Tại sao chúng ta có Phụng Vụ?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

sacrament.jpgHỏi: Thưa cha, có phụng vụ trên Thiên Đàng không? Tại sao chúng ta có phụng vụ? Đâu là cứu cánh của phụng vụ? – T. G., Salvador, Brazil.

Đáp: Đây là các câu hỏi rất quan trọng. Đôi khi chúng ta có thể bị cuốn vào các chi tiết của phụng vụ, mà chúng ta quên đi hình ảnh lớn của mầu nhiệm lớn lao của chính phụng vụ.

Có nhiều định nghĩa của phụng vụ. Một sách giáo khoa nổi tiếng được xuất bản trong thập niên 1960 đã trình bày 40 định nghĩa, và sau đó đưa thêm định nghĩa thứ 41 nữa. Vì các mục đích của chúng ta, chúng ta có thể lấy định nghĩa được cung cấp bởi hiến chế của Công đồng chung Vatican II về phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”, vốn dựa nhiều vào thông điệp “Mediator Dei” (Đấng Trung gian của Thiên Chúa) của năm 1947.

“7… Vì thế, Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người.

“Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp.

“8. .. Phụng Vụ trần gian là nơi chúng ta tham dự bằng cảm nếm trước Phụng Vụ trên trời, được cử hành trong thánh đô Giêrusalem, nơi chúng ta là những lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực; Phụng Vụ trần gian là nơi chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa: trong khi kính nhớ các Thánh, chúng ta hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các Ngài; chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cho đến khi chính Người là sự sống chúng ta sẽ xuất hiện và chúng ta cũng sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang” (Bản dịch Việt ngữ của Phân khoa Thần học, Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô X, Đà Lạt).

Đoạn thứ nhất của phần hai Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo phát triển các ý tưởng này trong chi tiết (các số 1076-1209).

Do đó, chúng ta có thể phân biệt được các khía cạnh khác nhau trong phụng vụ.

Trước hết, có hành động thiết yếu của Chúa Kitô Linh Mục thượng phẩm của chúng ta, Người dâng hy lễ của mình cho Chúa Cha trên trời của Người, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Chúng ta, là Giáo Hội của các Kitô hữu được rửa tội và thêm sức, được ưu đãi với chức linh mục vương giả hoặc phổ quát, trong sự hiệp thông phẩm trật với thừa tác vụ linh mục được truyền chức, có thể tham gia với Đức Kitô trong hy lễ đời đời này, và dâng của lễ thiêng liêng của chúng ta cùng với Người.

Một khía cạnh khác của phụng vụ là, rằng sự hiệp nhất mầu nhiệm này với Chúa Kitô linh mục thượng phẩm của chúng ta được thực hiện qua các dấu chỉ hữu hình. Một số dấu chỉ này đến từ chính Chúa Kitô, chẵng hạn việc sử dụng bánh và rượu trong Bí Tích Thánh Thể, và việc dùng nước và công thức Ba Ngôi trong Bí tích Rửa tội. Tuy nhiên, hầu hết trong chúng, chẳng hạn như các nghi thức, các bài hát và lời cầu nguyện được sử dụng trong phụng vụ, đã được phát triển qua dòng thời gian bởi Giáo Hội. Các nghi thức, bài hát và lời cầu nguyện thường được cảm hứng từ Kinh Thánh, và giúp làm sáng tỏ ý nghĩa sâu sắc của các mầu nhiệm chính trong đạo.

Các dấu chỉ cuối này, có xuất xứ từ con người, đôi khi có thể mất ý nghĩa của chúng qua dòng thời gian, và thậm chí cũng có thể làm tối nghĩa, thay vì tạo sự dễ dàng, cho sự tiếp xúc với mầu nhiệm. Vì lý do này, thẩm quyền cao nhất của Giáo Hội có quyền đưa ra các thay đổi, mà thẩm quyền xét là cần thiết cho các yếu tố, vốn không đến trực tiếp từ Chúa Kitô.

Như vậy, một câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi tại sao chúng ta có một phụng vụ, là một cách cơ bản bởi vì Chúa Kitô là Ngôi Lời nhập thể, và Người quyết định xây dựng Giáo Hội của Người, và Người sẽ trao sự cứu rỗi cho mọi người, thông qua Giáo Hội này và thông qua các bí tích, các dấu chỉ, mà Người đã thiết lập như là các sự nối dài của mầu nhiệm Nhập Thể, mà trong đó mọi người đều được mời tham gia.

