Vị linh mục người Ý dành 15 năm giúp cộng đồng thiểu số ở Bangladesh thoát khỏi cảnh nghèo khổ và tình trạng tảo hôn
Cha Luigi Paggi thuộc dòng Phanxicô Xaviê người Ý dạy vi tính cho các thiếu nữ Munda tại ngôi nhà tập thể do
ngài xây dựng cách đây 15 năm ở Shyamnagar thuộc tây nam Bangladesh. Ảnh: Stephan Uttom/ucanews.com
Mất khoảng 5 giờ nhọc nhằn mới vượt qua được chặng đường dài 100 km đầy ổ gà từ thị xã Satkhira đến Shyamnagar, gần khu rừng ngập mặn sum sê tươi tốt Sundarbans, khu rừng đước lớn nhất thế giới ở tây nam Bangladesh.
Bên trong khu rừng giữa hàng chục ngôi nhà tranh vách đất xiêu vẹo của người Munda có một tòa nhà xây bằng gạch lợp mái tôn chào đón khách tham quan đến làng Bongshipur.
Vô số trang trại nuôi tôm quanh ngôi làng không có đường đi mà chỉ có các bờ ranh chật hẹp giữa các trang trại. Mùa mưa biến các túp lều của dân làng thành các hòn đảo nhỏ nổi bồng bềnh trên nước.
Hầu hết dân làng làm việc trong các trang trại nuôi tôm, một số người làm nông và một số làm việc trong các lò gạch để kiếm sống. Vào mùa mưa, đa số dân làng thất nghiệp nên rất vất vả để nuôi gia đình.
Tại ngôi nhà gạch, cha Luigi Paggi, 70 tuổi, với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt, dạy tiếng Anh và vi tính cho 20 thiếu nữ người Munda thuộc các gia đình nghèo sống trong khu nhà tập thể.
Vị linh mục người Ý được người dân Munda và người Hồi giáo địa phương tôn kính là “thánh nhân rừng xanh”, bắt đầu sứ mạng đặc biệt chưa từng có, giúp giải phóng nhóm thiểu số bị ngược đãi này cách đây 15 năm.
Cha Paggi, thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Thánh Phanxicô Xaviê, xây dựng 2 nhà tập thể và một số trường học giúp con cái của các gia đình không có khả năng đi học. Vị linh mục còn thực hiện rất thành công chiến dịch chống tình trạng tảo hôn phổ biến nơi người Munda và khởi xướng một tổ chức thiện nguyện.
Gia đình, bạn bè và người thân của cha Paggi ở quê nhà bên Ý rộng tay ủng hộ các sáng kiến của ngài.
Ngăn chặn tình trạng tảo hôn và đẩy mạnh giáo dục
Minoti Munda, nữ sinh người Munda 24 tuổi đang học cử nhân khoa học tại một trường đại học trong Thành phố Khulna, chia sẻ cha Paggi đã cho cô một cuộc sống mới.
Khi cô 11 tuổi và đang học lớp 6, bố mẹ cô sắp đặt cho cô kết hôn với một cậu con trai con nhà tương tối giàu có. Nhờ chú của cô giúp đỡ, cô bỏ nhà đến sống trong nhà tập thể của cha Paggi.
“Bố mẹ tôi giận tôi vì nghĩ rằng tôi làm mất mặt họ với mọi người sau khi cuộc hôn nhân sắp đặt đó đổ vỡ. Họ không liên lạc với tôi hơn 6 tháng”, Minoti kể lại.
“Cha Luigi đã cho tôi một cuộc sống mới. Cuộc đời tôi có thể bị lãng phí giống như nhiều cô gái Munda khác. Hiện nay có hơn 120 nam sinh và nữ sinh Munda đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học nhờ cha Luigi”.
Gần đây Minoti tham gia tổ chức sinh viên bản địa. Khi có việc làm, cô muốn giúp thêm nhiều bạn trẻ trong cộng đồng thăng tiến đời sống bằng cách hỗ trợ cho họ học hành.
Bahamoni Munda, 24 tuổi, cho biết cả 5 người chị của cô đều kết hôn ở tuổi từ 12-14, và cô thấy họ rất khổ.
“Họ gặp phải nhiều vấn đề về thể lý và tinh thần do kết hôn sớm. Bố tôi là người lao động nghèo làm việc trên trang trại nuôi tôm, vì thế ông ấy gả chồng cho họ để bớt gánh nặng kinh tế trong gia đình. Tôi nghĩ cuộc đời của tôi cũng sẽ giống các chị, nhưng cha Luigi đã cứu tôi”, cô kể với ucanews.com.
Bahamoni học khoa học chính trị tại trường cao đẳng và muốn vào làm trong ngành dân chính của Bangladesh.
“Nếu kiếm được việc làm trong chính phủ, tôi sẽ có thể giúp cộng đồng nhiều hơn. Tôi có thể cam đoan họ được hưởng nhiều lợi ích do chính phủ cấp và họ có thể cải thiện cuộc sống”.
Tảo hôn là vấn đề lớn trong xã hội Bangladesh. Hiện nay nước này được xếp thứ 4 trên thế giới. Theo UNICEF, ở Bangladesh 56% các cô gái kết hôn trước tuổi 18 và 22% kết hôn trước tuổi 15.
Một cuộc đời phục vụ các cộng đồng bị ngược đãi
Cha Paggi sinh năm 1948 và chịu chức năm 1972. Ba năm sau nhà dòng cử ngài sang Bangladesh làm việc trong giáo phận Khulna thuộc miền nam, nơi các tu sĩ dòng Phanxicô Xaviê hoạt động mạnh trong nhiều thập niên qua.
