Việc lột bàn thờ ngày thứ Năm Tuần Thánh được qui định cho các bàn thờ nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu việc lột bàn thờ sau thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh chỉ giới hạn cho các bàn thờ, mà Thánh Lễ này được cử hành không? Liệu các bàn thờ trong các nhà thờ và nhà nguyện (ví dụ, nhà nguyện trong đan viện, tu viện, bệnh viện, …), nơi không có cử hành Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh, có được lột không, và Mình Thánh Chúa được cất đi nơi khác không? – G. L., Madera, California, Mỹ.

Đáp: Lời chỉ dẫn trong thư luân lưu về cử hành các nghi thức Tuần Thánh và lễ Phục Sinh, Paschalis Sollemnitatis, là khá ngắn gọn: “Sau thánh lễ, bàn thờ được lột sách. Mọi thánh giá trong nhà thờ cần được che phủ bằng một tấm màn màu đỏ hoặc tím, trừ khi các thánh giá này đã được che phủ vào ngày thứ Bảy trước Chủ nhật thứ Năm Mùa Chay. Cũng không thắp đèn trước tượng ảnh các thánh” (số 57).

Sách Lễ Rôma nói rõ hơn: “Tại một thời điểm thích hợp, bàn thờ được lột sạch, và nếu có thể được, các thánh giá được cất khỏi nhà thờ. Các thánh giá còn lại trong nhà thờ cần được che phủ”.

Lời ngắn gọn này có lẽ là do các qui định giả thiết rằng chỉ có một bàn thờ trong nhà thờ. Không hề có lời nào nói về nhà nguyện bên cạnh hoặc nơi Thánh Lễ ngày thứ Năm Tuần Thánh không được cử hành.

Peter J. Elliott (hiện là Giám mục), dựa vào các tập tục trước đó, nói chi tiết về tập tục lột bàn thờ trong cuốn cẩm nang tuyệt vời của ngài “Nghi lễ của năm phụng vụ” (Ceremonies of the Liturgical Year)

Về “việc lột bàn thờ”, ngài viết: “Bắt đầu với bàn thờ chính, mọi bàn thờ trong nhà thờ đều được lột sạch, các chân nến và thánh giá được cất đi. Bất kỳ thánh giá nào có thể được xách tay đều được cất đi khỏi nhà thờ. Các thánh giá khác cần được che phủ [ …], trừ khi các thánh giá này đã được che phủ vào ngày thứ Bảy trước Chủ nhật thứ Năm Mùa Chay. Tính biểu tượng nghiêm túc này cần được mở rộng cho cả nhà thờ. Cho đến kinh Vinh danh (Gloria) trong Đêm Vọng Phục Sinh, không hề thắp nến hoặc đèn ở các nơi khác trong nhà thờ, vì vậy đèn hoặc đèn khấn nguyện không được thắp ở các đền thờ hoặc bàn thờ bên cạnh. Người phụ trách phòng thánh cất hết nước thánh ở các chậu nước thánh gần cửa nhà thờ”.

Mặc dù không gì nói về việc xử lý ở các nhà nguyện và nhà thờ nhỏ, dường như chúng cũng đi theo một luận lý cơ bản như thế. Nhà tạm nên được để trống trước Thứ Năm Tuần Thánh, trừ khi cần lưu giữ Mình Thánh để cho bệnh nhân rước lễ. Các bàn thờ trong nhà nguyện và nhà thờ nhỏ nên được lột sạch, như đã nêu ở trên, sau khi Thánh Lễ được hoàn tất tại các địa điểm khác.

Nếu có Mình Thánh Chúa trong nhà tạm, đèn nhà tạm vẫn được thắp sáng.

Ở một số nơi, người ta thường khóa các nhà nguyện này lại, để các tín hữu tập trung chầu Thánh Thể trên bàn thờ có Mình Thánh.

Đây là điều được khuyên nên làm, chứ không phải là sự bắt buộc. Chữ đỏ của sách lễ về ngày thứ Năm Tuần Thánh nói rằng: “Nếu việc cử hành cuộc Khổ nạn của Chúa vào ngày thứ Sáu Tuần thánh không diễn ra trong cùng một nhà thờ, Thánh Lễ được kết thúc theo cách thông thường, và Mình Thánh Chúa được cất trong nhà tạm”.

Phải thừa nhận rằng chữ đỏ này nói về một việc khác, nhưng việc chữ đỏ nói về việc đưa Mình Thánh trở về nhà tạm quen thuộc trong một nhà thờ, vốn vẫn được mở cửa cách hợp lý, dẫn chúng ta đi đến kết luận rằng luật không đòi hỏi cách nghiêm ngặt là phải đóng cửa một nhà nguyện, nơi mà Mình Thánh được lưu giữ trong các ngày thánh này.

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 26-3-2013)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*