Rửa chân
Ga 13,1-15
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.” Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13,8)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Chỉ một mình Thánh Gioan ghi lại cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Nhưng Gioan không chỉ tường thuật, mà còn chen vào những chi tiết rất có ý nghĩa:
– “Ngài yêu thương họ đế cùng”: đây là hành động biểu lộ tình thương.
– “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”: việc này làm có nhiều ý nghĩa sâu sắc.
– “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”: việc làm này còn có “phần” trong màu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu.
– “Nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì…”: đây là cung cách của người làm lớn.
– “Các con cũng phải rửa chân cho nhau”: việc làm này hàm chứa một lệnh truyền.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Ta đã cảm nhận tình thương của Chúa Giêsu. “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình…thì đã yêu thương đến cùng”. Cũng giống như một người mẹ sắp đi xa, còn làm gì được cho con cái thì tận dụng thời gian còn lại để làm, như quét căn phòng, vá chiếc áo, để sẵn thuốc uống bên cạnh giường con…và lặp đi lặp lại những lời dặn dò…
2. “Tuy chúng con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”: ngay trong hàng ngũ các tông đồ mà còn có kẻ không sạch. Huống chi trong tập thể của chúng ta. Thái độ đối với người không sạch ấy phải thế nào? Chúa Giêsu không dạy lên án, khai trừ; nhưng dạy phải rửa. Dòng nước tẩy rửa thì nhẹ nhàng, ên ái chứ không gay gắt, nặng nề…
3. Khi tay chân giơ, ta làm gì? Tôi không chặt bỏ, nhưng rửa cho sạch. Bởi vì phần dơ đó là chi thể của ta. Cũng thế, ta sẽ không “chặt bỏ” nhưng nhẹ nhàng “rửa sạch” một người sai lỗi trong tập thể của ta nếu ta biết coi họ là tay chân, là chi thể cả ta.
4. Cha Doncoeur, khi giải thích một bức họa nhỏ trong tập thánh vịnh của Chantilly, đã diễn tã rất đúng ý nghĩa của hoạt cảnh này: “Hai tay (của Đức Kitô) đã khéo léo hành sự là lau chân Phêrô với chiếc khăn ở thắt lưng. Ngài đứng hơi nghiêng xuống như một người đầy tớ, vai trò Ngài muốn đóng lấy lúc bấy giờ. Điều quan trọng không phải là rửa chân, nhưng là phục vụ các môn đệ và phá đổ nơi họ cái tâm thức huênh hoang tự phụ vẫn chưa nhường bước chịu thua. Chúng ta hiểu tại sao mắt của họ như nói lên một nỗi bối rối, bởi lẽ trong họ một tấm kịch đang diễn ra” (Le Christ dans l’art francais, I, Paris,Plon, 1939, trang 104). Chúng ta sẽ không thể hiểu được cuộc khổ nạn trong Tin Mừng của Gioan nếu không hình dung ra tấm kịch này và nếu không nhớ tới sự đảo lộn đang diễn ra trong tâm hồn của Gioan cũng như Phêrô, gây nên bởi câu nói của Đức Giêsu: “Nếu Thầy không rửa chân con, thì con không có phần nào với Thầy”. Trong hoạt cảnh Đức Giêsu đã hạ giáng, đã bước xuống chỗ thấp nhất này, tất cả đều trái ngược với ý nghĩ mà xưa nay các ông có về Đấng Messia. Đến nỗi các ông thấy như bị thách đố. Cách đây không lâu, Gioan đã chẳng mưu tính với anh mình là Giacôbê để vận động cho hai người được cái vinh dự là ngồi bên Đức Giêsu trong ngày Ngài được quang vinh hay sao? Thế mà bây giờ Đấng là “Chúa và Thầy” của các ông đang ăn mặc như một nô lệ và đang phục vụ dưới chân các ông! Tệ hơn nữa, Ngài còn lấy đó làm quy luật cho các môn đệ: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để theo như Thầy đã làm như thế nào thì anh em cũng làm y như vậy” (13,15). Có lẽ cũng như Phêrô, “sau này” Gioan mới hiểu được điều đó (13,7). Như một bài học đã được ghi khắc bằng những nét giống như lửa vào trong tâm hồn tự cao tự đại này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga4,8). Để giải cứu con người, Thiên Chúa đã hạ mình đến mức đó. Từ đây tất cả mọi sự đều thay đổi ý nghĩa: tự hạ trở thành “nâng cao”. Bước xuống chỗ thấp nhất là leo lên chỗ cao nhất. Tự huỷ của một tên nô lệ chính là sự siêu tôn Con Người (“Tìm hiểu Tin Mừng theo Thánh Gioan. Trang177-178).
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
Để lại một phản hồi