Năm thánh Tử đạo, điểm hành hương Tương nam

Giáo xứ Tương Nam vinh dự là một trong bốn địa điểm hành hương Năm Thánh cùng với Vương cung thánh đường Phú Nhai, đền thánh Tử đạo Quần Phương và giáo xứ Qũy Nhất, là các địa điểm được Đức cha Tôma Aquino Vũ Đình Hiệu, giám mục giáo phận  lựa chọn làm các điểm hành hương để lãnh ơn Toàn xóa nhân dịp Giáo hội Việt Nam mở Năm Thánh kỷ niệm 30 năm ngày Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II Tuyên phong 117 Chứng nhân Anh hùng Tử Đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh ngày 19.06.1988 tại Rôma.
Kết quả hình ảnh cho Các thánh tử đạo Việt Nam
 
Đây quả là một hồng ân nhưng không mà Thiên Chúa ban tặng cho Hội thánh tại Việt Nam và cách riêng với giáo xứ Tương Nam, niềm vui ấy nhân lên gấp bội khi giáo xứ trong năm nay cũng mừng kỷ niệm 100 năm hồng phúc lên hàng chính xứ 1918-2018. Tại giáo xứ Tương Nam, thời gian để lãnh ơn Toàn Xá là từ ngày 24.06.2018 đến ngày 18.11.2018 với các điều kiện thông thường là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng khi viếng nhà thờ giáo xứ Tương Nam trong thời gian nói trên.
 
Năm thánh Tử đạo, điểm hành hương Tương nam - Ảnh minh hoạ 2
 
Xin giới thiệu đôi dòng lịch sử về các Đấng Tử Đạo xứ Tương Nam:
 
Theo sử ký địa phận Trung, lịch sử địa phận Bùi Chu và tư liệu của giáo xứ Tương Nam để lại thì vào thời vua Tự Đức thứ 14-16, khoảng những năm 1860-1862 đã có hàng ngàn giáo dân Tương Nam được phúc Tử vì đạo để làm chứng cho Tin Mừng ngay trên quê hương mình. Các ngài khi ấy rất đơn sơ, chỉ biết đọc kinh cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi để bảo vệ Đức Tin của mình. Khi vua Tự Đức ra sắc chỉ cấm đạo, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh lúc bấy giờ bắt bớ rất gắt gao truy lùng các linh mục và tín hữu ở nhiều nơi nhất là ở tỉnh Nam Định, trong đó có mảnh đất Tương Nam. Các chứng nhân bị bắt bớ bị ép bước qua Thánh giá nhưng đa phần các ngài đã không bước qua, thà chịu chết chứ không chịu “quá khóa” bỏ đạo thánh Đức Chúa Trời. Chính vì lòng son sắt đó mà các ngài bị bắt bớ, rồi bị đưa đi phân sáp ở nhiều nơi khác nhau, bị khắc trên mặt hai chữ “Tả đạo”, rồi bị đeo gông, xiềng xích…Các ngài cũng chịu nhiều án phạt khác nhau như tùng xẻo, trảm quyết, buông sông.  Do sổ đinh của làng Tương Nam bị tịch thu nên đã có khoảng hơn 800 tín hữu là giáo dân xứ Tương Nam bị bắt bớ, không mấy người thoát khỏi án tử hình. Sau khi thi hành án, người dân Tương Nam còn lại đã tủa đi các nơi như Quỳnh Côi (tỉnh Thái Bình),  Ý Yên, Vụ Bản, Bất Di, Mậu Lực, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định).. để lấy thi hài người thân đem về an táng tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ, giáo họ của mình. Cụ thể các vị anh hùng tử đạo xứ Tương Nam hiện nay bao gồm:
 
– Họ Nhà xứ Tương Nam: 107 vị
– Họ Thượng Lao: 36 vị
– Họ Xối Thượng: 14 bị
– Họ Bình Yên: 11 vị
 
Tổng cộng là 168 vị bao gồm mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, người già người trẻ đều đã can đảm đón nhận cái chết để minh chứng cho Tin Mừng và đạo Chúa là đạo thật. Các chứng nhân anh hùng tử đạo này được giáo hội gọi là Tôi Tớ Chúa (bậc 1 trong tiến trình phong thánh). Năm 1985 Đức Cha Đaminh Lê Hữu Cung (nguyên chánh xứ Tương Nam ) đã cho dịch các bản án của 107 vị anh hùng tử đạo họ nhà xứ Tương Nam từ tiếng Hán ra tiếng Việt. 
 
Năm thánh Tử đạo, điểm hành hương Tương nam - Ảnh minh hoạ 3
 
Tuy chưa có ai trong số 168 vị chứng nhân tử đạo quê hương được phong hiển thánh nhưng giáo dân nơi đây vẫn tin chắc chắn rằng trên Thiên đàng các ngài cùng đang cầm nhành thiên tuế trên tay để thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa. Phải nói rằng trên mảnh đất hình chữ S quê hương Việt Nam chúng ta chưa có một giáo xứ nào có đông đảo các chứng nhân anh hùng nhiều như giáo xứ Tương Nam. Chính nhờ vào sự hy sinh can trường, nhờ dòng máu các ngài đã làm trổ sinh nhiều hoa trái cho giáo hội Việt Nam và cách riêng là giáo phận Bùi Chu và cũng như giáo xứ Tương Nam.
 
Lạy các đấng tửu đạo xứ Tương Nam, xưa các Ngài đã hiên ngang can trường làm chứng cho Thiên Chúa, xin cho mỗi người chúng con chúng biết noi gương các nhân đức của các Ngài để làm chứng cho Chúa ngay giữa lòng thế gian hôm nay.
 
TT. Tương Nam

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*