Nói thêm về sự biến thể

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

thanhthe.jpgMột số độc giả đã viết thêm thư cho tôi về sự biến thể (xem bài ngày 19-4-2016). Một vị là triết gia có trình độ, đã viết để giải thích làm thế nào học thuyết của sự biến thể phù hợp với triết học của Aristotle. Mặc dù, như tôi đã nói trong bài trả lời của tôi là không cần thiết để chọn hệ thống này, tôi tin rằng lời giải thích của ông sẽ giúp làm sáng tỏ một số nghi ngờ, được thể hiện bởi các độc giả khác, dựa vào sự khó khăn mà nhiều người có thể có ngày hôm nay, liên quan đến các từ ngữ như bản thể và các tùy thể (accident), vốn đã thay đổi theo thời gian, và có thể gây ra sự nhầm lẫn. Xin mời đọc phần viết của triết gia này:

“Mặc dù tôi thừa nhận rằng việc sử dụng các từ ngữ “bản thể” (substance) và “sự biến thể” (transubstantiation) xuất hiện trước khi các tác phẩm của Aristotle đến Tây Âu, tôi không nghĩ rằng có điều gì đó cản trở sự hiểu biết của chúng ta về từ ngữ theo nghĩa của Aristotle.

“Đối với Aristotle, ‘bản thể’ (hoặc ‘ousia’ trong từ ngữ Hi Lạp gốc của ông) trả lời câu hỏi “Cái gì đó?”. Trong thực tế, đôi khi trong bản văn của ông, ông chỉ dùng câu hỏi “Cái gì đó?”, như là một danh từ (‘ho ti esti’). Ông đi vào giải thích rằng bản thể, theo câu nói thời danh của ông, là ‘to ti en einai”, hoặc đơn giản là “bản thể là cái mà nhờ đó vật hiện hữu” (tức là, không liên quan đến nó làm gì, hoặc nó có các thuộc tính gì).

“Do đó, cả ‘bánh’ và ‘rượu’ dễ dàng đủ điều kiện là các bản thể theo nghĩa Aristotle, cũng như hai bản tính của Chúa chúng ta. (Bản tính con người đủ điều kiện theo đơn nghĩa; bản tính Thiên Chúa, theo loại suy). Bánh mì và rượu nho, thí dụ, cả hai trưng bày cái được gọi là “sự hiệp nhất bản thể”: nói cách khác, không phần nào có thể được giản lược, nói về mặt khái niệm, thành phần cấu thành của nó. Hay nói một cách khác nữa, bạn không thể trộn lẫn gluten và tinh bột, và gọi nó là ‘bánh mì’; nó phải được nghiền từ lúa mì (hoặc một loại ngũ cốc khác), làm cho ẩm ướt và nướng, và kết quả của việc nướng là khác biệt về chất lượng so với các thành phần đã được trộn lẫn. Tương tự như vậy, rượu không được giản lược thành tartaric, malic, axit citric, tannin, glycerine và rượu (trong số các hợp chất khác) mà làm cho thành rượu.

“Hãy nhớ rằng Aristotle đã không cố gắng để phát minh ra một ý nghĩa mới cho từ ngữ ‘ousia’ (từ ngữ Kinh viện ‘bản thể’ hoặc ‘yếu tính’ (essence)), nhưng đúng hơn, ông tìm cách để diễn tả ý nghĩa chung (theo cảm thức chung) trong một cách nghiêm ngặt triết học. Dẫu sao, thánh Tôma Aquinas rõ ràng cảm thấy rằng ‘bản thể’ theo Aristotle có thể được sử dụng để hiểu sự biến thể (thí dụ, trong S.Th. III, q. 75, a. 4, kết thúc câu trả lời).

