Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Trong thánh lễ, một số người đang bắt đầu cúi đầu sau khi truyền phép Bánh và Rượu, mặc dù chữ đỏ qui định là mọi người phải quỳ. Liệu việc quỳ gối là một hành động thờ phượng và tôn kính không, nếu có thì nó làm cho việc cúi đầu trở nên thừa? Vì một số lý do, việc cúi đầu hình như tăng nhiều trong phụng vụ, giống như thỏ sinh sản vậy. Nếu ai không thể quỳ được do nơi chật hẹp, hoặc vì quá đông người dự lễ, thì người ấy có thể làm cử chỉ đơn giản của sự tôn kính, nhưng hình như đây là một cử chỉ đạo đức được qui định cho phụng vụ. Ngoài ra, theo con hiểu, theo Qui Chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), một sự cúi đầu đã được quy định đối với những người trong cung thánh, nghĩa là các người đã được truyền chức: phó tế hoặc các vị đồng tế. – A. R., Mishawaka, Indiana, Hoa Kỳ.
Đáp: Câu hỏi này được đề cập và giải quyết trong Qui Chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), các số 274-275:
“274. Bái gối, nghĩa là gối phải nghiêng đụng đất, là cử chỉ thờ phượng, do đó dành cho Thánh Thể và Thánh Giá từ khi được tôn kính trọng thể trong phụng vụ thứ Sáu Thánh tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa, cho đến bắt đầu Vọng Phục Sinh.
“Trong Thánh Lễ có ba lần bái gối, đó là sau khi nâng bánh thánh, sau khi nâng chén thánh và trước lúc hiệp lễ. Trong Thánh Lễ đồng tế có vài điều đặc biệt phải giữ về điểm này (x. nn. 210-251).
“Nếu nhà tạm có Thánh Thể được đặt trong cung thánh, thì vị tư tế, phó tế và các người giúp khác phải bái gối, khi đi đến bàn thờ hoặc khi rời bàn thờ, nhưng không bái gối trong lúc cử hành Thánh Lễ.
“Ngoài ra, mọi người bái gối khi đi ngang trước Thánh Thể, trừ phi khi đi kiệu.
“Những người mang thánh giá hay đèn thì thay vì bái gối, họ cúi đầu.
“ 275. Cúi biểu lộ lòng tôn kính đối với những đấng, những người hoặc các dấu hiệu của họ. Có hai loại cúi: cúi đầu và cúi mình:
a. Cúi đầu khi đọc danh Ba Ngôi, và tên thánh Giê-su, Ðức Trinh Nữ Maria và vị thánh trong Thánh Lễ kính vị này.
b. Cúi mình hay cúi sâu khi chào kính bàn thờ, khi đọc các kinh “Munda cor meum, Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy” và “In Spiritu humilitatis, Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận”, khi đọc câu trong kinh Tin Kính: “Et incarnatus est, Bởi phép Chúa Thánh Thần”, khi đọc câu trong Lễ Quy Rôma: “Supplices te rogamus, Chúng con nài xin Cha”. Thầy phó tế cũng cúi mình khi xin phép lành trước lúc công bố Tin Mừng. Ngoài ra vị tư tế cũng nghiêng mình một chút khi đọc các lời của Chúa lúc truyền phép” (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Và cũng số 43:
“Trong các giáo phận của Hoa Kỳ, họ sẽ quỳ, từ khi bắt đầu hát hoặc đọc kinh “Thánh Thánh Thánh”, cho đến sau lời thưa Amen của Kinh nguyện Thánh Thể, trừ khi vì lý do sức khoẻ, vì nơi chật hẹp, hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng khác, không thể quỳ được. Những người không quì thì phải cúi mình sâu khi vị tư tế quì gối sau truyền phép”.