Có sự vượt ra ngoài phạm vi của câu trả lời này, khi đi vào câu hỏi rằng những người ở ngoài Giáo Hội có thể được cứu độ bằng phương thức nào. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng không có các phương thức hữu hình khác của sự cứu rỗi, ngoài Chúa Kitô và Giáo Hội. Tuy nhiên, nếu ai đó được cứu độ bên ngoài Giáo Hội, thì sự cứu độ ấy đã được đạt, qua một cách mầu nhiệm nào đó, nhờ Chúa Kitô và Giáo Hội. Đây là lý do tại sao Giáo Hội cầu nguyện trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV “cho những người hiện diện chung quanh đây, và toàn thể dân Chúa, cùng mọi người đang thành tâm tìm Chúa”, và “cho tất cả mọi người quá cố mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam).

Cứu cánh của phụng vụ cũng là một câu hỏi sâu sắc. Trong một số trường hợp, như phép rửa tội, phụng vụ là một phương tiện thiết yếu của sự cứu rỗi; trong các trường hợp khác, phụng vụ là một phương tiện thánh hóa, và cũng là một trường dạy cầu nguyện và đời sống Kitô hữu. Người ta cũng phải thừa nhận rằng đây không phải là lý do chính, cho việc thực thi phụng vụ theo hình thức cử hành đầy đủ nhất của nó.

Theo một cách nào đó, chúng ta có thể nói rằng chính Giáo Hội, trong Kinh tiền tụng chung của Kinh Nguyện Thánh Thể, mở ra một chân trời mới cho lý do của phụng vụ. Trong cuộc đối thoại này, chúng ta nghe:

X. Hãy nâng tâm hồn lên

Đ. Chúng con đang hướng về Chúa

X. Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta

Đ. Thật là chính đáng

Lạy Cha chí thánh, tạ ơn Cha thật là chính đáng, tôn vinh Cha thật là phải đạo” (Bản dịch, như trên).

Như thế, lý do nền tảng mà chúng ta thực hiện phụng vụ là rằng nó là “chính đáng và phải đạo”. Không có mục đích vị lợi, và phụng vụ được thực hiện, vì không có gì lớn hơn trong thế giới mà chúng ta có thể làm gì được như thế. Chúng ta cũng thực hiện phụng vụ, bởi vì theo cách này, chúng ta tự do đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng tình yêu và sự thờ phượng, và như một hệ quả, chúng ta nhận lại được quà tặng miễn phí lớn nhất, đó chính là sự sống của chính Thiên Chúa trong linh hồn chúng ta.

Đây là lý do tại sao nhà thần học vĩ đại người Đức Romano Guardini (1885-1968) đã có thể mô tả những gì, mà ngài gọi là khía cạnh giải trí của phụng vụ, hoặc phụng vụ như một trò chơi hoặc giải trí. Cũng giống như trò chơi được thực hiện, bởi vì nó là đáng thực hiện trong chính nó, và không phải là chủ yếu vị lợi, thì phụng vụ là tương tự ở chỗ rằng nó được thực hiện, bởi vì nó là “chính đáng và phải đạo”, và đáng giá trong chính nó.

Ngoài ra, cũng giống như một sự chuyền bóng hoặc ghi bàn trong môn chơi có thể được xem như là độc đáo, xuất sắc, và đẹp, chỉ vì được thực hiện bởi các cầu thủ tuân giữ các quy định, chứ không gian lận, thì tính độc đáo và vẻ đẹp trong phụng vụ được tìm thấy trong bối cảnh của các qui định và luật lệ được thiết lập của nó.

Vì vậy, có một phụng vụ trên Thiên Đàng không? Chúng ta có thể nói là có, vì trên Thiên đàng sự tham gia của chúng ta vào sự hiệp nhất hoan hỉ với Chúa Kitô linh mục thượng phẩm của chúng ta, trong hy lễ muôn đời của Người dâng lên Chúa Cha, trở thành một vật sở hữu vĩnh viễn của linh hồn.

Chúng ta cũng có thể nói là không có phụng vụ trên Thiên Đàng, nếu chúng tôi hiểu về các khía cạnh bên ngoài của phụng vụ, chẳng hạn các nghi thức và các dấu chỉ, vốn chỉ có ý nghĩa cho cuộc hành trình dương thế của chúng ta, như một sự nếm hưởng trước những gì sẽ đến mà thôi.

Các câu hỏi này là sâu sắc và rộng lớn, đến nỗi câu trả lời hiện nay của chúng tôi chắc chắn sẽ không hết sức chính xác, và có nhiều điều cần được nói thêm nữa. Chúng tôi hy vọng ít nhất rằng điều này sẽ mở ra các chân trời nữa.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 13-9-2016)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*