“Vì vậy, để trả lời câu hỏi của người đọc trong ánh sáng này, tôi có thể nói rằng gluten, nói theo nghĩa chặt, là không một ‘bản thể’ của bánh mì (một ý tưởng như vậy là khá xa lạ với khái niệm của Aristotle về bản thể); đúng hơn, nó là một thành phần (trong thuật ngữ kỹ thuật, một ‘phần không thể thiếu’) của bản thể đó. Nó là một trong các yếu tố cấu thành, mà trong đó có các thuộc tính của bánh nổi lên, – đặc biệt là ‘phẩm chất’ của nó: màu sắc, hình dáng, mùi, vị, khối lượng, tính chất hóa học, vv.

“Trong thực tế, cùng với thánh Tôma Aquinas, chúng ta có thể đi một bước xa hơn: thánh Tôma nói rằng, trong một bản thể vật chất (nghĩa là, không phải thiên thần, và không phải là phần thiêng liêng của con người), phần còn lại của các tùy thể (chất lượng, địa điểm, thời gian, vv) đều có số lượng (các kích thước vật lý), như là ‘chủ thể’ hay thể nền (substrate) của chúng. Thí dụ, màu sắc (một chất lượng) không có ý nghĩa trừ khi nó được ‘nằm’ ở đâu đó trong vật có màu sắc. Ít nhất về mặt khái niệm, bản thể trước tiên phải có một kích thước vật lý, sau đó một hình dạng, và sau đó mới có một màu sắc, sức bền, hương vị, mùi, vv. Do đó, các kích thước vật lý (‘lượng’) phục vụ như là ‘hỗ trợ’ cho tất cả phần còn lại của các tính chất vật lý.

“Áp dụng mô hình này (mà tôi nghĩ là rất hợp lệ), trong khi có tính đến sự hiểu biết của chúng ta về khoa học hiện đại, người ta sẽ suy ra rằng các thành phần hóa học của một bản thể là thực sự một trong các hình thức tùy thể của nó (mặc dù nó không được quan niệm bởi Aristotle hoặc thánh Tôma Aquinas, vì họ rõ ràng là không biết gì về hóa học, cơ học lượng tử, vv); do đó, thật không phải là đầy đủ để nói rằng rằng Mình Thánh được cấu thành theo hóa học bởi gluten và tinh bột (và bất cứ hợp chất khác được tìm thấy trong bánh mì).

“Nếu ai đó dùng iốt cồn và thả một giọt lên một bánh đã truyền phép (mà tôi hy vọng không bao giờ có ai làm như thế), iốt cồn sẽ chuyển sang màu đen hay màu xanh đen (vì nó phản ứng với tinh bột), làm như là tấm bánh chưa được truyền phép vậy.

“Tôi nghi ngờ rằng người đọc đang thực sự nghĩ đến thuật ngữ “bản thể”, không theo nghĩa của Aristotle, nhưng theo nghĩa hiện đại, vật lý và hóa học – vốn là đồng nghĩa một cách tổng quát với các thành phần hóa học hoặc ‘chất thể’, vốn làm thành phần vật lý của vật. Nhưng khái niệm của Aristotle là khá khác với điều này, và gần gũi hơn với ý tưởng chung của ‘toàn bộ vật’ hoặc ‘toàn bộ đối tượng’.

“Nói tóm lại, đối với một người theo thuyết Aristotle, gluten, khi nó là một thành phần của một bản thể như bánh mì, thực sự là một trong các hình thức tùy thể (nghĩa là một tùy thể) của bản thể đó, góp phần vào các tính chất hóa học của nó, vốn cũng là các tùy thể. Điều tương tự cũng có thể được nói về rượu nho”.

