Trong số 7 anh em đầu tiên của Dòng Tên: Ignatio (1491-1556), Francisco Xavier (1506-1552), Peter Favre (1506-1546), Diego Laínez (1512-1565), Alfonso Salmerón (1515-1585), Nicolás Bobadilla (1508-1590) và Simón Rodrigues (1510-1579) tuyên khấn trên đồi Montmatre tại Paris vào ngày 15/8/1534 thì Francisco Xavier là người có điều kiện thuận lợi nhất để trở nên một giáo sư Đại Học danh giá và vui hưởng tràn đầy vinh quang thế tục của người đời. Tuy nhiên chỉ với một câu kinh thánh đơn giản nhưng đầy uy lực thần thiêng: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì?”, người bạn học “lớn tuổi” Ignatio đã lay động những suy nghĩ của Francisco Xavier và đã làm cho chàng sinh viên này bỏ lại tất cả để cứu linh hồn mình và linh hồn của nhiều người khác nơi vùng Á châu xa xôi tận trời Đông.
1 Vào Đời
Francisco Xavier là con út, sinh ngày thứ Ba Tuần Thánh 7/4/1506 tại lâu đài Xavier, thuộc lãnh địa Navarra, Tây Ban Nha. Ông Don Juan de Jassu y Atondo và bà Dona Maria de Azpilcueta y Aznarez de Sada có hai người con gái là Magdalena và Ana; ba người con trai kế tiếp là Miguel, Juan và Francisco Xavier. Ngày 20/5/1521 khi Ignatio de Loyola bị đạn nằm liệt trong đoàn quân bại trận của thành Pamplona, thì hai ông anh của Francisco Xavier hiên ngang trong đoàn quân chiến thắng tiến vào thành. Từ cuộc đấu đá vinh nhục này, Chúa quan phòng đã đổi đời Ignatio, và khi ông em út Francisco của nhà Xavier gặp Ignatio trong Đại Học St. Barbara danh tiếng tại Paris thì cậu quí tử Francisco Xavier đã bỏ lại thế gian tất cả rồi cùng các bạn khác trong nhóm những người bạn đường của Chúa Giêsu do Ignatio khởi xướng, lên đồi Monmatre khấn nguyện suốt đời phục vụ Thiên Chúa và làm các việc cứu rỗi các linh hồn, khai sinh ra Dòng Tên.
Thuở nhỏ, cậu Francisco Xavier được cha mẹ dưỡng dục kỹ lưỡng và tỏ ra khôn ngoan, chăm học và thâu đạt được mọi điều các thầy giáo truyền dạy. Thời niên thiếu, Francisco Xavier đã trở thành một chàng trai khéo léo, mẫn tiệp trong cách cư xử và lôi cuốn được rất nhiều người. Chàng được thiên phú cho một bộ óc thông minh và tài giỏi khiến chàng nắm bắt được dễ dàng những điều làm cho chàng có thể trở thành một quí ông hoàn hảo. Từ buổi đầu đời, hai ông anh của Francisco Xavier đã hướng chàng theo nghiệp binh đao vì đó là con đường mà tổ tiên nhà Xavier đã theo để có được vinh quang, danh vọng và giàu có. Nhưng Francisco Xavier muốn theo nghiệp văn chương và đã đến Đại Học Paris để thi thố tài năng và rồi lại được Thiên Chúa mời gọi để đem Tin Mừng của Ngài đến cõi trời Đông.
2 Tình Bạn Trong Chúa
Thoạt đầu khi được Peter Favre giới thiệu làm quen với ông bạn học lớn tuổi Ignatio, Francisco Xavier đã cảm thấy bị cuốn hút theo lý tưởng của Ignatio, nhưng trong bảy năm trời, Francisco vẫn có khuynh hướng kháng cự lại những thôi thúc đầy hấp lực này vì nó đe dọa đến ý muốn có được lối sống danh giá, tiện nghi sung sướngcủa một học giả với nhiều bổng lộc của một giới chức Đại học. Nhưng Thiên Chúa quan phòng đã lay động chàng trai trẻ đầy hoài bão này qua câu Kinh Thánh được ghi trong sách Sáng Thế 12,1: “Ngươi hãy bỏ quê hương, dân tộc, lâu đài của cha ông và đi đến miền đất ta sẽ chỉ cho ngươi”; và rồi Francisco Xavier đã có quyết định cuối cùng… Ngày 24/6/1537, Francisco Xavier được thụ phong linh mục cùng với Ignatio, Laínez, Bobadilla và Codure. Ngày 30/9/1537, Francisco Xavier dâng thánh lễ đầu tiên trong cuộc đời linh mục.
