(tóm lược)
Năm 1980, thư chung của HĐGMVN đã để ra đường hướng “Sống PHÚC ÂM giữa lòng dân tộc” như phương châm giúp tín hữu thể hiện lòng tin Kitô nơi chính quê hương đồng bào của mình. Việc tìm hiểu sắc thái văn hoá dân tộc nói chung, địa phương nói riêng, là điều cần thiết để tin mừng Chúa Kitô có thể hội nhập vào lòng dân tộc này, giúp anh chị em tín hữu không trở thành kẻ xa lạ trên chính mảnh đất của mình.
Thực ra, tôn kính tổ tiên đã là một yếu tố văn hóa trong đời sống của người Việt Nam, những con người chủ yếu thiên về trực giác và cảm tính hơn là lý trí và luận cứ. Chính vì thế, khi tập tục này được du nhập và phát triển tại Việt Nam, Tam giáo (Phật, Lão, Khổng) chẳng những không loại bỏ, mà còn hòa trộn, thích ứng, và thậm chí bắt phải tuân giữ. Thế nhưng tiến trình này lại không diễn ra một cách êm ả đối với trường hợp Kitô giáo.
Hôm nay lại là một cơ hội để gợi lại vấn đề, có lẽ là riêng cho giáo phận Bắc Ninh, để phần nào gây ý thức nơi cộng đồng dân Chúa, và cùng nhau tìm kiếm những cách thức để Tin mừng có thể hội nhập vào cuộc sống của người dân Việt một cách tự nhiên và dễ dàng, thực tế là để trả lời câu hỏi từng gây băn khoăn cho nhiều anh chị em lương dân khi muốn tìm hiểu đạo Kitô: Theo đạo có phải là bỏ ông bà tổ tiên không? Và ngược lại là nỗi day dứt của nhiều anh chị em bên đạo khi kêt hôn với người bên lương: lấy chồng lấy vợ bên lương có phải bỏ đạo không?
I. BỐI CẢNH CỦA VẤN ĐỀ: CUỘC TRANH LUẬN VỀ LỄ NGHI TRUNG HOA
1. Ở Trung Hoa
Các nhà truyền giáo Tây phương vào Trung Hoa cuối thời nhà Minh (1644 chấm dứt triều Minh) đem theo một tôn giáo “đậm màu sắc Tây phương”. Phần người Trung quốc, mặc dù xem vương quốc của mình là trung tâm văn hóa và văn minh thế giới thời đó, nhưng họ không hoàn toàn đóng cửa trước các tôn giáo ngoại quốc; họ vẫn tỏ ra khoan dung bao lâu tôn giáo mới này không can thiệp vào hay tìm cách lật đổ những cơ cấu xã hội cơ bản của họ.
Các giáo sĩ dòng Tên đã hết sức cố gắng sáng tạo, thích ứng, và sử dụng các phong tục phổ thông để tổ chức đời sống đạo cho các kitô hữu. Các thừa sai Pháp và Tây Ban Nha là những người thừa hưởng và phát triển những sáng kiến do các giáo sĩ dòng Tên khởi xướng. Tuy nhiên, về phương diện phụng tự, các thừa sai lại không nhất trí với nhau. Vì thế, nổ ra một cuộc tranh cãi gọi là “Cuộc tranh luận về lễ nghi Trung Hoa” kéo dài gần hai trăm năm trong Giáo hội, mãi đến năm 1939 mới chấm dứt với Huấn thị Plane compertum est.
Những diễn biến chính của cái gọi là “cuộc tranh luận về lễ nghi Trung Hoa”:
– Vấn đề tranh luận là gì?
Chủ yếu liên quan đến một số lễ nghi mà người Trung Hoa cử hành để và đức Khổng Phu Tử và tôn kính tổ tiên.
+ Khổng giáo là một học thuyết và một lối sống của tầng lớp trí thức, và chính từ tầng lớp này xuất hiện những quan chức cai quản đất nước. Các quan chức này được tuyển chọn theo một hệ thống thi cử. Lễ nghi trao ban bằng cấp cho những người đỗ đạt diễn ra tại đền thờ Đức Khổng. Vì ngài là vị thánh bảo trợ của các ông nghè ông cử, nên đương nhiên họ bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Khổng bằng những hành vi tôn kính trước ảnh hay bài vị Đức Khổng.
+ Thêm vào đó, khuôn mẫu cho toàn thể hệ thống xã hội Trung Hoa – do Khổng giáo đặt ra – làđức hiếu thảo. Đó là một đức tính xã hội chủ chốt đem lại sự bền vững và trường tồn cho hệ thống gia đình và dòng tộc, và qua đó, cho tất cả xã hội. “Sự tử như sự sinh”, nên Hiếu thảo sau khi chết phải được tiếp tục trong cùng một tinh thần như trước, nhưng theo hình thức khác. Người ta tin rằng hồn người chết hiện diện cách nào đó nơi bài vị. Người chịu tang làm những cử chỉ tôn kính trước bài vị: quì gối, cúi đầu, đốt hương và đốt tiền giấy. Vào ngày giỗ, gia đình họp mặt, cúng rượu và thức ăn, sau đó cùng nhau dùng bữa.
– Những lễ nghi tôn kính tổ tiên và Khổng Tử khó mà xác định được theo cái nhìn thần học. Khi các thừa sai bắt đầu công việc rao giảng Phúc âm ở Trung Hoa, họ gặp ngay khó khăn và cần phải đưa ra quyết định: được hay không được thực hành các lễ nghi tôn kính tổ tiên và Khổng Tử. Có những câu hỏi như các lễ nghi đó có ý nghĩa tôn giáo không, hay chỉ là những kỷ niệm về người đã khuất trong tâm hồn con cháu cần phải được trả lời.
– Cuộc tranh luận diễn ra giữa những ai?
Một bên là các giáo sĩ Dòng Tên, một bên là các thừa ai dòng Đa minh và Phanxicô.
Phía Dòng Tên cho rằng những lễ nghi tôn kính tổ tiên thực ra tự bản chất không phải là mê tín. Những nghi lễ mà các văn nhân cử hành để tôn kính Đức Khổng Tử phát xuất từ lòng biết ơn đối với Đức Khổng mà thôi.
Phía dòng Đa Minh: cho rằng những lễ nghi đó chắc chắn là mê tín và có lẽ là thờ ngẫu tượng.
– Tranh luận thì phải có trọng tài. Các vị thừa sai không giải quyết được vấn đề thì phải trình báo về Toà thánh Rôma.
Sau khi dòng ĐM trình về Toà Thánh, Toà thánh ban bố một sắc lệnh yêu cầu tất cả các thừa sai tại Trung Hoa phải tuân phục các nghị quyết cấm các lễ nghi Trung Hoa, nếu không sẽ bị phạt nặng theo giáo luật.
Mười năm sau, đến lượt các tu sĩ dòng Tên đệ trình Toà thánh một bản góp ý. Bản góp ý này nói rằng các lễ nghi ấy hoàn toàn có tính cách dân sự. Kết quả: Toà thánh ban hành một sắc lệnh vào năm 1656 cho phép cử hành các lễ nghi theo như bản đệ trình của các cha dòng Tên.
Hai sắc lệnh nói trên dẫn đến hai phe khác nhau: ủng hộ và chống. Rối loạn trong GH. Nhiều khi căng thẳng.
Thời ấy cai trị ở Trung Hoa là vua Khang Hy. Một đàng thì Toà Thánh ban lệnh cấm, một đàng thi các sứ giả của Toà Thánh thấy vua Khang Hy làm căng quá đến nỗi trục xuất các sứ giả, thì cố tìm cách xoa dịu, điều chính lệnh cấm cho bớt căng thẳng hơn. Một loạt các sắc lệnh, hiến chế, tông hiến… củng cố quyết định cứng rắn của Toà thánh, mãi cho đến 1930 mới tạm lắng, nhưng chưa kết thúc.
– Thời điểm tháo gỡ
Vào ngày 9-12-1939, sáu tuần sau khi công bố thông điệp Summi Pontificatus, với sự chuẩn y của Đức Giáo hoàng Piô XII, Bộ Truyền bá Đức tin đã ra một huấn thị cuối cùng về vấn đề lễ nghi. Huấn thị này, với tựa đề là Plane compertum est (“đã rõ”), bắt đầu bằng cách đưa ra một trong những nguyên tắc phải tuân theo:
“Ở nhiều miền bên phương Ðông, người ta nhận thấy có một vài lễ nghi, dù xa xưa có liên hệ đến lễ điển tôn giáo, nhưng trong hiện tại, vì tập quán và tâm tình đã biến đổi theo thời gian, chỉ còn nói lên lòng hiếu thảo đối với tiền nhân, lòng ái quốc hay sự lịch thiệp đối với tha nhân”.