Một số quốc gia và các giáo phận khác tuân giữ tập tục quỳ gối như tại Hoa Kỳ; một số giáo phận qui định chỉ quỳ trong khi truyền phép cho đến “Đây là Mầu nhiệm đức tin”. Ở đây không nói rõ là cúi đầu trong khi quỳ, nhưng nói chỉ cúi đầu khi vì một lý do chính đáng người ta không thể quỳ được.
Việc thực hành cúi đầu trong khi quỳ không phải là một tập tục mới. Trong hình thức ngoại thường, một luật chung nói rằng việc quỳ không thay thế một sự cúi đầu được quy định. Nhưng đại đa số các cử chỉ nghi thức trên đây là nhằm dành cho các thừa tác viên và các giáo sĩ trong cung thánh, hơn là cho các tín hữu nói chung.
Ở một số quốc gia, việc quỳ hai gối trước Mình Thánh Chúa được trưng ra, trong đó kết hợp một sự cúi đầu trong khi quỳ, vẫn còn là quy phạm.
Trong hình thức bình thường, việc thực hành sự cúi đầu trong khi quỳ là không phổ biến, trừ ra vị chủ tế và các người giúp lễ, trước và sau khi xông hương cho Mình Thánh Chúa được trưng ra. Điều này không được tiên liệu trong khi xông hương Mình Máu Chúa trong Thánh Lễ.
Tôi liều suy đoán rằng một số người đã có thói quen cúi đầu khi linh mục quỳ, sau khi nâng Mình Thánh, như một hệ quả của việc nhìn thấy các vị đồng tế cúi đầu vào lúc này. Sự cúi đầu này trong khi quỳ là không cần thiết, nhưng tôi không nghĩ rằng nó có thể gây hại gì cả, và dường như khó bỏ sự cúi đầu này khi người ta đã có thói quen.
Điều này cũng không thể được nói đối với những người cúi đầu, trong khi Mình Thánh được nâng lên, vì như vậy là không nhìn thấy Mình Thánh. Trong khi một cử chỉ như vậy là dễ hiểu trong ánh sáng của sự uy nghiêm Thiên Chúa, sự thực hành lại mâu thuẫn với lý do cho việc nâng cao Mình Máu Thánh trước tiên. Mình Thánh và Chén thánh được nâng lên một cách chính xác là để được nhìn thấy, chiêm ngắm và thờ lạy.
Các cử chỉ này đi vào tương đối muộn trong Nghi lễ Rôma vào thế kỷ XII. Vào một thời kỳ khi việc rước lễ là còn ở mức thấp, một phong trào bình dân phát sinh giữa các tín hữu ước ao ít nhất nhìn xem Mình Thánh. Việc linh mục nâng cao Mình Thánh đáp ứng lòng đạo đức này. Còn việc linh mục nâng Chén Thánh chỉ bắt đầu diễn ra sau đó một thế kỷ.
Cuối cùng, độc giả của chúng ta hiểu rằng “theo Qui Chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), một sự cúi đầu đã được quy định đối với những người trong cung thánh, nghĩa là các người đã được truyền chức: phó tế hoặc các vị đồng tế”. Trên thực tế, sự cúi đầu thường chỉ được thực hiện bởi các vị đồng tế. Phó tế thường quỳ gối. Tuy nhiên, phó tế chỉ quỳ trong lúc Truyền phép, ngay cả ở các quốc gia mà các tín hữu quỳ gối trong toàn bộ Kinh Nguyện Thánh Thể. Nếu vì một lý do chính đáng, phó tế không thể quỳ gối, thì phó tế sẽ cúi đầu sâu.
