Bổng lễ và nghĩa vụ cử hành thánh lễ liên quan với nhau ra sao?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu một linh mục đã được truyền chức chỉ có bổn phận và trách nhiệm cử hành Thánh lễ vào ngày Chúa Nhật và các lễ buộc thôi sao? Còn về các ngày trong tuần khi ngài có ý lễ từ các tín hữu – liệu ngài có bổn phận hay chỉ là tùy ý (Điều 904)? Liệu ngài phải cử hành Thánh lễ hàng ngày, để giúp Giám mục của ngài chu toàn các ý lễ, mà Giám mục đã xin và nhận được từ các quốc gia khác không? Trong giáo phận của tôi, chúng tôi làm việc trong các nhà thờ truyền giáo, nơi mà chúng tôi có ý chỉ cho hai hay ba Thánh Lễ mỗi tháng. Còn các ngày khác, chúng tôi chỉ cho ý lễ của Giám mục, mà Ngài đã nhận được tiền giúp đỡ cho giáo phận của ngài. Trong bối cảnh này, tôi đưa ra câu hỏi như trên, xin cha trả lời giúp. – P. D., bang Orissa, Ấn Độ

Đáp: Có hai câu hỏi riêng biệt liên quan ở đây. Một câu liên quan đến nghĩa vụ của một linh mục phải cử hành Thánh Lễ, và một câu liên quan đến các quy tắc cho việc phân phối bổng lễ.

Mặc dù nhiều người Công Giáo không biết điều này, nói một cách chặt chẽ, là một linh mục không có nghĩa vụ phải cử hành Thánh Lễ gì cả. Liên quan đến Thánh Lễ, linh mục có nghĩa vụ giống như mọi người Công Giáo khác là tham dự Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.

Thực tế này không làm cho việc cử hành Thánh Lễ chỉ là một vấn đề đơn thuần tùy chọn hoặc chọn lựa cá nhân của linh mục. Điều 904 của giáo luật, được độc giả nhắc tới, thực sự khuyên nhủ các linh mục cử hành Thánh lễ hàng ngày. Xin mời đọc:

“Ðiều 904: Các tư tế nên luôn tâm niệm rằng công việc cứu chuộc hằng được tiếp tục thi hành trong mầu nhiệm Hy Lễ Thánh Thể; do đó, họ nên siêng năng dâng lễ. Hơn nữa, rất đáng mong ước các tư tế dâng lễ mỗi ngày, cả khi giáo dân không thể hiện diện, bởi lẽ Thánh Lễ là tác động của Ðức Kitô và của Giáo Hội; chính khi cử hành Thánh Lễ mà các tư tế chu toàn nhiệm vụ chính yếu của mình” (Bản dịch Việt ngữ của Bộ Giáo Luật do các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh thực hiện).

Do đó, Giáo Hội rất ủng hộ các linh mục cử hành Thánh lễ hàng ngày, bởi vì Thánh Lễ là đặc ân lớn nhất và điều cao cả nhất mà linh mục có thể làm. Ngay cả khi không có ai khác hiện diện và không có ý lễ cụ thể, Thánh Lễ là nhằm tôn thờ Thiên Chúa, cầu bầu cho người sống và kẻ chết, gia tăng sự thánh thiện của Giáo Hội, và là nguồn chủ yếu của sự phát triển đường thiêng liêng của linh mục.

Một số linh mục có một nghĩa vụ chắc chắn để cử hành Thánh lễ do chức vụ của các vị là cha quản xứ. Một số vị cũng có một nghĩa vụ phải cử hành hay đã cử hành Thánh Lễ hàng ngày, theo ý của các linh hồn được ủy thác cho các vị chăm sóc. Thêm một lần nữa, nghĩa vụ này xuất phát không từ chính chức linh mục, nhưng từ chức vụ mà các vị đã được bổ nhiệm, và nghĩa vụ, mà các vị phải chu toàn một cách tự do, khi chấp nhận chức vụ này.

Câu hỏi về tiền bổng lễ có phần phức tạp hơn. Việc này bị chi phối bởi các điều 945-958 của Bộ Giáo luật.

“Ðiều 945 § 1. Theo tập tục đã được Giáo Hội công nhận, một tư tế cử hành hay đồng tế Thánh Lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ rõ rệt.

§ 2. Hết sức khuyên nhủ các linh mục hãy dâng lễ theo ý chỉ của các tín hữu, nhất là những người nghèo, cả khi không có bổng lễ.

“Ðiều 946: Khi dâng bổng lễ để Thánh Lễ được áp dụng theo ý chỉ của mình, các tín hữu đóng góp vào thiện ích của Giáo Hội; bằng việc dâng cúng ấy, họ góp phần nâng đỡ các thừa tác viên và các hoạt động của Giáo Hội.

“Ðiều 947: Trong vấn đề bổng lễ, phải xa tránh hoàn toàn mọi hình thức buôn bán hay thương mại” (Bản dịch, như trên).

Để “xa tránh hoàn toàn mọi hình thức buôn bán hay thương mại”, có các quy tắc chi phối các khía cạnh, chẳng hạn nghĩa vụ cử hành Thánh lễ, ngay cả khi bổng lễ bị mất và giới hạn số ý lễ mỗi ngày.

