Quyền Giáo Huấn của Giáo hội là quyền gì và xuất phát từ đâu?

Trước khi về Trời, Chúa Giê su đã truyền cho các Tông Đồ mệnh lệnh sau đây:

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em cho mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:19-20)

Trước đó, sau khi đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội, Chúa cũng đã nói với Phêrô như sau:

“Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: điều gì anh cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, điều gì anh tha thì trên trời cũng tha.” (Mt 16:19)

Quyền tháo gỡ và cầm buộc có liên hệ trực tiếp đến quyền dạy dỗ các chân lý đức tin và các nguyên tắc luân lý phải tuân theo và thực hành để được hưởng cứu độ nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.

Những Lời Chúa nói trên đây là nền tảng và cũng là xuất sứ của điều được gọi là Quyền Giáo Huấn(Magisterium=Teaching Ofice) của Giáo Hội với tư cách là Hiền Thê và là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô trên trần gian này cho đến ngày cánh chung tức tận thế.

Thật vậy, Giáo Hội đã nhân lãnh từ các Thánh Tông Đồ cũng như từ kho tàng Kinh Thánh và Mặc khải những chân lý đức tin mà Chúa Giêsu đã rao giảng và dạy dỗ trong suốt ba năm Người thi hành Sứ Vụ giảng dạy và làm phép lạ trước khi thọ hình thập giá để hoàn tất công cuộc cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội.

Giáo Hội từ đầu cho đến nay đã tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Chúa KItô qua sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu Độ, dạy dỗ chân lý và cai quản dân Chúa được trao phó cho mình là Mẹ và là Thầy dạy bảo để hướng dẫn con cái mình bước đi theo Chúa Giêsu là “Đường, là Sự Thật và là sự Sống “(Ga 14:6).

Trong sứ mệnh dạy dỗ chân lý, Giáo Hội “thi hành Quyền Giáo Huấn được nhân lãnh từ Chúa Kitô khi định nghĩa và tuyên bố những tín điều (dogmas) tức những điều mà các Kitô hữu bắt buội phải tin và thực hành cho được lãnh ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, vì có liên hệ mật thiết đển đức tin và những chân lý được mặc khải… những tín điều là ánh sáng soi dẫn và bảo đảm đức tin.. Ngoài ra, Huấn Quyền của Giáo Hội còn có trọng trách cắt nghĩa cách chính xác Lời Chúa được ghi chép trong Kinh Thánh hay qua Thánh Truyền. Huấn Quyền này được ủy thác cho các Giám mục hiệp thông với Đấng kế vị Phêrô là Giám mục Rôma.” (x SGLGHCG số 85–89)

Như thế, Huấn Quyền của Giáo Hội có chức năng (competence) dạy dỗ những chân lý của Đức tin, những giáo lý tinh tuyền, những nguyên tắc luân lý phải theo cũng như giải thích Kinh Thánh và mặc khải của Chúa về những gì người tín hữu phải tin và thực hành để được chúc phúc không những trong cuộc sống trên đời này mà nhất là được cứu rỗi để sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa mai sau trên Nước Trời..

Các chức năng trên đây trước hết được chính Chúa Kitô trao cho các Tông Đồ và các Tông Đồ đã trao lại cho những người kế vị các ngài cho đến ngày nay, căn cứ vào lời Thánh Phaolô đã căn dặn môn đệ của ngài là Timô-thê như sau:

Anh Timô-thê, hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí trống rỗng và những vẫn đề của trí thức giả hiệu. Có những kẻ, vì chủ trương cái trí thức đó, nên đã lạc mất đức tin..” 1 Tm 6:20)

hoặc

“Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức KItô Giê su, anh hãy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.” (2 Tm 1:12-14)

Như vậy, Giáo Hội đã đón nhận từ truyền Thống Tông Đồ những giáo lý tinh tuyền, những di sản thiêng liêng của đức tin để dạy lại cho con cái mình là Dân Chúa trong toàn Giáo Hội.

Sự kiên trên cũng cho thấy là giữa Truyền Thống (Traditio) và Quyền Giáo Huấn (Magisterium) có sự liên hệ mật thiết, vì từ những gì các Tông Đồ truyền lại, Giáo Hội có thêm nguồn tài nguyên phong phú và chính xác về đức tin và giáo lý mà các Tông Đồ đã nhận lãnh trực tiếp từ Chúa Kitô. Cộng thêm vào đó là những gì được mặc khải trong Kinh Thánh mà Giáo Hội là thẩm quyền duy nhất không những về thư qui (canon) Kinh Thánh mà còn hướng dẫn cách đọc và hiểu lời Chúa trong Kinh Thánh nữa. Do đó mọi tín hữu đều được mong đợi chỉ đọc những sách thánh mà Giáo Hội đã chọn lọc và tin là có ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần, là tác giả chính của Kinh Thánh. Cụ thể, toàn bộ Kinh Thánh gồm có 73 Sách trong đó 46 Sách về Cựu Ước và 27 Sách Tân Ước được Công Đồng Trentinô (1545-1547) đóng thư qui, nghĩa là không nhận thêm sách nào nữa được nhìn nhận là Sách Thánh vì có ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần

Trong lãnh vực luân lý, Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội “có quyền loan báo ở mọi nơi và mọi thời đại những nguyên tác luân lý, luôn cả những gì liên quan đến trật tự xã hội và đưa ra phán quyết về bất cứ thực tại nào của con người, theo mức đòi hỏi của của những quyên lợi căn bản của nhân vị con người và của ơn cứu độ các linh hồn.(x. SGLGHCG, số 2032)

Như thế, mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội- giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân- đều có bổn phận phải vâng phục và tuân theo những gì Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội dạy bảo về những tín điều (dogmas) phải tin, những nguyên tắc luân lý phải tuân theo và thực hành để sống xứng đáng là người tín hữu Chúa Kitô trong trần thế. Cụ thể, không tín hữu nào được phép viện cớ tâm sinh lý học, hay quyền của phụ nữ để đòi tự do li dị phá thai và hôn nhân đồng tính (same sex marriage) trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Cũng không thể đòi cho phụ nữ được làm linh mục, vì điều này trái với Truyền Thống Tông Đồ là chỉ người nam được chọn làm tông đồ để đi rao giảng, dạy dỗ và cử hành các bí tích, cách riêng là bí tích Thánh Thể, Hòa giải và sức dầu bệnh nhân.Chính Chúa Giê su xưa cũng không chọn phụ nữ nào trong số các Tông Đồ đầu tiên gồm Nhóm Mười Hai Tông Đồ lớn và 72 Tông đồ nhỏ.

Cho nên, trung thành với Truyền Thống này, Giáo Hội – từ đầu cho đến nay- đã không truyền chức cho phụ nữ, không phải vì thiên vị với đàn ông và coi thường phụ nữ.

lập trường của Giáo Hội về những vấn đề luân lý không hề thay đổi dù cho các trào lưu tục hóa và phóng túng ngày một bành trướng trên thế giới, đe doa không những niềm tin có Thiên Chúa mà còn phá hoại nặng nền tảng luân lý, đạo đức mà con người phải chấp nhận và thực hành để xứng đáng với phẩm giá của mình, là thụ tạo khác biệt với loài vật chỉ có bản năng sinh tồn nhưng không có lương tri để biết làm lành lánh dữ.

Vậy là tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo, mọi người đều có bổn phận tuân thủ những gì Giáo Hội dạy với quyền Giáo Huấn về luân lý, tín lý, Kinh Thánh và Phụng vụ.Quyền Giáo Huấn này được bảo đảm không thể sai lầm như giáo lý Giáo Hội đã nói rõ sau đây:

“Bậc thang tối cao trong việc dự phần vào uy quyền của Chúa Kitô được đảm nhận với đặc sủng bất khả ngộ (infallibility). Đặc sủng này trải rộng đến hết mọi lãnh vực của kho ký thác Mặc Khải của Thiên Chúa, và còn trải rộng tới tất cả mọi yếu tố về giáo lý, và luân lý, vì nếu không có những yếu tố này, thì các chân lý cứu độ của đức tin sẽ không thể được bảo toàn, trình bày hoặc tuân thủ.” (Sđ d số 2035)

Một điều quan trọng cần nói thêm ở đây là chỉ Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống nhìn nhận và thi hành Huấn Quyền này của Chúa Kitô do các Tông Đồ truyền lại. Các giáo phái ngoài Công Giáo không tin và thi hành quyền này.Họ chỉ căn cứ vào Kinh Thánh và cắt nghĩa theo ý của họ để thi hành sứ vụ rao giảng mà thôi.

Nhưng cũng cần nói thêm ở đây là Anh em Chính Thống Đông Phương,(Eastern Othordox Churches) tuy có thi hành Huấn Quyền nhận lãnh từ các Tông Đồ, nhưng lại bất đồng với Giáo Hội Công Giáo về vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Thánh Cha, Giám Mục Rôma. Vì không công nhận Đức Giáo Hoàng là Thủ Lãnh Giáo Hội hoàn vũ nên anh em Chính Thông cũng không công nhận những tín điều được Đức Thánh Cha công bố với sự hiệp thông của các Giám mục mà Giáo Hội tin là không thể sai lẫm, cùng với những điều liên hệ đến luân lý Kitô giáo, buộc mọi tín hữu phải vâng nghe và thi hành cho được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.

Tóm lại, Giáo Hội thi hành Huấn Quyền được nhận lãnh từ Chúa Kitô qua các Thánh Tông Đồ để tiệp tục dạy dỗ đức tin, giáo lý, luân lý, Kinh Thánh và phụng vụ để bảo đảm đức tin và ban phát ơn cứu độ của Chúa Kitô cho những ai muốn sống đức tin Kitô giáo trong Giáo Hội cho đến ngày mãn thời gian. Do đó, muốn tránh lầm lạc trong đời sông đức tin và luân lý, mọi tín hữu có bổn phận phải triệt để vâng nghe những gì Giáo Hội là Mẹ, thay mặt Chúa là Cha để dạy dỗ con cái mình những giáo lý tinh tuyền, những tín lý vững chắc, và những nguyên tác luân lý căn bản phải tuân giữ và thi hành, như những phương thế hữu hiệu để sống đức tin hầu được cứu rỗi để hưởng vinh phúc đời đời với Thiên Chúa, là Cha nhân từ, đầy yêu thương và tha thứ trên Nước Trời mai sau.

LM PhanxicôXaviê Ngô Tôn Huấn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*