Tiếp tục có nhiều Kitô hữu bị bách hại vì họ can đảm tuyên xưng Chúa Giêsu. Số các Kitô hữu bị bách hại ngày nay còn nhiều hơn trong các thế kỷ đầu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
50 ngày mùa Phục Sinh là thời gian tràn đầy niềm vui giữa các môn đệ và Chúa Kitô. Niềm vui ấy rất chân thực, nhưng vẫn còn nghi ngờ và sợ hãi. Sau đó với ơn của Chúa Thánh Thần, với biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sự nghi ngờ và sợ hãi ấy tan biến, niềm vui của các môn đệ trở thành lòng can đảm. Trước đây, các môn đệ nhìn thấy Chúa, nhưng họ chẳng hiểu hết mọi điều. Giờ đây, Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng giúp các môn đệ hiểu mọi sự.
Vâng theo ý muốn Thiên Chúa
Sách Công vụ Tông đồ kể lại, các tông đồ bị cấm cản, các ngài không được phép tuyên xưng Chúa Giêsu. Các ngài bị bắt giam trong tù, nhưng rồi được thiên thần giải thoát. Các ngài trở lại Đền Thờ và tiếp tục rao giảng về Chúa Giêsu. Sau đó, các ngài bị giới hữu trách cấm nhắc tới danh Chúa Giêsu. Đáp lại, các tông đồ can đảm nói: Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa, hơn là vâng lời người phàm. Sống vâng phục, đây là nét đặc trưng của người môn đệ, người tông đồ, người đã lãnh nhận Thánh Thần. Sống vâng phục là đi theo con đường của Thầy Giêsu, là Đấng đã vâng lời cho đến tận cùng, vâng lời cho đến Vườn Cây Dầu. Sống vâng phục là nghe theo ý muốn của Thiên Chúa. Sống vâng phục chính là con đường mà Chúa Con đã mở ra, để từ đó người Kitô hữu có thể vâng theo thánh ý Thiên Chúa.
Khi đối diện với các thánh tông đồ, giới hữu trách thời đó là các tư tế và biệt phái, họ muốn điều khiển mọi thứ. Đó là phong cách của thế gian. Vũ khí và ông chủ của thế gian là tiền bạc. Chúng ta hãy cẩn thận khắc ghi lời Chúa: không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.
Các Kitô hữu bị bách hại
Nét đặc trưng thứ hai của Kitô hữu, là sống chứng nhân, là làm chứng về Chúa Kitô. Kitô hữu không tìm cách thỏa hiệp với thế gian. Người Kitô không sống kiểu thỏa hiệp. Nhưng đối với những ai không cùng lối nghĩ, không cùng đức tin, thì người Kitô biết kiên nhẫn, biết bao dung và đồng hành, nhưng không bao giờ bán đứng sự thật.
Thứ nhất là vâng phục, thứ hai là làm chứng. Và như thế, chúng ta thấy biết bao cuộc bách hại các Kitô hữu từ thời xưa đến nay. Ta hãy nghĩ về các Kitô hữu bị bách hại ở châu Phi, ở Trung Đông… Và ngày nay có số các tín hữu bị bách hại còn nhiều hơn những thế kỷ đầu.
Kinh nghiệm cụ thể
Điều thứ ba nổi bật nơi các tông đồ, là tính cụ thể. Các tông đồ nói về những gì cụ thể, chứ không hề mơ hồ ngây ngô. Các ngài nói về những gì các ngài đã thấy, đã đụng chạm. Mỗi người trong chúng ta có nói được rằng, Chúa Giêsu đã chạm vào cuộc đời tôi?
Nhiều lần phạm tội, nhiều lần sống thỏa hiệp, nhiều sợ hãi, đã làm cho chúng ta quên đi lần gặp gỡ đầu tiên ấy. Lần mà chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, lần mà Chúa biến đổi cuộc đời ta. Có thể chúng ta nhớ về cái lần mình được rửa tội trong nước, để trở thành Kitô hữu, nhưng ký ức ấy có vẻ mờ nhạt và hời hợt. Chúng ta hãy biết cầu xin Chúa Thánh Thần, ban cho ta ơn có sự cụ thể như các tông đồ. Sự cụ thể ấy là thế này: Chúa Giêsu đã bước vào cuộc đời tôi, đã đụng chạm đến tâm hồn tôi. Chúa Thánh Thần đi vào trái tim tôi. Có lẽ tôi đã lãng quên, nhưng xin ơn để tôi có thể nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên ấy.
Chúng ta hãy cầu nguyện ơn ấy, cầu nguyện cho nhau, để niềm vui của Chúa Thánh Thần đến trong tâm hồn ta, để ta có thể sống niềm vui của đời vâng phục, niềm vui của đời chứng nhân, trong những gì cụ thể của niềm vui Phục Sinh.
Tứ Quyết SJ
(RadioVaticana 12.04.2018)
Để lại một phản hồi