Tế giao thừa ở nhà thờ Công giáo

Tế giao thừa là một nghi tục, một nét đẹp của văn hóa Việt được thực hiện vào dịp Tết âm lịch hằng năm. Những ngày cuối cùng của năm, Ban Khánh tiết đình làng nhộn nhịp lo tổ chức Tế giao thừa. Mọi người theo công việc được giao đều chuẩn bị rất chu đáo. Các cụ ông trong đội tế trước đó đã lo luyện tập thật kỹ càng. Vào đúng thời khắc trời đất chuyển giao năm cũ sang năm mới, nghi thức tế được cử hành trang trọng nơi đình trung. Mở đầu là ba hồi ba tiếng trống, kèm theo là chiêng vang vọng trầm hùng. Trống thể hiện cho dương – trời, chiêng thể hiện cho âm – đất. Trống, chiêng hòa trộn là thể hiện sự giao hòa trời – đất, âm – dương. Cùng với trống chiêng, tùy theo mỗi làng có thể có ban nhạc bát âm, tấu tứ đại cảnh, hành vân lưu thủy. Trong làn khói hương ngan ngát, dưới ánh sáng đèn nến lung linh huyền ảo hòa lẫn với thiên khí linh thiêng trời đất của năm mới, ngày mới, giờ mới…, nghi thức tế được bắt đầu.
Tế giao thừa ở nhà thờ Công giáo
Tế giao thừa ở nhà thờ Công giáo

Với người Việt, tế giao thừa trước hết là tế trời – đất, cầu cho phong đăng, hòa cốc, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, người khang vật thịnh. Trải thời gian, tế giao thừa trở thành một thành tố văn hóa truyền thống. Dịp Tết đầu Xuân là dịp người Việt họp mặt con cháu trong gia đình, cúng bái tổ tiên, họ tộc. Trong ba ngày tết thường là: Mồng Một tết cha (bên nội), mồng Hai tết Mẹ (bên ngoại), mồng Ba tết Thầy (thầy dạy học). Là Kitô hữu, người Công giáo Việt Nam có cách đón tết Nguyên đán theo cách riêng của mình. Trong ba ngày Tết thì: Mồng Một kính lạy Thiên Chúa Ba Ngôi; mồng Hai cầu cho Hội Thánh; mồng Ba cầu cho ông bà tổ tiên.

Ở một số xứ, họ đạo Công giáo thuộc giáo phận Thái Bình, dịp tết Nguyên đán có tổ chức tế giao thừa ở nhà thờ. Tế giao thừa của người Công giáo có từ bao giờ, hiện vẫn chưa có lời giải đáp chính xác. Một số giả thiết cho rằng có từ những năm 30 của thế kỷ XX, có người thì bảo đã có từ lâu. Do đây là nghi thức ngoại lễ, mang tính phi quan phương nên chỉ có ở một số giáo xứ, giáo phận Dòng (Đaminh) vốn có chủ trương cổ vũ cho lối sống đạo bình dân. Đội tế, hình thức ăn mặc dàn nhạc, các bước tiến hành nghi lễ… về cơ bản giống như tế nơi đình làng người Việt. Đáng tiếc, sau năm 1945, hình thức tế ở nhà thờ Công giáo, nhiều nhất là ở hai giáo phận Bùi Chu và Thái Bình, vì những lý do khác nhau, đã không còn thực hiện. Dầu vậy, một số họ đạo di cư vào Nam thì vẫn giữ truyền thống này, như ở giáo xứ Châu Bình (phường Tam Phú, Thủ Đức, TPHCM). Là một người nghiên cứu Công giáo xưa, dù sống ở Hà Nội nhưng cách đây ít lâu, chúng tôi đã may mắn có dịp tiếp cận và tìm hiểu về nghi thức độc đáo có từ rất lâu đời này, diễn ra tại Châu Bình.

