Các phép lạ của Thánh Giuse

Image result for anh thanh giu se

1. Đóng cái thang

(Sau tuần 9 ngày, thánh Giuse đã đóng giúp các sơ cái thang vòng lên sàn hát)
 
Ngay vào ngày cuối tuần cửu nhật nhà dòng làm kính Thánh Giuse để xin Ngài giải quyết một việc khó xử bà mẹ 
Magdelene, bề trên tu viện kiêm học viện Đức Mẹ ánh Sáng Lôrettô (Loretto academy of Our Lady of Light) ở thành phố Santa Fe được mời ra gặp khách; bà vội vàng ra tiếp đón.
 
Nhác trông, ông khách có dáng thợ thuyền, trạc chừng năm mươi đến sáu mươi tuổi; người còn khoẻ mạnh, tiếng nói còn vững vàng. Bà mẹ vui vẻ chào ông.
 
-Thưa, ông đến có việc gì?
 
– Thưa bà mẹ, nghe nói nhà dòng muốn làm một cái thang lên sàn hát nhà nguyện, tôi đến trình diện xem bà mẹ có thể cho tôi làm giúp được không?
 
Bà mẹ Magdelene từ lâu vẫn lo lắng về việc làmcái thang đó. Bà vừa mừng vì có người tình nguyện đến làm, sau khi nhiều đám thợ khác đều bó tay, vừa thắc mắc vì thấy ông lão có một mình thì làm ăn gì được. Bà nói:
 
– Chúng tôi rất mong có thợ đóng được cái thang ấy. Mấy đám thợ đã không dám nhận rồi. Nay ông đến nhận cho thì thật là may mắn cho chúng tôi. Chúng tôi rất cám ơn ông. Vậy bao giờ ông cho đưa thợ bạn đến?
 
Bà mẹ cứ cho tôi xem vị trí và chiều cao của cáithang định làm ấy đã. Tôi có thể bắt đầu làm ngay bây giờ được…
 
Bấy giờ là khoảng năm 1878, tức cách đây (năm 2000) chừng trên 130 năm. Santa Fe (có nghĩa: đức tin thánh) là tên của thủ phủ bang New Mexico, nước Hoa Kỳ. Thống kê năm 1990 cho biết thủ phủ ấy dân số có 49.000 người. Santa Fe đã có một lịch sử khá xưa: nó được người Tây-ban-Nha thành lập vào năm 1610. Santa Fe là tên gọi tắt của một cái tên dài dòng là “La Vịlla Real de la Santa Fe de San Francisco de Assisi, thành phố thuộc hoàng gia Đức 
Tin Thánh của Thánh Phanxicô Nghèo”. Trong thành phố cổ kính ấy, có một nữ tu viện cũng không kém cổ kính do các nữ tu Dòng Loretto thiết lập.
 
Mùa thu năm 1852, các dì phước Loretto ở bang Kentucky đã đến Santa Fe lập một tu viện và một trường học. Santa Fe bấy giờ chỉ là một thành phố nhỏ, dân cư thưa thớt, hầu hết là người Mêxicô và người da đỏ. Các nữ tu ấy đã phải thực hiện một cuộc hành trình gian khổ kéo dài nhiều tháng dọc theo sông Mississipi ngược lên thành phố Saint Louis, từ đó băng qua bang Missouri và bang Oklahoma mới vào được bang New Mexico mà tới Santa Fe. Nghĩ lại những vất vả khổ nhọc, những sợ hãi thiếu thốn, những bệnh tật cùng nguy hiểm, cộng với những lần bị người da đỏ tấn công, đến nay các nữ tu ấy vẫn còn sởn tóc gáy.
 
Nữ tu M. Florian kể lại: sau khi tới Santa Fe mấy năm, các dì mướn được một số thợ mộc người Mêxicô cất tạm lên một ngôi trường, đặt tên là Học viện Đức Mẹ ánh Sáng Loretto. Hai mươi mốt năm sau, mới khởi công xây cất một nhà nguyện kiểu gôtíc, theo mẫu một nhà nguyện tại Paris bên pháp. Nhà nguyện rộng hơn 8 mét, dài 25 mét, nhưng cao tới 28 mét, với một sàn hát ở phía cuối. Dì Barbour còn nhớ rõ ngôi nhà nguyện được hến trúc sư P. Mouly vẽ mẫu, khởi công ngày 25-6-1873, và năm năm sau mới khánh thành, chi phí tất cả mất 30.000 mỹ kim.
 