Huấn thị này làm cho cuộc tranh luận lâu dài về lễ nghi Trung Hoa được kết thúc. Đó là quyết định sau cùng quan trọng nhất trong một chuỗi dài dòng những hiến chế, sắc lệnh, huấn thị, và lệnh truyền trong suốt gần ba thế kỷ (từ 1645 đến 1939).
- Ở Việt Nam
Vào thời kỳ của vấn đề tranh luận lễ nghi xem ra GH ở VN không bị ảnh hưởng gì mấy. Nhưng nói như thế không có nghĩa là các kitô hữu không thắc mắc về vấn đề.
Các giáo sĩ dòng Tên không lên án những lễ nghi tôn kính Khổng Tử và tổ tiên, trong khi các giáo sĩ dòng Đa Minh và hội Thừa sai Paris tại Việt Nam lại ủng hộ những quyết định của Tòa thánh và mạnh mẽ chống đối những lễ nghi mà họ cho là lạc giáo. So với các hội dòng truyền giáo khác tại Việt Nam, như dòng Tên, dòng Phanxicô, và Thừa sai Paris, các giáo sĩ Đa Minh là những người “máu nhất”, có thái độ tiêu cực nhất đối với vấn đề tôn kính tổ tiên
Ở Đông dương, sau hiến chế Ex illa die (1715), linh mục Giambattista Sanna, dòng Tên, phổ biến một lá thư mục vụ vào năm 1717 cho phép các giáo hữu:
(1) khiêng “bàn gia triệu”[1] trong tang lễ, trên đó có ghi những chữ: “Xin Chúa đưa linh hồn X… về thiên đàng.” Nghi thức này được các giáo sĩ dòng Tên chấp nhận trong gần 100 năm, do đó không thể coi là tà thần hay mê tín;
(2) phủ phục sát đất trước mặt cha mẹ khi các ngài còn sống và trước thi hài khi các ngài đã qua đời; được cúng bái theo phong tục vào ngày Tết hoặc các dịp khác. Những ai không thực hành những việc này thì bị coi như là không giữ giới răn thứ tư. Tôn kính cha mẹ và tổ tiên và cúng giỗ không phải là một tội.
(3) thề khi bị nhà cầm quyền bắt buộc, miễn là phải thề đúng với sự thật. Làm như thế không phải là thờ phượng ma quỉ (x. Chính 2006: 488-490).
Trong lá thư viết năm 1717 sau khi hỏi ý kiến giám mục Francisco Perez (Đại diện Tông tòa tại Đông Dương) về việc cúng giỗ, cha Pierre Heutte, thuộc hội Thừa sai Paris, xác nhận những gì mà các cha dòng Tên đã cho bổn đạo được phép làm, nghĩa là, (1) đúc chuông chùa; (2) may cờ để người ta cắm hai bến lối chính vào chùa; (3) may áo cho các vị sư sãi, ni cô; (4) làm hàng mã để cúng vào tháng bảy; (5) bắn súng làm hiệu tập họp dân chúng đi cúng tế (ibid.).
Một vài nguyên nhân:
– Ảnh hưởng của Tam giáo
Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo như ba cây đại thụ, vươn cành lá lan tỏa che phủ toàn bộ xã hội Việt Nam. Vào thời đó, Kitô giáo, với giáo lý và cơ cấu lạ lẫm, được gieo trồng vào đất này, đã không dễ dàng được chấp nhận. Trong khi đó, nhiều nhà truyền giáo lại muốn hoàn toàn lột bỏ “bộ quần áo cũ kỹ” là Tam giáo. Chính đòi hỏi này – mà người tân tòng coi là “từ bỏ ma quỉ” – đã là một trong những thách đố của việc rao giảng Tin mừng (x. Chính, 2003: 51-52).
Mặc dù các thừa sai thông thạo tiếng Việt, có tâm hồn cởi mở và có khả năng thích ứng để sống ở đất nước này, nhưng đã nhiều năm, các ngài được đào tạo trong Giáo hội Rôma, theo lối sống và tư tưởng Tây phương; các ngài vẫn là người bên ngoài.
“Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ”. Người ta tin rằng theo đạo là bỏ ông bà, mà bỏ ông bà là bất hạnh lớn.
Một nữ tu Công giáo, tin theo Kitô giáo sau những tranh đấu gay go đau khổ, đã chia sẻ sự khó khăn khi phải vượt qua rào cản của Khổng giáo trong gia đình bà. Khi bà thưa với người cha là bà sẽ theo đạo Công giáo, cha bà không chấp thuận. Ông cương quyết từ chối, “Không được, nếu con vẫn muốn là con cha, con phải thề với cha là không bao giờ theo đạo đó.” Rồi ông đưa ra cho bà một chọn lựa đau đớn, “Nếu con nhất quyết theo đạo Công giáo, thì cha con ta không thể sống chung dưới một mái nhà. Con phải chọn lựa: một trong hai chúng ta sẽ phải rời bỏ mái nhà này” (Thành, 1993: 95).
– Thái độ thù địch của nhà cầm quyền
Nhiều viên quan đã xin Chúa Nguyễn cấm dân chúng theo “tà đạo”, và trục xuất các thừa sai ra khỏi lãnh thổ. Đối với họ, Kitô giáo là một tôn giáo man rợ, đạo ngoại quốc, ngăn cấm người ta tôn kính và tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ tổ tiên (Chính, 56).
Có lẽ, trước khi việc ngăn cấm “đạo mới” (Kitô giáo) trở nên gay gắt hơn, việc tôn kính tổ tiên đã là một khó khăn cho vua Gia Long, vì mang ơn giám mục Pigneau là người đã giúp ông dựng xây được vương triều. Ông đau khổ, bực mình, và giận dữ với thái tử, người đã được giám mục Pigneau dạy dỗ nên từ chối thi hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên..
Năm 1833, vua Minh Mạng, người kế vị vua Gia Long, viết trong một chiếu chỉ: “Nhiều người Tây phương đến đây rao giảng đạo Kitô. Chúng đánh lừa ngu dân bằng giáo huấn về thiên đàng và hỏa ngục. Chúng không tôn kính và không cúng giỗ tổ tiên. Chúng thực là bọn vô đạo”.
Trong sắc chỉ ban hành năm 1848, vua Tự Đức khẳng định: “Kitô giáo là tà đạo, vì các tín đồ không thờ kính tổ tiên và có nhiều điều mê tín” (Sinh, 1998: 265).
Ây là chưa kể đến một sự kiện nhạy cảm về phương diện lịch sử: Thánh giá và Thanh gươm, sự câu kết giữa thực dân và các nhà turyền giáo: Trên tàu của thực dân luôn có sự hiện diện của giáo sĩ, gọi là lo phần hồn cho binh sĩ, nhưng không ai cấm người ta cắt nghĩa đó là cái bắt tay đôi bên đều có lợi: thực dân thì chiếm đất đai, nhà truyền giáo thì chiếm các linh hồn!
– Mấy ngộ nhận về ngữ nghĩa
Thêm vào những nguyên nhân trên đây, phải kể đến một vài điểm ngộ nhận về phương diện ngữ nghĩa.
“Tôn giáo” và “Đạo”
Từ ngữ “Đạo” trong tiếng Việt (Religio / Religion: tôn giáo) có nhiều nghĩa khác nhau. Người Việt dùng từ ngữ “Đạo” với nghĩa rộng hơn và đôi khi có nghĩa khác với từ “tôn giáo” của Tây phương. Nó có thể là lề luật (đạo luật), con đường (đạo lộ), lòng sốt sắng (đạo đức), thảo hiếu (đạo hiếu), sự chung thủy (đạo vợ chồng), tôn giáo (đạo Phật, đạo Công giáo…), và cuối cùng, thờ cúng tổ tiên (đạo ông bà). Các thừa sai gán cho thuật ngữ Việt Nam “đạo” cái ý nghĩa của “tôn giáo”, là một hệ thống các giáo điều, cùng với cơ cấu tổ chức.
“Thờ” và “Kính”
Tiếng Hy Lạp phân biệt lateria để chỉ hành vi tôn thờ tối cao dành cho một mình Thiên Chúa. Ngược lại, duleia chỉ về việc tôn kính hay trọng kính dành cho các thánh, các thiên thần. Do đó, đối với các thừa sai ngày xưa, những ai thờ cúng tổ tiên đều bị coi là vô thần (vì họ “thờ” ông bà).
Thế nhưng, quan niệm của Đông phương lại khác. Một từ ngữ có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau. Từ ngữ “thờ” có thể dùng để nói về “thờ Trời”, “thờ ông bà”, “thờ cha kính mẹ”, “thờ chồng nuôi con”.
“Cúng” và “Tế”
Trong Cựu ước, lễ vật dâng trong đền thờ có thể là chiên cừu hay bò (Lv 1). Dâng lễ vật cho tổ tiên có thể bị coi là mê tín, vì như thế ông bà tổ tiên được coi là ngang hàng với Yavê.
