Ngày 27 tháng 6 vừa qua Ban Thường vụ của HĐGM Đức đã công bố một tài liệu hướng dẫn liên quan tới vấn đề hôn nhân kitô hỗn hợp và việc tham dự của họ vào Bí tích Thánh Thể.
Tài liệu có tựa đề là “Bước đi với Chúa Kitô – theo các vết chân của sự hiệp nhất. Các hôn nhân kitô hỗn hợp và việc tham dự chung vào bí tích Thánh Thể”. Tài liệu đã được ba phần tư các Giám Mục Đức bỏ phiếu thuận trong phiên họp khoáng đại mùa xuân diễn ra trong các ngày từ 19 đến 22 tháng 2 năm nay. HĐGM Đức hiện có 66 Giám Mục trông coi 27 giáo phận. Các Giám Mục họp đại hội mỗi năm 2 lần vào mùa xuân và mùa thu.
Trong tài liệu các Giám Mục Đức khẳng đinh rằng: vì việc chấp nhận chung chung của phía không công giáo trong một hôn nhân liên kitô tham dự hoàn toàn vào việc cử hành thánh thể công giáo là điều không thể được, nên cần một quyết định cá nhân có ý thức, mà các cá nhân phải đạt được sau một suy tư chín chắn và trong việc nói chuyện với cha sở hay người có nhiệm vụ săn sóc mục vụ. Điểm nòng cốt thứ hai của tài liệu đó là việc rước lễ không bao giờ là một biến cố đơn thuần cá nhân, nhưng luôn luôn đụng chạm tới cộng đoàn giáo hội, quyết định cá nhân đòi hỏi một liên lụy mạnh mẽ vào trong cuộc sống của Giáo Hội. Vì thế con đường hướng tới việc có thể rước lễ đi ngang qua việc nói chuyện mục vụ, trong đó sẽ có thể tìm ra một giải pháp tốt đẹp cho từng trường hợp riêng rẽ.
Trong các tiền đề của các đường nét hướng dẫn HĐGM Đức nhấn mạnh rằng đây là một vấn đề mục vụ nóng bỏng. Các Giám Mục trích lại lời ĐTC Phanxicô nói trong dịp tham dự các lễ nghi kỷ niệm 500 Cải Cách Luther tại Lund: “Có nhiều thành phần của các cộng đoàn của chúng ta khát khao nhận Thánh Thể tại một bàn tiệc chung, như kiểu diễn tả cụ thể sự hiệp nhất tràn đầy” (Tuyên ngôn chung Lund, 31-10-2016). Hơn 40 % các vụ hôn nhân tôn giáo tại Đức là giữa các kitô hữu công giáo và tin lành: các Giám Mục đã thừa nhân trách nhiệm của các vị đối với vấn đề này.
** Tuyên ngôn cũng ghi nhận rằng theo Giáo Luật cả các kitô hữu không công giáo cũng có thể lãnh nhận các bí tích Sám Hối, Thánh Thể, và Xức Đầu Bệnh Nhân. Ngoài ra, các Giám Mục Đức còn quy chiếu giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II nói rằng các hôn nhân kitô hỗn hợp được ưng thuận “vì các nền tảng chung của chúng trong bí tích Rửa Tội, trong đức tin và ý nghĩa đại kết của chúng”. Tuy nhiên, việc rước lễ từ phía tín hữu không công giáo vẫn là một luật trừ. Giáo Luật nói tới một tình trạng khẩn cấp cần được trình bầy để có thể cho người phối ngẫu không công giáo rước lễ. Và các Giám Mục miêu tả “tình trạng khẩn cấp” như sau: “Thật là một đau đớn lớn, khi đức tin đã dẫn đưa một người nam và một người nữ trao ban cho nhau bí tích hôn phối và nhận nó từ nhau, đưa tới ước muốn cùng nhau rước lễ mà không được mở ra một con đường để có thể tương ứng với ước mong này với sự chúc lành của Giáo Hội”. Nếu không thể đương đầu với “tình trạng tinh thần nặng nề” đó, điều này chắc chắn có nguy cơ đặt để vào trong nguy hiểm hôn nhân dựa trên tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội ấy (x. Ep 5,32). Đưa ra trợ giúp này là một phục vụ mục vụ củng cố sự hiệp nhất của hôn nhân và góp phần vào việc cứu rỗi con người”.
