Ngày 12 tháng 6 vừa qua cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và chủ tịch Kim Yong Un của Bắc Hàn đã diễn ra tốt đẹp tại Singapore, khiến cho bầu khí hòa bình tỏa lan, và người dân hai miền Nam Bắc Hàn rất phấn khởi. Tiếp theo hội nghị thượng đỉnh này phái đoàn hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về việc giải trừ vũ khí nguyên tử tại Bắc Hàn và một số vấn đề khác.
Trong một thông cáo liên quan tới cuộc họp thượng đỉnh lịch sử này ĐTGM Kim Hee-Yong, chủ tịch HĐGM Nam Hàn, khẳng định: “Đây đã là một cuộc họp thượng đỉnh cho hòa bình kết thúc thành công. Qua cuộc họp này hai nước đã vượt thắng các tương quan thù nghịch lâu dài, và đã ký kết một bước tiến lịch sử đối với việc giải trừ vũ khí nguyên tử của bán đảo Triều Tiên, cũng như đổi hướng cho hòa bình tại bán đảo này”. ĐC chủ tịch HĐGM Nam Hàn đã cám ơn chủ tịch Kim Yong Un và tổng thống Donald Trump, vì đã tạo thuận tiện cho tiến trình hòa bình và sự hiệp nhất qua cuộc đối thoại. ĐTGM viết thêm trong thông cáo: “Chúng tôi cũng cám ơn các nỗ lực của tổng thống Nam Han Moon Jae- In và của chính quyền đã yểm trợ một cuộc họp thượng đỉnh vĩ đại như thế. Theo dấu vết các cuộc đối thoại của đại hội thượng đỉnh, hôm nay chúng tôi cầu chúc rằng cộng đồng quốc tế thăng tiến và ủng hộ tuyên ngôn trước đây của bán đảo Triều Tiên, và việc ký kết các thỏa hiệp hòa bình. Tôi vui mừng tiếp nhận kết quả tích cực của hội nghị, qua đó tôi cùng toàn dân nóng lòng chờ đợi giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên . Hòa bình đã không bao giờ được trao ban cho luôn mãi, nhưng phải luôn luôn đạt tới với lòng kiên trì”.
Cũng trong ngày 12 tháng 6 ĐHY Andrew Yeom-Soo-jung, TGM Seoul kiêm Giám Quản tông tòa Pyongyang, đã chủ sự thánh lễ trong nhà thờ chính tòa Myeongdong trong thủ đô Seoul để cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải hai miền Nam Bắc Triều Tiên, cũng như cho việc mau chóng áp dụng thỏa hiệp kết quả của hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn nhóm tại Singapore. Cùng đồng tế thánh lễ có ĐTGM Alfred Xuereb, Sứ Thần Tòa Thánh tại Nam Hàn và Mông Cổ, và Linh Mục Achille Chung Se-Teok, chủ tịch Ủy ban hòa giải quốc gia của tổng giáo phận Seoul. Tham dự thánh lễ đã có 3.000 tín hữu.
Đây cũng là thánh lễ thứ 1.168 “cầu cho hòa bình và hòa giải” hai miền Nam Bắc Hàn. Thói quen cử hành thánh lễ này đã bắt đầu ngày mùng 7 tháng 3 năm 1995 vào mỗi ngày thứ ba, do ĐHY Kim Su-Hwan TGM Seoul hồi đó khởi xướng. Sau thánh lễ tín hữu hiện diện đọc Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô thành Assisi, đồng thời với các tín hữu trong nhà thờ chính tòa Jangchung ở thủ đô Pyongyang của Bắc Hàn. Việc tín hữu Bắc và Nam Hàn cùng đọc Kinh Hòa Bình đã được Ủy ban hòa giải quốc gia Nam Hàn và Hội công giáo Chosun của Bắc Hàn thỏa thuận với nhau ngày 15 tháng 8 năm 1995, để tín hữu hai nước cùng hiệp ý với nhau khẩn nài lòng thương xót và ơn hòa giải và hòa bình cho hai miền đất nước.