Rắc rối là ở lối lên sàn hát. Nhà nguyện thì cao, mặt bằng lại hẹp. Nếu làm một cái thang thuận lợi để lên sàn, thì sẽ choán mất một khoảng mặt bằng khá lớn; nếu làm một cầu thang đứng thẳng lên, thì rất ít người dám bước lên và nó quá dốc. Tất cả các nhóm thợ mộc thợ xây được gọi đến tham khảo ý kiến đều đồng thanh là không có cách nào giải quyết được vấn đề. Nhà dòng đã nghĩ đến việc làm một sàn hát khác.

Nhưng các dì phước Loretto là những người có đức tin, dám tin vào sụ can thiệp của Thánh Cả Giuse. Thế là các dì đồng lòng tổ chức một tuần chín ngày dâng kính Thánh Cả, xin Thánh cả ban ơn giúp cho giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp. Và vào ngày cuối tuần chín ngày, một ông già thợ mộc đã đến xin gặp bà mẹ bề trên xin làm một thang lên sàn hát ấy, như nói trên. Đặc biệt là ông thợ già chỉ có một mình, dắt theo một con lừa chở một thùng đồ nghề rất đơn sơ. Tất nhiên là bà mẹ bề trên bằng lòng ngay để ông thợ già bắt tay vào việc.
 
Ta không cần nói đến thời gian ông thợ già dùng làm cái thang là bao lâu, vì có người nói là ông làm rất chóng, có người lại nói ông làm từ sáu đến tám tháng mới xong. Ta chỉ cần biết rằng ông thợ già đã làm xong chiếc cầu thang, và làm xong một cách mĩ mãn. Điều đáng nhớ là ông thợ già chỉ dùng có ba đồ nghề là một cái cưa,một cái búa và một cái thước thợ chữ T. Ngoài ra còn một ống đựng những miếng gỗ vụn đã nhúng nước.
 
Ngắm xem công trình vừa vững vừa đẹp mới hoàn thành mọi người, từ bà mẹ bề trên đến các dì phước và những người xem, đều không giấu nổi nỗi vui mừng. Bà mẹ bề trên cho đi tìm ông thợ già để thanh toán công sá, thì chẳng ai tìm thấy ông đâu.
 
* Chiếc cầu thang mới này thật lạ lùng, thật là một tặng vật quí báu cho các dì phước Loretto ở Santa Fe.
 
Nó được làm bằng một thứ gỗ rất quí, rất lạ, không thể tìm đâu ra trong vùng. Cho đi hỏi các tiệm gỗ chung quanh thì chẳng tiệm nào nói đã bán gỗ cho ông thợ già lạ mặt ấy. Thứ gỗ ông dùng làm cầu thang không hề có tại bang New Mexico.
 
Thang gồm tất cả 33 bậc, vòng theo hình xoắn ốc, xoắn đúng hai lần 360 độ tính từ sàn nhà nguyện lên tới sàn hát. Nhưng rất lạ là thang không có cột để giữ 33 bậc kia. Xem đi xét lại thì lại chẳng thấy ông thợ mộc già dùng một cây định nào nữa? Dì phước Mary là một trong những dì đã chứng kiến ông già thợ mộc làm cầu thang, lúc đó dì mới lên mười ba tuổi. Dì kể lại rằng chính dì lúc đó và mấy cô bạn đã háo hức chờ đợi để có thể chiếm vinh dự là những người đầu tiên trèo lên chiếc cầu thang này. Nhưng sau khi đã lên tới sàn hát, lúc xuống, họ vô cùng sợ hãi phải dùng bàn tay và đầu gối bò trở xuống, vì cầu thang không có tay vịn. Mãi năm năm sau khi ông thợ già biến mất, người ta mới đóng thêm phần tay vịn và chấn song vòng quanh thang.
 
* Nghe nói đến cái thang lạ ấy, từ khắp nơi các kiến trúc sư các nhà xây cất đã đổ về Santa Fe để chiêm ngắm
 kỳ công này. Ai ai cũng tự hỏi làm thế nào mà cái cầu thang không có cột đỡ ấy có thể đứng vững tới ngày nay.
 
Một số còn cho rằng đáng lẽ nó phải đổ gãy tan tành ngay dưới sức nặng bước chân người lên thang đầu tiên.
 
Thế mà nó vẫn đứng vững vàng ở đó đã hơn 130 năm nay !
 
Các dì phước Loretto thì tin chắc chắn và quả quyết rằng chiếc cầu thang lạ ấy là kết quả của lời cầu xin Thánh Giuse. Một số dì tin rằng ông già thợ mộc đóng thang chính là Thánh Giuse.
 
Dì Barbour đã khởi sự viết lại câu chuyện này ngay khi ông thợ mộc già còn đang làm cầu thang.
 
