Hai vị Thánh trong một dòng họ

Ngoài là Tiểu Vương Cung Thánh Đường và Trung tâm Hành hương kính các Thánh Tử Đạo, Sở Kiện còn được vinh danh khi là quê hương của hai vị Thánh : Thánh Phêrô Trương Văn Thi – linh mục và Thánh Phêrô Trương Văn Đường – thầy giảng.

Đến Sở Kiện, tìm gặp các cụ cao niên trong xứ, chúng tôi được dịp hiểu hơn về một vùng đất lịch sử. Trong câu chuyện tưởng chừng không có hồi kết, gia phả về hai vị chứng tá Tin Mừng dần hé mở.

Mảnh đất nơi hai thánh nhân đã lớn lên

Hai thánh vốn chú cháu ruột, và người chú (Thánh Thi) chính là người đỡ đầu để đứa cháu theo đường ơn gọi. 177 và 178 năm kể từ ngày đổ máu đào tử đạo, mảnh đất nơi hai chú cháu chào đời bây giờ đã đổi thay đáng kể theo thời gian : một thị trấn sầm uất mọc lên, nhưng thấp thoáng đâu đó sau những nếp nhà, vẫn phảng phất nét cổ kính và lòng đạo đức bình dân lan tỏa. Không lâu sau khi hai ngài mất, quê hương Sở Kiện đã được chọn làm trung tâm của giáo phận Tây Đàng Ngoài… Cách nhà thờ lối vài trăm mét, trên con đường làng bê tông có những căn nhà xưa khá kiên cố, chứng tỏ thời thịnh vượng đã về với làng này từ rất sớm. Qua tiếp mấy con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, lối chỉ đủ cho người đi bộ, chúng tôi đến một khu đất ruộng rau muống nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà xung quanh. Mảnh đất rộng chừng 100m2 trước mặt chúng tôi đây tương truyền là nơi ông bà cố đã sinh ra cha Thánh Thi và người anh của cha, tức bố Thánh Đường sau này.

Thánh Phêrô Trương Văn Thi chào đời năm 1763. 11 tuổi, cậu được nhận vào nhà Đức Chúa Trời để tập tành các nhân đức, rồi trở thành thầy giảng. Đến ngày 22.3.1806, lãnh chức linh mục ở tuổi 43. Trong 27 năm liền, ngài coi sóc xứ Sông Chảy. Năm 1833, làm chánh xứ Kẻ Sông và ở đó cho đến khi tử đạo năm 1839. Linh mục Thừa sai Jeantet Khiêm (sau làm Giám mục Tây Đàng Ngoài) đã viết về cha Thi: “Tôi quen biết ngài từ năm 1835, tôi cảm phục ngài về lòng đạo đức thâm sâu, có tính hiền hòa, khôn ngoan, trung thành giữ lề luật”. Thánh Thi bị bắt cùng với Thánh Anrê Dũng (Lạc) và bị xử trảm ngày 21.12.1839 tại Ô Cầu Giấy, hưởng thọ 76 tuổi.

Điều đáng tiếc là hậu duệ trực hệ của các ngài không còn rõ. Dù vậy, các cụ lớn tuổi trong xứ đều khẳng định, ở Sở Kiện hiện nay nhiều người vẫn là con cháu thuộc dòng dõi hai Thánh, chí ít cũng có chút “dây mơ rễ má”. Bởi lẽ, “về lập làng Ninh Phú (tức làng Sở) lần lượt là các ông mang họ Trương, Quan, Viên, trong đó người họ Viên là con rể. Hiện trong xứ họ Trương chiếm lớn nhất, trong khi hai Thánh cũng mang họ Trương”, ông cố Ninh (Trần Đăng Ninh) và ông cố Đoàn (Trương Công Đoàn) – hai cây đại thụ am hiểu lịch sử họ đạo giải thích như thế.

Sở dĩ các ngài sinh trưởng ở đây nhưng tông chi lại không còn, vì một số nguyên do : theo ông cố Đoàn, gia đình Thánh Thi có hai anh em, cha Thi đã theo nghiệp tu trì, còn bố thầy Đường cũng chỉ có hai người con nên huyết thống vốn ít con cháu. Thứ nữa, trong thời gian các ngài chịu bắt đạo, người thân bỏ chạy đi nơi khác, số trú lại cũng thay tên đổi họ để tránh bị liên lụy. Về sau lại còn những đợt tứ tán mỗi phương vì bom đạn và đi làm ăn… Nhưng, chính như vậy cũng có cái hay là, ở Sở Kiện hôm nay, mọi người đều xem mình như con cháu các thánh nhân, lấy gương hai ngài để dạy bảo thế hệ sau sống nhân đức, thương yêu. Đến lễ kính hai Thánh (18 và 21.12), cả xứ “mặc định” như ngày truyền thống. Những ai đi xa đều thu xếp về dự lễ.

Hộp sọ Thánh Phêrô Trương Văn Thi ở Sở Kiện

Sau khi chịu tử đạo, thi hài cha Thánh Thi được mang về an táng ở quê hương nên trong phòng thánh tích giáo xứ hiện vẫn còn hộp sọ của ngài. Được biết, cha xứ Giuse Mai Xuân Lâm đang dự định mua lại khu đất trước từng là nơi ở của hai thánh rồi cải tạo thành vườn hoa, dựng tượng các ngài để vừa có điểm hành hương, lại có thể nhắc lớp trẻ rõ hơn về nguồn cội ngõ hầu sống cho xứng đáng.

NGUYỄN VĂN

Thầy Phêrô Trương Văn Đường sinh năm 1808, gọi cha Thánh Thi bằng chú ruột. Từ bé, cậu đã ước ao dâng mình cho Chúa. Năm 9 tuổi, được chú ruột nhận nuôi nhưng vì ngài đang coi xứ Sông Chảy nên gởi cậu cho cha Phương xứ An Tập. Năm 15 tuổi, cậu Phêrô Đường đến giúp xứ Bầu Nọ. Hiền lành, ít nói nhưng vui vẻ hòa đồng, mọi người trong xứ mến chuộng. Năm 16 tuổi, được lên chức thầy giảng và tiếp tục giúp xứ Bầu Nọ đến khi bị bắt vào ngày 20.6.1837 cùng với thầy Mỹ (Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ) và thầy Truật (Thánh Phêrô Vũ Truật). Thầy bị xử giảo ngày 18.12.1838 tại Sơn Tây, trước một năm so với người chú ruột.

Đức Lêo XIII đã suy tôn hai chú cháu lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19.6.1988, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*