** Giảng trong thánh lễ ĐHY TGM Seoul đã nhắc tới thánh lễ cử hành ngày 24 tháng 4 cầu nguyện cho hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền Nam Bắc Hàn được thành công. Ngài đã nêu bật tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho hòa bình, và khẳng định lời cầu nguyện là vũ khí hữu hiệu nhất của kitô hữu cho nền hòa bình và việc giải trữ vũ khí nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên. Trong viễn tượng này cả khi thực hiện việc giải trừ vũ khí nguyên tử tại Bắc Hàn và giảm các căng thẳng quân sự tại bán đảo Triều Tiên một mình như thế vẫn chưa đủ để thiết lập một nền hòa bình thực sự cho vùng đất này. Việc giải trừ vũ khí hạt nhân chỉ là một trong các điều kiện cần thiết cho nền hòa bình của bán đảo Triều Tiên. Thật thế, cuộc du hành xây dựng hòa bình vừa mới bắt đầu với hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền Nam Bắc và hội nghị thượng đỉnh với Hòa Kỳ, phải tiến tới bằng cách thắng vượt các lợi lộc quốc gia, chính trị và cá nhân, hầu thăng tiến thiện ích chung của tất cả mọi người dân Nam và Bắc Hàn , để họ có thể sống một cuộc sống thực sự nhân bản hơn, và góp phần vào việc thăng tiến hòa bình tại Á châu và trên toàn thế giới. Để đạt mục đích này chúng ta tất cả đều phải liên đới với mọi người thiện chí trên toàn thế giới, kiểm soát và yểm trợ các chính quyền liên hệ có trách nhiệm xây dựng hòa bình, để họ đừng lạc xa con đường đúng đắn, trong khi chúng ta làm trong cụ thể tất cả những gì chúng ta có thể làm, một cách cá nhân trong cuộc sống thường ngày. Đó chính là cách thức từng người trong chúng ta hoạt động cho hòa bình, bằng cách phổ biến Tin Mừng hòa bình. ĐHY cũng bầy tỏ ước mong một ngày kia có thể viếng thăm các tín hữu Bắc Hàn trong cương vị là Giám quản tông tòa Pyongyang. ĐHY nói: Tôi khẩn nài và cầu nguyện với tất cả tâm lòng xin Chúa làm cho mau đến ngày tự do tôn giáo được thực sự bảo đảm tại Bắc Hàn để tôi có thể gặp các tín hữu tại đó hầu dâng lên Thiên Chúa các lời tạ ơn và cùng họ vinh danh Thiên Chúa, và phổ biến Tin Vui cứu độ cho tất cả mọi người. ĐHY cũng cho biết: khi tôi nghe đã có một thỏa hiệp ý nghĩa giữa hai lãnh tụ Nam Bắc Hàn trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người ngài đã cảm tạ Chúa vì đã lắng nghe các lời cầu nguyện của chúng ta cho hòa giải và hiệp nhất của nhân dân Đại Hàn.
Hồi năm 1945 sau khi độc lập khỏi Nhật Bản Giáo Hội công giáo Bắc Hàn có 52 nhà thờ với 52.000 tín hữu. Vào năm 1943 Giám quản Pyongang có 19 giáo xứ, 106 cứ điểm truyền giáo, 22 trung tâm giáo dục và 17 trung tâm bác ái xã hội trong khi số tín hữu được rủa tội là 28.400 người. ĐC Francesco Borgia Yong-ho Hong, GM Pyongyang đã bị chính quyền cộng sản bắt đi mất tích cùng với 15 linh mục năm 1949, trước khi cuộc chiến Triều Tiên xảy ra giữa các năm 1950-1953. Từ đó Giáo Hội Bắc Triều Tiên trở thành Giáo Hội thầm lặng.