Trong truyền thống Việt Nam, ông bà tổ tiên đã qua đời được gọi là “quỉ thần” (genii), như trong câu nói: “Xin quỉ thần chứng giám”. Các thừa sai ngày xưa dịch “quỉ thần” thành diabolicum, một từ ngữ tương tự như Satan. Dâng lễ vật (cúng) cho Satan rõ ràng là mê tín. Trong thực tế, người Việt dùng từ “cúng” để chỉ việc dâng lễ vật cho tổ tiên, còn “tế” chỉ cho các thần.
- ĐẠO HIẾU: ĐIỂM ĐỒNG QUY CỦA CUỘC GẶP GỠ
Như chúng ta đã thấy trong lịch sử của vấn đề, dù có những tranh luận về lý thuyết, có những khó khăn từ phía bên ngoài, hoặc nhữg ngộ nhận này khác, nhưng rõ ràng là không có mâu thuẫn hay xung đột giữa Đạo Tổ tiên và Đạo TC. Trái lại, thực sự có sự gặp gỡ giữa hai thực tại.
Kể từ khi Tin mừng bắt đầu được rao giảng tại Việt Nam, người Công giáo Việt Nam đã không ngần ngại diễn tả sự tôn kính, biết ơn, và hiếu thảo đối với tổ tiên. Trong Kitô giáo, viên đá góc của việc tôn kính tổ tiên cũng dựa trên chiều kích gia đình và lòng hiếu thảo như trong truyền thống của dân tộc. Chúng ta cùng nhìn vào mấy điểm gặp gỡ giữa hai cái “đạo” ấy.
1. Cả hai bên đều coi Hiếu thảo là cốt lõi của đạo tổ tiên
1. Lệnh truyền hiếu thảo:
Khởi đầu sách Luận ngữ (MỘT trong Tứ thư được cho là do Khổng Tử biên soạn) viết: ‘Một người cư xử hiếu thảo với cha mẹ mình và kính trọng các anh em mình, người ấy ít khi xúc phạm đến các bề trên. Nếu một người không xúc phạm đến bề trên, sẽ không bao giờ gây rối an ninh trật tự xã hội.’
Những lệnh truyền này có khác gì luân lý Kitô giáo? Sách Thánh đầy dẫy những lệnh truyền liên quan đến việc kính trọng cha mẹ, lời hứa thịnh vượng và sống lâu cho những ai kính trọng các ngài. Sách Xuất hành 20:12 viết: “Hãy kính trọng cha mẹ ngươi, và ngươi sẽ được sống lâu dài trên đất mà Yavề đã ban cho ngươi.”
Giáo huấn của các rabbi còn đưa ra những giải thích thêm về giới luật này. Thầy Simeon ben Yohai nói: ‘Hãy thảo kính cha mẹ ngươi,’ cho dù ngươi có phải đi xin ăn từ nhà này qua nhà khác’
Chúng ta cũng thấy giáo huấn tương tự trong Tân ước. Đức Giêsu nói với chàng thanh niên giàu có hỏi Người làm thế nào để được sự sống đời đời: “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mt 19:19). Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Êphêsô: “Hỡi những người làm con, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa. Vì đó là điều phải lẽ. Giới răn thứ nhất nói, ‘Hãy thảo kính cha mẹ thì ngươi sẽ được hạnh phúc và sống lâu trên đất’” (Ep 6:1-3).
2. Lên án và trừng phạt bất hiếu
Trong khi những người con hiếu thảo nhận được phúc lành đã hứa, thì những người con bất hiếusẽ bị trừng phạt nặng nề. Sách Xuất hành cảnh báo: “Kẻ nào đánh đập cha mẹ sẽ phải chết. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ sẽ phải chết” (21:15,17). Sách Lêvi cũng tuyên án phạt tương tự cho những kẻ mắng nhiếc cha mẹ: “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ sẽ phải chết. Nó đã nguyền rủa cha mẹ. Nó sẽ phải đổ máu” (20:9). Nếu sách Châm ngôn của Solomon không nói đến hình phạt, thì cũng dành cho người con bất hiếu những lời nặng nề: “Ai nguyền rủa cha mẹ sẽ thấy ngọn đèn của mình tắt lịm giữa tối tăm” (20:20).
Tin mừng theo thánh Mátthêu chấp nhận lập trường của nền luân lý cũ. Khi các văn nhân và những người Biệt phái chất vấn Chúa Giêsu về truyền thống Do Thái, Người trả lời:
Thiên Chúa đã truyền: ‘Hãy thảo hiếu cha mẹ,’ và ‘kẻ nào nguyền rủa cha mẹ sẽ phải chết.’ Nhưng các ông lại bảo bất cứ ai nói với cha mẹ mình rằng: ‘Những gì cha mẹ mong đợi nơi tôi, tôi đã dành cho Đền thờ.’ Trong trường hợp này, theo các ông, người ấy được miễn khỏi phụng dưỡng cha mẹ mình. Và như vậy, các ông đã phế bỏ lệnh truyền của Thiên Chúa mà thay thế bằng truyền thống của các ông” (Mt 15:3-6).
2. Nội dung bổn phận hiếu thảo
1. Phụng dưỡng và nghe lời
Con cái phải làm gì để tỏ lòng thảo hiếu với cha mẹ? Phải chăng chăm sóc cha mẹ là việc quan trọng nhất? Khổng Tử dường như đặt việc đó xuống hàng thứ hai: “Thảo hiếu ngày nay có nghĩa là nuôi dưỡng cha mẹ. Chúng ta cũng có thể nuôi dưỡng con chó con ngựa mà không có lòng kính trọng, vậy có gì khác biệt giữa việc nuôi dưỡng cha mẹ và nuôi dưỡng súc vật?” (Luận ngữ, II, 7).[Mẹ còn thì chẳng cho ăn! Đến khi mẹ chết làm văn tế ruồi!]
Điều làm cho cha mẹ hạnh phúc khi còn sống là con cái biết nghe lời. Theo tư tưởng của Khổng Tử, thảo hiếu không phải là không vâng lời. “Mạnh Tử hỏi hiếu thảo là gì, Tử đáp, “Không phải là không vâng lời’” (Luận ngữ, II, 5). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là con cái phải vâng lời vô điều kiện. Khổng Tử dạy các học trò: “Nếu cha mẹ dạy bảo có điều sai, con cái phải nói lại cho cha mẹ biết, phải sửa sai” (Luận ngữ, IV, 18).
Giáo huấn của Khổng Tử tương tự như giáo huấn trong sách Châm ngôn: “Con ơi, hãy lắng nghe lời dạy bảo của cha con, đừng lơ là giáo huấn của mẹ con” (Cn 1:8), hoặc, “Hãy tôn trọng lời dạy dỗ của cha con, và đừng khinh thường lời dạy dỗ của mẹ con. Hãy ghi nhớ trong trái tim con và đeo chung quanh cổ con. Những lời dạy bảo ấy sẽ gìn giữ bước chân con, bảo vệ con khi con ngủ và nói với con khi con thức” (Cn 6:20-22).
Thánh Phaolô cũng chỉ dạy giống như thế: “Hỡi con cái, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì điều đó làm đẹp lòng Chúa” (Cl 3:20). Người cũng khuyên nhủ những người làm cha làm mẹ: “Hỡi các bậc cha mẹ, đừng đòi hỏi con cái, kẻo chúng chán nản” (3:21).
2. Về tang chế
Con cái phải tiếp tục thảo kính cha mẹ sau khi các ngài qua đời cũng như khi các ngài còn sống.Khổng Tử trả lời Sài Ngô khi ông này hỏi về tang chế, “Thời tang chế, người quân tử ăn đồ ăn ngon mà không thấy ngon; nghe nhạc mà không thấy thích; ở trong nhà mà không thấy vui” (Luận ngữ, XVII, 23).
Sách Huấn ca cũng đưa ra bằng chứng về việc kính trọng và than khóc người chết: “Hỡi con, hãy than khóc người chết, than khóc để bày tỏ sự buồn sầu của con và chôn cất người chết với lễ nghi xứng hợp…” (Hc 38:16-17).
Thảo hiếu với cha mẹ đã qua đời và bày tỏ lòng yêu mến các ngài không phải chỉ bằng nghi tiết tang chế, nhưng nhất là bằng lòng tôn kính biết ơn để tưởng nhớ các ngài.
3. Cả hai cùng đề cao giá trị của hiếu thảo
Còn nói về giá trị trổi vượt của hiếu thảo, Cuốn sách viết về lòng hiếu thảo ca ngợi đức hiếu: “Hiếu thảo là nhân đức thứ nhất của trời, là tiêu chuẩn tối hậu của đất, là chuẩn mực cư xử của con người” (chương VII).