*

Đoàn tế của giáo xứ Châu Bình gồm 15 người, một chủ tế, hai bồi tế (Đông Xướng và Tây Xướng) và 12 tế viên. Phục vụ buổi tế là đội bát âm, tất nhiên là không thể thiếu trống, chiêng. Do tế ở nhà thờ Công giáo nên nội dung có nhiều điểm khác biệt với tế giao thừa ở đình làng của người Việt không theo Công giáo.

Sau đây là một số nội dung của lễ tế giao thừa :

Lễ tế giao thừa bắt đầu :

Đông xướng:

– Khởi hành lễ tế nghinh Xuân. Tiến nghinh hương

(chủ tế dâng hương, ban nhạc tấu)

Đông xướng:

– Tấu khúc ca tiền xướng

Đoàn tế quỳ hai gối, cúi mình vịnh câu:

– Tấu lạy Thượng Đế

Đoàn tế không cúi mình, quỳ thẳng người vịnh tiếp ca tiền xướng:

– Chủ tể khoan nhân; Toàn thể chúng thần; Thành tâm hiệp khắc; Lễ dâng đồng tấu; Vâng thấu Thiên cung.

Tây xướng:

– Bình thân tựu vị

(các tế viên đứng dậy theo thế cũ)

Đông xướng:

– Khởi chinh cổ

(một hồi ba tiếng trống, chiêng âm vang)

Đông xướng:

– Tế chủ độc chúc

Chủ tế quỳ hai gối, cúi đầu giây lát, ngẩng lên đọc bài: Nghịch Xuân khởi tấu theo giọng văn tế truyền thống :

– Giáo hội Công giáo Việt Nam; Duy Châu Bình xứ; Tuế thử… niên…; Chính nguyệt, nguyên đán, nhật tân; Chúng con cộng đồng giáo dân Châu Bình xứ; Trước thềm năm mới; Xuân tới muôn nhà; Chung niệm thiết tha; Muôn lòng rộng mở

Dứt lời văn, chủ tế cúi mình giây lát:

Đông xướng:

– Ngũ bái vịnh

Chủ tế (đọc bài bái vịnh thứ nhất)

– Đệ kính Thượng phụ chi vị

Đông xướng:

– Cúc cung bái

Chủ tế: Chúng con lạy Chúa Cha nhân đức.

Tây xướng: Hơơng

Ban nhạc: tấu sáo, solo…

Chủ tế: Đã tạo thành vũ trụ bao la; Cỏ cây muôn vật hằng hà; Đông qua Xuân lại bốn mùa đổi thay

Đông xướng: Khởi chinh, cổ. (Một hồi ba tiếng trống chiêng âm vang)

Cứ như vậy, chủ tế đọc các đoạn bái vịnh tiếp theo cho đến đoạn bái vịnh năm. Mỗi bài bái vịnh chỉ có lời văn khác nhau, còn lễ thức thì giống như bái vịnh thứ nhất. Khi chủ tế đọc xong bái vịnh thứ năm (đệ ngũ), các tế viên quay mặt vào giữa, hai tay kết ngón để ngửa lên trán cùng đọc: Chúng khẩu đồng từ.

Một hồi ba tiếng trống, chiêng được đánh. Dàn nhạc tấu. Dứt nhạc là phần suy tôn. Phần này ban tế hợp cùng cộng đoàn tín hữu tham dự buổi tế giao thừa trong các nguyện thỉnh cầu với các chủ đề:

– Thỉnh cầu cho Hội thánh

– Thỉnh cầu cho Tổ quốc

– Thỉnh cầu cho thế giới

– Thỉnh cầu cho giáo xứ

Đến chủ đề thỉnh cầu nào, Đông xướng nêu tên chủ đề đó để đoàn tế và cộng đoàn tín hữu cùng đọc. Sau mỗi lời thỉnh cầu, ban nhạc tấu, cộng đoàn ngồi, tế đoàn dâng lễ vật.

Hết bốn đoạn thỉnh cầu, nội dung chuyển sang phần BẾ MẠC.