Vào cuối thánh lễ Đức Sứ Thần Tòa Thánh Xuereb đã có vài lời với tín hữu. Ngài nhắc cho mọi người biết dân nước Đại Hàn luôn ở trong con tim của ĐTC Phanxicô. Bằng chứng là trong 6 tháng qua ĐTC đã công khai gióng lên lời kêu gọi hòa bình cho Triều Tiên trong 9 dịp khác nhau, nhiều hơn cho bất cứ dân nước nào khác trên thế giới, bằng cách cầu nguyện và xin cầu nguyện cho hòa bình tại Triều Tiên. ĐTC cũng khích lệ các giới lãnh đạo chính trị dấn thân một cách sâu xa hơn nữa trong nhiệm vụ chung xây hòa bình và hiểu hiết giữa con người với nhau.
** Để đẩy mạnh việc cầu nguyện cho hòa bình hòa giải của hai miền Bắc và Nam Hàn HĐGM Nam Hàn đã quyết định làm tuần cửu nhật trong các ngày từ 17 đến 25 tháng 6 và mời gọi tín hữu toàn nước hiệp ý mỗi ngày cầu nguyện cho một ý chỉ: cho việc chữa lành sự chia cắt của dân nước Triều Tiên; cho các gia đình bị phân rẽ vì chiến tranh; cho các anh chị em sống tại Bắc Hàn; cho các người tỵ nạn gốc Bắc Hàn đang sống tại Nam Hàn; cho các nhà chính trị hai niềm Nam và Bắc Hàn; cho việc rao giảng Tin Mừng tại Bắc Hàn; cho việc thăng tiến các trao đổi khác nhau giữa hai miền Nam Bắc; cho việc hòa giải đích thật giữa hai miền Nam Bắc; cho việc thống nhất hai miền Nam Bắc Hàn.
Đức Sứ Thần Tòa Thánh Xuereb đã định nghĩa sáng kiến nói trên của HĐGM Nam Hàn là rất đẹp và ý nghĩa. Tòa Thánh muốn ủng hộ bất cứ sáng kiến nào giúp thăng tiến đối thoại và hòa giải.
Bình luận về hội nghị thượng đỉnh tại Singapore ĐC Lazzaro You Heung-sik, Giám Mục Daejeon, chủ tịch Ủy ban xã hội của HĐGM Nam Hàn, nói: “Hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn là một chặng mới tiến tới hòa bình tại Triều Tiên, Á châu và trên toàn thế giới. Tôi đã cầu nguyện và chúc lành cho cả hai vị lãnh đạo. Trong các lúc đó tôi nhớ lại các năm buồn thương của chiến tranh Triều Tiên. Hàng triệu người phải sống thảm cảnh gia đình chia rẽ bởi biên giới giữa hai bên. Ngày này có niềm hy vọng mới. Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Yong -Un đã nói tới một thay đổi lớn tại bán đảo Triều Tiên và việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Chúng tôi sung sướng, bởi vì với ơn thánh Chúa chúng tôi thấy một thời gian mới của Chúa Thánh Thần bắt đầu. Chúa Thánh Thần đổi mới mọi sự. Tinh thần mới mẻ này chúng tôi đang sống tại Đại Hàn, đó là tinh thần của niềm hy vọng. Chúng tôi đang ở trong thời điểm đổ rượu mới vào bầu mới, như Tin Mừng nói. Cần phải chú ý tới các dấu chỉ thời đại và nhìn xem tương lai sẽ dành cho chúng ta điều gì. Ngày nay các dấu chỉ rất khích lệ, và chúng tôi cảm tạ Chúa vì điều này.