Như thế là sách Luận ngữ nhắc chúng ta nhớ đến sách Châm ngôn của Solomon “Người con trai khôn ngoan là niềm vui của người cha, người con ngu dốt làm buồn lòng mẹ” (10:1).
Cần lưu ý rằng giới răn này chiếm vị trí thứ nhất trong bảy giới răn bàn về mối tương quan liên nhân vị. Vị trí quan trọng của cha mẹ còn được nhấn mạnh thêm qua thuật ngữ “thảo kính” (kabod trong tiếng Do Thái: 1 Sm 2:30; Is 24:15). Đây là một động từ mà trong Cựu ước thường được dùng với Thiên Chúa là đối tượng, và ta hiểu ngay giá trị của thuật ngữ khi ta biết rằng danh từ thường được dùng để chỉ vinh quang và danh dự của Yavê thì phát xuất từ cùng một gốc:kabod (Xh 16:10; Is 6:3). Cha mẹ được kính trọng một cách đặc biệt, phản ánh qua thái độ và cách cư xử của con cái. Bởi vì cha mẹ mang trong mình sự phản chiếu kabod (vinh quang) của Thiên Chúa,
Còn phải nói thêm nhiều điều về Đức Giêsu và giới răn thứ tư này. Có lẽ nên biết rằng chính Đức Giêsu đã tuân giữ giới răn này một cách tỉ mỉ. Đức Giêsu qua đời năm 33 tuổi, và trong 33 năm này, Người đã sống không ít hơn 30 năm tại quê nhà ở Nazareth. Tại sao phải như thế? Có lẽ là vì ông Giuse, thân phụ Người, đã qua đời khi còn trẻ. Do đó, là người con trưởng, Đức Giêsu có nhiệm vụ phải phụng dưỡng thân mẫu. Người đã trung thành và tận tụy thi hành bổn phận đối với gia đình và thân mẫu, và trong Tin mừng Gioan, chúng ta thấy Người, dù đang chịu treo trên thập giá, vẫn nghĩ đến thân mẫu mình (Ga 19:26-27). Thảo hiếu là một giới răn mà Đức Giêsu dạy người khác giữ, và chính Người đã tuân giữ.
Từ việc gợi lại chủ ý của Thánh kinh về giới răn thứ tư, Giáo hội mở ra ý nghĩa thiêng liêng phong phú của giới răn ấy, và vì thế, nói chung đã có thể có những hỗ trợ về mặt mục vụ cho đời sống gia đình, cái nôi của việc tôn kính tổ tiên như tại Việt Nam.
III. HỘI NHẬP: TRUNG THÀNH VỚI TIN MỪNG, GẮN BÓ VỚI VĂN HOÁ DÂN TỘC
Cuộc gặp gỡ giữa Tin mừng và văn hóa tại Việt Nam, một mặt, gần như một cuộc đụng chạm giữa hai thực tại, không phải không gây ra những hiểu lầm và khó khăn, nhưng mặt khác, lại khơi lên những yếu tố tích cực khi cả hai tương tác với nhau.
- Giáo huấn của Giáo hội trước Công đồng Vatican II
Phúc âm hóa các nền văn hóa là một mối ưu tư trường kỳ của Giáo hội, thậm chí ngay từ những thế kỷ đầu tiên. Chúng ta đã quen thuộc với nhiều chỉ dẫn của Công đồng Vatican II, của các Đức Giáo hoàng Phaolô VI, và Gioan Phaolô II, cùng nhiều văn kiện khác của Tòa thánh. Ở đây chỉ xin gợi lại một vài giáo huấn thú vị đáng chú ý từ trước Vatican II, thậm chí có thể khiến cho chúng ta ngạc nhiên là Giáo hội đã ý thức được vấn đề này từ khá sớm!
1. Thư gửi Diognetus (khoảng thế kỷ thứ 3)
Một trong những văn bản sớm nhất của Giáo hội cổ xưa, Thư gửi Diognetus, khắc họa hình ảnh người kitô hữu như là những công dân biết thích nghi – một từ ngữ khác mà ngày nay gọi là hội nhập văn hóa – với những phong tục và lối sống của thời đại. Họ cố gắng để khỏi khác biệt với đồng bào của mình, mặc dù họ tự xưng mình là “công dân của nước Trời”:
Các kitô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống (…) Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng và ai cũng phải nhận là khó tin. Họ sống ở quê hương mình mà như những khách kiều cư. Họ có chung mọi thứ như công dân, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như khách lữ hành. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, nhưng quê hương nào cũng là đất khách đối với họ.
2. Huấn thị của Bộ Truyền bá Đức tin (Propaganda Fide) năm 1659
Trong một huấn thị gửi cho các vị Đại diện Tông tòa và các thừa sai ở miền Viễn Đông, Bộ Truyền bá Đức tin đã đề cập một cách thực tiễn đến vấn đề hội nhập văn hóa trước khi từ ngữ này xuất hiện:
Đừng cố gắng bằng mọi cách, cũng đừng viện bất cứ lý do nào để thuyết phục các dân tộc này thay đổi các lễ nghi, phong tục và tập quán của họ, trừ khi những thứ ấy rõ ràng đối nghịch với tôn giáo và phong hóa. Bởi vì còn gì phi lý hơn khi quí vị đem nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý, hay bất cứ một quốc gia châu Âu nào nhập vào Trung Hoa! Quí vị đừng đem đất nước của quí vị, nhưng hãy đem đến đức tin của quí vị, mà đức tin thì không bài bác hay coi thường những nghi lễ hay phong tục của bất cứ quốc gia nào miễn là những nghi lễ ấy không phải là xấu xa, nhưng tốt hơn, quí vị hãy mong muốn cho những nghi lễ ấy được bảo tồn và nuôi dưỡng trong sự tinh tuyền của chúng (…) Không có nguyên nhân nào khiến người ta xa lánh và thù ghét cho bằng thay đổi phong tục của một đất nước, nhất là khi những phong tục ấy gợi lại ký ức về tổ tiên.
- Thời kỳ liền trước Vatican II
– Tư tưởng của Giáo hội hiện đại về sự gặp gỡ giữa sứ điệp Tin mừng và văn hóa nhân loại được khai triển mạnh mẽ khi đức Benedict XV công bố thông điệp Maximum Illud (30-11-1919). Vào thời đó, các hội dòng truyền giáo ca ngợi thông điệp này như là một tuyên ngôn quan trọng nhất của Giáo hoàng về việc truyền giáo trong thời đại mới:
Mối quan tâm chính yếu của các vị điều hành các xứ truyền giáo là phải gây dựng và huấn luyện một hàng giáo sĩ ở giữa những quốc gia nơi các vị ấy cư ngụ, vì đây là nền tảng những hy vọng tốt nhất cho Giáo hội trong tương lai. Khi liên kết với đồng bào của mình bằng mối dây nguồn gốc, đặc điểm, tình cảm và khuynh hướng, vị linh mục bản xứ sẽ có được những khả năng hết sức đặc biệt để giới thiệu đức tin đến cho tâm trí đồng bào, và có khả năng thuyết phục những người khác về những điều cao trọng hơn. (AAS 11 [1919]: 440-455).
Đức Giáo hoàng mạnh mẽ chống đối cái gọi là “Âu châu hóa,” sự thống trị văn hóa do các thừa sai Công giáo áp đặt. “Các vị này phải nhớ rằng các ngài là thừa tác viên của Chúa Kitô, chứ không phải là thừa tác viên của đất nước các ngài. Mục đích của các ngài là “thu phục công dân cho vương quốc nước trời, chứ không phải cho vương quốc trần thế.” Các thừa sai phải mở rộng vinh quang Nước Chúa, chứ không phải vinh quang của đất nước các ngài. (ibid.)
– Người ta không bao giờ có thể đánh giá được đầy đủ giá trị khích lệ mà thông điệp Maximum Illud của đức Giáo hoàng Benedict XV đem lại cho các hội dòng truyền giáo. Tuy nhiên, chính đức Piô XI (1857-1939) mới được biết đến như là vị “Giáo hoàng của các xứ truyền giáo.” Chính ngài đã gặt hái được những thành quả mà đức Benedict đã gieo trồng. Người là vị Giáo hoàng đầu tiên đã phong chức cho các giám mục Trung Hoa, Nhật Bản, và Ấn Độ, vốn được đào tạo tại các chủng viện mà đức Benedict đã truyền thiết lập. Ngay hồi đầu triều Giáo hoàng của ngài, trong một nghi lễ đặc biệt, ngài đã phong chức cho 12 giám mục, nguyên quán thuộc các quốc gia mà các ngài sẽ được sai đi truyền giáo.
