Được phép trưng hài cốt các thánh trong viện bảo tàng không? Nên hát các bài nào khi Xức dầu nhiều bệnh nhân?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

thanhtich.jpg
Ảnh minh họa: Thánh tích thánh Ambrôsiô

Hỏi: Được phép trưng hài cốt các thánh trong viện bảo tàng không? – T. C., thành phố Quezon, Philippines.

Đáp: Trước hết chúng ta cần phải xem lại toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến sự tôn kính hài cốt các thánh.

Công Đồng chung Trentô, khi trả lời cho lời phê bình của đạo Tin Lành về việc tôn kính hài cốt các thánh, đã đưa ra câu trả lời mạnh mẽ trong sắc lệnh năm 1563 về việc Khẩn cầu, Tôn kính, và Hài cốt các thánh và các Ảnh tượng thánh:

“Thánh Công đồng kêu gọi tất cả các giám mục và các vị giữ chức vụ và phụ trách việc giảng dạy rằng, do đồng ý với cách sử dụng của Hội Thánh Công Giáo và Tông Truyền, được tiếp nhận từ thời nguyên thủy của Kitô giáo, và đồng ý với sự đồng thuận của các Nghị Phụ, và các sắc lệnh của các Công đồng, các ngài cần đặc biệt hướng dẫn một cách siêng năng các tín hữu về việc cầu bầu và cầu xin với các thánh; vinh dự (phải có) cho hài cốt; và việc sử dụng hợp pháp các ảnh tượng: cần dạy các tín hữu rằng các thánh, những người hiển trị cùng với Chúa Kitô, dâng lời cầu nguyện riêng của mình lên Thiên Chúa cho loài người; rằng thật là tốt và hữu ích để khẩn cầu các thánh, và xin các ngài cầu bầu cho mình, giúp đỡ mình để hưởng các ơn ích từ Thiên Chúa, qua Con của Ngài, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Cứu Thế duy nhất của chúng ta; tuy nhiên, rằng những ai nghĩ cách bất kính, những ai chối bỏ rằng các thánh, các đấng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên trời, phải được khẩn cầu; hoặc những ai khẳng định rằng các thánh không cầu nguyện cho con người; hoặc, rằng sự khẩn cầu các thánh cầu nguyện cách đặc biệt cho mỗi người chúng ta là sự thờ ngẫu tượng; hoặc, rằng điều này là ghê tởm cho lời Chúa; và chống lại sự tôn vinh một đấng trung gian duy nhất của Thiên Chúa và con người, là Chúa Giêsu Kitô; hoặc, rằng thật là dại dột để khẩn cầu, bằng lời nói hay âm thầm, các đấng đang hiển trị trên thiên đàng.

“Ngoài ra, rằng hài cốt của các thánh tử đạo, và của các vị khác hiện đang sống với Chúa Kitô – mà thân thể của họ là thành phần sống động của Chúa Kitô, và đền thờ của Đức Thánh Thần, và nhờ Ngài đã được sống lại để sống đời đời, và được vinh hiển – phải được các tín hữu tôn kính; qua các thân thể này nhiều ơn lành được Thiên Chúa ban cho con người; do đó những ai khẳng định rằng sự tôn kính và vinh quang không đáng dành cho hài cốt các thánh; hoặc, rằng các hài cốt này, và các đền đài thánh khác, được các tín hữu tôn kính cách vô ích; và rằng các nơi dành cho việc tưởng nhớ các thánh được viếng thăm cách vô ích nhằm có được sự trợ giúp của các đấng; tất cả các người này là hoàn toàn bị lên án, như Hội Thánh đã lên án từ lâu, và bây giờ đang lên án họ nữa [Denzinger 1821-1822]”.

Giáo huấn này, cũng như các luật khác, đã được ghi lại trong Bộ giáo luật:

“Ðiều 1186: Với mục đích cổ võ việc nên thánh của dân Chúa, Giáo Hội khuyến khích mọi tín hữu lấy tình con cái, tôn kính đặc biệt Ðức Maria hồng phúc trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa đã được Ðức Kitô đặt làm Mẹ của cả loài người; cũng vậy, Giáo Hội cổ động lòng tôn kính chân chính và thành thực đối với các thánh, vì lẽ các tín hữu được kiên vững nhờ gương sáng và được nâng đỡ bởi lời bầu cử của các Ngài.

“Ðiều 1187: Chỉ được phép tôn kính công khai những Tôi Tớ của Thiên Chúa đã được giáo quyền liệt kê vào sổ bộ chân phước hay hiển thánh.

