Hỏi: Con thấy trong Tin Mừng, các Thánh Sử đã thuật lại nhiều phép lạ của Đức Giêsu. Con thắc mắc liệu rằng những điều đó có là sự thật không. Biết đâu rằng những gì Đức Giêsu đã làm chẳng qua là do người thời đó không giải thích được nên mới gọi là phép lạ thì sao? Vả lại, có cái gọi là phép lạ tồn tại không, vì dẫu sao thì cũng chẳng có gì nằm ngoài quy luật vật lý tự nhiên cả. Xin quý cha quý thầy giúp soi sáng cho con.
Trả lời:
Chào bạn, câu hỏi mà bạn đặt ra cho thấy bạn là một người có đầu óc phê phán và suy tư rất tốt. Trong khả năng hạn hẹp của mình, chúng ta tôi xin trả lời các câu hỏi mà bạn đặt ra như sau:
Liệu các thánh sử có bịa các câu chuyện về phép lạ?
Nhiều người đã cho rằng các phép lạ được các Thánh Sử thuật lại có nhiều nét giống với câu chuyện thần thoại (chữa bệnh, trừ quỷ…) nên khẳng định rằng chính các Thánh Sử đã tự bịa ra các phép lạ này, hoặc lấy các câu chuyện thần thoại dân gian thời đó để gán cho Đức Giêsu, hoặc có khi là họ đã phóng đại những gì Đức Giêsu đã làm để làm cho tác phẩm của mình thêm thu hút. Những người này còn lập luận rằng Tin Mừng được viết lại sau biến cố phục sinh, nên có thể các Thánh Sử đã viết lại lịch sử với dụng ý làm sáng tỏ biến cố thương khó và phục sinh của Đức Giêsu. Những người khác thì nhìn về các phép lạ được ghi chép lại trong Tin Mừng dưới cái nhìn của khoa học và cố gắng giải thích nó dưới khía cạnh một hiện tượng tự nhiên.
Thế nhưng, có một vài luận chứng cho thấy rất có thể những trình thuật về phép lạ trong Tin Mừng không phải là những câu chuyện bịa. Thứ nhất, ở trên ta có nói về lập luận cho rằng các phép lạ chỉ là cái nhìn quy chiếu đến sự phục sinh của Đức Giêsu. Đây hẳn là một lập luận mâu thuẫn, vì ngay trong chính nó đã bao hàm sự đồng thuận rằng Đức Giêsu đã phục sinh. Sự phục sinh chẳng phải là một phép lạ đó sao? Một con người có thể chết và sống lại bằng sự sống mới lại không thể làm những phép lạ? Thứ hai, cũng trong Tin Mừng, ta thấy rằng Đức Giêsu có không ít những kẻ chống đối Ngài. Những người này học cao hiểu rộng, có tiền có quyền. Họ căm ghét Đức Giêsu nhưng chưa bao giờ họ chối bỏ những điều kỳ diệu mà Đức Giêsu đã làm. Điều này cho thấy việc Đức Giêsu đã làm những điều phi thường là có tính khả tín rất cao. Thứ ba, nếu như các Thánh Sử bịa ra phép lạ thì hẳn là các ngài không nên bịa những chuyện như Đức Giêsu chữa lành bệnh nhân vào ngày sabat, bởi việc làm này sẽ tạo ra một phản chứng rất lớn và sẽ chẳng có ai tin rằng một người Do Thái mẫu mực như Đức Giêsu lại dám vi phạm luật ngày Sabat.
Phép lạ xảy ra trong hay ngoài quy luật tự nhiên?
Nhiều người cho rằng chẳng có gì được gọi là phép lạ cả, vì mọi cái đều nằm trong quy luật tự nhiên cả, mọi sự việc xảy đến chẳng qua chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu rằng “Thiên Chúa có thể can thiệp” qua một “sự trùng hợp ngẫu nhiên” hay không? Thiên Chúa là Chúa Tể của tự nhiên, nên Ngài không lệ thuộc vào nó. Thiên Chúa có thể can thiệp bằng cách không phá vỡ quy luật tự nhiên nhưng nếu Thiên Chúa làm thế, chúng ta sẽ chẳng thể nào nhận thức được, vì đầu óc của chúng ta không thể nắm bắt được điều gì nằm ngoài quy luật tự nhiên. Bởi thế, nếu chúng ta có thể nhận thức được về phép lạ thì hẳn là Thiên Chúa không làm phép lạ bằng cách phá vỡ quy luật tự nhiên. Thiên Chúa không thể tạo ra mưa mà không cho phân tử hydro gặp oxy, tạo thành nước, rồi cho tụ lại thành mây rồi đến lúc nào đó rơi xuống đất. Thiên Chúa không thể chữa lành bệnh khi không làm mất đi các virus hay tế bào gây bệnh… Chúng ta không thể tưởng tượng được điều gì xảy đến trong tự nhiên mà không theo quy luật tự nhiên. Dù có thể, nhưng Thiên Chúa không dựng nên tự nhiên rồi phá vỡ nó lúc nào tuỳ thích. Ngài can thiệp vào thế giới hữu hình qua các quy luật tự nhiên vận hành trong thế giới ấy.