Cách giải thích này của một triết gia làm sáng tỏ một số điểm liên quan đến các khái niệm của bản thể và tùy thể, mặc dù phải thừa nhận rằng các từ ngữ này, đặc biệt là tùy thể, có thể dễ dàng đưa ra khỏi văn mạch và xem như là một cái gì đó ngẫu nhiên và không quan trọng. Lời giải thích ở trên đề cập trước tiên đến tình trạng của bánh và rượu trước khi truyền phép. Sau khi truyền phép, không gì của bánh và rượu còn lại. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta đang đứng trước một phép lạ. Một độc giả, trích dẫn Ludwig Ott, nói một cách chính xác rằng Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất, có thể “duy trì các tùy thể của bánh và rượu trong sự hiện diện thật sự của chúng, sau khi bản thể của bánh và rượu ngưng lại”. Bình thường, điều này là không thể được từ một quan điểm triết học, nhưng chúng ta đang đứng trước một mầu nhiệm lớn.

Một độc giả khác đề nghị một phương pháp tiếp cận Kinh Thánh, do các từ ngữ là khó. Kinh thánh chắc chắn có thể soi sáng cho chúng ta, mặc dù đôi khi sự giải thích đúng đắn các bản văn có thể là một câu hỏi hóc búa rồi. Có nhiều lý do tốt tại sao huấn quyền thường nại đến các lối diễn tả không Kinh Thánh để giải thích đức tin, mặc dù đức tin luôn được bắt nguồn từ trong Mặc Khải.

Cuối cùng, một bạn đọc hỏi: “Nếu Mình Chúa thật và Máu Chúa thật ngự trong bánh thánh mà chúng ta rước lễ, con vẫn không hoàn toàn hiểu được Đức Giáo Hoàng Biển Đức và Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng, những người tin vào sự hiện diện thực sự của Mình Chúa và Máu Chúa Giêsu trong bánh thánh mà họ rước lễ, không phải là kẻ ăn thịt người. Tất nhiên, con tin điều này, nhưng xin cha giải thích rõ thêm cho con”.

Đây là sai lầm của những người có mặt tại Ca-phác-na-um ngày xưa (Ga 6:61), và các Kitô hữu thời ban sơ bị cáo buộc thực hiện sự sai lạc này.

Thực ra, một cách tiếp cận Thánh Kinh có lẽ là cách tốt nhất để hiểu điểm đặc biệt này, nhưng chủ đề là quá lớn đối với tôi để bàn luận ở đây. Với Kinh Thánh, chúng ta có thể hiểu được nền tảng nằm bên dưới các cụm từ như “bánh từ trời”, “con chiên Vượt Qua” và “Máu của Giao ước” trong liên nhệ với Bí Tích Thánh Thể. Nó cũng có nghĩa đào sâu vào các cuốn sách như Khải Huyền, với các hình ảnh phụng vụ của nó. Thí dụ, trong niềm tin của người Do Thái, khía cạnh quan trọng của việc ăn bữa tối Lễ Vượt Qua là sự tham gia vào hy lễ, vốn nhắc lại Giao ước bằng cách thực hiện một lễ tưởng niệm.

Trong một cách tương tự, người Công Giáo tin rằng chúng ta không tiếp nhận một con cừu chết làm thức ăn thiêng liêng cho chúng ta, nhưng là món quà của Chúa Kitô phục sinh vinh hiển, Đấng hiến mình cho chúng ta. Việc ăn thịt người bao hàm sự chết, còn Thánh Thể là sự sống. Chúa Kitô trở thành lương thực cho chúng ta theo các dấu hiệu, mà Ngài đã chọn để tự hiến mình, để chúng tôi có thể tham dự vào hy lễ của Ngài. Khi tiếp nhận lễ Vượt Qua của Ngài, chúng ta tiếp nhận sự sống của Ngài, khi làm như vậy chúng ta nhắc lại giao ước dứt khoát và vĩnh cửu, vốn làm cho chúng ta thành dân mới của Thiên Chúa.

Tôi biết rằng câu trả lời này là gần đúng, nhưng tôi hy vọng rằng nó có thể giúp ít nhất là chống lại và loại trừ việc áp dụng ý tưởng của việc ăn thịt người vào phép Thánh Thể.

(Nguyễn Trọng Đa / Zenit.org 3-5-2016)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*