Trong luận lý của mình các Giám Mục quy chiếu nhận thức của sự chia rẽ từ phía hai người phối ngẫu: “Thật là một nỗi đớn đau sâu đậm, khi nơi một cặp vợ chồng liên tôn việc không tham dự vào Thánh Thể từ phía người chồng hay người vợ tin lành, bị nhận thức như một việc loại trừ. Trong cách thế này cũng kết thúc tương quan của lứa đôi đối với Giáo Hội”.
Đặc biệt các Giám Mục Đức cũng quy chiếu tông huấn “Niềm vui yêu thương” mở ra cho một tiếp cận mục vụ cả trên vấn đề rước lễ”. Thật thế, Tông huấn “Niềm vui yêu thương” khẳng định rằng trước các tình trạng khác biệt cụ thể nhiều vô kể, một việc giải quyết pháp lý kiểu giáo luật không ích lợi cho bằng diễn tả một khích lệ mới đối với “một phân định có trách nhiệm, cá nhân và mục vụ, của các trường hợp riêng rẽ”. Tuy nhiên, sự yểm trợ mục vụ cũng đòi hỏi việc đào tạo và cập nhật tinh thần của các mục tử.
** Trong các trường hợp cụ thể tông huấn “Niềm vui yêu thương” gửi trả lại việc phân định như phương thế, mặc dù bằng cách nhắc nhở cứu xét mọi hoàn cảnh. Các Giám Mục Đức nêu bật rằng các vị rất tin tưởng nơi một “quyết định theo lương tâm” từ phía các người phối ngẫu, lưu tâm tới niềm tin chung sống động, và việc giáo dục con cái”. Mục đích là để củng cố gia đình kitô chính trong việc xem xét sự kiện các gia đình là các “giáo hội tại gia”. Và các Giám Mục Đức đưa ra lời mời gọi sau đây: “Chúng tôi mời gọi mọi cặp hỗn hợp tìm kiếm một cuộc đối thoại với cha sở của mình, hay với một người nào khác có nhiệm vụ săn sóc mục vụ để đi tới chỗ lấy một quyết định tôn trọng lương tâm của mình, và giữ gìn sự hiệp nhất của Giáo Hội”. Lời kêu mời này được hướng tới tất cả mọi người: tới người cho tới nay đã không cùng nhau rước lễ, và tới những người đã làm điều này từ lâu. “Họ phải biết rằng họ được mời gọi sống theo quyết định đã lấy theo lương tâm, mà họ đã đạt được trong một cuộc đối thoại mục vụ. Đối với chúng tôi, với các đường nét hướng dẫn này, điều quan trọng là phục vụ sự tự do lương tâm, trách nhiệm của lòng tin, và niềm an bình trong Giáo Hội “.
Để hiểu rõ hơn bối cảnh của vấn đề rước lễ của các cặp hôn nhân hỗn hợp công giáo tin lành, tưởng nên duyệt lại lộ trình làm việc của các Giám Mục Đức. Trong các ngày từ 19 tới 22 tháng 2 năm nay trong đại hội khoáng đại mùa xuân các Giám Mục Đức đã thảo luận văn bản định hướng tựa đề “Bước đi với Chúa Ki tô – theo vết chân của sự hiệp nhất. Các hôn nhân liên kitô và việc tham dự chung vào bí tích Thánh Thể”. Ngày 22 tháng 3 sau đó 7 Giám Mục Đức là TGM Koeln, Bamberg, Augsburg, Eichstaedt, Goerlitz, Passau và Regensburg đã viết thư cho vài cơ quan trung ương Tòa Thánh như Bộ Giáo Lý Đức Tin, Hội đồng tòa thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Hội đồng Tòa Thánh giải thích các văn bản luật. Các vị muốn biết xem một HĐGM có quyền viết và công bố một văn bản như thế hay không. Ngày mùng 4 tháng 4 ĐHY Marx, TGM Muenchen Freising, chủ tịch HĐGM Đức, trả lời thư của các Giám Mục. Một cách công khai ĐHY nói rằng ngài “kinh ngạc”, bởi vì thư của các Giám Mục đã được gửi cho Tòa Thánh mà không được báo cho ngài. Ngày mùng 10 tháng 4 ĐTGM Ladaria Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin gửi thư cho HĐGM Đức và mời vài vị về Roma để thảo luận vấn đề. Ngày mùng 3 tháng 5 đã có cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn của HĐGM Đức và các giới chức Tòa Thánh tại Bộ Giáo Lý Đức Tin. Tham dự phiên họp có ĐHY Reinhard Marx, TGM Muenchen-Freising kiêm chủ tịch HĐGM Đức; ĐHY Rainer Maria Woelki, TGM Koeln; ĐC Felix Genn, Giám Mục Muenster; ĐC Karl Heinz Wiesemann, Giám Mục Speyer kiêm chủ tịch Ủy ban giáo lý của HĐGM Đức; ĐC Rudolf Voderholzer, Giám Mục Regensburg kiêm chủ tịch Ủy ban Đại kết của HĐGM Đức; và Linh Mục Hans Langendoerfer dòng Tên, thư ký HĐGM Đức. Về phía Tòa Thánh có ĐTGM Luis Ladaria, dòng Tên Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin; ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh thăng tiến hiệp nhất giữa các tín hữu kitô; ĐC Markus Graulich, dòng Don Bosco, phó thư ký Hội Đồng Tòa Thánh giải thích các văn bản luật; Linh Mục Hermann Geissler, trưởng văn phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin.
