Con Đường
Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh
Lời Chúa:
Ga 14,1-6
1 Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. 2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. 4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”
5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?” 6 Đức Giê-su đáp : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. 7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”
Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)
Suy niệm:
THỨ SÁU.Tuần 4 PS
Ga14,1-6.
A. Phân tích (Hạt giống…)
Bài giáo lý thứ 6: Chúa Giêsu là đường.
Cũng trong khung cảnh bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đang nói cho các môn đệ những lời rất thân tình, tha thiết. Ngài báo cho họ biết Ngài sẽ ra đi, đi đến một nơi mà họ rất lạ. Nhưng Ngài hứa sẽ trở lại đón họ để cùng đưa họ đến nơi đó. Ông Tôma tò mò hỏi: “Thưa Thầy chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết đường đi?”. Chúa Giêsu đáp: “Thấy là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Nghĩa là: mục tiêu hành trình của mọi người là về với Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu chính là người dẫn đường, hơn nữa Ngài chíng là con đường đẫn ta đích điểm đó.
B. Suy niệm(…nẩy mầm.)
1. “Sinh ký, tử quy” sống là gởi, chết là về. Đời này không phải là quê hương mà chỉ là nơi chúng ta gởi thân trong một khoảng thời gian nào đó. Khi chết, chúng ta sẽ về quê hương thật. Đó là chân lý. Nhưng nhiều người quên hẳn chân lý đó. Họ sống ở trần gian như là đang ở quê hương vĩnh viễn, không hề nghĩ tới lúc phải rời bỏ cái “Ký túc xá” này, không hề nghĩ tới nơi mình sẽ về.
2. Một người nói chuyện với bạn là một Kitô hữu già cả: “Tôi sợ rằng anh gần đất xa trời rồi”. Người kia nhẹ nhành đáp: “Tôi biết chứ, nhưng nhân danh Chúa tôi không sợ, mà tôi còn đặt hy vọng vào đó”. (Góp nhặt).
3. Sống là hành trình, mà hành trình phải hướng tới một điểm tới. Trong cuộc hành trình đến một nơi tôi chưa từng biết, nếu tôi tự hướng dẫn thì dễ lạc đường, tôi đi theo sự hướng dẫn của người khác thì có thể khá hơn; nhưng không gì bảo đảm bằng hành trình theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu: “Không ai lên trời được ngoại trừ Con Người Đấng đã từ trời xuống”. (Gioan 1,13).
4. Lạy Chúa, nhiều khi con lo lắng về tương lai, không biết đời con sẽ về đâu. Chúa bảo, “lòng con đừng sao xuyến. Hãy tin vào Chúa và tin vào Thầy”. Tương lại hãy để Chúa dẫn dắt. Chúa dẫn con dần đến cái chết, không, đúng hơn là Chúa dẫn con ngày càng gần đến với Chúa Cha. Chúa dạy con hằng ngày sống như con của Cha và như anh em của mọi người. Đó là con đường mà nếu con đi thì chắc chắn con sẽ đến nhà Cha trên trời.
5. Một Kitô hữu già cả sắp chết. Một người đến nói:
Con đọc cho cụ nghe một câu Thánh kinh ngọt ngào nhất nhé!
Vâng.
“Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ…Ta đi dọn chỗ cho các con”.
Không, đó không phải là câu ngọt ngào nhất đọc tiếp đi.
“Ta sẽ trở lại để Ta ở đâu thì con sẽ ở đó với Ta”.
Đó mới là câu ngọt ngào nhất. Điều tôi cần không phải là một chỗ, mà là chính Chúa. (Góp nhặt).
6. Mầm khác.
Con đường Thập giá
Ngày kia có người muốn xâm hình một con sư tử trên lưng của ông ta. Ông đến tiệm và cho họa sĩ biết ý định của mình. Họa sĩ liền bắt tay vào việc. Nhưng chỉ sau một vài mũi kim châm từ tay họa sĩ, ông khách đã bắt đầu rên rỉ:
– Ông định giết tôi hay sao? Làm gì mà đau thế? Ông đang xâm phần nào của con sư tử vậy?
Họa sĩ trả lời:
– Tôi chỉ mới bắt đầu bằng cái đuôi thôi.
– Thôi bỏ cái đuôi đi cũng được.
Họa sĩ tiếp tục vẽ, nhưng chỉ trong giây lát thì ông khách lại kêu la đau đớn.
– Bây giờ ông đang xâm phần nào của con sư tử thế?
– Tôi đang vễ cái tai.
Ông khách khẩn khoản:
– Thôi bỏ cái tai đi cũng không sao.
Họa sĩ vẽ tiếp nhưng cũng chỉ được vài phút thì ông khách lại hỏi:
– Ông đang vẽ đến đâu rồi?
Họa sĩ trả lời một cách chán nản:
– Cái bụng của con sư tử.
– Thôi đừng vẽ cái bụng nữa, bỏ đi cũng được! Đau lắm!
Nghe vậy họa sĩ liền đề nghị:
_ Xâm hình một con sư tử không đuôi, không tai, không bụng thì đâu phải là hình của sư tử nữa. Thôi tôi đề nghị ông xâm hình con kiến trên lưng đi thì sẽ bớt đau nhiều lắm.
Để lại một phản hồi