(Theo NS. Trái Tim Đức Mẹ, Hoa kỳ)
 

2- Giải quyết mau lẹ
 
(Sau khi viết thư xin, Thánh Cả Giuse đã cho việc làm và nhiều ơn khác)
 
Con bồ câu từ một mái nhà ngói đỏ, vỗ cánh bay lên, liệng mấy vòng, rồi sà xuống đậu trên bậu cửa sổ của một ngôi nhà cùng phố. Cửa sổ ấy mở ra từ một căn phòng khá rộng. Người chủ phòng là một thanh niên chừng dưới ba mươi tuổi, đang làm việc chăm chú nơi bàn viết.
 
Thấy con chim lạ mà bạo dạn đứng ở cửa sổ, chàng thanh niên từ từ đứng dậy . Sợ chim bay mất, chàng đi từng bước nhẹ nhàng đến bên chim mà chim vẫn đứng đó, đầu còn gật gù coi như muốn chào ông chủ nhà.
 
Chàng đến ngay bên, giơ tay ve vuốt bộ lông không được mượt lắm của chim, nghe như dưới ngón tay có những 
cọng xương của chim lằn lên. Thương hại chim đói, chàng quay vào lấy một mẩu bánh mì, bẻ nhỏ trên tay, giơ ra. Chim mừng rỡ mổ lấy mổ để.
 
Quan sát kỹ, chàng thấy một mảnh giấy nhỏ thò ra dưới cánh chim. Chàng vỗ về chim. Chim cứ bình thản nhặt bánh mì. Chàng liền nâng cánh chim lên, cởi sợi dây nhỏ buộc mảnh giấy vào cánh chim. Chàng cẩn thận mở ra đọc; rồi chàng nghiêm nét mặt, tĩnh tâm lại, thốt ra một lời chứa ngập đức tin:
 
– Vâng, con xin vâng ơn Thánh Cả. Hôm nay 19 tháng 3, lễ trọng kính Thánh Cả mà!
 
* Tại một khu phố ngoại ô ít người của thành phố Vịenne, thủ đô nước áo, có gia đình nhạc sĩ nổi tiếng Paul Merten cư ngụ ở một căn nhà tầng nhỏ, đơn sơ, nghèo nàn. Nhà ông hiện chỉ có ba người: ông, vợ ông và một cô con gái ngoài hai mươi tuổi mang tên Joséphine.
 
Trước đây, nhà ông cũng gọi là có của ăn của để, ngụ ở một căn biệt thự khá tiện nghi ở một đường lớn của thủ đô. Nhưng rồi chiến tranh tràn tới, nhà ông bị nhà nước tạm mượn làm cơ sở cho quân đội. Người ta nhét gia đình ông lên cái gác này, không biết bao giờ mới trả lại nhà cho ông. Cái đau đớn nhất cho ông là người con trai duy nhất của ông bị động vịên, và đã “sa trường da ngựa bọc thây” từ năm ngoái rồi. Là một nhạc sĩ tài ba, có nghĩa là người có một nếp sống khá “nghệ sĩ”, ông kiếm ra tiền, nhưng lại không biết tiết kiệm, không nghĩ đến cách đảm bảo cho tương lai. Thế nên, cho đến nay, cuộc sống của ông sa vào cảnh thiếu trước hụt sau rất đáng ngại.
 
Trong tình trạng đi xuống lâm li đó, ông lại ngã bệnh nặng. Chi phí thuốc thang, thầy thợ, đã ngốn hết tất cả. Gia đình ông rơi xuống vực cùng cực. Khốn thay ! con người nghệ sĩ như ông vốn không quen chịu đụng, nên ông chỉ luôn thốt ra những lời phàn nàn, tiếc nuối cuộc sống khá giả ông trải qua trước kia.
 
Ông đã vậy, mà vợ ông còn ít can đảm hơn nữa. Bà chả biết tìm ra một lời nào gọi là cam chịu, chứ đừng nói đến đức tin nữa, để gieo một chút hi vọng cho người chồng mà bà rất quí mến. Rất may là hai ông bà, tuy vậy, cũng không có lời nào trách trời trách đất, trách Chúa trách Mẹ.
 
Bây giờ dây, ông bà đang áy náy chờ cô Joséphine trở về:cô đã ra đi từ sáng, hi vọng tìm được một chút công sá.
 
Đó là nguồn lợi duy nhất của gia đình ông từ nhiều tháng qua.
 
Joséphine là một cô gái can đảm: tai biến không làm cô rủn chí, gian nan không làm cô nản lòng. Cô lại là một người có đạo tâm rất vững: dù đau khổ, cô vẫn một lòng cậy tin vào Chúa Quan Phòng. Cô tỏ ra đầy nghị lực trước cảnh cùng quẫn của cha mẹ. Cô vui tươi để làm cha mẹ cô quên buồn khổ đi. Cô khéo chân khéo tay, từng tập việc ở một xướng thêu may và, hiện nay, tay nghề của cô được đánh giá cao. Cô cần mẫn làm việc để tạm nuôi sống gia đình khánh kiệt của cha mẹ.
 
