Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma
Hỏi: Thưa cha, con là một chủng sinh, và con quan tâm đến phụng vụ của các thừa tác viên Giúp lễ và Đọc sách. Xin cha giúp con, cho con biết rõ về phụng vụ này. Mục tiêu là để cung cấp cho nhiều người một số thông tin về hai thừa tác vụ này là gì, và ý nghĩa của chúng. – L. L., Mumbai, Ấn Độ.
Đáp: Tôi có thể là quá muộn để giúp chủng sinh đặc biệt này, vì hình như thầy mới được trao các thừa tác vụ. Tuy nhiên, thông tin có thể giúp ích cho nhiều người khác.
Các thừa tác vụ giáo dân (vì chúng không còn được gọi là các chức nhỏ nữa) về đọc sách và giúp lễ đã được thiết lập bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào năm 1973 với tông thư “Ministeria Quaedam”. Các thừa tác vụ này được trao cho mọi ứng viên sẽ lãnh chức thánh. Chúng cũng được mở ra cho các nam giáo dân không mong lãnh chức thánh, nhưng trong thực tế một vài giáo phận đã làm cho hiệu quả việc sử dụng khả năng này. Để trao thừa tác vụ trên cho họ, họ cần đáp ứng các điều kiện sau đây, theo Tông thư:
“số 8. Sau đây là các yêu cầu để được trao các thừa tác vụ:
“A) Ứng viên phải tự do làm đơn xin, ký tên, và gửi đơn cho Đấng Bản quyền (Giám mục và nếu ứng viên là tu sĩ, gửi thêm cho Bề trên cấp cao), là người có quyền chấp nhận đơn xin;
“B) Ứng viên ở trong một độ tuổi thích hợp và có các phẩm chất đặc biệt được xác định bởi Hội đồng Giám mục;
“C) Ứng viên có một ý chí vững chắc để phục vụ trung thành đối với Chúa và anh chị em Kitô hữu.
“9. Các thừa tác vụ được trao bởi Đấng Bản quyền (Giám mục và nếu ứng viên là tu sĩ, Bề trên cấp cao) thông qua nghi thức phụng vụ De institutione lectoris và De institutione acolythi, vốn đã được duyệt lại bởi Tòa Thánh.
“10. Một khoảng thời gian, được xác định bởi Tòa Thánh hoặc Hội đồng Giám mục, cần được tuân giữ giữa lúc trao thừa tác vụ Đọc sách và thừa tác vụ Giúp lễ, khi hai thừa tác vụ được trao cho cùng một người.
“11. Trừ khi họ đã làm như vậy, các ứng viên cho chức thánh như phó tế và linh mục phải được trao các thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ trước, và thực thi chúng trong một thời gian thích hợp, để chuẩn bị tốt hơn cho việc phục vụ tương lai cho lời Chúa và bàn thờ. Việc miễn trao các thừa tác vụ này cho ứng viên là dành cho Tòa Thánh quyết định.
“12. Các trao các thừa tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương.
“13. Nghi thức thiết lập các thầy Đọc sách và thầy Giúp lễ sẽ sớm được công bố bởi thánh bộ hữu quan của Giáo triều Rôma”.
Các qui định chủ yếu của tài liệu này sau đó đã được đưa vào trong Điều 230 và Điều 1035 của Bộ Giáo Luật.
“Bộ Giáo luật, Điều 230 §1. Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được
Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn
Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Như thế, một người nam có thể được trao thừa tác vụ Đọc sách, mà không cần phải khát vọng trở thành một thầy Giúp lễ, nhưng dường như một người không thể được trao thừa tác vụ Giúp lễ mà không đi qua thừa tác vụ Đọc sách. Vì nhiều lý do thực tiễn, các thừa tác vụ này hầu như dành cho các ứng viên sau đó sẽ được truyền chức Phó tế và Linh mục.
Bộ Giáo luật, Điều 1035 nói như sau:
“§1. Trước khi được tiến chức phó tế, dù là vĩnh viễn hay chuyển tiếp, đương sự buộc phải lãnh nhận và thi hành thừa tác vụ đọc sách và thừa tác vụ giúp lễ trong một thời gian thích hợp.