Vào cuối thế kỷ 15, người Bồ Đào Nha đã vượt biển đến vùng Á Châu, vua Juan III của Bồ Đào Nha muốn có những linh mục đến những vùng đất mới để truyền bá đức tin cho cư dân ở đó nên đã thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng gửi 6 linh mục thừa sai đạo hạnh đã từng là cựu học sinh của trường St. Barbara, hiện đang hoạt động tại Ý, đó chính là “nhóm bạn đường” của Ignatio. Đức Giáo Hoàng đồng ý và Ignatio đã cử hai người là Simón Rodrigues và Nicolás Bobadilla tháp tùng theo đoàn người của nhà vua đi sang Ấn Độ. Vì Bobadilla bị bịnh nên không thể đi được vào lúc đó, nên ngày 14/3/1540, Ignatio đã đề nghị Francisco Xavier lên đường cho kịp với cuộc hành trình đã được ấn định của nhà vua.
3 Ra Đi
Ngày 7/4/1541, đoàn tàu 5 chiếc đã rời cảng Lisbon để trực chỉ đến miền Á Châu và đoàn truyền giáo cuối cùng chỉ có 5 người: 2 linh mục là Francisco Xavier, vừa đúng vào tuổi 35, một linh mục người Ý tên là Paul, một cậu bé tên Diogo Fernandez và một người tình nguyện tên Francisco Mansilhas; những người đã được chỉ định khác, vì nhiều lý do khách quan đã không có mặt trong chuyến đi này. Ngày 6/5/1542, đoàn tàu đã đưa Francisco Xavier đến thành phố Goa của đất nước Ấn Độ huyền bí. Sau gần ba năm tả xung hữu đột, xông pha giữa muôn vàn khó khăn cho công việc rao giảng Tin Mừng giữa cánh đồng truyền giáo bao la của Ấn độ, ngày 27/1/1545, Francisco Xavier gửi thư về Roma cho “ông bạn già” Ignatio, khẩn khoản xin gửi thêm’tất cả những người nào có thể gửi đi được’ cho miền truyền giáo này.
Ngọn đồi có nhà thờ Đúc Bà tại Malacca, nơi thánh Francisco Xavier được chôn từ ngày 22/3-15/8/1553
Khoảng cuối tháng 9/1545, Francisco Xavier đã có mặt ở Malacca, thuộc Malaysia ngày nay. Vào lễ Phục sinh năm 1547, Francisco Xavier đáp tàu trở về Ấn độ, mang theo 10 thiếu niên từ Malacca đến trường thánh Phao-lô tại Goa để chuẩn bị cho các thiếu niên đạo hạnh, thông minh trở thành các giáo lý viên hoặc linh mục trong tương lai. Công việc truyền giáo ngập tràn trong tâm trí Francisco Xavier trong cánh đồng ‘lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít’. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những người con ưu tuyển của Người, chính Người đã hiện diện cách này hay cách khác để tiếp sức cho Francisco Xavier qua những việc lạ lùng mà con người truyền giáo nhiệt thành này cảm nghiệm được tại vùng đất Malacca. Cũng chính tại Malacca mà Francisco Xavier được biết đến Nhật Bản và có cơ duyên gặp được những người có những điều kiện thích hợp để giúp Ngài đặt chân được đến hòn đảo mặt trời mọc tại vùng biển đông bắc châu Á xa xôi này.
