và của toàn thể nhân loại, rằng lòng Chúa xót thương dành cho họ ‘đời nọ đến đời kia’ đó là trở nên những người được dự phần vào kế hoạch ngàn đời của Ba Ngôi Cực Thánh” (Đức Gio-an Phao-lô II, Dives in misericordia, 9).

B- Đức Ma-ri-a ca ngợi lòng Chúa xót thương dành cho những người phận nhỏ (1,51-53)

Trong khổ thơ thứ hai (1,51-53), nhân danh những người phận nhỏ, Đức Ma-ri-a tán dương Thiên Chúa vì Ngài hằng đoái thương nhìn đến phận hèn bé mọn của họ (1,51-53).

“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (1,51)

W. Barclay giải thích câu này dưới khía cạnh“cuộc cách mạng luân lý”. Đối với những ai tự cao tự đại cho mình trên những người khác và khinh thường những người khác, Thiên Chúa sẽ phân tán họ như Ngài đã phân tán những người xây dựng tháp Ba-ben “có đỉnh cao chọc trời” và tự cao tự đại rằng “ta phải làm cho danh ta lẫy lừng” (St11,4). Thánh J. Escriva giải thích như sau: “Khi tính tự cao tự đại ngự trị một tâm hồn, không gì phải ngạc nhiên tính xấu này kéo theo những tính xấu khác – tham lam, tự mãn, thèm muốn, bất chính. Những kẻ tự cao tự đại ra sức lật đổ ngai Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương với mọi loài thọ tạo của Ngài, để chiếm lấy chỗ của Ngài bằng những phương thế tàn bạo của mình.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa đừng để mình sa vào chước cám dỗ này. Tính tự cao tự đại là tội xấu xa nhất và kỳ chướng nhất… Tính tự cao tự đại thật khó thương, ngay cả trên quan điểm con người. Ai tự cho mình trên mọi người và mọi việc, người ấy thường coi mình như mẫu gương đòi buộc những người khác bắt chước noi theo và khinh thường tha nhân. Đến lượt những người khác phản ứng lại bằng cách chế giễu sự vô lối điên rồ của hắn” (J. Escriva, Friends of God, 100).

“Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (1,52)

W. Barclay giải thích câu này dưới khía cạnh“cuộc cách mạng xã hội”. Đức Ma-ri-a ca ngợi lòng Chúa xót thương vì Ngài đã đảo ngược bậc thang giá trị giữa những kẻ quyền thế giàu sang với những người thấp hèn, những người bị chà đạp áp bức, không biết cậy nhờ vào ai chỉ biết nương tựa và phó thác vào lòng Chúa xót thương. Bà An-na cũng đã chúc tụng Đức Chúa như vậy:

“Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có,

Người hạ xuống thấp, Người cũng nhấc lên cao.

Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi cát bụi,

ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,

đặt ngồi chung với hàng quyền quý,

tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng” (1 Sm 2,7-8).

Không kể đến các bản văn ngôn sứ, chúng ta có thể trích dẫn nhiều bài thánh vịnh ca ngợi lòng Chúa xót thương dành cho “những người nghèo của Đức Chúa” theo cùng một cách như vậy. Đức Ma-ri-a không phải là một điển hình sao? Trong cái nhìn của Thiên Chúa về sự đảo ngược bậc thang giá trị, Đức Ma-ri-a, một nữ tỳ hèn mọn, được các nhạc sĩ ca ngợi bằng những ca từ tuyệt đẹp: “Mẹ chẳng vướng tội truyền, bông huệ ngát hương thiêng; Mẹ ví như ánh trăng diệu huyền, êm như cung đàn thần tiên” (Bài thánh ca “Kính Mừng Nữ Vương” của nhạc sĩ Hải Linh).

“Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (1,53)

Dân Thiên Chúa đã kinh qua biết bao lần lòng Chúa xót thương dành cho người nghèo khổ trong dòng lịch sử của mình. Chẳng hạn như Thiên Chúa đã nuôi dân Ít-ra-en bằng bánh man-na suốt bốn mươi năm trường trong hoang địa (Xh 16,4-35); hay sứ thần Thiên Chúa đã mang lương thực đến cho ngôn sứ Ê-li-a trong thời gian hạn hán (1 V19,5-8) và cho ngôn sứ Đa-ni-en trong hầm sư tử (Đn 14,31-40); hoặc bà góa Xa-rếp-ta được cung cấp bột và dầu thật diệu kỳ không bao giờ cạn trong suốt thời gian hạn hán vì tấm lòng quảng đại của bà dành cho vị ngôn sứ của Ngài (1 V 17,8t.).

W. Barclay giải thích câu này dưới khía cạnh “cuộc cách mạng kinh tế”“Một xã hội ngoài Ki-tô giáo là một xã hội chiếm đoạt, ở đó mỗi người gắng sức thu góp cho mình càng nhiều càng tốt. Nhưng ở đây thì không ai dám có quá nhiều trong khi kẻ khác quá ít, ở đây tất cả mọi người đều nhận với mục đích để ban phát”.

