Ngày hôm sau, thứ Tư, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gặp một phái đoàn gồm các các tín đồ Phật giáo, Hindu, Jain và Sikh tham dự Hội nghị nói trên, và một nhóm khác gồm một số chư tăng Phật giáo của Thái Lan.
Đối thoại và hợp tác
Hội nghị do Hội đồng Toà thánh về Đối thoại Liên tôn tổ chức có chủ đề “Dharma và Logos – Đối thoại và Hợp tác trong một Thời đại phức tạp”, quy tụ khoảng 200 đại diện của các tôn giáo Dharma (nhấn mạnh đến thực nghiệm hơn đức Tin) có nguồn gốc ở Ấn Độ, cùng với các Kitô hữu.
Gặp các đại diện của các tôn giáo Dharma trước buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư hằng tuần, Đức giáo hoàng cho biết ngài rất vui vì họ đã đến tham dự Hội nghị, và nói rằng “đối thoại và hợp tác là rất cần thiết trong thời đại như thời của chúng ta”, vốn đầy những căng thẳng, mâu thuẫn và bạo lực.
Đức giáo hoàng nói chúng ta cần cảm ơn Thượng Đế vì “các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tích cực cổ võ một nền văn hoá gặp gỡ, bằng cách đưa ra một điển hình về đối thoại mang lại hiệu quả và cùng nhau làm việc để phục vụ sự sống, nhân phẩm và chăm sóc thiên nhiên”.
Mối tương quan Phật giáo-Công giáo
Trong một cuộc gặp gỡ khác, một phái đoàn chư tăng Phật giáo từ Thái Lan đã tặng Đức giáo hoàng một bản sao của Kinh tạng, được quý chư tăng của chùa Wat Pho (chùa Phật Nằm) dịch sang ngôn ngữ ngày nay. Đức giáo hoàng cảm ơn và nói rằng đây là một dấu chỉ cụ thể của lòng quảng đại và tình bằng hữu mà các Phật tử và người Công giáo đã chia sẻ với nhau trong nhiều năm qua.
Về vấn đề này, Đức giáo hoàng Phanxicô nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa Đức giáo hoàng Phaolô VI và Hoà thượng Somdej Phra Wanaratana tại Vatican, mà bức chân dung của vị Hoà thượng này đang được treo tại Văn phòng của Hội đồng Toà thánh.
Đức giáo hoàng thúc giục các Phật tử và các tín hữu Công giáo tiếp tục lại gần nhau hơn, “hiểu biết lẫn nhau hơn và tôn trọng niềm tin của nhau hơn, đồng thời làm chứng về các giá trị công lý, hoà bình và bảo vệ nhân phẩm cho thế giới”.
(Nguồn: WHĐ – Theo Vatican News, 16/5/2018)
Để lại một phản hồi