* Trưa rồi. Joséphine lại trèo lên cái cầu thang dài đưa lên căn phòng nghèo nàn gia đình cô tạm trú.
 
Thường thì cô bước nhanh nhẹ, linh hoạt. Nhưng lần này cô bước thong thả, nặng nề, coi như cô hoài nghi cái lúc
 
sắp sửa đây cô phải báo cho cha mẹ một tin buồn. . . Tin buồn, thật thế, không những người ta chưa trả công cho
 
cô về món hàng cô giao, mà còn báo cho cô rằng nhiều tuần lễ nữa mới có việc cho cô làm. Thế thì sao đây?
 
Trở về với bàn tay trắng… Cha mẹ cô sẽ phải chảy bao nước mắt.
 
Cô nói cho cha mẹ nỗi buồn của cô, nhưng cũng lại quả quyết rằng không thiếu việc làm và, rồi đây, việc làm của cô sẽ có giá. Cô hy vọng… không phải vì tài thêu may của cô, cũng không phải vì lòng tốt của người đời mà cô nghĩ ở đâu cô cũng gặp. Cô chỉ hy vọng vì hôm nay Giáo Hội mừng trọng thể lễ kính Thánh Cả Giuse, bổn mạng của cô, mà sáng nay cô đã sốt sắng tham dự thánh lễ kính Người. Cô từng nhiều lần nghiệm thấy quyền năng của Thánh Cả Giuse mà cô hết lòng trông cậy: lần này, cô cũng chắc chắn là Thánh Cả sẽ nhận lời cô cầu xin.
 
Cô đến ngồi bên cạnh người cha vừa đỡ bệnh của cô nhỏ nhẹ:
 
– Ba ạ, xin ba cho phép con tìm một việc khác làm để giúp gia đình lúc này.
 
– Con tìm việc gì ở đâu? Thời buổi loạn lạc, tìm được việc làm đâu có dễ ?
 
– Thưa ba, con định thưa việc này với Đức Thánh Cả Giuse, bổn mạng quí mến của con. Con tin chắc Người có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn này được lắm . . .
 
Nghe cô nói thế, người cha vốn lãng mạn ít tin, giẫy nẩy lên:
 
– Chà, con lại hy vọng vào một bác phó mộc giúp đỡ con ấy à ! Chậc . . .
 
Ba ơi, Đức Thánh Cả Giuse rất quyền thế trên trời dưới đất. Con sẽ viết thư cho Người, trình bày tình trạng túng thiếu của chúng ta, xin Người giúp đỡ.
 
Coi đó là một chuyện mơ màng vớ vẩn, ông Paul Merten cười xòa: .
 
– Thôi, mặc con! nếu được Người giúp thật, thì ba…

Cha cô vốn khô đạo, ít đức tin, nên vừa nghe ông nói có vẻ như muốn hứa điều gì, Joséphine vội đón lời:
 
– Thì ba sẽ đi xưng tội ba nhé . . . Lâu rồi . . .
 
ông Merten ậm ự trả lời cho qua:
 
– Ứ ừ, việc đó , việc đó…
 
Joséphine nhoẻn một nụ cười thật tươi với cha, rồi cô vào căn phòng nhỏ bé của cô. Cô âm thầm cầu nguyện, rồi rút bút giấy viết một bức thư ngắn. Cô ra chỗ cô treo cái lồng một con bồ câu nhỏ cô nuôi để giải trí. Bắt con chim ra khỏi lồng, cô buộc lá thư dưới cánh nó, nhưng đề một phần giấy thò ra ngoài. – Cô hôn nó một nụ hôn luyến tiếc, thả nó ra mà bảo:
 
– Nhỏ bồ câu, mang cái thư này tới chỗ nào Đức Thánh Cả Giuse dẫn mày tới. Nhờ Người, ta và mày sẽ kiếm được bánh ăn đấy.
 
Xong xuôi, cô bình thản đợi chờ, như là cô chắc chắn Đấng Bổn Mạng của cô sẽ dùng quyền can thiệp vạn năng của Người mà giúp đỡ cô.
 
* Bóng nắng đã bắt đầu nghiêng bên ngoài nhà.
 
Có tiếng gõ cửa và tiếng người hỏi:
 
– Xin làm ơn cho tôi hỏi thăm: Đây có phải nhà cô Joséphine không ạ?
 
Cô nghe tiếng cha cô trả lời:
 
– Thưa… tôi là cha của Joséphine đây.
 