Có đôi khi, ta gọi là phép lạ không phải là cái gì đó lạ thường, nhưng là một biến cố xảy ra đúng lúc, trùng khớp một cách tình cờ mà mình không thể nào hiểu được. Ví dụ, người ta có thể nói rằng việc chim bay đến trong sa mạc khi dân Israel đói thật ra chỉ là một hiện tượng tự nhiên khi các loài chim bay di trú, vô tình đi qua hướng đó, chứ có phải do Thiên Chúa sai khiến đàn chim bay đến đó đâu. Hoặc có người cho rằng làm gì có chuyện nước rẽ ra làm đôi, để lộ chỗ đất khô để dân đi qua như Kinh Thánh mô tả, đó chỉ là hiện tượng nước rút rồi dâng lên thôi. Chẳng có gì là phép lạ cả. Hoặc chuyện các đạo sĩ ở Phương Đông theo ánh sao đêm tìm đến Hài Nhi chỉ là chuyện tình cờ khi họ vô tình quan sát tinh tú và phát hiện ra điều gì đó, chứ có phải Chúa dẫn đường gì đâu… Nhưng một câu hỏi được đặt ra là: tại sao hiện tượng đó lại xảy ra vào chính lúc đó mà không phải là lúc nào khác? Tại sao nó không xảy ra sớm hơn hay trễ hơn, mà xảy đến chính lúc ta cần?
Chính bản thân chúng ta phải thừa nhận rằng mình không thể làm cho đàn chim bay qua hoặc làm cho nước rút rồi dâng được. Ta không có đủ quyền năng để làm điều đó. Từ đó, ta phải thừa nhận là có cái gì đó trên mình. Và nếu có cái gì đó trên mình thì hẳn là “Cái Gì Đó” đó có thể làm được điều mà mình không thể làm. Gọi là phép lạ những điều mà khoa học không giải thích được, hoặc nếu có giải thích được thì cũng không thể làm được.
Khi tường thuật cho chúng ta những điều lạ thường Đức Giêsu đã làm, các Thánh Sử muốn chuyển tải điều gì?
Phép lạ có một vai trò rất lớn trong đời sống Ki-tô hữu, giúp củng cố niềm tin và cũng là một dấu chỉ cho thấy một đời sống thánh thiện. Đó là lý do vì sao để có thể tuyên thánh hay chân phước cho một con người nào, Giáo Hội đòi hỏi phải có một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của người đó trước mặt Chúa. Vào thời Đức Giêsu, người dân được thuyết phục mạnh mẽ hơn khi Đức Giêsu làm phép lạ chữa lành hay trừ quỷ. Khi sai các tông đồ đi rao giảng, Đức Giêsu cũng trao ban cho họ quyền năng và khả năng làm những phép lạ, để xác nhận những gì mình đã rao giảng. Thậm chí, ngày nay, những nơi nào thường xuyên xảy ra phép lạ hoặc người nào có thể làm những điều lạ thường thu hút giáo dân hơn.
Điều thật đáng buồn là có không ít các Ki-tô hữu giữ đạo chỉ vì phép lạ. Họ xem Chúa như một người làm phép lạ để phục vụ cho những nhu cầu của mình. Nơi nào xảy ra nhiều phép lạ, họ càng kéo đến đông, càng tỏ vẻ cung kính và quảng đại dâng hoa, dâng tiền bạc. Điều này chẳng những không giúp nhiều cho đời sống thiêng liêng mà còn biến tôn giáo của chúng ta thành một kiểu buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan và hạ thấp những chân lý đức tin. Dĩ nhiên, chúng ta có quyền xin Chúa thực thi những phép lạ, giúp dàn xếp những bất ổn trong gia đình, giúp chữa lành bệnh, giúp vượt qua khó khăn hoạn nạn… Nhưng chúng ta không nên xem phép lạ là điều kiện tối cần thiết phải có để tin vào Chúa. Cầu xin là việc ta cần làm, còn việc có ban cho ta theo lòng ta sở nguyện hay không là chuyện của Đấng Toàn Tri và Toàn Năng là Thiên Chúa. Ngài thừa biết điều gì tốt cho ra và khi nào ban cho ta thì có lợi cho ơn cứu độ của ta hơn.
Khi tường thuật lại các phép lạ, các Thánh Sử không chỉ biểu dương khả năng tuyệt vời của Đức Giêsu, nhưng còn muốn chúng ta hiểu rằng Ngài đích thật là Thiên Chúa, luôn cảm thông và gần gũi với con người. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng Tin Mừng Nhất Lãm dùng từ “phép lạ” để nói đến những việc làm phi thường của Đức Giêsu. Nhưng Tin Mừng Gioan thì lại dùng từ “dấu lạ”. Như thế, truyền thống Gioan không chú trọng nhiều đến tính phi thường của những gì Chúa Giêsu làm, nhưng nhìn về nó như một “dấu chỉ”. Tất cả những gì Ngài làm là để biểu bộ một “dấu chỉ” về Nước Thiên Chúa nơi mà mọi khiếm khuyết sẽ được bù đắp, không còn bệnh tật, đau khổ, bất công; không còn ai bị loại trừ; mọi cái sẽ tiến tới sự toàn vẹn và hoàn mỹ. Các phép lạ (hay dấu lạ) ấy mang đến cho chúng ta hy vọng về một thế giới mới mà con người chỉ có thể tìm thấy nơi Đức Ki-tô. Ý nghĩa của phép lạ/dấu lạ chính là như thế!
Thân chúc bạn mọi điều tốt lành!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(dongten.net 23.05.2017)
Để lại một phản hồi