Như chúng ta đã biết trong Năm Phụng Vụ chính thức của Giáo hội, ngoài bốn ngày lễ trọng kính Đức Mẹ: Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa (1/1); Lễ Truyền Tin (25/3); Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8); Lễ Mẹ Vô Nhiễm (8/12) và rất nhiều những ngày lễ khác nữa kính Đức Mẹ, còn có rất nhiều ngày lễ khác nữa để kính nhớ Đức Mẹ với những tước hiệu khác nhau. Không chỉ thế, Giáo hội còn dành riêng hai tháng trong năm để kính Đức Mẹ cách đặc biệt: Tháng Năm – Tháng Dâng Hoa Kính Đức Mẹ; và tháng Mười – Kính Đức Mẹ Mân Côi. Mới đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định thiết lập thêm lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo hội và cử hành hằng năm vào ngày thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo lịch chung của Giáo Hội.
Qua những ngày lễ được thiết lập như vậy, Giáo hội muốn bày tỏ lòng kính mến Đức Mẹ một cách đặc biệt, với niềm xác tín và tin tưởng rằng, Mẹ luôn đồng hành cùng Giáo hội và với tất cả những người môn đệ của Chúa Kitô, như xưa Mẹ đã luôn hiện diện và đồng hành cùng Con Mẹ, Chúa Giêsu Kitô, từ khi Giáng Sinh đến dưới chân Thập Giá. Là những người môn đệ của Chúa Kitô, và cũng là những người con của Đức Mẹ trong Giáo hội, lòng yêu mến của chúng ta đối với Mẹ thế nào, cụ thể trong tháng Năm này – Tháng Dâng Hoa Kính Đức Mẹ?
Để việc tôn kính Đức Mẹ qua những việc đạo đức, cụ thể là việc dâng hoa kính Mẹ trong tháng Năm này, không bị lạc hướng, chúng ta thử tìm hiểu những giáo huấn của Giáo hội lòng sùng kính Đức Mẹ.
Trong Thông điệp “Đấng Trung Gian Của Thiên Chúa”, Đức Giáo Hoàng Piô XII viết: “Việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Thông Điệp Mense Maio, Về Việc Cầu Nguyện Trong Tháng Năm Cho Sự Duy Trì Nền Hòa Bình, Ngày 29 tháng 04 năm 1965, viết:
“Tháng Năm dường như đã đến đây rồi, một tháng mà lòng đạo đức bình dân từ lâu đã dành dâng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa …. Vì đây là tháng mà các Kitô hữu, tại các nhà thờ cũng như tại tư gia, dâng lên Mẹ Đồng Trinh những hành vi kính trọng và tôn sùng yêu mến và sốt sắng hơn; và đây cũng là tháng mà Thiên Chúa đổ xuống trên chúng ta biết bao nhiêu hồng ân lớn lao hơn từ ngai toà của Mẹ chúng ta (số 1). Tôi lấy làm vui mừng và an ủi bởi thói quen đạo đức liên kết với Tháng Năm, là tháng dành dâng kính Đức Trinh Nữ và mang lại nhiều lợi ích cho dân Kitô giáo. Bởi vì một cách đúng đắn, Đức Maria được xem như một con đường mà qua đó chúng ta được dẫn tới Chúa Kitô, người nào gặp gỡ Đức Maria thì không thể không gặp gỡ Đức Kitô như vậy” (số 2). Và ngài cho rằng, việc dâng hoa kính Đức Mẹ trong tháng Năm là “một thời gian đặc biệt cho việc cầu nguyện” (x. số 3).
Tháng 10 năm 2002, chuẩn bị mừng 25 năm Giáo Hoàng, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, gửi đến mọi thành phần dân Chúa bức Tông thư “Kinh Rất Thánh Mân Côi” về Kinh Mân Côi, lặp lại xác tín và lòng yêu mến Đức Mẹ. Và dịp Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2003, ngài chỉ muốn nhắc lại xác tín này là “Hãy cùng với Đức Maria mà chiêm ngắm, bước theo và sinh Chúa Giêsu cho những người đồng thời với mình”. Ngài cũng đã viết hai văn kiện lớn về Đức Mẹ: Thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Độ”, công bố ngày 25 tháng 3 năm 1987; Tông thư “Kinh Rất Thánh Mân Côi”, công bố ngày 16 tháng 3 năm 2002. Chính ngài đã thêm vào Năm Mầu Nhiệm Sự Sáng và công bố Năm Mân Côi (từ tháng 10 năm 2002 đến tháng 10 năm 2003).