** Sau cuộc họp Phòng Báo Chí Tòa Thánh và HĐGM Đức công bố một thông cáo viết rằng: “Trong phiên họp khoáng đại cuối cùng trong các ngày từ 19 đến 22 tháng 2 năm 2018 HĐGM Đức đã thảo luận về một tài liệu trợ giúp mục vụ tựa đề “Bước đi với Chúa Ki tô – theo vết chân của sự hiệp nhất. Các hôn nhân hỗn hợp và việc tham dự vào bí tích Thánh Thể”. Hơn ba phần tư các thành viên của HĐGM đã chấp thuận văn bản đó. Có một số không ít các Chủ Chăn trong đó có 7 Giám Mục giáo phận, vì nhiều lý do, không cảm thấy có thể chấp thuận. Bẩy Giám Mục này đã kêu lên Bộ Giáo Lý Đức Tin, Hội Đồng Tòa Thánh thăng tiến hiệp nhất giữa các tín hữu kitô và Hội Đồng Tòa thánh giải thích các văn bản luật. Vì thế theo ước mong của ĐTC Phanxicô cuộc nói chuyện giữa vài Giám Mục với các vị hữu trách của Tòa Thánh đã được thỏa thuận. Cuộc thảo luận đã diễn ra ngày mùng 3 tháng 5 năm 2018 với sự tham dự của phái đoàn hai bên. Trong cuộc thảo luận bằng tiếng Đức ĐTGM Ladaria đã minh xác rằng ĐTC Phanxicô đánh giá cao dấn thân đại kết của các Giám Mục Đức và xin các vị tìm ra một kết quả đồng nhất trong tinh thần hiệp thông giáo hội. Trong cuộc gặp gỡ đã có nhiều quan điểm được thảo luận: chẳng hạn như tương quan của vấn đề với đức tin và việc săn sóc mục vụ, tầm quan trọng và chiều kích pháp luật của nó đối với Giáo Hội đại đồng. ĐTGM Ladaria sẽ báo cáo cho ĐTC biết nội dung cuộc thảo luận. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong bầu khí thân tình và huynh đệ”.
Sau khi tường trình sự việc cho ĐTC, ngày 25 tháng 5 ĐTGM Ladaria viết một lá thư cho các Giám Mục Đức, xin các vị đừng công bố văn bản hướng dẫn bây giờ, vì vấn đề đã trở thành chuyện liên quan tới Giáo Hội hoàn vũ. Bức thư này của ĐTGM, trước khi tới với các Giám Mục Đức, đã được ông Sandro Magister và Blog công giáo của Áo đăng tải, đi ngược lại các ý muốn của ĐTGM Ladaria.
Ngày 12 tháng 6 ĐHY Reinhard Marx chủ tịch HĐGM Đức viết thư cho ĐTC. Ngày 21 tháng 6 trên chuyến bay từ Genève trở về Roma nhà báo Đức Roland Juchem đã hỏi ĐTC trong cuộc phỏng vấn dành cho giới báo chí. Ông hỏi:
Thưa ĐTC, ĐTC thường đề cập tới các bước đi cụ thể cần làm trong phong trào đại kết. Chẳng hạn ngày hôm nay ĐTC đã lại quy chiếu việc này khi nói: “Chúng ta hãy nhìn điều có thể làm được một cách cụ thể hơn là chán nản vì điều chưa là”. Mới đây các Giám Mục Đức đã quyết định đi một bước liên quan tới việc rước lễ liên tôn, chúng con tự hỏi tại sao ĐTGM Ladaria Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã lại viết cho các vị một lá thư xem ra như là một hãm phanh cấp bách. Sau cuộc gặp gỡ ngày mùng 3 tháng 5 người ta đã khẳng định rằng các Giám Mục Đức phải tìm ra một giải pháp đồng nhất. Vậy thì đâu là các bước sắp tới? Có cần phải có sự can thiệp của Tòa Thánh Vaticăng để minh giải hay không, hay các Giám Mục Đức sẽ phải tìm ra một thỏa thuận?