Nghi thức kết lễ gồm :

Đông xướng: Nghinh Xuân lễ tất giai quỵ

(tất cả cùng quỳ. Trống cái điểm: Tùng, tùng, tùng, cắc)

Kế đến là Lời nguyện kết lễ và chủ tế ban phép lành đầu Xuân. Thứ tự tế đoàn rời Thánh cung. Nhạc nổi lên như lúc nghinh rước đoàn tế.

Trên đây chỉ là một đoạn trích dẫn ngắn, nội dung của tế giao thừa ở nhà thờ Công giáo. Ở đó cũng có phần tế trời đất, nhưng với người Công giáo, trời đất ở đây là Thiên Chúa tạo dựng, do vậy là sự suy tôn Thiên Chúa. Mỗi dịp tế, qua chúc văn, chủ tế khái quát lại chức năng, vai trò của Thiên Chúa, chủ tế của trời đất. Vì vậy lễ tế giao thừa là một nghi thức Việt, thể hiện lòng đạo đức bình dân của người Việt Công giáo với vị chủ tế trời đất trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Là dịp để cộng đồng giáo xứ tỏ bày lòng mình và cầu xin Thiên Chúa.

Chúc văn ngoài nội dung suy tôn Thiên Chúa Ba Ngôi, còn là lời nguyện thỉnh cầu cho Hội thánh, cho Tổ quốc Việt Nam, một nội dung rất mới, gắn đạo với đời.

Một điểm khác biệt của tế ở nhà thờ Công giáo còn là sự hiệp lễ giữa cộng đoàn giáo xứ với ban tế. Trong khi tế giao thừa ở đình làng chỉ do ban tế thực hành mà hoàn toàn không có nghi thức này.

Ví dụ ở chủ đề: Thỉnh cầu cho Tổ quốc, có nghi lễ và nội dung sau:

Đông xướng: Thỉnh cầu cho Tổ quốc

Cộng đoàn (hiệp lễ) :

– Xin Chúa thương xót riêng đất nước Việt Nam con Tổ quốc quang vinh; Toàn dân vui sống an bình; Chung xây đất mẹ thắm xinh tình người; Cho bốn mùa ngát tươi lúa mạ; Dẹp yên đi sóng cả, giông ba; Đời này no ấm thái hòa; Mai sau hưởng phúc hoan ca Thiên đường.

Ban tế cùng cộng đoàn:

– Chúng ta cùng cầu nguyện

Lời văn trên chính là cầu cho quốc thái dân an, phong đăng hòa cốc, mưa thuận gió hòa một nội dung quan trọng nhất của tế giao thừa ở đình làng. Xin lưu ý một điểm, với người Công giáo không chỉ cầu cho cuộc sống tại thế mà còn cầu cho được “hưởng phúc hoan ca” nơi thiên đường đời sau.

Vào dịp Tết Nguyên đán, từ thời Alexandre de Rhodes truyền giáo Đàng Ngoài, ở các khu tín hữu Công giáo sống tập trung, một số gia đình khi dựng cây nêu đón Tết bên trên đều buộc hình Thánh giá. Ngày nay, người Việt theo tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống và người Việt theo Công giáo, khi đón năm mới hầu hết không thấy dựng cây nêu. Có chăng chỉ có đâu đó ở trước một vài sân đình. Những cây nêu trên gắn hình Thánh giá lại thấy trồng ở trước cửa nhà Rông của người Banar, người GiaRai ở Tây Nguyên theo Công giáo.

Tế giao thừa ở nhà thờ Công giáo thể hiện một nét đẹp trong hội nhập văn hóa Kitô giáo với văn hóa truyền thống Việt Nam, đặc biệt thể hiện lối sống đạo đức bình dân của người Công giáo trước Công đồng Vatican II, vì vậy cần thiết được cổ súy, duy trì và phát huy.

Nguyễn Hồng Minh Uyên

 

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*