Sau khi chúng tôi trả lời như trên, một bạn đọc hỏi: “Trong Trường Giáo xứ Chánh Tòa ở Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania (1956-1964), con đã được dạy là nhìn vào Mình Thánh được nâng lên (và sau đó nhìn Chén Thánh), sau đó cúi đầu, chiêm ngắm và nhìn nhận niềm tin vào sự Hiện diện Thực sự của Chúa, bằng cách âm thầm lặp lặp lại lời của Thánh Tôma: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Vì vậy, sự cúi đầu phải là một cách thức để có khoảnh khắc riêng tư, nhằm chiêm ngắm và thờ lạy sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô. Con nhớ lại rằng một số bạn học của con (có lẽ trong đó có con), và một số người trong cộng đoàn, cúi đầu trong khoảnh khắc nâng Mình Thánh, nên không nhìn thấy Mình Thánh. Chúng con đã có một linh mục trong Giáo xứ Chánh tòa Nhà thờ vào giữa thập niên 1960. Ngài không khuyên bảo những người cúi đầu, nhưng nói rằng Mình Máu Thánh được nâng lên, là để cho cả cộng đoàn nhìn thấy. Ngài đã thực hiện việc nâng Mình Máu Thánh trong thời gian rất dài (10-15 giây), để cho các người có thói quen cúi đầu, khi Mình Máu Thánh được nâng lên, có thể nhìn thấy Mình và MaThánh của Chúa Kitô”.
Lời nhận xét này chứng minh rằng việc cúi đầu khi Mình Máu Thánh được nâng là không phải mới. Tôi giả sử rằng các nữ tu ở trường dạy trẻ em cúi đầu, khi linh mục quỳ sau khi nâng Mình Máu Thánh lên. Bởi vì thời gian cho cả hai cử chỉ thường là rất ngắn, nên dễ hiểu rằng một số người đã nhầm lẫn. Trong khi đúng là việc nâng Mình Máu Thánh kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể (“Chính nhờ Người…”) có tầm quan trọng phụng vụ lớn hơn, việc nâng Mình Máu Thánh trong thời gian lâu, sau khi truyền phép, có thể rất hiệu quả về mặt mục vụ trong việc khích động việc cầu nguyện và thờ lạy.
Một bạn đọc khác hỏi: “Về cử chỉ chúc bình an trong Thánh lễ, việc cúi đầu chào nhau hoặc bắt tay nhau, cái nào là đúng? Cá nhân tôi thích cúi đầu hơn”. Qui chế tổng quát nói rằng việc chúc bình an được thực hiện tùy theo tập tục địa phương, vì vậy cả hai sự thực hành này là hợp pháp, cũng như một số thực hành khác. Có vẻ như sự cúi đầu hay cái gật đầu chúc bình an thắng thế hơn trong một số khu vực, vì nó ít có khả năng dẫn đến sự lẫn lộn và sự mất trật tự ngay trước khi rước lễ.
Cuối cùng, một bạn đọc người Australia hỏi về trường hợp một đôi tân hôn là thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ, ngay trong lễ cưới của hai người. Bạn này viết: “Nếu cô dâu và chú rể thuộc giáo xứ, và trước đó đã được công nhận là thừa tác viên ngoại thường cho Rước Lễ, thì liệu họ có thể, sau khi đã rước lễ từ chủ tế và có đông người rước lễ, cùng với chủ tế cho các tín hữu khác Rước lễ, trong tư cách là thừa tác viên ngoại thường không? Hoặc là tốt nhất nên để cho một thừa tác viên ngoại thường khác cho Rước lễ?”.
Đây rõ ràng là một tình huống hiếm có, và không được các qui chế dự liệu cấm chỉ định cách đặc cử (ad hoc) vợ chồng làm thừa tác viên ngoại thường. Trong trường hợp này, sự việc rằng họ vừa kết hôn trong thánh lễ không cản trở tự thể (per se) họ thực thi thừa tác ngoại thường của họ. Việc họ thực thi thừa tác hay không, đòi hỏi sự phán đoán thận trọng, theo hoàn cảnh và tình trạng cảm xúc của họ trong công việc. Nếu có bất kỳ nguy cơ nào cho chú rể hoặc cô dâu ngất xỉu chẳng hạn, thì họ nên được khuyên là đừng cho người khác Rước lễ.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 21-9-2010, 5-10-2010)
Để lại một phản hồi