Liên quan đến cách thức xử lý, khi nhiều ý lễ hơn, vốn có thể được cử hành trong một năm, được tiếp nhận được trong một giáo xứ hay một đền thánh, các luật sau đây phải được tuân giữ:

“Ðiều 954: Nếu tại những nhà thờ hay nhà nguyện người ta xin cử hành lễ quá số có thể cử hành ở đó, thì có thể cử hành ở nơi khác, trừ khi những người xin lễ minh thị bày tỏ ý định ngược lại.

“Ðiều 955 § 1. Ai muốn chuyển ý lễ cho những người khác, thì phải chuyển sớm ngần nào có thể cho các tư tế muốn lãnh nhận, miễn là biết chắc họ hoàn toàn đáng tín nhiệm. Lại phải chuyển y nguyên bổng lễ đã nhận, trừ khi biết chắc rằng số tiền trội hơn giá bổng lễ trong giáo phận là do thiện cảm cá nhân. Người chuyển ý lễ còn phải mang nghĩa vụ lo dâng lễ cho đến khi nào chắc chắn có người nhận nghĩa vụ dâng lễ và bổng lễ…

“Ðiều 957: Bổn phận và quyền lợi trông nom cho mọi ý lễ được chu toàn đối với các nhà thờ của giáo sĩ triều thì thuộc về thẩm quyền của Bản Quyền sở tại; còn đối với nhà thờ của dòng tu hay tu đoàn tông đồ thì thuộc các Bề Trên của họ” (Bản dịch, như trên).

Trong trường hợp được nêu ra bởi độc giả ở Ấn Độ, dường như số ý lễ dư ở một quốc gia khác được chuyển giao cho các giáo phận, để được cử hành trong một giáo phận truyền giáo.

Đây là một thực tế khá phổ biến, và các vị chuyển các ý lễ quá số nhằm giúp đỡ các nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội. Các vị nhận thức rằng sự khác biệt trong tỷ giá hối đoái làm cho bổng lễ tương đối nhỏ ở các nước châu Âu và Mỹ lại là tương đối lớn trong các nước khác.

Theo Ðiều 945 § 1, bổng lễ gắn liền với ý lễ hàng ngày của một linh mục là dành cho việc sử dụng cá nhân của linh mục giáo phận. Ở một số nơi, mọi bổng lễ được tiếp nhận bởi giáo phận, giáo xứ hay cộng đoàn tu sĩ, thay cho tiền lương hoặc tiền thù lao tương đương hoặc cao hơn so với toàn bộ các bổng lễ. Các nhà giáo luật có thẩm quyền xem việc này như một thực tế hợp pháp, với điều kiện nó là tự nguyện.

Trong hầu hết các quốc gia phương Tây, bổng lễ được qui định là không bao giờ cao hơn một phần nhỏ của tiền nuôi sống một linh mục.

Tuy nhiên, trong trường hợp ở Ấn Độ, ngay cả một bổng lễ 10 USD (tiền một bổng lễ trong nhiều giáo phận Mỹ) có thể cao hơn nhiều so với thu nhập quân bình ở khu vực nghèo và tạo ra ấn tượng sai. Tương tự như vậy, các vị chuyển ý lễ thường có ý định để giúp đỡ công việc truyền giáo nói chung, chứ không là khoản thu nhập cá nhân của linh mục.

Trong bối cảnh này, có lẽ là hợp pháp khi Giám mục giữ lại cho các dự án giáo phận một phần của bổng lễ nhận được từ các nước khác, đặc biệt là nếu ngài đã tích cực tìm kiếm hình thức giúp đỡ ấy. Tuy nhiên, theo Điều 945 § 1, thật là thích hợp nếu ngài chuyển giao cho linh mục ít là số tiền tương đương với bổng lễ địa phương qui định, trừ phi, như đã nói ở trên, có một sự tùy chọn tự nguyện đã được thiết lập.

Cũng là điều khả thi khi Giám mục chuyển giao toàn bộ bổng lễ cho giáo xứ, và qui định linh mục được giữ lại bao nhiều phần trăm để chi tiêu cá nhân, và số tiền còn lại được dùng cho các dự án của giáo xứ.

Lẽ tất nhiên, đây chỉ là sự xem xét kỹ thuật. Trong thực tế, người ta phải công nhận rằng hầu hết các linh mục làm việc trong giáo phận truyền giáo ít quan tâm đến tiện nghi cá nhân cho mình, nhưng rất chú ý đến lợi ích thiêng liêng và lợi ích nhân bản cho đoàn chiên của mình.

Cuối cùng, về phần thứ nhất của câu hỏi: Một linh mục không buộc phải cử hành Thánh Lễ, chỉ để thực hiện các ý lễ do Giám mục yêu cầu. Tuy nhiên, nếu linh mục xin ý lễ, ngài có bổn phận về công bằng để cử hành Thánh Lễ cho ý lễ ấy.

Khi làm như vậy, không chỉ ngài tôn vinh Thiên Chúa bằng cách cử hành Thánh Lễ, nhưng còn giúp nỗ lực truyền giáo của toàn giáo phận, để giáo phận phát triển hơn.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 3-9-2013)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*