Joséphine tò mò hé cửa phòng nhìn ra. Đó là một thanh niên phong nhã, theo sau là một người đầy tớ thì phải. Người này bưng một gói gì coi bộ khá nặng đứng im chờ lệnh chủ. Người thanh niên lễ phép tụ giới thiệu:
 
– Thưa nhạc sĩ Paul Merten, tôi là Joseph Hirte.
 
Cha cô ngạc nhiên:
 
-Tôi rất hân hạnh được chào quí khách. Nhưng sao quí khách lại biết tôi?
 
-Xin phép nhạc sĩ cho tôi mấy phút nữa, nhạc sĩ sẽ biết. Trước đây, tôi cũng đã từng lận đận ở khu phố ngoại ô này. May nhờ ơn Chúa thương và nhờ Thánh Cả Giuse giúp đỡ, tôi kiếm được công ăn việc làm, và đã cùng với cha mẹ tôi rời bỏ khu phố này cũng lâu lâu rồi.
 
– Thưa quí khách, chắc cha con tôi có chuyện gì làm phiền quí khách. . .
 
– Thưa không có chi ạ. Tôi nghĩ là do sự sắp xếp của Thánh Cả Giuse, mà hôm nay tôi được hân hạnh hầu chuyện nhạc sĩ.
 
Rồi rút từ túi ra một mảnh giấy, gọi là một lá thư cũng được, đưa cho nhạc sĩ, chàng thanh niên tiếp:
 
– Tôi đã nhận được thư này của lệnh nữ. Tôi coi đây là nhã ý của Thánh Cả Giuse đã gửi tôi bức thư này qua một con bồ câu nhỏ.
 
ông Paul Merten sửng sốt không ít khi đọc bức thư. Việc làm lúc nãy của Joséphine mà ông cho là mơ màng, vớ vẩn, thì lại có hậu quả tốt đẹp thế này. Thư viết :
 
Thánh Cá Giuse rất yêu quí của con. Xin Thánh Cả thương giúp con trong tình trạng này. Chúng con rất cùng quẫn, không có lấy một việc làm, và không còn chút gì để nuôi sống qua ngày nữa.
 
Cha con lại đang bệnh. . .
 
Xin Thánh Cả cầu cùng Chúa giúp con tìm được một việc làm, để cha mẹ con bớt phiền muộn.
 
Con nhỏ của Thánh Cả.
 
Joséphine Merten
 
Cô gái thêu may – Con nhạc sĩ Paul Merten.
 
Số… đường. . . Thủ đô Vienne.
 
Joseph Hirte nói tiếp:
 
– Thưa nhạc sĩ, tôi hiện là chủ một xướng sản xuất hàng trang sức. Hồi này tôi đang đi tìm nhân công. Nếu nhạc sĩ bằng lòng, thì xin nhạc sĩ vui lòng cho cô Joséphine đến nhận việc ở xướng tôi cho vui. Và, thưa,đây là món hàng tôi tạm gửi để cô làm tại nhà; tôi xin phép được tạm trao cả tiền công. Sau này, sẽ tính thêm Người đầy tớ đặt gói hàng xuống mặt bàn, có kèm theo giấy bạc một trăm si-linh (đơn vị tiền Áo).
 
– Cám ơn ông chủ, thời buổi chiến tranh, cha con tôi điêu đứng vì thiếu việc làm. Ông chủ giúp cho thế
 
này thật là lớn lao . . .
 
– Không dám, đây chẳng qua chỉ là một việc làm phần nào tôi trả ơn Thánh Cả Giuse giúp tôi thôi…
 
– Ông chủ tôn sùng Ngài lắm phải không?
 
– Thưa nhạc sĩ, tôi đã học được lòng tôn sùng Thánh cả nơi cha mẹ tôi từ nhỏ.
 
– Con Joséphine nhà tôi nó cũng mến Người lắm.
 
– Vâng tôi đã nhận thấy như thế trong những dòng chữ cô viết cho Người. .
 
ông Paul Merten xem ra xúc động; ông vừa mân mê lá thư vừa nhủ thầm:
 
– Joséphine nói thật đúng.
 
– Thưa nhạc sĩ ! Tôi đã nghe nói nhiều về nhạc sĩ, thiết nghĩ nhạc sĩ nên cộng tác với một nhạc đoàn nào đó để gây ảnh hưởng cho tài nghệ chứ?
 
– Cảm ơn ông chủ. Thời cuộc lộn xộn, tôi chưa tính ra sao cả. Bây giờ lại mang bệnh, mà tuổi thì đã tới năm mươi rồi còn gì.
 
– Như tôi biết, ca đoàn nhà thờ lớn đang cần người cộng tác. Nhạc sĩ nghĩ thế nào.
 
– Cám ơn ông chủ, nếu ông chủ giúp cho, tôi sẽ cố gắng đem chút hiểu biết nhỏ mọn ra góp phần xây dựng
 
ca đoàn, và làm việc thờ phượng luôn thể.
 