Đức Piô XI tỏ ra chú trọng tới hoạt động của Giáo hội ở kỷ nguyên truyền giáo mới. Trong thông điệp Summi Pontificatus 20-10-1939, ngài nói tới ‘văn minh’ và ‘phong tục’: “Cần phải hiểu biết sâu sắc về nền văn minh và các thể chế của các dân tộc, và cổ võ những phẩm tính và tài năng của họ… Tất cả những phong tục nào không nhuốm màu sắc mê tín hoặc sai lầm, thì phải nghiên cứu với lòng nhân từ và nếu có thể, gìn giữ cho nguyên vẹn” (AAS 31 [1939]: 529). Quan điểm của Đức Giáo hoàng là hết sức rõ ràng: “Vị sứ giả của Phúc âm và của Chúa Kitô là một người tông đồ. Nhiệm vụ của ngài không phải là gieo trồng nền văn minh và văn hóa Âu châu hay cái gì khác ở miền đất nước ngoài, nơi mà Phúc âm phải bén rễ và được quảng bá.” Và những lời sau đây cho thấy một cái nhìn cởi mở của Đức giáo hoàng: “Cư dân Công giáo ở các xứ truyền giáo, mặc dù là những người đầu tiên trong tất cả các công dân của Nước Trời và phần tử của đại gia đình, nhưng họ vẫn luôn luôn là những công dân của tổ quốc trần gian” (ibid.).
Một cột mốc trong sự phát triển ý thức về hội nhập văn hóa được Đức Piô XII (1867-1958) phát biểu với các vị Giám đốc các Hoạt động Truyền giáo vào ngày 24 tháng 6 năm 1944. Phát biểu này quan trọng vì có lẽ đây là lần đầu tiên Giáo hội chính thức đề cập đến vấn đề thích ứng trong truyền giáo:
Những đặc điểm, những truyền thống, những phong tục của mỗi quốc gia phải được duy trì nguyên vẹn, bao lâu chúng không trái ngược với lề luật Chúa. Nhà truyền giáo là một tông đồ của Chúa Giêsu Kitô. Công việc của ngài không phải là quảng bá văn minh Âu châu ở các xứ truyền giáo, như là trồng cây vào mảnh đất xa lạ. Đúng hơn, nhiệm vụ của ngài là đào tạo và hướng dẫn các dân tộc khác, trong số họ có những người nổi danh trong nền văn minh cổ xưa và tinh túy của họ, để chuẩn bị họ sẵn lòng đón nhận các nguyên tắc sống và cách hành xử Kitô giáo (AAS 36 [1944]: 210).
Lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng trở nên khẩn thiết hơn khi ngài công bố thông điệp Evangelii Praecones 02-06-1951, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thông điệp Rerum Ecclesiae. Đức Giáo hoàng đề cập tới vấn đề văn hóa bằng cách đảo ngược thí dụ của thánh Phaolô về cành ôliu dại (Rm 11:17-21). Người nói, thay vì ghép cành dại vào cây gốc, thì phải ghép cành gốc vào cây dại để cả cây được biến đổi. Giáo hội “ghép chồi tốt vào gốc dại để sinh ra hoa trái tốt lành hơn” (AAS 43 [1951]: 509-510). Thông điệp đưa ra một nguyên tắc căn bản cho vấn đề thích ứng truyền giáo: “Chúng ta phải giữ nguyên tắc rất khôn ngoan là khi dân chúng chấp nhận sứ điệp (Tin mừng), chúng ta đừng phá hủy những điều tốt, xứng đáng, tốt đẹp trong cách sống và tinh thần bản xứ” (ibid.).
– Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, vị Giáo hoàng của đoàn sủng, trong thông điệp Princeps Pastorum(1959), khích lệ các chủng sinh “học những ngành khác nhau của khoa Truyền giáo học” trong các chủng viện địa phương “để có thể đánh giá đúng đắn những truyền thống văn hóa của quê hương họ” (AAS 51 [1959]: 840). Đây là vấn đề một Giáo hội đa văn hóa và sự bình đẳng giữa các nền văn hóa khác nhau trong Giáo hội. Người ta có thể thấy mầm giống của văn hóa đa nguyên trong Giáo hội rõ rệt bắt nguồn ở đây.
Trong những năm liền trước công đồng Vatican II, “thích nghi” không chỉ là một hình thức trong chính sách ngoại giao hay chiến lược truyền giáo của Giáo hội. Một khi nhìn nhận sự đa dạng văn hóa trong nhân loại, người ta có thể thấy thích nghi là một điều kiện thiết yếu của Công giáo tính. Một Phúc âm cứu độ phải được loan báo cho con người thuộc những nền văn hóa khác nhau và được họ hiểu và sống. Thích ứng nhất thiết phải là một đặc điểm trường tồn của hoạt động truyền giáo.
Các văn kiện khác nhau của các Đức Giáo hoàng dần dần hướng hoạt động truyền giáo về các giáo hội địa phương và dọn đường cho cuộc đột phá mới xảy ra tại công đồng Vatican II.
- Vài cách diễn tả dựa trên nền tảng thần học- Thánh kinh
Khi Tin mừng gặp gỡ nền văn hóa bản địa, khi đức tin Kitô giáo gặp gỡ tập tục tôn kính tổ tiên, nhu cầu phúc âm hóa văn hóa nảy sinh, không phải như một chiến lược để Kitô giáo tồn tại, nhưng để là hiện diện trong môi trường văn hóa theo một cách thức mới, hay là để thực hiện tiến trình “nhập thể” vào trong khung cảnh sống của con người tiếp nhận Tin mừng. Cuộc gặp gỡ này, muốn đạt được kết quả, tất yếu phải dựa trên nền tảng và những nguyên tắc được hướng dẫn từ nguồn thần học và Thánh kinh. Căn cứ vào nền tảng và những nguyên tắc ấy, chúng ta có thể rút ra từ lịch sử những hình thái hội nhập văn hóa xảy ra ở những cấp độ khác nhau.
- Nhìn TC: suối nguồn tình phụ tử
Chúa Giêsu đến để thiết lập gia đình của Thiên Chúa trong đó Thiên Chúa là Cha Người và cũng là Cha chúng ta. Các tín hữu là thành viên, con cái của gia đình Thiên Chúa.
Chúa Cha là nguồn cội của nhân loại. Như vậy, xét cho cùng, tôn kính tổ tiên chính là làm vinh danh, là biết ơn, là tỏ lòng thảo hiếu đối với nguồn cội của mình. Khi thực hiện hành vi thảo hiếu, người kitô hữu muốn đi tới nguồn cội đích thực của mình, tức là Thiên Chúa, vì từ nơi Người phát sinh mọi tình phụ tử. Tình phụ tử của Thiên Chúa không loại trừ mọi tình phụ tử trần gian, nhưng bao gồm tất cả, và ban cho tình phụ tử của con người tình yêu Thiên Chúa như là một đặc tính nổi bật (ibid.). Như thế, khi tôn kính tổ tiên, không phải là chúng ta hàm ý tôn vinh Thiên Chúa, suối nguồn của mọi tình phụ tử và mẫu tử sao?
Tuy nhiên, việc tôn kính ông bà tổ tiên không thể xếp ngang hàng với việc tôn thờ Thiên Chúa. Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng tôn kính tổ tiên không trái ngược với đạo lý Công giáo, nhưng vén mở những nét đặc thù của Đông phương, đặc biệt là của lòng hiếu thảo nơi người Việt Nam. Đồng thời, khi việc tôn kính này được hội nhập vào trong đời sống Kitô giáo, thì những giá trị luân lý cùng với những biểu hiện của nó sẽ hội tụ lại nơi Nguồn cội Tối cao của các thụ tạo.
2. Nhìn Đức Giêsu, Trưởng tử
Xã hội Việt nam trước đây chịu ảnh hưởng bởi nền luân lý mang màu sắc chính trị – xã hội của Khổng giáo. Nhưng cũng nhờ đó, chúng ta có thể khẳng định và siêu việt hóa việc tôn kính tổ tiên ở Việt Nam – trong đó đạo hiếu là cốt lõi – bằng cách vận dụng hình ảnh Chúa Giêsu là Trưởng tử của chúng ta.
Mặc dù Cựu ước không cổ võ việc thờ kính tổ tiên, và Chúa Giêsu cũng chẳng giáo huấn gì về việc tôn kính tổ tiên, nhưng không có gì trở ngại nếu chúng ta nhìn nhận Người là mẫu người chu toàn đạo hiếu, vì Người có mối liên hệ mật thiết với Chúa Cha. Hơn nữa, việc Chúa Giêsu không kết hôn và không có con cái cũng không có nghĩa là vì thế mà Người thiếu sót bổn phận thảo hiếu. Gia đình Việt Nam cho phép nhận con nuôi như là một giải pháp! Trong trường hợp Chúa Giêsu, chúng ta được nhận là anh chị em của Người để chia sẻ với Người bổn phận tôn thờ dành cho Cha Người. Nhìn theo cách này thì quả thực Người là “trưởng tử giữa mọi thụ tạo,” “trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc”. Tất nhiên hình ảnh này phải được hiểu theo nghĩa loại suy.