“Ðiều 1188: Tập tục trưng bày ảnh tượng thánh để tôn kính trong các nhà thờ cần được duy trì; tuy nhiên, phải giữ chừng mực về số lượng và thứ tự cân xứng, ngõ hầu không gây ngỡ ngàng cho dân Kitô Giáo, hoặc mở lối cho những lối sùng kính lệch lạc.

“Ðiều 1189: Khi cần phải tu bổ những ảnh tượng quý giá, nghĩa là có giá trị cổ kính nghệ thuật hay văn hóa và được trưng bày để giáo dân tôn kính trong các nhà thờ hay nhà nguyện, thì chỉ được tiến hành việc tu sửa khi có phép bằng giấy tờ của Bản Quyền. Trước khi ban phép, Bản Quyền phải hội ý với những người chuyên môn.

“Ðiều 1190: §1. Tuyệt đối cấm không được bán các hài cốt thánh.

“§2. Nếu không có phép Tòa Thánh, thì sẽ vô hiệu việc chuyển nhượng bằng bất cứ cách nào hoặc di chuyển vĩnh viễn những di tích nổi tiếng và những vật thánh khác, mà dân chúng sùng kính đặc biệt.

“§3. Ðiều quy định ở triệt (§) 2 cũng có giá trị đối với các ảnh tượng được dân chúng sùng kính đặc biệt trong một nhà thờ nào đó” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Cả giáo huấn và luật trên đây đều được tóm tắt trong Hướng dân năm 2002 về Lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ:

“Hài cốt các Thánh

“236. Công đồng chung Vatican II nhắc lại rằng “các Thánh đã được tôn kính theo truyền thống trong Hội Thánh, và hài cốt thật sự vả ảnh tượng của các ngài được lưu giữ trong sự tôn kính”. Thuật ngữ “hài cốt các Thánh” chủ yếu biểu thị thân thể – hay các phần quan trọng của thân thể – của các thánh, các ngài như là thành viên đặc biệt của Nhiệm Thể của Chúa Kitô và là Đền Thờ Chúa Thánh Thần (xem 1 Cr 3,16; 6, 19; 2 Cr 6, 16) do sự thánh thiện anh hùng của các ngài, giờ đây đang ở trên Thiên Đàng, nhưng từng đã sống một thời trên trái đất này. Các đồ vật thuộc về các thánh, như vật dụng cá nhân, quần áo, và bản thảo, cũng được coi là các thánh tích, cũng như các đồ vật đã chạm vào thân xác các ngài hay ngôi mộ các ngài, như dầu, vải, và tranh ảnh.

“237. Sách lễ Rôma (Missale Romanum) tái khẳng định tính hợp pháp của ‘việc đặt thánh tích của các Thánh dưới bàn thờ, vốn được cung hiến, ngay cả khi không phải là thánh tích của các thánh tử đạo’. Thói quen này cho thấy ý nghĩa rằng sự hy sinh của các thành viên này có nguồn gốc của nó trong Hy tế của bàn thờ, đồng thời tượng trưng sự hiệp thông với hy tế của Chúa Kitô của toàn thể Hội Thánh, vốn được kêu gọi làm chứng, thậm chí cho đến cái chết, lòng trung thành với Chúa và Hiền thê của Chúa.

“Nhiều tục lệ bình dân đã được liên kết với biểu hiện phượng tự này một cách rõ rệt. Các tín hữu tôn kính sâu sắc thánh tích của các Thánh. Một hướng dẫn mục vụ thích hợp của các tín hữu về việc sử dụng các thánh tích sẽ không bỏ qua các điều sau:

“- đảm bảo tính xác thực của các thánh tích được trưng bày cho sự tôn kính của tín hữu; nơi đâu có các thánh tích nghi ngờ đã được trưng bày cho sự tôn kính của tín hữu, người ta nên kín đáo cất thánh tích ấy đi với thận trọng mục vụ cần có;

“- ngăn chặn sự phân nhỏ không hợp lý các thánh tích thành các mảnh nhỏ, bởi vì sự thực hành như thế là không phù hợp với sự tôn trọng thân xác con người; các quy chế phụng vụ quy định rằng các thánh tích phải có “kích thước đủ để cho thấy rằng đó là các phần của thân xác con người”;

“- nhắc nhở các tín hữu chống lại sự cám dỗ để thực hiện việc sưu tập các thánh tích; trong quá khứ, sự thực hành này đã có một số hậu quả đáng tiếc;

“- ngăn chặn bất kỳ khả năng gian lận, buôn bán, hoặc mê tín dị đoan nào về thánh tích.