* Ngay từ đầu câu chuyện giữa cha và người khách lạ cô Joséphine đã cầm lòng cầm trí đem hết tâm hồn tạ ơn Đấng Thánh Bổn Mạng tốt lành và quyền thế của cô.
 
Cô không dám ra mặt, nhưng quì gối xuống vừa cầu nguyện vừa theo dõi câu chuyện.
 
Khách đi rồi, ông Paul Marten gọi vợ con ra:
 
– Hôm nay là ngày phải ghi vào nhật ký gia đình ta bằng chữ vàng. Joséphine, ba sẽ đi xưng tội. Còn má của con thì sao không biết…
 
Bà Merten từ trong phòng bước ra:
 
– Tôi đã nghĩ đến việc đó lúc ông khách trao hàng rồi. Joséphine, từ hôm nay, con phải cố gắng sống đạo đức hơn không có là thua má đấy.
 
Cô Joséphine sung sướng chan hòa nước mắt, nhảy lên ôm cổ cha mẹ mà hôn, không nói được nên lời.

 Câu chuyện đến đây có thể chấm dứt được rồi. Nhưng Thánh Cả Giuse không làm gì nửa vời: Ngài đã giải quyết mau lẹ theo lòng tin tưởng của người trông cậy Ngài, rồi còn làm thêm nữa. Ngày tháng qua, Joséphine đã trở thành người đứng đầu ngành thêu may trong xưởng của Joseph Hirte. Dưới tay cô, có nhiều thợ nữ khác cô thuê vào làm. Bề ngoài, cô đơn sơ giản dị, nhưng không thể giấu được nền giáo dục cô đã hấp thụ theo tinh thần Công giáo. Cả gia đình ông chủ cô đều muốn gặp cô và cha mẹ cô. Họ thán phục tài nghệ của cha cô, lòng đạo đức của mẹ cô, và trao cho cô những việc lợi ích hơn theo lòng tín nhiệm của họ.
 
Không biết cô Joséphine có làm như phần đông thiếu nữ là cầu xin Thánh Cả Giuse kiếm cho một tấm chồng hay không . . . Nhưng nếu cô không dám cầu, thì Thánh Cả cũng đã lo đến khoản đó cho cô. Ít lâu sau, thân nhân, bạn bè cô đều nhận được thiếp hồng báo tin ông Joseph Hirte, chủ xưởng sản xuất đồ trang sức, sẽ làm lễ thành hôn với cô Joséphine Merten tại nhà thờ chính tòa thành phố Vịên, có ca đoàn của nhạc sĩ Paul Merten giữ phần ca hát.
 
(Người thuật chuyện ghi chú thêm rằng: con bồ câu nhỏ của Joséphine không trở về nhà cô nữa. Cô liền tự tay làm một con bồ câu bằng vóc trắng nhồi bông, đặt dưới chân tượng Thánh Cả Giuse trên bàn thờ gia đình cô, có bảng nhỏ đề: Sứ giá của Thánh Cả Giuse)
 
Theo Lawrence Lovasik, SVD
 
3- Gỡ mối tơ vò
 
(Sau tuần 9, Thánh Cả đã giúp cho xưng tội đã giấu lâu ngày)
 
Thế là đã bốn năm, Chúa chờ đợi ông. Và ông thì vẫn có ảo tướng là ông vốn đã ở trong nhà Chúa, hay đúng hơn, vẫn lấp tiếng lương tâm đề nhận là ông đã tính sổ xong với Chúa.
 
Từ nhỏ được hấp thụ một nền giáo dục Công giáo rất tốt, nên ông là một giáo hữu chăm chỉ, nhiệt thành, một sĩ quan sống đạo gương mẫu – mà là một gương mẫu hiếm có – trong quân đội hoàng gia. Cha tuyên úy, cha quản xứ và cả đến vị linh mục dòng đến giảng tuần tĩnh tâm, cũng đều tỏ lòng kính nể và tôn trọng ông. Khỏi phải nói thì ta cũng biết gia đình ông, nhất là người bạn đường của ông, thật hết sức vui mừng và hãnh diện về ông .
 
Cách đây bốn năm, nhà vua ban sắc lệnh cử một sứ bộ ra nước ngoài, trong đó có ông với chức vụ tùy vịên quân sự. Sứ bộ ở nước ngoài suốt ba tháng trời đằng đẵng mới xong việc trở về. Ông đi làm sao thì ông trở về như vậy nghĩa là nếp sống đạo cố hữu của ông vẫn không hề suy suyễn, mà còn có phần khởi sắc hơn trước.
 