- Nhìn dưới tác động của Thánh thần: Hiệp nhất trong khác biệt
Biến cố Ngũ tuần, nguồn mạch của sự hiệp nhất và đa dạng, “đưa các cộng đồng dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa khác biệt lại gần nhau” (TAC, 1994:53). Việc tôn kính tổ tiên ở Việt Nam mang ý nghĩa hiệp nhất và liên đới không những giữa người sống và kẻ chết, mà còn giữa những người sống với nhau. Việc các phần tử trong gia đình, trong gia tộc qui tụ lại vói nhau nhân dịp đám tang hay lễ giỗ thường là những cơ hội thuận tiện để cổ võ tình liên đới, để hòa giải những bất đồng, xóa bỏ thành kiến hoặc hiểu lầm, đặc biệt là để liên kết giữa những người phải sống xa quê hương vì lý do làm ăn.
Những cuộc qui tụ để cử hành việc tôn kính tổ tiên như thế sẽ không mang ý nghĩa sự hiệp nhất gia đình nếu người ta không đem đến hoa quả của Chúa Thánh Thần là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5:22-23). Trong chiều hướng đó, việc tôn kính tổ tiên, xét như là nét đặc thù của một nền văn hóa đặc thù, sau khi được thanh tẩy khỏi những hàm hồ và sai lầm, có thể làm giàu cho đức tin Kitô giáo.\
- Nhìn trong chiều kích Giáo hội: Sự hiệp thông các thánh
Do đó, việc tôn kính tổ tiên có ý nghĩa trọn vẹn trong bối cảnh đức tin và cộng đoàn tín hữu. Cộng đoàn những người còn sống sẽ không hoàn toàn nếu không tưởng nhớ đến những người đã khuất. Các tổ tiên làm thành một phần trong toàn thể cộng đồng thờ phượng Thiên Chúa. Trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, người sống và kẻ chết liên kết với nhau trong mối tương quan siêu nhiên nhưng thực tế; mối tương quan này đậm đà hơn mối tương quan máu mủ.
Niềm tin vào sự chuyển cầu của tổ tiên cho người còn sống trong gia đình đã ăn rễ sâu vào trong tâm khảm người Việt. Tuy thế, người Công giáo lại có vẻ ít quan tâm đến điều ấy. Họ chỉ cầu Chúa cho các tổ tiên. Thế nhưng, không có nền thần học nào nói rằng tổ tiên không thể chuyển cầu cho con cháu.
Lời chuyển cầu của tổ tiên cho người còn sống biểu lộ sự gần gũi của các ngài đối với Thiên Chúa. Cộng đồng thịnh vượng, cá nhân khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, gia đình an vui… sự chuyển cầu của tổ tiên với Thiên Chúa là Đấng ban phát mọi sự
- Khởi điểm để cổ võ sự tương tác
Rõ ràng những suy tư trên đây khiến cho chúng ta cảm nhận mộ tsự gần gũi thân thiết giữa Đạo tổ tiên và Đạo CG như thế nào. Loại bỏ đi những yếu tố mà con người ở thời đại lý trí và khoa học không tán thành, như mê tín, dị đoan… thì quả thực cây cầu giữa tôn giáo và văn hoá đã được xây dựng nhờ những yếu tố chung của cả hai thực tại đó.
Hội nhập văn hóa là trình bày và diễn tả lại Tin mừng trong những hình thức và thuật ngữ phù hợp với một tiến trình văn hóa, đưa đến việc tái giải thích cả Tin mừng lẫn văn hóa, nhưng vẫn trung thành với cả hai. Trong thực tế, môi trường gia đình và các cử hành trong phạm vi gia đình là những bối cảnh thuận lợi mà Tin mừng có thể hòa nhập.
Trong các gia đình Việt Nam truyền thống có một tập tục tốt đẹp: mọi biến cố vui buồn đều được bẩm báo với tổ tiên, và tình cảm này được diễn tả bằng việc cúng tế. Các gia đình Công giáo Việt Nam đón nhận truyền thống này với sự hiểu biết xác thực và phù hợp với đức tin Kitô giáo, đồng thời hòa nhập truyền thống này vào trong kinh nguyện gia đình.
Những biến cố được cử hành thường xuyên nhất là tang ma, giỗ chạp, hiếu hỉ, ngày tết…Cho tới nay, đã có khá nhiều các bản văn được lưu truyền để giúp người tín hửu có thể cử hành các sự kiện quan trọng này vừa đậm chất văn hoá truyền thống, vừa phù hợp với tín ngưỡng Kitô.
Cùng với việc trả lời hai câu hỏi đã nêu lên ở đầu bài, vấn đề là chính các vị mục tử cần phải phổ biến thông tin và có những hướng dẫn cụ thể cho các gia đình, hoặc các giáo xứ.
KẾT LUẬN: Vài điều băn khoăn
Tuy có những thuận lợi do có sự tương đồng nhất định về quan điểm luân lý trong vấn đề đạo hiếu, nhưng trong thực hành, không phải tất cả mọi người, người ngoài CG cũng như tín hữu CG hiểu được quan điểm mới của Giáo hội. Do đó vẫn tồn tại một vài nỗi băn khoăn cần sự khai thông từ phía những người có trách nhiệm.
a. Mê tín hay không mê tín
Linh mục Võ Tá Khánh, trong cuốn “50 năm thờ cúng tổ tiên”, chia sẻ tâm tình của ngài về một số vấn đề còn gây băn khoăn, xin tóm lược như sau:
– Thờ Thiên Chúa là tâm tình của thụ tạo lệ thuộc Tạo hóa tùng phục Ngài một cách tuyệt đối và yêu mến Ngài với trọn tình con. Còn thờ tổ tiên là tưởng nhớ người xưa và cố gắng không làm ô danh người xưa.
Thế nhưng trong thực tế, đối với nhiều người, các nghi lễ dành cho tổ tiên cũng dần dần mang thêm một ý nghĩa tôn giáo. Người ta đi đến chỗ thờ tổ tiên như thần thánh, và có khi dành cho tổ tiên một tâm tình thờ phượng tuyệt đối như thờ phượng Thiên Chúa. Chính đây là điều không thể nào đi đôi với giáo lý Kitô giáo.
Nghi lễ thờ cúng ông bà ở các thế kỷ trước quả thật có bị lây nhiễm một số tin tưởng sai lạc đáng ngại. Chẳng hạn, tin rằng hồn ông bà về hưởng của cúng. Người ta sợ rằng không cúng tế thì hồn người chết sẽ đói khát, không đốt vàng mã thì hồn người chết không có tiền tiêu. Những tin tưởng sai lạc như thế cũng không thể đi đôi với giáo lý Kitô giáo.
– Về vấn đề bài vị (tấm thẻ ghi tên tuổi, chức vị của người đã khuất) mà người ta tin đó là nơi cư ngụ của hồn người đã mất, ngày nay, nhiều gia đình đã thay thế các bài vị bằng những bức ảnh chân dung, cho thấy họ không nghĩ rằng linh hồn các bậc tổ tiên ở trong các bài vị. Dưới con mắt của người Hoa cũng như người Việt, ít ra là của các nhà nho, các bài vị chỉ có mục đích duy nhất là để nhắc nhở người sống tưởng nhớ những người đã khuất.
– Về chuyện đốt vàng mã, thắp hương, mâm cỗ, xôi gà … cúng cho ông bà tổ tiên có chăng, chỉ là cử chỉ bên ngoài để tỏ lòng tưởng nhớ, thương tiếc, biết ơn người quá cố, nhưng đó không phải là cứu cánh cho linh hồn họ. Và chắc chắn người quá cố của chúng ta không cần đến những thứ vật chất ấy để thỏa mãn chuyện ăn uống… Đó là chưa kể đến việc chính xã hội ngày nay, và Giáo hội Phật giáo cũng cho là mê tín dị đoan. Chính Phật giáo đã phủ nhận nguồn gốc của đốt vàng mã bắt nguồn từ một nghi thức của họ và khuyên răn bỏ tập tục mê tín này.
Những vấn đề này rất cần được làm sáng tỏ và đưa đến xác tín, nhờ đấy việc thờ kính tổ tiên sẽ đạt đến phần tinh túy hơn, hay nói theo cố linh mục Phạm Hân Quynh (giáo phận Hải Phòng), sẽ đến lúc sẽ có những hình thức cúng giỗ khác hơn, mang tính biểu trưng nhiều hơn.
b .“Lấy chồng theo chồng” và “mất đạo”?