Ngày 15/4/1549, từ thành phố Goa của Ấn Độ, Francisco Xavier lên tàu đi Nhật Bản cùng với Cha Cosmas de Torres, thầy Juan Fernandez; một người Nhật được rửa tội tại Goa tên Anjiro cùng với người giúp việc là John and Anthony, một người Trung Hoa tên là Manuel và một giáo dân người Malarbar tên là Amador. Đòan truyền giáo đã ghé qua Malacca vào ngày 31/5/1549; và vì không có sẵn tàu buôn của người Bồ đi Nhật Bản vào năm đó nên đoàn truyền giáo phải lên một con tàu buôn của người Trung Hoa vào ngày 24/6/1549. Vượt qua nhiều hiểm nguy giông bão trên biển, những nhà truyền giáo đã đặt chân đến ngôi làng Kagoshima, thuộc đảo Kyushu của Nhật Bản ngày lễ Ðức Maria linh hồn và xác lên trời 15/8/1549.
Sau khi đến được Nhật Bản, Francisco Xavier cùng với thầy Juan Fernandez và một chàng trai Nhật Bản tên là Bernard, người này là một trong những người vừa được ơn hoán cải ở Kagoshima, tiếp tục vượt quãng đường xa khoảng 500 dặm đến Kyoto để gặp Hoàng đế Nhật Bản; đến cuối tháng 10/1550, Francisco Xavier đã đến được nơi cần phải đến; tuy nhiên, khốn khổ thay! Chẳng có ai ra chào đón ba con người lữ hành đói khổ đã kiên trì đứng chờ đợi tại cổng cung điện của Nhật Hòang 11 ngày đêm, Francisco Xavier đành phải tìm cách khác để tiếp cận được với những người có thể giúp Ngài đem Tin Mừng của Chúa Jesus đến cho người dân Nhật Bản. Francisco Xavier đã quyết định đi gặp một vị lãnh chúa tại Yamaguchi với tư cách là Đại sứ của Đức Giáo Hoàng Roma và vua nước Bồ Đào Nha với thư giới thiệu của Ngài Phó Vương tại Ấn Độ và thư của Giám Mục tại Goa. Cách tiếp cận này đã giúp Francisco Xavier mở được cánh cửa truyền giáo vào đất Nhật Bản. Bốn tháng sau đã có khoảng 500 người Nhật Bản được nhận biết Chúa. Vào lúc đó, có tin nói rằng, một tàu buôn Bồ Đào Nha đã đến cảng Okinohama của Nhật Bản.
Khoảng giữa tháng 9/1552, Francisco Xavier lên đường đến Okinohama cùng với ba người giáo hữu Nhật Bản với mục đích hỏi thăm tin tức về 3 Giê Su hữu mà Francisco Xavier đã yêu cầu gửi đến Nhật Bản hai năm trước.
Tuy nhiên khi đến Okinohama thì chẳng có tàu buôn nào ở đó cả, Francisco Xavier quyết định trở về Goa. Ngày 17/12/1551 con tàu đến đảo Thượng Xuyên, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa và về đến thị trấn Cochin tại Ấn Độ ngày 24/1/1552. Vào tháng 4/1552, Francisco Xavier lại giã từ Goa để lên đường mang tin Mừng đến cho người Trung Hoa. Đoàn truyền giáo trong chuyến đi này gồm có 6 người: hai linh mục là Francisco Xavier, Balthasar Gago, một học viên tên là Alvaro Ferreira; một giáo hữu người Nhật Bản tên là Anthony and John; một người Trung Hoa tên là Anthony đã từng được học tại học viện thánh Phaolô ở Goa; một giáo hữu người Malabar. Chuyến ra đi này đầy sóng to gió lớn, nhưng đoàn đã đi từ Goa đến Malacca an toàn. Tuy nhiên, một số rắc rối đã xảy ra khi viên Tổng Trấn Malacca tên là Dom Alvaro de Athaide da Gama biết rằng ông ta không được chọn làm Đại Sứ đến Hoàng Đế Trung Hoa mà thay vào vị trí đó là tay thương buôn Diogo Pereira. Tổng Trấn Malacca đã giận dữ và không cho một thuyền buôn nào thuộc quyền ông ta ra khơi. Sau nhiều cố gắng thuyết phục, ông ta đã cho phép con tàu Santa Cruz ra khơi, nhưng không có viên Đại Sứ được chỉ định tới Trung Hoa.