ĐTC Phanxi cô đã trả lời như sau:
** Đây là một điều mới mẻ, bởi vì trong Giáo Luật đã được dự kiến điều các Giám Mục Đức đã nói: Việc rước lễ trong các trường hợp đặc biệt. Và các vị nhìn vào vấn đề của các vụ hôn nhân hỗn hợp xem có thể hay không có thể cho rước lễ. Tuy nhiên, Giáo Luật nói rằng vị Giám Mục của Giáo Hội địa phương – từ địa phương này quan trọng – nếu là của một giáo phận – thì phải xem xét điều này: nó nằm trong tay của Giám Mục. Đây là điều có trong Giáo Luật. Bởi vì các Giám Mục Đức thấy trường hợp này không rõ ràng, và vì vài Linh Mục đã làm những chuyện không đồng ý với Giám Mục, nên các vị đã muốn nghiên cứu đề tài này và đã tìm hiểu – tôi không muốn nói quá – việc tìm hiểu đã kéo dài hơn một năm, tôi không biết rõ nhưng nó đã kéo dài hơn một năm, và đã được làm tốt. Và việc nghiên cứu hạn chế: điều các Giám Mục đã muốn nói có trong Bộ Giáo Luật rồi. Và cả tôi là người đã đọc nó, tôi nói rằng nó là một tài liệu hạn chế. Nó không phải là việc “mở rộng cho tất cả mọi người”. Không. Nó đã là một điều được suy tư tốt với tinh thần giáo hội. Và các vị đã muốn làm điều này cho Giáo Hội địa phương: không phải cho giáo hội riêng biệt. Các vị đã không muốn. Nhưng câu chuyện đã trượt xuống cho tới đó, nghĩa là bằng cách nói rằng nó là cho HĐGM Đức. Và ở đây thì có một vấn đề, bởi vì Bộ Giáo Luật không dự trù điều này. Bộ Giáo Luật dự trù thẩm quyền của Giám Mục giáo phận, chứ không phải thẩm quyền của HĐGM. Tại sao? Tại vì một điều khi được HĐGM chấp thuận, thì tức khắc trở thành đại đồng. Và đây đã là điểm khó khăn của cuộc thảo luận: không phải vì nội dung cho bằng vì điều này. Các vị đã gửi tài liệu, rồi đã có hai ba cuộc gặp gỡ đối thoại và minh giải. Và ĐTGM Ladaria đã gửi bức thư này, nhưng với việc cho phép của tôi, chứ ngài không làm một mình. Tôi đã nói với ĐC : “Đúng, tốt hơn nên làm một bước tiến tới, và nói rằng tài liệu chưa được chín mùi – đây là điều bức thư nói tới – và cần phải nghiên cứu chuyện này nhiều hơn nữa”. Thế rồi có một cuộc họp khác nữa và sau cùng các vị sẽ nghiên cứu việc đó. Tôi tin rằng đây sẽ là một tài liệu hướng dẫn, để cho mỗi Giám Mục có thể điều hành điều Giáo Luật cho phép. Đã không có việc hãm phanh nào cả. Không có. Đó đã là việc điều hành công việc để nó đi trên con đường tốt đẹp. Khi tôi tới thăm nhà thờ Luther ở Roma, đã có người hỏi câu tương tự, và tôi đã trả lời theo tinh thần của Bộ Giáo Luật, tinh thần mà các Giám Mục Đức hiện đang tìm kiếm. Có lẽ đã không có một thông tin đúng đắn vào các lúc đúng đắn. Hơi có lộn xộn một chút, nhưng câu chuyện là thế. Trong Giáo Hội riêng rẽ của một giáo phận, Bộ Giáo Luật cho phép điều này, nhưng trong Giáo Hội địa phương trên bình diện quốc gia thì không được, vì như vậy sẽ là đại đồng.
Anh Roland Juchem hỏi thêm:
Như vậy Giáo Hội địa phương là HĐGM?
ĐTC trả lời:
Nó là HĐGM. Nhưng HĐGM có thể nghiên cứu và đưa ra các đường nét hướng dẫn để giúp các Giám Mục giải quyết các trường hợp riêng rẽ.
Linh Tiến Khải
(RadioVaticana 02.07.2018)
Để lại một phản hồi