Biết ơn ích của Phép Rửa mà vẫn không muốn được Rửa Tội thì có được Cứu Rỗi hay không?

Nhân thắc mắc của một số độc giả sau khi đọc bài “những người không được rửa tội có được cứu rỗi không ?” tôi xin được trả lời như sau:

Như đã nói trong bài trước, Phép Rửa  ( baptism) rất cần thiết cho được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, như Chúa  đã  nói rõ sau đây:

   Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu rỗi. Ai không tin sẽ bị kết án. ( Mc 16:16)

Phép Rửa cần thiết vì nó gắn liền với đức tin có Chúa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô nhờ đó con người được cứu rỗi để hưởng hạnh phúc Nước Trời

Qua Phép Rửa, con người được tái sinh trong sự sống mới, trở nên tạo vật mới và có hy vọng được cứu rỗi nếu người được rửa tội sống những cam kết khi được rửa tội ( baptismal promises) : đó là yêu mến Chúa trên hết mọi sự, yêu thương tha nhân như chính mình , và từ bỏ ma quỷ để không phạm tội mất lòng Chúa khiến  mất hy vọng được cứu độ. Nghĩa là nếu không thi hành những cam kết này để sống theo đường lối của Chúa thì ơn Phép Rửa sẽ trở nên vô hiệu quả cho ai đã lãnh nhận khi còn bé, hay là người tân tòng sau này.

Nói rõ hơn nữa, không phải cứ được rửa tội là đương nhiên được cứu độ, là chắc chắn được vào Nước Trời để vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa là nguồn tình yêu, an vui và hạnh phúc.

Rửa tội chỉ là bước đầu cần thiết cho tiến trình được cứu rỗi mà thôi.Tiến trình này kéo dài trong suốt cuộc đời cho đến ngày lìa đời. Do đó, ai trung thành và kiên trì sống đức tin, đức cậy và đức mến – tức là kiên tâm sống những cam kết khi được rửa tội thì sẽ được cứu rỗi. Ngược lại, rửa tội rồi mà  lại sống mâu thuẫn với những cam kết trên đây,  để sống theo thế gian, chối bỏ Thiên Chúa bằng chính đời sống của mình  để  làm những sự dữ như  oán thù, giết người , giết thai nhi, trộm cướp, bất công, bóc lột , dâm ô thác loạn…thì Phép Rửa và cả công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô  sẽ hoàn toàn vô ích cho những ai sống như vậy.

Thử hỏi những kẻ đang giết người , chặt đầu những con tin (hostages) hay những người không về phe với chúng,  như bọn cuồng tín hồi giáo ( ISIS) đang làm ở Trung Đông, những kẻ nắm quyền cai trị  để hà khắc bóc lột,  bất công với  dân và vơ vét của cải làm giầu cho tập đoàn cai trị, cùng  với   bọn buôn người, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái để cung cấp cho bọn ma cô, tú bà hành nghề mua bán dâm ô và ấu dâm rất khốn nạn, thì làm sao chúng có thể được cứu độ ?

Rất có thể  có những kẻ đã được rửa tội khi còn bé, nhưng nay đang làm những sự dữ  nói trên mà không biết ăn năn sám hối để xin Chúa thứ tha, thì làm sao chúng có thể được cứu rỗi để lên Thiên Đàng sau khi chết ?

Thiên Chúa là tình thương, chậm bất bình và hay tha thứ, nhưng rất gớm ghét mọi tội lỗi, vì tội lỗi xúc phạm bản chất yêu thương, công bình và thánh thiện của Người.Tuy ghét tội, nhưng Chúa lại yêu thương kẻ có tội biết ăn năn và xin tha thứ.

Vì thế,  cho được cứu rỗi thì phải sống sao cho phù hợp với niềm tin có Chúa và thực hành đức tin ấy qua việc tuân thủ những cam kết khi được rửa tội thì mới xứng đáng được hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, Đấng  đã   hy sinh mạng sống mình để làm giá chuộc cho muôn người.  ( Mt 20: 28) 

Nói khác đi, không phải cứ tuyên xưng mình là người Công Giáo, hay Kitô Giáo  đã chịu phép Rửa , là đương nhiên được cứu độ để vào Thiên Quốc. Ngược lại, đươc cứu độ hay không,  còn tùy thuộc  thiện chí  của mỗi cá nhân muốn  cộng tác với ơn cứu độ qua quyết tâm đi theo Chúa Kitô là  con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. ( Ga 14:6)

Bước đi theo Chúa Kitô là  thực tâm  sống theo đường lối của Chúa để được hưởng nhờ công ơn cứu độ của Người. Đó là lý do tại sao Chúa đã nói với các môn đệ Người như sau:

 “ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa!, lậy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu, mà chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.”  ( Mt 7: 21)

Thi hành ý muốn của Chúa Cha là thực hành những điều Chúa Con đã rao giảng , dạy đỗ , cụ thể  là thi hành  hai Điều Răn lớn nhất là mến Chúa và yêu người như Chúa đã dạy các môn đệ và dân chúng xưa:

  “  Ai yêu mến Thầy , thì sẽ giữ lời Thầy
Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy
Cha cúa Thầy và Thầy sẽ  đến  và ở lại với người ấy.
( Ga 14 :23)

Như thế, tuân giữ- hay thực hành  lời Chúa – là cách chứng mình hùng hồn nhất  niềm  tin và lòng yêu mến Chúa của mọi người tín hữu chúng ta đang sống trong  một thế giới điên loạn, vì con người không có niềm tin -hay có mà không sống niềm tin ấy-  nên đã thi  nhau làm những sự dữ ở khắp nơi trong thế giới tục hóa, vô luân vô đạo này.