Nhưng, như người ta nói, dưới đáy biển có những đợt sóng ngầm rất dữ, mặc dầu trên mặt biển vẫn phẳng lặng hiền lành. Linh hồn ông sĩ quan ta đang kể chuyện đây cũng có một lớp sóng ngầm nguy hiểm chí mạng mới nhóm lên từ ngày ông ra ngoại quốc. Nó liên tục xâu xé ông, mặt dầu bên ngoài, ông vẫn tỏ ra một vẻ bình thản đạo đức đáng noi gương.
 
Nói cho vắn tắt lại thì trong những ngày xa nhà dài dặc ấy, với con người cốt cách võ biền như ông, một con người cũng có đủ lục dục thất tình như ai, ông đã rơi vào một cơn cám dỗ quá nặng nề, hay đúng hơn, chính ông đã ý thức và tự ý tìm đến cơn cám dỗ. Trên thực tế, ông chưa đi tới mút cùng của cám dỗ, chưa hề hành động thực hiện được cám dỗ. Nhưng trong tâm ý ông, trong chỗ sâu xa nhất của con người ông, ông đã buông lung, đã sa ngã, đã đắm chìm. Lúc trở lại với lương tri, với ý thức sáng suốt, ông nhận ra mình đã mù quáng, đã cố ý mù quáng, đã làm càn trái hẳn với lương tri và lý trí, nhất là trái với luật Chúa truyền dạy. Cái khổ chất trách nhiệm nặng nhất cho ông là, vì có một lương tâm đạo đức từ nhỏ, nên ông càng buộc mình vào ách tội, vào ách tội trọng, vào ách tội có thể đưa ông tới chỗ mất linh hồn.
 
ông vào tòa cáo giải nhiều lần – có tháng nào ông bỏ xưng tội đâu? – Nhưng không lần nào ông đã xưng cái tội đó, không lần nào ông dám xưng cái tội đó, không lần nào ông chịu xưng cái tội đó. Ngay từ hôm sự việc vừa xảy ra, ông đã đến xưng tội với linh mục tuyên úy sứ bộ. Nhưng lúc đã xưng thú hết các tội khác, ông nín lặng luôn về cái tội này. Sứ bộ chỉ có không đầy mười người, đêm ngày cùng chung sống với nhau trong cùng một khách sạn; thế mà lại để cha tuyên úy biết cái tội đó thì…ngượng quá lắm! Và lần đầu tiên, ông đã làm hư phép giải tội cũng như phép Mình Thánh Chúa.
 
Khi về nước, ông đến xưng tội với linh mục tuyên úy quân đội. Nhưng Ô kìa? rõ ràng là nếu cha tuyên úy này biết thì ngài sẽ bỉu môi phê bình thầm kín:
 
– Chậc! Đáng mặt sĩ quan anh hùng chưa? Mới ra trận lần đầu tiên mà chưa chi đã đầu hàng một chút tư dục khả ố như vậy à !
 
Thôi, chả nên để ngài rơi vào lầm lẫn vì đã tín nhiệm ở gương sáng của ông từ trước. Thế là ông lại thản nhiên ra khỏi tòa, mặc dầu tự biết là mình vừa chuốc thêm một gánh rất nặng.
 
Sau đó, có dịp về thăm xứ quê, ông biết rõ đây là dịp gỡ cho xong mối tội. Song le lúc vào tòa, ông lại nhìn thấy thanh danh của dòng tộc của ông hiện lên rõ ràng. Chả nhẽ dòng tộc không có tai tiếng gì từ xưa, bây giờ lại có chính ông là kẻ bôi nhọ; như thế thì còn ăn nói gì với tổ tiên đây ? Có lẽ chờ để xưng hết với cha dòng đến giảng tĩnh tâm cũng chưa muộn.
 
Đến khi vào xưng tội với cha dòng, ông lại nghĩ đến thái độ vừa nghiêm nghị vừa đùa nghịch của cha:
 
– Chậc! Thế cũng là mang được từ ngoại quốc về một kỷ niệm đấy . Không sao, tốt xấu gì thì cũng là kỷ niệm đáng nhớ đời cả . . .
 
Thật là mỉa mai cay độc cái lối nhìn sự việc của ông cha dòng thông thái và sắc cạnh này. Vậy thì, thưa cha, con xin cất dịp tội cho cha khỏi phạm đức ái. Và ông lại ra khỏi tòa cáo giải với một linh hồn nặng thêm tội lỗi. Ông cũng ý thức được như vậy, vì lương tâm ông luôn thôi thúc ông. Nó gậm nhấm, nó rúc rỉa, nó đục khoét không để ông yên lòng chút nào. Nó gọi đích danh ông mà nói với một giọng thật xa lạ, bảo ông là kẻ giả hình, là kẻ hèn nhát, là kẻ trốn tránh nhiệm với chính Thiên Chúa. Ông ưu tư ray rứt nhiều, cố gắng gỡ cho hết mối tơ vò của linh hồn ông.
 