“Các hình thức khác nhau của lòng tôn kính bình dân đối với các thánh tích, như hôn kính, trang trí với ánh sáng và hoa, mang thánh tích đi rước kiệu, không loại trừ khả năng đem các thánh tích tới với người bệnh và người hấp hối, để an ủi họ, hoặc sử dụng sự cầu bầu của các Thánh để xin chữa lành bệnh. Các việc này phải được tiến hành với sự xứng đáng phải có, và phải được tác động bởi đức tin. Các thánh tích của các Thánh không nên được trưng bày trên bàn thờ, bởi vì bàn thờ là dành cho Mình và Máu của Vua các Thánh Tử đạo”.

Từ tất cả những điều trên đây, tôi nghĩ rằng rõ ràng Giáo Hội cho rằng vị trí thích hợp cho việc tôn kính và bảo tồn các thánh tích nằm trong khu vực của nhà thờ, hoặc dưới bàn thờ, trong các hòm thánh tích (reliquary) thích hợp, hoặc, trong trường hợp nhà thờ có nhiều thánh tích, trong một nhà nguyện thánh tích đặc biệt trong nhà thờ hoặc phòng thánh.

Trong hoàn cảnh bình thường, hài cốt các thánh không nên đặt trong các viện bảo tàng.

Tuy nhiên, một số hòm thánh tích chỉ nên được trưng bày cho các tín hữu trong một số lễ lớn. Nếu trong các trường hợp như vậy hòm thánh tích cũng là một tác phẩm nghệ thuật quan trọng, người ta có thể quan niệm rằng nó nên thường được đặt trong một bảo tàng giáo phận hoặc kho tàng giáo phận, để được lưu giữ cùng với các đồ vật thánh khác.

Tất nhiên, các hòm thánh tích được tìm thấy trong nhiều viện bảo tàng lớn của thế giới, như là các đồ vật thủ công và nghệ thuật của thời Trung cổ. Lý tưởng nhất là nếu được trưng bày, các hòm này không nên có thánh tích bên trong, mặc dù trong một số trường hợp, nó không thể tách rời khỏi thánh tích mà không gây ra thiệt hại khó có thể khắc phục được.

Có rất ít việc mà Hội Thánh có thể làm trong các trường hợp như thế, bởi vì Hội Thánh thường không phải là chủ sở hữu hợp pháp của các hòm thánh tích ấy. Hội Thánh có thể và làm tất cả những gì có thể làm, để hạn chế bất kỳ việc buôn bán thánh tích nào trong hiện tại.

Điều tốt nhất chúng ta có thể hy vọng là rằng các người ghé thăm viện bảo tàng triển khai một sự đánh giá đức tin cao, vốn đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật như vậy, và có lẽ học được điều gì đó về chứng tá của vị thánh trong hòm thánh tích ấy.

Sau bài viết của chúng tôi ngày 21-11 về bí tích xức dầu bệnh nhân, một độc giả ở Bắc Kinh viết: “Gần đây, con đã được một số người hỏi nên hát các bài hát nào trong Thánh Lễ có xức dầu cho nhiều bệnh nhân. Con đã đọc qua các nghi lễ 1, mà trong đó con không tìm thấy chỉ dẫn hữu ích nào, và trong bài viết của cha, cha cũng chỉ nhắc đến ‘các bài hát thích hợp’ mà thôi. Xin cha vui lòng giải thích cụ thể hơn về các bài hát thích hợp này”.

Đáp: Câu này là rất khó trả lời, do có rất nhiều tục lệ âm nhạc khác nhau. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng nói chung các bản văn phụng vụ cung cấp nguồn cảm hứng tốt nhất. Bằng cách này, một bài hát phù hợp là một bài hát dựa vào các bài đọc, thánh vịnh, điệp ca, kinh cầu, và các lời cầu xin được dâng trong nghi lễ xức dầu thánh, hay bài thánh ca, vốn phản ánh chặt chẽ các ý tưởng và tâm tình thiêng liêng được tìm thấy trong các bản văn phụng vụ.

Chẳng hạn, trong phần các bài thánh vịnh đáp ca cho việc xức dầu, các nghi thức gợi ý Isaia 38, và các Tv 6, 25, 27, 34, 42, 43, 63, 71, 86, 90, 102, 103, 123 và 143. Một trong các bài này có thể được sử dụng như là thánh vịnh đáp ca, trong khi một bài khác có thể là nguồn cảm hứng cho các bài hát phù hợp vào các lúc khác. Có nhiều bài thánh ca dựa trên các thánh vịnh này.

Tương tự như vậy, các chủ đề được cung cấp, như câu Alleluia trong nghi thức, cũng có thể gợi ý các bài thánh ca phù hợp nữa.

 

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 5-12-2017)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*