Mặt khác, như đã nói trong bài trước, nếu những người vô tình và không được ai nói cho biết về Chúa và về Phép Rửa, nên không có đức tin và không  được rửa tội, thì đó không phải là lỗi của họ. Dầu vậy, họ  vẫn có thể được cứu rỗi nếu  họ sống theo tiếng nói của lương tâm để làm lành lánh dữ như Giáo Hội dạy.( X SGLGHCG số 847; LG. số 6).

Ngược lại, những ai biết Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội thật của Chúa Kitô, thiết lập trên nền tảng Tông Đồ,  với sứ mệnh chuyên chở ơn cứu độ của Chúa  đến cho hết mọi  người ở khắp mọi nơi trên trái đất cho đến ngày hết thời gian,  mà vẫn không muốn gia nhập Giáo Hội  này qua Phép Rửa thì sẽ không được cứu rỗi. Điều này cũng áp dụng cho cả những người đã gia nhập Giáo Hội qua Phép Rửa nhưng không kiên trì sống  và thực hành đức tin trong Giáo Hồi thì cũng không được cứu rỗi, vì “ tuy  thể xác họ thuộc về Giáo Hội nhưng tâm hồn họ không ở trong Giáo Hội.”  . ( x LG. số 14)

Tóm lại, Phép Rửa thật vô cùng  quan trọng cho những ai muốn nhận lãnh ơn cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-su. Nhưng được rửa tội để gia nhập Giáo Hội của Chúa mới chỉ là bước đầu cho hy vọng được cứu rỗi mà thôi.  Muốn cho hy vọng đó thành sự thật thì phải kiên trì sống những cam kết của Phép Rửa là mến Chúa trên hết mọi sự, yêu tha  nhân như  yêu chính  mình,  từ bỏ ma quỷ và mọi cám dỗ của chúng để xa tránh mọi tội lỗi, vì chỉ có tội mới làm ngăn cách con người với Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành.

Do đó, nếu  được rửa tội mà không sống những cam kết trên, thì hy vọng đươc cứu rỗi sẽ  trở thành ảo vọng,  vì  Phép Rửa   có liên quan mật thiết  với  đức tin, nên nếu  con người thiếu thiện chí  cộng tác với ơn Chúa  qua cố gắng sống  những cam kết khi được rửa tội thì sẽ không được cứu độ. Lại nữa, cũng sẽ không được cứu rỗi để vào Nước Trời,  những ai biết lợi ích của Phép Rửa cũng như biết Giáo Hội của Chúa là phương tiện cứu độ cần thiết mà vẫn không muốn được rửa tội và gia nhập Giáo Hội thì cũng không được cứu độ như đã nói ở trên.

Sở dĩ thế, vì con người còn có tự do chọn lựa và Thiên Chúa phải tôn trọng ý muốn tự do ( free will) của con người. Chúa chỉ mời gọi và tùy con người đáp trả. Chúa không bắt buộc ai phải yêu mến Người và nhân ơn cứu độ của Người. Do đó, ai muốn được cứu độ, muốn được vào Nước Trời ,  thì Chúa sẽ hoan hỉ ban ơn nâng đỡ để giúp họ đạt mục đích mong muốn. Ngược lai, ai muốn từ chối lời mời gọi của Chúa  để sống theo ý thich của riêng  mình, sống theo thế gian và quay lưng lại với Chúa  thì Chúa sẽ tôn trọng  và kẻ đó sẽ phải lãnh nhận hậu quả  của sự  tự do  chọn  lựa đó.

Đó là lý do phải có Thiên Đàng , dành cho những người đã chọn yêu mến Chúa trong suốt cả cuộc đời mình , và có  hỏa ngục để dành cho những kẻ đã hoàn toàn khước từ Chúa và tình thương của Người để làm những sự dữ cho đến hơi thở cuối cùng mà không biết ăn năn để xin Chúa tha thứ.

Tuy nhiên, ai đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng này, thì chỉ có Chúa biết mà thôi. Giáo Hội cũng không biết được, nên chỉ  dạy phải cầu nguyện cho các người đã ly trần, chứ không đưa ra một  phán đoán nào về số phận đời đời của ai. Nói thế không phải là mâu thuẫn với lời dạy phải làm gì để được hay không được cứu rỗi. Là Thầy dạy giáo lý  đức tin, và tín lý, Giáo Hội phải đưa ra những lời khuyên bảo cần thiết cho  con cái mình tin và thực hành, nhưng quyền phán đoán vẫn hoàn toàn thuộc về Chúa,  là Cha đầy yêu thương, nhưng cũng  rất công minh khi phải phán đoán con người.

Như vây, là con cái Giáo Hội, chúng ta phải tin và thi hành những gì Giáo Hội dạy trong hai phạm vi đức tin và luân lý, là hai lãnh vực mà  Giáo Hội –qua Đức Thánh Cha và các Giám mục hiệp thông-  được ơn dạy dỗ không sai lầm ( ìnfallibility )

Ước mong những giải thích trên thỏa mãn các thắc mắc đặt ra.

Lm Phanxicô  Xaviê  Ngô Tôn Huấn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*