«§2. Phải có một khoảng cách ít là sáu tháng, từ khi lãnh nhận thừa tác vụ giúp lễ cho đến khi chịu chức phó tế (CIS 974 ; CIS 978)” (Bản dịch, như trên)
Đối với các chức năng của thầy giúp lễ và thầy đọc sách, Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma đã cho biết:
“C. Những phần việc của thầy giúp lễ
“187. Các phần việc mà thầy giúp lễ có thể làm thuộc nhiều loại khác nhau; lại có nhiều phần việc phải làm cùng một lúc. Vậy nên phân phối các phần việc đó cho nhiều người. Nhưng nếu chỉ có một thầy giúp lễ có mặt, thầy sẽ thi hành những gì quan trọng hơn; còn các việc khác, thì trao cho những người giúp lễ khác.
“Nghi thức đầu lễ
“188. Khi tiến ra bàn thờ, thầy giúp lễ có thể mang thánh giá đi giữa hai người giúp cầm nến cháy. Khi tới bàn thờ, thầy đặt thánh giá gần bàn thờ, để thành thánh giá bàn thờ, nếu không thì đem cất vào nơi xứng đáng. Rồi thầy về chỗ của mình trong cung thánh.
“189. Trong suốt buổi cử hành, nhiệm vụ của thầy giúp lễ là đến gần vị tư tế, hoặc phó tế, mỗi khi cần, để đưa sách và giúp các ngài trong những gì cần thiết. Do đó, nên hết sức dành cho thầy một chỗ thuận tiện, để thầy dễ dàng lo phần việc của mình nơi ghế ngồi hay tại bàn thờ.
“Phụng vụ Thánh Thể
“190. Nếu không có thầy phó tế, thì sau lời nguyện cho mọi người, và khi vị tư tế còn ở tại ghế, thầy giúp lễ đặt khăn thánh, khăn lau chén, chén thánh và Sách Lễ lên bàn thờ. Rồi, nếu cần, thầy giúp vị tư tế tiếp nhận lễ phẩm do giáo dân dâng tiến, và, nếu tiện, đưa bánh rượu tới bàn thờ và trao cho vị tư tế. Nếu có xông hương, chính thầy đưa bình hương cho vị tư tế và giúp ngài xông hương lễ phẩm, thánh giá và bàn thờ. Rồi thầy xông hương vị tư tế và giáo dân.
“191. Thầy có thừa tác vụ giúp lễ có thể giúp vị tư tế cho giáo dân rước lễ, nếu cần, với tư cách một thừa tác viên ngoại lệ. Nếu cho rước lễ dưới hai hình, mà không có thầy phó tế, thầy cho họ rước Máu Thánh; nếu giáo dân rước lễ theo cách chấm, thì thầy cầm chén thánh.
“192. Cho rước lễ xong, thầy có thừa tác vụ giúp lễ giúp vị tư tế hoặc phó tế lau và sắp xếp các bình thánh. Khi không có thầy Phó tế, thầy giúp lễ mang các bình thánh tới bàn phụ, tráng lau và sắp xếp các bình thánh tại đó.
193. Lễ xong, thầy giúp lễ cùng với các thừa tác viên khác, làm một với phó tế và vị tư tế, trở về phòng thánh theo kiểu đoàn rước cùng một cách và thứ tự như khi đi ra.
“D. Những phần việc của thầy đọc sách
“Nghi thức đầu lễ
“194. Khi tiến ra bàn thờ, nếu không có thầy Phó tế, thầy đọc sách, mặc áo được chấp thuận, có thể mang sách Tin Mừng, nâng cao lên một chút; trong trường hợp này, thầy đi trước vị tư tế; còn nếu không, thầy đi với các người giúp khác.
“195. Khi tới bàn thờ, cùng với những người khác, thầy kính cẩn bái chào bàn thờ. Nếu có mang sách Tin Mừng, thầy bước tới bàn thờ, đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ Sau đó, thầy cùng với các người giúp khác về chỗ của mình trong cung thánh.
“Phụng vụ Lời Chúa
“196. Thầy đọc các bài đọc trước bài Tin Mừng trên giảng đài. Khi không có ca viên, thầy cũng có thể đọc thánh vịnh và đáp ca sau bài đọc thứ nhất.