Những giáo huấn của của các Đức Giáo Hoàng, cho chúng ta thấy rằng, chúng ta phải tôn kính Đức Mẹ, vì Mẹ là Mẹ của Đầu thân thể mầu nhiệm Hội Thánh là chính Đức Giêsu và là “mẹ của nhân loại” (x. LG 54). Về vấn đề này, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo minh định: “Đức Trinh nữ Maria … được nhận biết và tôn kính với tư cách là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu chuộc … Mẹ cũng ‘thật là Mẹ các chi thể của Đức Kitô’ … bởi vì đã cộng tác bằng đức mến các tín hữu được sinh ra trong Hội Thánh, được làm chi thể của Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh. Đức Maria, … Mẹ Đức Kitô, cũng là Mẹ … Hội Thánh” (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 963). Hơn nữa, Công Đồng Vatican II đã khẳng định: “Trong nhiệm cục ân sủng, kể từ khi Mẹ tin tưởng ưng thuận trong ngày truyền tin, sự ưng thuận mà Mẹ đã kiên quyết giữ trọn cho đến bên Thập Giá. Đức Maria tiếp tục thiên chức làm Mẹ cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng ngài vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được cứu độ đời đời …. Vì thế, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian” (LG 62).
Như vậy, việc sùng kính Đức Maria bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi vì: “nhờ Người, với Người và trong Người, mọi vinh quang, danh dự đều quy về Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần”. Chính vì thế, những biểu hiện tỏ lòng tôn kính Mẹ Maria cần phải dẫn đến việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi; phải nhằm vào sự kết hợp trực tiếp với Đức Giêsu. Thiếu yếu tố này, mọi việc kể như vô hiệu. Vì thế, Công Đồng nhắc rằng: “Phải hiểu các tước hiệu ấy (Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian …) thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Ðấng Trung Gian duy nhất” (LG 62). Có nghĩa là Giáo hội muốn nhắc cho các Kitô hữu, trong khi tỏ lòng tôn kính Đức Maria với những tước hiệu và những việc làm khác nhau, thì đừng quên rằng, Chúa Giêsu Kitô mới là “Đấng Trung Gian duy nhất”. Việc chúng ta tôn kính Đức Mẹ phải gắn liền với Đức Giêsu, Đấng là khởi nguyên và cùng đích của mọi điều thiện hảo. Nó không tách rời mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, mà Mẹ được ví như máng chuyển ơn của Người xuống cho nhân loại.
Nói những điều trên để chúng ta cùng nhau định hướng cho những việc và những hình thức tôn kính Đức Mẹ, cụ thể là việc dâng hoa kính Đức Mẹ trong tháng Năm này, sao cho đúng, để rồi chính những việc đạo đức đó dẫn chúng ta đến với Mẹ, và nhờ Mẹ, dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu.
Chúng ta cần phải định hướng vì, trong thực tế, đã và đang có những hiểu sai nơi một số Kitô hữu về việc tôn kính Đức Mẹ. Có những người thích lần chuỗi kính Đức Mẹ; có những người thích đi hành hương Đức Mẹ; và nhất là vào tháng năm dâng hoa kính Đức Mẹ, người giáo dân đến nhà thờ rất đông; …, nhưng những người đó lại ít đi dâng lễ mỗi ngày, thậm chí bỏ cả lễ ngày Chúa Nhật; hoặc có những người đi lễ nhưng trong thánh lễ lại lần chuỗi, mà không chú tâm đến việc dâng lễ. Đó là những suy nghĩ và việc làm sai, trái với niềm tin Kitô giáo, và không đúng với những giáo huấn của Giáo hội về việc tôn kính Đức Mẹ. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: “Mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Ðức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô” (LG 60). “Quả vậy, không bao giờ một thụ tạo nào có thể được liệt kê cùng với Ngôi Lời nhập thể là là Đấng Cứu Chuộc” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 970).