Có những trường hợp “không biết xử trí như thế nào” của nhiều gia đình hỗn hợp lương giáo, cách riêng là về phía những người vợ bên đạo, sau 1, 2 năm đầu đời hôn nhân, bắt đầu gặp khó khăn, do phía người chồng, hoặc gia đình chồng tìm cách nói ra nói vào, hoặc ngăn cản, hoặc cấm đoán người vợ thực hành đạo. Phần đông các bà vợ đều cam chịu – đúng là chữ “nhẫn” của người phụ nữ VN! Các bà chỉ biết chép miệng ‘Lấy chồng thì phải theo chồng’. Những trường hợp được thoải mái thực hành đạo của mình không nhiều. Nặng nề hơn, có những người vợ buộc phải theo lối sống tôn giáo của gia đình nhà chồng, như đi chùa cúng bái, tham dự những nghi lễ trái với lương tâm, thậm chí dần dần quên mất mình là người CG.
c. “Tôi thờ lạy Chúa Ba ngôi…”
Lm. Võ Tá Khánh đề cập tới vấn đề huấn giáo cho người dự tòng để lập gia đình: “Nhiều cha mẹ người lương thích cho con cái lập gia đình với người Công giáo bởi họ thấy đa số người Công giáo chung thủy trong hôn nhân. Thế nhưng đã có một số trường hợp rất đáng tiếc, chính bên người Công giáo gốc thiếu thiện chí, khiến hôn nhân tan vỡ…. Thực tế của quá khứ cho thấy rất đông những người theo Đạo để lập gia đình có một đức tin không sâu và không bền, khiến nhiều phụ huynh Công giáo ái ngại khi thấy con em mình thương người ngoài Công giáo. Tuy nhiên không thiếu những trường hợp những người trở lại trong dịp kết hôn lại có một đời sống đức tin còn mẫu mực hơn nhiều người Công giáo đạo dòng. Sự khác biệt thật ra là do cách đào tạo và chăm sóc. Thành kiến xem thường ơn đức tin của người trở lại nhân dịp kết hôn, có thể khiến người ta dạy giáo lý cách sơ sài vội vã cho xong chuyện. Nhiều bậc phụ huynh cố ngăn cản tình duyên của con cái mình, cho tới lúc không ngăn cản được nữa, nhượng bộ cho con cái thì thời giờ học giáo lý không còn nhiều. Thêm vào đó, chuyện tin ngày giờ tốt xấu, kiêng kị tuổi tác nhiều khi cũng khiến người ta tiến hành hôn nhân vội vã, không kịp học giáo lý cho thật sâu…”
Thết tưởng, giáo lý dự tònglà một tiến trình chứ không phải một “thủ tục” phải làm cho xong. Đã gọi là tiến trình thì phải có thời gian để, như hướng dẫn của Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người trường thành (bản dịch 1972 của HĐGMVN), “dự tòng dần dần hoà nhập vào đời sống của GH”. GH là bà mẹ, khôn ngoan chỉ dẫn chúng ta… đừng nói là những hướng dẫn ấy không thực tế. Xét cho cùng, tại chúng ta chỉ muốn cho xong việc! Làm sao đức tin có thể thấm được, hay dự tòng có thể hoà nhập được vào đời sống GH chỉ trong 2, 3 tuần lễ!!
“Các bậc làm cha mẹ cần biết tin cậy vào tình thương Thiên Chúa, trân trọng ơn đức tin Chúa đang ban cho người con dâu hay con rể của mình và tôn trọng sự chọn lựa của con cái, để ứng xử sát thực tế hơn. Một khi thấy con cái đã quyết, cha mẹ cần sớm chấp thuận và hướng dẫn cho việc học giáo lý được tươm tất và đức tin kịp thấm sâu và nẩy nở….
Các vị dạy giáo lý cần vững tin vào ơn Chúa, dù thời gian rất ngắn cũng đừng vội vã. Hãy bước những bước đầu thật chính xác và chắc chắn…” [ở đây k tiện nói về khía cạnh sư phạm trong việc truyền đạt giáo lý dự tòng].
“…Trách nhiệm lớn nhất trong việc đào tạo người chứng trẻ thuộc về các mục tử. Khi một cha sở giành lấy cho mình việc chăm sóc những tín hữu mới, chắc hẳn ngài sẽ có hàng ngàn sáng kiến. Năm 1990 khi được gặp Đức cha Phaolô Maria Phạm Đình Tụng tại Bắc Ninh, rồi mấy năm sau được thăm ngài tại Tòa Tổng giám mục Hà Nội, tôi rất cảm kích vì chính ngài đích thân lo cho các dự tòng trí thức. Tôi cũng gặp được một bản sao y hệt nơi người kế vị ngài là Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến. Cả hai vị đều là bản sao của nhóm 12 giám mục thuở ban đầu, và hơn nữa, bản sao của chính Chúa Kitô”. Và chắc chắn rằng Đức cha Cosma đây cũng sẽ là một trong những bàn sao tương tự, khi bản thân ngài đã có nhiều nỗ lực để đem Tin mừng nhập thể vào văn hóa địa phương, mà buổi hội thảo hôm nay là một trong nhiều ví dụ.
Một ‘Areopagus’ mới
Những tác giả nghiên cứu về các tôn giáo ở Việt Nam đều nhất trí cho rằng mọi người Việt đều thực hành một “tôn giáo” rất cơ bản, đó là tôn kính tổ tiên, không kể Tam giáo và Kitô giáo.
Trong lịch sử truyền giáo, tập tục truyền thống này đã trở thành một thách đố cho những người muốn theo đạo Kitô, và là một trong những vấn đề tế nhị đối với nền chính trị từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20.
Lịch sử là một ông thày tốt. Nhìn lại lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, đồng thời, xem xét những giá trị tinh thần và văn hóa trong việc tôn kính tổ tiên đã có từ lâu đời, chúng ta khám phá thấy những yếu tố tích cực, đặc biệt là lòng hiếu thảo, có thể trở thành những nhân tố giúp cho việc phúc âm hoá nền văn hoá bản địa được thuận lợi hơn.
Ngày xưa, khi thánh Phaolô đến thành Athena ở Hy Lạp, ngài nói chuyện ở “nghị viện”, gọi làAreopagus, tạm gọi là một địa điểm, một môi trường, hay lãnh vực. Vậy văn hoá của một dân tộc nói chung, và đạo tổ tiên nói riêng cũng chính là môt areopagus mới nơi mà Phúc âm cần phải được lưu tâm loan báo, để cuộc gặp gỡ giữa văn hóa và tôn giáo thực sự là cuộc gặp gỡ ân phúc!
Bắc Ninh 25-6-2016
Lm. Giuse Nguyễn Văn Chữ, O.P.
PHỤ LỤC
Thông cáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc tôn kính tổ tiên
và các bậc anh hùng liệt sĩ
Ngày 20-10-1964, Toà thánh, qua Bộ Truyền giáo, đã chấp thuận đề nghị của Hàng Giám mục Việt-nam xin áp dụng Huấn thị Plane compertum est (8-12-1939), về việc tôn kinh Tổ tiên và các bậc Anh hùng liệt sĩ, cho giáo dân Việt Nam.
Đề hiểu rõ tinh thần Giáo hội trong việc chấp thuận này, và để có những chỉ thị hướng dẫn trong khi áp dụng, Hội đồng Giám mục muốn nêu lên mấy điểm sau đây:
1. Giáo hội Công giáo đối với nền Văn hóa và Truyền thống các Dân tộc
2. Giáo hội Chúa Kitô bao giờ cũng tha thiết thực hiện mệnh lệnh Đấng sáng lập, để hiện diện khắp nơi và tuyên giảng Phúc âm cho mọi người, cố gắng đầu tiên của Giáo hội là giúp sao cho con người được nên hình ảnh đích thực của Thiên Chúa và được trung thực với sứ mệnh Kitô hữu của mình, để đạt cứu cánh sau hết là hạnh phúc đời đời. Công trình đó được thực hiện trong nội khảm của mỗi cá nhân. Nhưng nó có vang âm đến toàn diện cuộc đời và trong mỗi khu vực sinh hoạt của con người (Đức Piô XII: Huấn dụ tại Cơ mật viện, ngày 20-2-1946).
3. Mặt khác từ nguyên thủy cho đến ngày nay, Giáo hội Công giáo vẫn tuân theo tiêu chuẩn Phúc âm, theo đó, Giáo hội không hủy bỏ hay dập tắt những giá trị thiện hảo, liêm chính, chân thành của các dân tộc. Âu cũng vì bản tính nhân loại, dù còn mang dấu vết sa ngã của tội Tổ tông, song vẫn giữ trong nội tâm căn bản tự nhiên mà ánh sáng và ân sủng Thiên Chúa có thể soi chiếu, dinh dưỡng và nâng lên tới một mức độ đức hạnh, một nếp sống siêu nhiên đích thực. Cũng vì vậy mà Giáo hội không bao giờ miệt thị, khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật hoặc văn hóa của người không Ccông giáo. Trái lại, Giáo hội đã từng góp phần thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến chỗ hoàn hảo. Trải qua các thế kỷ, Giáo hội đã thánh hoá những phong tục cũng như những truyền thống chân chính cuả các dân tộc. Giáo hội cũng đã nhiều lần đem lễ nghi của miền này xứ nọ sáp nhập vào nền Phụng vụ của mình, – sau khi đã tu chỉnh cả tinh thẩn lẫn hình thức – để ghì nhớ mầu nhiệm hoặc để tôn kính các bậc Thánh nhân hay các vị Tử đạo (Đức Piô XII: Thông điệpEvangelii praecones, 2-6-1951; Đức Gioan XXIII trích dẫn tư tưởng này trong Thông điệp Princeps Pastorum, 28-11-1959).