Từ năm 1975-1980, vị linh mục làm phó xứ tại một nhà thờ Công giáo ở Satkhira. Trong 25 năm sau đó, ngài làm việc cho người nghèo và cộng đồng thợ sửa giày bị xã hội ruồng bỏ ở các huyện Khulna, Jessore và Satkhira, giúp họ tổ chức và học kiến thức cơ bản để cải thiện cuộc sống và sinh kế. Chỉ có một vài người là Kitô hữu và người Hồi giáo, đa số là người Ấn giáo.
Sau đó cha Paggi biết về tộc người Munda, một cộng đồng nhỏ ít được biết đến, sống ở vùng Sundarbans.
“Tôi biết về họ qua một vài học viên người Hồi giáo học tiếng Anh nơi tôi. Họ là người theo thuyết vật linh, hay thờ bái tự nhiên và họ không có sách tôn giáo. Tôi thấy họ hết sức thú vị và quyết định làm việc với họ”, vị linh mục kể với ucanews.com.
Cha Paggi đau buồn về tình cảnh nghèo túng và cuộc sống khổ sở của người Munda.
“Tôi thấy tình cảnh của họ rất tệ, tệ hơn những người thợ sửa giày. Họ thất học và sống trong các ngôi nhà chật hẹp và mất vệ sinh. Người Hồi giáo địa phương xem họ là tiện nhân. Tôi cảm thấy buồn và quyết định phải giúp và làm việc cho họ với tư cách là thừa sai”, ngài chia sẻ.
Bề trên của cha Paggi không thích ý tưởng này và cảnh báo về các hậu quả tai hại của “sứ mạng nguy hiểm” trong một vùng xa xôi như thế.
“Tôi cương quyết không chờ sự cho phép. Tôi tiến hành làm. Khoảng 6 tháng sau khi bắt đầu làm ở đây, tôi được phép chính thức hoạt động. Tôi còn được chính quyền cho phép bắt đầu sứ mạng trợ giúp người Munda”, cha Paggi kể.
Khác với nhiều thừa sai hải ngoại, cha Paggi ý thức tránh một việc, đó là cải đạo cộng đồng.
“Người ta gọi nơi này là giáo điểm nhưng không có Kitô hữu. Thỉnh thoảng họ hỏi về Kitô giáo và Chúa Giêsu Kitô, tôi giải thích cho họ. Tôi không bao giờ nài nỉ trừ khi họ quan tâm”, vị linh mục nói.
Trợ giúp người Munda bị gạt ra bên lề xã hội
Tộc người Munda là nhóm sắc tộc người proto-Australoid, bắt nguồn từ bang Bihar của Ấn Độ, di cư đến Bangladesh hiện nay cách đây hơn 2 thế kỷ trong thời thuộc địa Anh.
Khoảng 40.000 người Munda sống rải rác khắp tây bắc và tây nam Bangladesh. Từ Munda (cái đầu) có nguồn gốc từ tiếng Phạn và người Munda tin rằng người đàn ông và đàn bà đầu tiên của họ được sinh ra từ cái đầu của Sing Bonga, vị thần chính trong tôn giáo của người Munda.
Tại Bangladesh, mọi người gọi người Munda là “Bunos” (thuộc về rừng), ám chỉ nghề nghiệp trước đây của họ là khai hoang đất rừng.
Khoảng 5.500 người Munda sống trong 23 ngôi làng giống như Bongshipur ở Shyamnagar. Họ vẫn còn là một trong các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội trong khoảng 230 năm nay do thiếu học hành, nghèo khổ và không giao thiệp với xã hội chính ngạch.
Tộc người Munda ở vùng Sundarbans nói tiếng Sadri, trong khi tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Mundari.
Cha Paggi truyền cảm hứng cho người trẻ Munda có học thức thành lập Sundarbans Adivasi Munda Sangstha, tổ chức thiện nguyện ủng hộ cộng đồng.
“Các địa chủ đưa người Munda đến vùng này để phá rừng làm nông nghiệp, và kể từ đó họ sống ở đây mãi mãi. Tộc người Munda có ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa, hệ thống xã hội và cơ cấu riêng, tất cả đang dần dần biến mất”, Krishnapada Munda, 33 tuổi, giám đốc điều hành tổ chức này, phát biểu với ucanews.com.
“Tổ tiên chúng tôi nghèo, thất học và thiếu hiểu biết, vì thế họ không thể làm được nhiều để giữ gìn di sản mà chỉ biết kiếm tiền nuôi gia đình. Cha Luigi đã mang lại sự thay đổi cho tộc người Munda vốn bị ruồng bỏ và thiếu hiểu biết trong hơn 200 năm qua. Ngài đã giúp họ bước ra ngoài và nghĩ lớn, và ngài còn giúp chúng tôi giao thiệp với những người thuộc các cộng đồng khác”, Krishnapada, sinh viên tốt nghiệp đầu tiên đến từ cộng đồng Munda ở Shyamnagar, phát biểu.
“Vị linh mục không chỉ cung cấp giáo dục và ngăn chặn nạn tảo hôn, mà còn truyền cảm hứng cho chúng tôi phục hồi văn hóa, truyền thống và tín ngưỡng của chúng tôi. Một ngày nào đó ngài sẽ rời khỏi chúng tôi nhưng lý tưởng, giáo huấn và tình yêu của ngài dành cho người dân sẽ luôn truyền cảm hứng và cổ vũ chúng tôi tiến về phía trước”.
(UCAN 19.04.2018)
Để lại một phản hồi