Mang trong tim lửa yêu mến Giêsu Bước bước đi chân trời dẫu mịt mù Nơi xa xăm ngàn tiếng nói ước mơ Đón chân người mang niềm vui ý thơ Bao gian nguy chờ những bước xông pha Niềm tin thắp sáng khắp đất trời này bao la | Đây phương đông một thế giới mênh môngNúi với sông đưa biển đến ruộng đồng Gieo tin vui tràn khắp chốn biển xanh Lớp sóng bạc theo niềm tin lướt nhanh Chân chưa đi lòng chấp cánh mơ bay Để còn ghi dấu khắp nẻo đường trần hôm nay |
Nghìn trùng biển khơi: tiếng thiết tha chờ mong đáp lời
Nghìn trùng biển khơi: cất bước lên đường mang tin mới Vượt dặm trường xa, dẫu bao la, bốn biển một nhà Vượt dặm trường xa, đến với Cha muôn lời hoan ca
|
4 Yên Nghỉ
Ngày 22/10/1552, Fransisco Xavier đặt chân lên đảo Thượng Xuyên cách tỉnh Quảng Đông Trung Hoa khoảng 15 cây số. Trong khi chờ đợi để tìm cách vào lục địa Trung Hoa, ngày 21/11/1552, Francisco Xavier lâm bịnh. Bệnh tình trở nên càng ngày càng trầm trọng và Fransisco Xavier đã từ biệt thế giới này vào đêm thứ Sáu rạng ngày thứ Bảy, giữa đêm mùng 2 và ngày mùng 3 tháng 12 năm 1552, hưởng dương 46 tuổi, 7 tháng 26 ngày; và trong cuộc đời ngắn ngủi ấy, Fransisco Xavier đã dành 10 năm 6 tháng 26 ngày lăn lộn trên cánh đồng truyền giáo khắp vùng Á châu từ Ấn Độ cho đến Nhật Bản; và bước chân chỉ dừng lại khi nhịp thở của Fransisco Xavier không còn nữa trên hòn đảo Thượng Xuyên hoang lạnh ngoài khơi mà tiếc nuối nhìn vào cánh đồng truyền giáo Trung Hoa mênh mông.
Ngày 4/12/1552, Fransisco Xavier được an táng trên đảo Thượng Xuyên với sự hiện diện của 4 người: một người Trung Hoa tên là Antonio, hai người phu đào huyệt và một người Bồ Đào Nha tên là Francisco Sanches.
Mười lăm ngày sau, có ai đó trên con tàu Santa Cruz đã viết thư cho viên Tổng Trấn Malacca, buộc tội cho ông này đã gây rắc rối cho cuộc hành trình của Cha Francisco Xavier và khiến cho Cha phải đau bịnh mà chết cô đơn trên hòn đảo Thượng Xuyên hoang lạnh và yêu cầu đưa xác Ngài về Malacca.
Ngày 17/2/1553, theo yêu cầu của Antonio, viên thuyền trưởng tàu Santa Cruz cho người lên đảo Thượng Xuyên khai quật và đưa xương cốt Fransisco Xavier về Malacca. Khi mở nắp quan tài, những người này rất ngạc nhiên khi thấy thân xác của Francisco Xavier vẫn còn y nguyên. Ngày 22/3/1553, con tàu Santa Cruz mang xác Fransisco Xavier về đến bến tàu Malacca. Nhiều bè bạn đã đến khiêng quan tài của Francisco Xavier vào ngôi nhà thờ nhỏ kính Đúc Mẹ trên một ngọn đồi cao gần bến cảng. Thân xác Francisco Xavier được lấy ra khỏi quan tài và được chôn trong một huyệt đá gần bàn thờ.