“197. Khi không có thầy phó tế, thì sau lời dẫn nhập của vị tư tế, thầy đọc sách có thể xướng các ý nguyện của lời nguyện cho mọi người.
“198. Nếu không hát ca nhập lễ hoặc ca hiệp lễ, và giáo dân không đọc các ca nhập lễ hoặc ca hiệp lễ ghi trong Sách Lễ, thì thầy đọc sách đọc các ca nhập lễ hoặc ca hiệp lễ vào lúc thích hợp (x. nn. 48, 87)” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Có lẽ việc giới thiệu tốt nhất cho hai thừa tác vụ trên đến từ bài nói của Giám mục trước khi ban thừa tác vụ, vốn được tìm thấy trong chính nghi thức.
Trước khi trao thừa tác vụ cho thầy đọc sách, Giám mục nói:
“Các con thân mến trong Chúa Kitô: Thông qua Chúa Con, Đấng đã làm người vì chúng ta, Chúa Cha đã mặc khải mầu nhiệm cứu độ và đem nó đến hồi viên mãn. Chúa Giêsu Kitô đã giảng dạy cho chúng ta biết mọi điều, và giao phó cho Giáo Hội sứ vụ rao truyền Tin Mừng cho toàn thế giới.
“Là người đọc sách và mang lời Chúa, các con sẽ giúp đỡ trong sứ vụ này, và do đó có phận vụ đặc biệt trong cộng đồng Kitô giáo; các con sẽ có trách nhiệm phục vụ đức tin,, vốn được bén rễ trong lời Chúa. Các con sẽ công bố lời Chúa trong cộng đoàn phụng vụ, giáo dục trẻ em và người lớn trong đức tin và chuẩn bị cho họ lãnh nhận các bí tích một cách xứng đáng. Các con sẽ mang sứ điệp cứu độ cho những người chưa nhận được nó. Như vậy với sự giúp đỡ của các con, các người nam và người nữ sẽ biết đến Chúa Cha và Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, được Người sai đi, và do đó có thể đạt đến sự sống đời đời.
“Khi công bố lời Chúa cho người khác, hãy chấp nhận công việc này trong sự vâng phục Chúa Thánh Thần. Các con hãy suy niệm liên lỉ, để mỗi ngày các con có lòng yêu mến yêu sâu sắc hơn với Kinh Thánh, và trong mọi sự, các con sẽ nói và sẽ trình bày cho thế giới biết Đấng Cứu độ chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô”.
Trước khi trao thừa tác vụ cho thầy giúp lễ, Giám mục nói:
“Các con thân mến trong Chúa Kitô, là những người được chọn cho thừa tác vụ Giúp lễ, các con sẽ có một vai trò đặc biệt trong sứ vụ của Giáo Hội. Tột đỉnh và nguồn mạch của đời sống Giáo Hội là bí tích Thánh Thể, vốn xây dựng cộng đồng Kitô hữu và làm cho nó phát triển lên. Trách nhiệm của các con là giúp các linh mục và phó tế trong việc thực thi sứ vụ của họ, và như là các thừa tác viên đặc biệt, các con cho các tín hữu rước lễ trong buổi phụng vụ, và trao Mình Thánh cho các bệnh nhân. Các con hãy chăm lo thế nào để nhờ hy lễ của Chúa Kitô, các con sống phù hợp với hy lễ ấy cách hoàn hảo hơn; ngoài ra các con hãy tìm hiểu ý nghĩa thâm thúy và thiêng liêng của những việc các con thi hành, để mỗi ngày các con tận hiến mình cho Chúa làm của lễ thiêng liêng đẹp lòng Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô.
“Khi thi hành những công việc trên, các con được thông phần cùng một bánh với anh chị em, thì các con hãy trở nên một thân thể với anh chị em. Hãy chứng tỏ lòng yêu mến chân thành với Nhiệm thể Chúa Kitô, dân thánh thiện của Chúa, và nhất là yêu mến các người yếu đuối và bệnh nhân. Hãy sống đúng theo lệnh truyền Chúa ban cho các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 3-5-2016)
Để lại một phản hồi