Đêm mùng 2 sáng mùng 3 tháng 3 vừa qua, cha Jean Dujardin, một nhân vật nổi tiếng trong hoạt động đối thoại giữa Do thái và Kitô giáo, đã qua đời tại Boulogne-Billancourt, hưởng thọ 82 tuổi. Dù cho sức khỏe thể lý không được mạnh mẽ, cha Dujardin đã là chứng tá cho cuộc đối thoại cho đến cùng.
Cha Jean Dujardin sinh năm 1936; năm 1955 cha gia nhập dòng Giảng thuyết của thánh Philipphê Nêri và được thụ phong linh mục vào năm 1962. Cha đã cống hiến phần lớn cuộc đời cho cuộc đối thoại giữa Do thái và Kitô giáo. Sau khi được chọn làm giám đốc trường thánh Martin de France, là ngôi trường của dòng Giảng thuyết, nơi cha dạy môn lịch sử, năm 1987, cha được chọn là Thư ký Ủy ban quan hệ với Do thái giáo của Hội đồng Giám mục Pháp, cùng lúc nhận lãnh trách nhiệm bề trên tổng quyền dòng Giảng thuyết ở Pháp.
Ngày 20 tháng 1 vừa qua, cha Dujardin vẫn hiện diện tại Collège des Bernadins nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập hiêp hội “Chuyến xe lửa ký ức” do ngài đồng sáng lập cùng với các nữ tu Sion. Hai năm một lần, hiệp hội này đưa một nhóm học sinh trung học đến trại tập trung Auschwitz-Birkenau ở Ba lan để nhắc nhớ, suy tư về nạn diệt chủng người Do thái của Đức quốc xã.
Jacqueline Cuche, chủ tịch hội Thân hữu Do thái Kitô của Pháp, nói với nhật báo “La Croix” của Pháp: “Cha Dujardin đã giữ vai trò trung tâm và đã phát triển các mối quan hệ giữa người Do thái và các Kitô hữu…. Cha nổi bật về hiểu biết lịch sử, trên hết là lịch sử Giáo hội, sự quan tâm đến người khác và lo lắng về việc sử dụng từ ngữ chính xác.”
Cha không mệt mỏi kiến tạo cuộc đối thoại về sự thật, cha cũng tham gia tích cực vào việc soạn thảo Tuyên ngôn thống hối của các Giám mục Pháp được đọc tại Drancy ngày 30/09/1997. Trong tài liệu quan trọng này, dưới sự thúc đẩy đặc biệt của Đức hồng y Jean-Marie Lustiger, Giáo hội Pháp nhận ra “sự im lặng” của mình trước “cố gắng tiêu diệt người Do thái”, khẩn cầu “sự tha thứ của Chúa” và xin dân tộc Do thái “lắng nghe lời thống hối đó.”
Cha Dujardin quan tâm nhiều đến việc thông truyền đức tin. Cha đã dạy học tại École Cathédrale và tại Collège des Bernardins ở Paris, cũng như ở chủng viện Xuân bích ở Issy-les-Moulineaux. Trong vai trò cố vấn của Ủy ban giáo hoàng về liên lạc với Do thái giáo, cha đã tổ chức nhiều hội nghị nhắm đào tạo các Kitô hữu trong việc đối thoại. Cha cũng thường xuyên được mời đến các hội đường Do thái để giải thích về Kitô giáo cho người Do thái. Gia sản của cha sẽ còn lưu lại nhờ những bản văn mà cha đã để lại, ví dụ như “Giáo hội Công giáo và dân tộc Do thái, một cái nhìn khác”, hay “Tín hữu Công giáo và người Do thái – 50 năm sau Công đồng Vatican II”. (L’Osservatore Romano 05/03/2018)
(RadioVaticana 06.03.2018)
Để lại một phản hồi