Vậy, để những việc đạo đức chúng ta cử hành để tôn kính Mẹ Maria, cụ thể là việc dâng hoa kính Mẹ trong tháng Năm này, đúng với giáo huấn của Giáo hội, và không làm sai lạc đức tin Kitô giáo, chúng ta cùng nhau đọc hướng dẫn của Giáo hội về việc cử hành “Tháng Kính Đức Mẹ”:
Khi nhắc lại tập quán cử hành “tháng Đức Mẹ” vào tháng Năm của Phương Tây (vào tháng Mười Một ở vài nước thuộc nam bán cầu), tưởng cũng nên đồng thời chú trọng đến những đòi hỏi của Phụng Vụ, những mong đợi khác nhau của các tín hữu, và sự trưởng thành trong đức tin của họ, và cũng nên nghiên cứu toàn bộ các vấn đề, mà việc thực hành “tháng Đức Mẹ” đặt ra, trong khuôn khổ “mục vụ chung” của Giáo Hội địa phương; như thế, cần thiết phải sửa chữa lại những tình huống, vốn đã mang dấu ấn của những định hướng mâu thuẫn ở bình diện mục vụ, mà kết quả khiến các tín hữu bị lạc hướng, như đã từng xảy ra, chẳng hạn có những ý kiến muốn bãi bỏ “tháng Đức Mẹ”.
Trong đa số trường hợp, giải pháp thích hợp nhất là phải làm cho có sự hài hòa giữa các yếu tố của “tháng Đức Mẹ” với mùa theo Năm Phụng Vụ song hành với tháng ấy. Như vậy, chẳng hạn trong tháng Năm, mà phần lớn trùng hợp với năm mươi ngày của mùa Phục Sinh, các việc đạo đức trong tháng này phải làm nổi bật sự tham gia của Đức Trinh Nữ Maria vào mầu nhiệm Vượt Qua (x. Ga 19,25-27) và vào biến cố lễ Ngũ Tuần (x. Cv 1,14), là biến cố đã khai mở lộ trình của Giáo hội, tức là một lộ trình mà chính Đức Maria đã rảo bước đi qua dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, bằng cách tham gia vào điều mới lạ do Đấng Phục Sinh khởi sự. Và bởi vì thời gian “năm mươi ngày” này là mùa Phụng Vụ đặc biệt dành cho việc cử hành và khải huấn các bí tích khai tâm Kitô giáo, những việc đạo đức của tháng Năm có thể làm nổi bật vị trí tuyệt vời mà Đức Trinh Nữ Maria đã được tôn vinh trên trời, nhưng vẫn còn giữ vị trí đó dưới đất, “ở đây và bây giờ”, trong việc cử hành các bí tích Thanh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể. (Hướng Dẫn Về Lòng Đạo Đức Bình Dân Và Phụng Vụ, Nguyên Tắc Và Định Hướng, của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Bản Dịch của Uỷ Ban Văn Hóa, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 2003).
Trong hành trình đức tin của mình, chúng ta hãy gia tăng lòng sùng kính Đức Mẹ bằng những cách thức mà giáo huấn của Giáo hội hướng dẫn. Nhờ vậy, chúng ta vừa thể hiện được lòng yêu mến Đức Mẹ, vừa không làm sai lạc đức tin của chúng ta, nhất là, cùng với Mẹ và noi gương Mẹ, chúng ta ngày càng xác tín hơn vào Chúa và sống trọn vẹn cho Thánh Ý Ngài, như Mẹ đã xác tín và đã sống. Vì thế, Công Đồng đã nhắc nhở chúng ta: “Lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67). Vậy, cụ thể trong tháng Năm này, khi cử hành những cuộc dâng hoa kính Đức Mẹ, chúng ta cần phải tránh đi những gì không phù hợp với giáo huấn của Giáo hội về việc đạo đức này. Đừng làm những gì xa lạ với Đức Tin Công Giáo, mà có thể làm cho chúng ta đánh mất đức tin.
Cha Daminh Hoàng Quốc Việt, ĐCVThánh Quý Cần Thơ.
Để lại một phản hồi