Cái chết của Đức cố TGM. Phaolô là một bức tâm thư Chúa gởi cho tôi

Kết quả hình ảnh cho saint peter's square

1. Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc vừa qua đời tại Rôma. Tôi rất ngỡ ngàng. Chỉ biết cầu nguyện cho ngài.

Khi cầu nguyện cho Đức Tổng, tôi xót xa nghẹn ngào. Tôi nhớ lại những tâm sự giữa hai chúng tôi, ngay trước khi ngài đi Rôma.

2. Giờ đây, ngài vẫn tâm sự với tôi. Ngài khuyên tôi hãy coi cái chết của ngài như một bức tâm thư Chúa gởi cho Hội Thánh Việt Nam nói chung, và cho tôi nói riêng. Ý chung của bức tâm thư đó là: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”.

3. Đức cố TGM Phaolô khẩn khoản nhắc cho tôi nhớ lại Lời Chúa Giêsu đã báo trước: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36).

4. Có nghĩa là những điều sắp xảy đến sẽ tang tóc. Để thoát khỏi, tôi cần cầu nguyện nhiều, và cần lắng nghe ý Chúa, để mà biết chọn lựa những gì nên làm, những gì nên thôi làm.

5. Và có nghĩa là: Chúa Giêsu Kitô sẽ bất ngờ đến. Ngài sẽ hỏi tôi có luôn tìm gặp Ngài là Đấng cứu độ không, có luôn coi Ngài là nền tảng cho cộng đoàn đức tin của tôi không (x.1Cr 3, 11).

6. Và có nghĩa là: Chúa Giêsu Kitô sẽ bất ngờ đến. Ngài sẽ hỏi tôi có thực sự đang thuộc về Chúa không (x Gl 2, 20).

7. Và có nghĩa là: Chúa Giêsu Kitô sẽ bất ngờ đến. Ngài sẽ hỏi tôi có thực sự “Hiến dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa không?”. (Rm 12, 1).

8. Mấy ngày trước khi Đức Tổng đi Rôma, tôi gọi điện thăm ngài. Tôi nói với ngài một lời thân mật: “Đức Tổng Bùi nên nhớ mình đứng đầu Giáo Tỉnh. Vì thế nên đi thăm anh em, trong đó có tôi là kẻ già yếu sắp chết rồi”. Ngài trả lời: “Chưa chết đâu, chúng ta còn gặp nhau”. Ai ngờ bây giờ tôi còn sống, mà chính ngài đã chết. Tuy sao, chúng tôi vẫn còn gặp nhau một cách thiêng liêng.

9. Bằng cách thiêng liêng, mà rất thân tình, Đức cố TGM Phaolô mới nhắn nhủ tôi là: Tình hình đang chuyển biến mau lẹ, như cái chết mau lẹ của ngài. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện thực nhiều, kẻo sẽ quá muộn.

Tôi hiểu phần nào điều ngài nhắn nhủ. Tôi băn khoan và cầu nguyện thêm, thì tôi được hiểu thêm nhờ đoạn thơ sau đây của Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Êphêsô:

10.“Bẩm sinh chúng ta là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2, 4-5).

Kẻo sẽ quá muộn, tôi lập tức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nhờ ân sủng của Ngài, tôi yêu thương mọi người khác, như Chúa đã thương tôi. (x.Ga 13, 34).

Từ đó, Đức cố TGM Phaolô nhắn nhủ tôi là. Dù tình hình sẽ chuyển biến xấu đi và mau lẹ, trở thành nguy hiểm, thì tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện luôn phải vững vàng bám chặt vào Chúa Giêsu Kitô, vâng lời Ngài, mà sống yêu thương như Ngài đã yêu thương.

11. Đức Cố TGM Phaolô đã sống và đã chết trong ân sủng và lòng thương xót Chúa. Ngài không tự hào vì những gì khác. Đó chính là chứng nhân của tỉnh thức và cầu nguyện.

12. Tôi có cảm tưởng là sẽ có một lúc, tình hình trở nên tang tóc, đến nỗi tôi cũng sẽ thốt lên như Chúa Giêsu xưa: “Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ rơi con” (Mc 15, 34). Nhưng chính lúc đó, tôi rất cần có một đức tin khiêm nhường phó thác, để nói như Chúa Giêsu: “Cha ơi, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Nghĩa là tôi chỉ trông cậy vào ân sủng và lòng thương xót Chúa mà thôi.

13. Tâm thư mà Chúa gởi cho tôi qua cái chết của Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc là như thế. Ít là lúc này, tôi đọc qua, thì thấy vậy. Có thể khi đọc kỹ, sẽ thấy thêm.

14. Những năm tháng gần đây, tôi hay gọi điện thoại cho Đức cố TGM Phaolô. Khi trả lời, bao giờ ngài cũng bắt đầu bằng câu: “Thưa Đức cha, con đây”. Giờ đây, tôi cũng đang gọi ngài. Ngài cũng đang trả lời, nhưng bằng cách khác. Rồi đây tôi còn sẽ gọi ngài. Mong ngài cũng sẽ trả lời, bằng cách nào mà Chúa cho phép. Tôi coi tất cả đều là do ân sủng và lòng thương xót Chúa.

15. Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã chết như một người yếu đuối, tại nhà thờ Thánh Phaolô. Tự nhiên, tôi nhớ lại lời Thánh Phaolô xưa: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối… Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12, 9- 10).

Long Xuyên, ngày 7.3.2018

ĐGM GB. Bùi Tuần

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*