Có lần ông đã dụng côngđến một đan viện khổ tu để xưng cái tội đã giấu kín bao nhiêu lần ấy ông hy vọng sự lạ lẫm, sự uy nghi của đan viện sẽ giúp ông xưng tội nên.
 
Nhưng vừa gặp ông, vị linh mục già trong bộ trang phục khổ tu đáng kính đã vội vã ôm hôn ông, tỏ ra rất hân hạnh 
được gặp ông: tiếng thơm đạo đức của ông đã vang đến tận chỗ kín cổng cao tường này như thế ư! ôi Chúa ơi!
 
Chúa ban cho con nhiều danh giá nhường này ư? Thế thì làm sao con có thể dám xưng cái tội ấy của con nữa!
 
Danh giá của con có là gì, nhưng còn danh giá của Chúa đó: Chúa cho con được trọng kính ở cả nơi thánh thiện xa lạ này như vậy, mà con lại đi xưng cái tội kia của con, thì chẳng hóa ra Chúa ban ơn lầm hay sao? Và một lần nữa, thật chán nản, ông lại làm hư phép giải tội thêm vào bao nhiêu tội đã làm hư và phạm thánh trước.
 
Chao ôi, mối tơ vò của ông cứ mỗi ngày một thêm chằng chịt; cứ mỗi lần vào tòa ra, ông lại thấy cõi lòng nặng chĩu như bị cả một dãy núi đè bẹp xuống. Cho nên dầu sao thì cũng phải dứt khoát cho xong.
 
Một lần đọc sánh của Thánh Phanxicô Salê, ông ghi chú câu này: “Tội ta phạm là cái gai xé nát tim ta; nhưng sự thành thực cáo xưng thì lại đổi gai đó thành những hoa hồng trên môi ta”. Ông còn thấy thánh giám mục ca tụng lòng sùng kính Thánh Cả Giuse, và mời gọi những ai gặp việc gì cam go, hãy đến xin Thánh Cả gỡ dùm. Ông bàng hoàng cả người vì hy vọng; mắt ông sáng lên một niềm cậy trông mới. Vâng! Lạy Thánh Cả Giuse, từ hôm nay con xin Thánh Cả giúp cho hoa hồng nở trên môi con! ông quyết định trong một tuần chín ngày, sẽ kính cẩn đọc mỗi ngày một lần bài thánh ca kinh chiều và lời nguyện trong kinh nhật tụng kính Thánh Cả, để xin ơn gỡ cho xong mối tơ vò.
 
Hết tuần chín ngày. Ông thấy tâm hồn ông thật quang đãng, không còn một vẩn mây nào giăng mắc. ông thấy rõ ràng những e ngại ông có trước kia, một phần do tự ái bày vẽ, một phần chắc cũng do ma quĩ thổi phồng lên: ông đã vịn vào những cớ vu vơ nhỏ mọn, phi lý để giấu tội. Ông cảm thấy một sức mạnh dâng ngập đầy tâm hồn ông, đạp phăng được hết mọi chướng ngại. ông nhất quyết bẻ gẫy xích xiềng tội lỗi mà chính ông đã tự trói mình. Ông nắm vững chí chiến thắng y như hồi ông chỉ huy mặt trận đông-bắc ngày nào. Và ông quỳ đó, dưới chân vị linh mục, ông thổn thức, thành thực, thong thả và rành rọt thú xưng :
 
“Bốn năm trước đây, con có việc phải ra ngoại quốc. Trong cuộc xa nhà khá lâu ở đó, con gặp và chuyện vãn nhiều lần với một phụ nữ nước ta sống một mình buôn bán. Không cầm hãm nổi con thú dữ của lòng con, con đã quyết định đến phạm tội với người đó. Và một buổi tối nọ con đến thật. Nhưng khi gặp họ, con chỉ hỏi thăm về công việc doanh thương, mà không tỏ ý xấu.
 
Khốn nỗi, lúc ra về, con lại tiếc vì đã bỏ mất một cơ hội…”
 
Sau khi xưng thú cả các lần phạm thánh vì cái tội ấy, ông cúi mình lãnh phép giải tội, và ra khỏi tòa, với một tâm hồn nhẹ nhàng, thư sướng, lâng lâng như được Cha trên trời ôm bế trên vòng tay âu yếm, xiết chặt vào Trái Tim Cha. Và ông bâng khuông cảm động nhớ đến bàn tay linh diệu của Thánh Cả Giuse đã gỡ xong mối tơ vò của ông, bồng ông lên đặt vào tay Cha trên trời.
 

(Theo Linh mục Paul Barry)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*