Còn thánh Ba-si-li-ô thì giải thích câu này liên quan đến biến cố Nhập Thể: “Thiên Chúa đã cho dân Ngài được dư đầy Lề Luật của Ngài và lời rao giảng của các ngôn sứ, nhưng Ngài đã để cho phần còn lại của nhân loại phải đói khát Lời Ngài, bây giờ được biến cố Nhập Thể làm cho no thỏa. Thiên ân này sẽ được những người khiêm hạ chấp nhận; còn những kẻ tự mãn, vì không ước muốn những thiện hảo của Thiên Chúa, thì sẽ không được dự phần vào”(St Basil, In Psalmos homiliae, on Ps 33). Cũng cách thức như vậy, biến cố Nhập Thể làm no thỏa lòng khao khát thánh thiện của Đức Ma-ri-a.

C- Đức Ma-ri-a ca ngợi lòng Chúa xót thương dành cho dân tộc Mẹ (1, 54-55)

Trong khổ thơ sau cùng (1,54-55), nhân danh toàn thể dân tộc Mẹ, Đức Ma-ri-a chúc tụng lòng Chúa xót thương dân tộc Mẹ, vì Ngài vẫn một mực trung tín với các lời hứa của Ngài. Đức Ma-ri-a hiểu rằng ở nơi Mẹ những lời hứa này bắt đầu được thực hiện.

“Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người” (1,54)

Thiên Chúa đã dẫn dắt dân Ít-ra-en như người cha dẫn dắt đứa con bé bỏng của mình với trọn tấm lòng trìu mến yêu thương: “Thiên Chúa của anh em, mang anh em như một người mang con mình, suốt con đường anh em đã đi” (Đnl 1,31). Ngài đã cư xử với dân Ngài như vậy nhiều lần, khi sử dụng ông Mô-sê, ông Giô-su-ê, ông Sa-mu-en, vua Đa-vít, v. v., và giờ đây Ngài ban cho họ Đấng Mê-si-a vĩnh viễn, Đấng hiện thực lòng Chúa xót thương trước những nỗi khốn khổ của Ít-ra-en và toàn thể nhân loại.

“Như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

vì Người nhớ lại lòng thương xót

dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

và cho con cháu đến muôn đời” (1,55)

Đức Ma-ri-a hoàn tất bài ca Ngợi Khen của Mẹ bằng một tấm chân tình cảm tạ tri ân đối với lòng Chúa xót thương dành cho dân tộc Mẹ, vì Ngài đã không quên lời hứa của Ngài. Diễn ngữ “Ngài nhớ lại” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Kinh Thánh để diễn tả những lần Thiên Chúa bày tỏ lòng xót thương của Ngài khi can thiệp đúng thời đúng buổi, như khi Thiên Chúa nhớ đến ông Nô-ê (St 8,1), Ngài cho dừng trận đại hồng thủy, khi Thiên Chúa nhớ lại Giao Ước của Ngài với tổ phụ Áp-ra-ham (Xh 2,24), Ngài ra tay cứu thoát dân Ngài khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai Cập, v.v…

Giờ đây, Đức Ma-ri-a biết rằng “Thiên Chúa nhớ lại lòng thương xót” dành cho dân Ngài khi ban Đấng Mêsia như Ngài đã hứa từ ngàn xưa. Đây là vinh dự vĩ đại nhất mà Thiên Chúa dành cho dân Ngài: Con Thiên Chúa trở thành một người Do Thái: “Xét như một phàm nhân, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít” (Rm 1,3).

Kết luận:

Không phải vì vài câu diễn tả lòng Chúa xót thương như “Người đoái thương nhìn tới” (1,48), “Chúa hằng thương xót” (1,50), “Người nhớ lại lòng thương xót” (1,55), “Chúa độ trì” (1,54), mà bài “Ngợi khen” này được gọi là bài ngợi ca lòng Chúa xót thương, nhưng phải nói rằng mỗi từ, mỗi câu được đan kết với nhau tạo thành một bản hợp xướng cất lên lời ca ngợi lòng Chúa xót thương. Vì thế, “Lời kinh nguyện của chúng ta có thể hòa theo và bắt chước kinh nguyện này của Đức Ma-ri-a. Như Mẹ, chúng ta cảm thấy ước muốn hát ca, ngợi khen những kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện, để loài người và toàn thể mọi loài thọ tạo cùng chia sẻ niềm vui của chúng ta” (J. Escriva, Christ is passing by, 144).

“Đó phải là bài ca trong từng phút giây cuộc đời chúng ta. Không vui sao được khi biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc bằng chính máu của Con Một Người; không vui sao được khi biết rằng trong Người Con Một ấy chúng ta tìm được ánh sáng chân lý, bình an và hy vọng; không vui sao được khi biết rằng trong hành trình về nhà Cha, có biết bao người cùng tiến bước với ta” (“Mỗi Ngày Một Tin Vui”).

Có người bảo rằng “tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng”, nhưng Stanley Jones cho rằng: “Bài ‘Ngợi khen’ này là cuộc cách mạng lớn nhất trong thế giới”. Còn W. Barclay thì nhận xét: “Trong bài ‘Ngợi khen’ này có sự dịu dàng đáng yêu nhưng trong đó cũng có năng lực mạnh mẽ. Ki-tô giáo khiến nảy sinh cuộc cách mạng trong lòng người và cách mạng trong thế giới” (TM Luca, 14).

Lm Inhaxiô Hồ Thông

(WHĐ)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*