Giữa đêm khuya 15/8/1553, cha Juan de Beira và Domingo Pereira bí mật mở huyệt mộ Francisco Xavier và đưa thi hài Ngài ra để “viếng thăm” Ngài một lần nữa. Lạ lùng thay thân thể Ngài vẫn còn tươi nguyên và không có dấu hiệu hư hỏng. Thấy thế, Pereira lấp mộ trống lại như cũ và âm thầm đưa xác Francisco Xavier về nhà mình, mặc cho Ngài những tấm lụa mà Ngài và Pereira đã chuẩn bị để làm quà tặng cho Hoàng Đế Trung Hoa và đặt Ngài nằm trong một quan tài mới. Ngày 11/12/1553, Pereira đã bí mật chở thi hài Francico Xavier về Goa (Ấn Độ). Ngày Chủ Nhật Lễ Lá 16/3/1554, thân xác Francisco Xavier về đến Goa, toàn thành phố ra chào đón. Sau nhiều ngày lênh đênh trên con đường truyền giáo, cuối cùng Francisco Xavier được nằm yên nghỉ trong huyệt mộ gần bàn thờ trong một nguyện đường tại Học Viện Thánh Phao-lô tại Goa.
Ngày 12/3/1622, Đức Giáo Hoàng Gregory XV đã phong Ngài lên bậc hiển thánh cùng với người bạn thiết thân của Ngài là Ignatio de Loyola.
Nhà Nguyện tại học viện Thánh Phao Lô tại Goa (Ấn Độ), nơi thánh Francisco Xavier yên nghỉ.
5 Dư Âm
Vài dòng lược sử ngắn gọn về cuộc đời đầy ắp lòng nhiệt thành đem Tin Mừng cứu độ đến cho loài người của Thánh Francisco Xavier hơn 550 năm trước đây đã nhắc nhở mọi người Kitô hữu về việc thực thi sứ mạng mà trước khi về trời, Chúa Giê Su đã truyền cho các môn đệ của người: “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân….”. Lúc nào cũng vậy, cần phải có những người xông xáo ra đi thì mới được việc. Thánh Francisco Xavier đã có mọi điều kiện để vinh thân và thăng tiến trên con đường hoan lộ của vua chúa trần gian, nhưng Ngài khước từ tất cả, sẵn sàng quên mình để trở thành người môn đệ trung kiên của Chúa Giêsu Kitô trong sứ mạng gieo rắc Tình Yêu Thương Vĩnh Cửu của Thiên Chúa cho nhân loại.
Chính nhờ những bước chân mở đường của thánh Francisco Xavier đến Á Châu mà con dân Việt Nam biết được Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, khi các tu sĩ Dòng Tên đặt chân đến Hội An vào năm 1615, mở đầu cho việc Loan Báo Hồng Ân Tin Mừng của Thiên Chúa cho dân Việt và làm cho dân Việt được chia sẻ những kiến thức của nhân loại qua những phương tiện hữu hiệu hơn như việc tạo lập ra chữ viết cho dân Việt dựa trên các mẫu tự Latin mà con dân nước Việt đang sử dụng ngày nay.
Theo đoàn hành hương về thăm lại nhà cũ, quê xưa của Thánh Francisco Xavier tại Navara, Tây Ban Nha, chúng tôi càng thêm ngưỡng mộ một con người đã quảng đại biết bao khi biết quên đi tất cả những gì mình có, bỏ đi tất cả những gì mình đang được hưởng để đem lại niềm vui cho người khác. Chúng tôi càng thấu hiểu hơn lời kinh xin ơn quảng đại mà Thánh Francisco Xavier vẫn thường cầu xin khi xưa:
Lạy Chúa Giêsu rất đáng mến,
Xin dạy con biết sống quảng đại.
Biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự.
Biết cho không tính toán.
Biết chiến đấu không ngại thương tích;
Biết làm việc không tìm nghỉ ngơi;
Biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn
là được biết chúng con chu toàn Thánh Ý Chúa.
Người Hành Hương
30/11/2016
Nhà nguyện thánh Francisco Xavier tại Lâu đài Xavier, Tây Ban Nha
Để lại một phản hồi