4. Đối với các Tôn giáo khác, Giáo hội Công giáo cũng chủ trương một lập trường rõ rệt. Dĩ nhiên Giáo hội không thể tham dự vào các nghi lễ của các Tôn giáo khác, hoặc coi Tôn giáo nào cũng như Tôn giáo nào, và lãnh đạm để mặc ai muốn hay không muốn tìm xem Thiên Chúa có mặc khải một đạo không sai lầm, trong đó Thiên Chúa được nhận biết, kính mến và phụng thờ. Tuy nhiên, Giáo hội không từ chối công nhận một cách kính cẩn những giá trị tinh thần và luân lý của các Tôn giáo khác (Đức Phaolô VI, Thông điệp Ecclesiam suam, 6-8-64). Giáo hội không phủ nhận điều gì vốn là chân lý và thánh thiện của bất cứ tôn giáo nào. Giáo hội luôn rao truyền Đức Kytô là “đường đi, là chân lý và là nguồn sống” và trong Đức Kytô, Thiên Chúa làm hoà với muôn vật. Tuy nhiên Giáo hội thành tâm và lưu ý cứu xét những hành động và sinh hoạt, những luật pháp và lý thuyết của các Tôn giáo khác tuy có sai biệt với những điểm Giáo hội đề ra, song vẫn mang lại một tia sáng nào của chính cái Chân lý hằng soi sáng mọi người. Vì thế, Giáo hội khuyên giục con cái mình tuy vẫn phải giữ Đức Tin Công giáo tuyền vẹn, nhưng phải làm thế nào để nắm giữ và phát triển những của cải thiêng liêng, luân lý và những giá trị xã hội, văn hóa, gặp được trong các tôn giáo khác, nhờ những buổi hội thảo, sự học hỏi và sự cộng tác với các tín đồ của các Tôn giáo này (Công đồng Vatican II, khoá III: Giáo hội và các Tôn giáo ngoài Kitô giáo, ngày 20-11-1964).
Chính lập trường đó của Giáo hội được đúc kết trong tư tưởng của các Đức Giáo hoàng và trong đệ nhị Công đồng Vatican, đã giải thích lý do của quyết định Toà thánh, khi cho áp dụng Huấn thịPlane compertum est tại Việt Nam ngày nay. Và cũng chiếu theo tinh thần đó, các Giám mục Hội nghị tại Đà Lạt trong những ngày 13,14-6-1965 đã cho công bố bản Thông cáo này.
1. Thể thức áp dụng Huấn thị Plane compertum est
2. Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia, tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán, đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với Tổ Tiên và các bậc Anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ, có tính cách thế tục, lịch sự, và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp.
Vi thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng, là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm Tổ Tiên và các bậc Anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ…) thì được thi hành và tham dự cách chủ-động.
3. Trái lại, vì nghĩa vụ bảo vệ cho Đức tin Công giáo được tinh tuyền, Giáo hội không thề chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh, có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.
Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng tùng phục và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự… thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động, như đã ấn định trong Giáo luật, khoản 1258.
4. Đối với những việc mà không rõ là thế tục hay tôn giáo, thì phải dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự tuyền xưng tín ngưỡng của một tôn giáo (ngoài Kitô giáo), mà chỉ biểu lộ một tâm tình tự nhiên, thì được coi như không trái với Đức tin Công giáo, nên được thi hành và tham dự. Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ẩy: nếu cần, thì phải giải thích chủ ý của mình một cách khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ-động.
Đó là những nguyên tắc chung, giáo hữu cần phải dựa vào mà xét đoán theo lương tâm và hoàn cảnh. Trong trường hợp hồ nghi, mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đoán theo chỉ thị của Tòa thánh và bàn hỏi với các Giáo sĩ thành thạo.
Yêu cẩu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận Thông cáo này không những trong các nhà thờ mà cả mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cả cho người những ngoài Công giáo. Các vị phụ trách Công giáo tiến hành cũng phải lấy Thông cáo này làm đề tài học tập cho các Hội đoàn trong các buổi hội họp và các khoá Huấn luyện.
Làm tại Đà Lạt, ngày 14 tháng 6 năm 1965
QUYẾT NGHỊ VỀ
LỄ NGHI TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN
Chúng tôi, các Giám mục chủ tọa khóa hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc, tại Nha Trang ngày 12-14 tháng 11 năm 1974, đồng chấp thuận cho phổ biến việc thi hành trong toàn quốc, những quyết nghị của Ủy Ban Giám mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 14.6.1965, về các lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên, như sau:
“Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: Những cử chỉ thái độ, lễ nghi (sau này) có tính cách thế tục lịch sự xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động” (Thông cáo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 14.06.1965).
1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.
2. Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã, và giảm thiểu cùng canh cải những lễ vật biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.
5. Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.
Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ Tiên và các vị anh hùng liệt sĩ theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền phải “thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.
Tại Nha Trang, ngày 14 thág 11 năm 1974
Ký tên:
– Philiphê Nguyễn Kim Điền, TGM Huế
– Giuse Trần Văn Thiện, GM Mỹ Tho
– Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, GM Vĩnh Long
– Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, GM Cần Thơ
– Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, GM Nha Trang
– Phêrô Nguyễn Huy Mai, GM Ban Mê Thuột
– Phaolô Huỳnh Đông Các, GM Qui Nhơn
Những tài liệu tham khảo chính:
Bùi Đức Sinh. Giáo hội Công giáo ở Việt Nam. 3 tập. Calgary: Veritas, 1998.
Cadiere, Leopold. Croyances er Pratiques Religieuses des Vietnamiens. 3 tomes. Paris: Ecole Francaise d’Extreme-Orient, 1992.
Carrer, Herve. Message and Human Cultures from Leo XIII to John Paul I. Trans. John Drury. Pittsburgh, Penns.: Duquesne University, 1989.
Đặng Thanh Minh. “Tôn kính tổ tiên: một hướng đi khẩn thiết cho hội nhập văn hóa tại Việt Nam. Tôn kính tổ tiên trong Thiên Chúa giáo. Tòa TGM Huế, 1999.
Đỗ Quang Chính. Kinh nghiệm hội nhập văn hóa trong nếp sống Kitô giáo tại Việt Nam. Tòa TGM Sài Gòn, 2003.
Minamiki, George. The Chinese Rites Controversy from Its Beginning to Modern Time. Chicago: Loyola University, 1985.
Nguyễn Văn Chữ, THO CUNG TO TIEN (THE VENERATION OF ANCESTORS) AND EVANGELIZATION IN VIETNAM: AN IMPERATIVE OF INCULTURATION. UST: Manila, 2005.
Nguyễn Văn Kiểm. “Những nguyên nhân cấm đạo của nhà Nguyễn” Một số vấn đề lịch sử: Đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Viện Khoa học Xã hội và Ban Tôn giáo TPHCM, 1988.
Noh, Ray R., ed. 100 Roman Documents Concerning the Chinese Rites Controversy. Trans. Donald F. St. Sure. San Francisco, CA: The Ricci Institute for Chinese-Western Cultural History, 1992.
Phan, Peter C. Mission and Catechesis: Alexandre de Rhodes and Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1998.
_____, ed. “Culture and Liturgy: Ancestor Veneration as a Test Case,” in In Our Own Tongues: Perspectives from Asia on Mission and Inculturation. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 2003.
_____, ed. “Jesus as the Eldest Son and Ancestor,” in Christianity with an Asian Face: Asian American Theology in the Making. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 2003.
Vũ Kim Chính. “Inculturation of Christianity into Asia: Reflections on the Asian Synod.” The Asian Synod: Texts and Commentaries. Ed. Peter C. Phan. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 2002.
Villarroel, Fidel. “The Chinese Rites Controversy – Dominican Viewpoint.” Philippiniana Sacra 38 (1993).
[1] Bàn gia triệu là một cái khung gỗ sơn màu đỏ viền vàng, trang trí hình con rồng và, phủ một lớp vải lụa đỏ trên đó viêt “Xin thần X. đưa hồn N. tới nơi an nghỉ.” Bàn gia triệu được khiêng đi trước quan tài trên đường ra nghĩa địa.
Để lại một phản hồi