ĐC Lazzaro cũng thừa nhận công lao của tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in trong tiến trình hòa bình này. ĐC nói: “Cách đây một năm tổng thống đã bắt đầu nhiệm kỳ với mục đích rõ ràng là thăng tiến hòa bình và chấm dứt căng thẳng. Tổng thống đã dệt các tương quan với các cường quốc Trung Quốc và Hoa Kỳ với mục đích tiến tới hòa bình. Ngày nay chúng tôi trông thấy các kết quả đầu tiên trong dấn thân này của ông. Sau các tuyên bố ý chí và dấn thân miệng, chúng tôi chờ đợi các sự kiện, chúng tôi chờ đợi các lời nói được đem ra thực hành. Thực hành có nghĩa là bắt đầu một lộ trình tha thứ và hòa giải. Con đường đúng đắn là sự tha thứ. Đó là niềm hy vọng của chúng tôi, và là ước mong của chúng tôi cho tương lai của bán đảo Triều Tiên”.
** Trong khi có các cuộc gặp gỡ và thảo luận giữa tổng thống Nam Han Moon Jae- In và chủ tịch Bắc Hàn Kim Young-Un trong mọi giáo phận toàn Nam Hàn tín hữu công giáo đã họp nhau cầu nguyện nài xin Thiên Chúa chúc lành và cho cuộc gặp gỡ được thành công. ĐC chủ tịch Ủy ban xã hội của HĐGM Nam Hàn nói: “Tôi đã rất xúc động khi nhìn trong truyền hình hai vị lãnh đạo gặp nhau. Rồi tôi đã đọc một lời nguyện cám ơn Thiên Chúa và chúc lành cho hai vị. Tôi thật sự hạnh phúc, bởi vì một kỷ nguyên mới mở ra: chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa hoàn thành các điều kỳ diệu và gây kinh ngạc. Tôi cũng đã khẩn nài sự chở che của Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh Tử Đạo Đại Hàn: chúng tôi phó thác tương lại của con đường tiến tới hòa bình và hỏa giải này cho các vị, vì thiện ích của nhân dân Đại Hàn và toàn nhân loại. Thật là cảm động. Ngày nay tại Đại Hàn người ta hít thở một không khí của một sự lạc quan và hy vọng to lớn. Điều xem ra đã không thể được cách đây mấy tháng, khi người ta đã chỉ nói tới chiến tranh, nay đã được thực hiện. Hôm nay chúng tôi thưa với Chúa: xin hoàn tất công việc của Chúa. Chúng tôi là anh em với nhau: như là dân Đại Hàn chúng tôi là một dân tộc. Tổng thống Moon Jae-In người công giáo đã có công rất lớn. Ông đã tin rất nhiều vào điều đó và đã làm việc rất nhanh chóng. Giờ đây chúng tôi hy vọng có cơ may trợ giúp nhân dân Bắc Hàn đang phải đói nghèo. Hai mục tiêu giải trừ hạt nhân và ký kết một thỏa hiệp hòa bình đích thật nằm trong tầm tay. Chúng không chỉ có thể, nhưng còn cần thiết nữa: đó là con đường và hoa trái đúng đắn cụ thể sau cuộc hội thượng đình này. Tuy nhiên, hòa bình trong vùng cũng đòi hỏi ý chí chính trị của các nước như Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các tín hữu công giáo Đại Hàn đã sống biến cố này trong lời cầu nguyện và sẽ tiếp tục đồng hành với lời cầu nguyện con đường đối thoại và hòa bình, bằng cách thăng tiến các sáng kiến trao đổi và cộng tác với Bắc Hàn để góp phần tạo dựng sự hòa giải và tình huynh đệ.”
Linh Mục Ho Chang nói với hãng thông tin Fides của Bộ Truyền Giáo rằng: Chúng tôi chân thành ước mong rằng từ nay có cuộc đối thoại lâu dài. Đối thoại có thể mở ra các cánh cửa cho hòa bình, thịnh vượng và hòa giải trong vùng. Toàn thế giới chăm chú và hy vọng nhìn vào cuộc họp thượng đỉnh. Tại Nam Hàn tín hữu công giáo và tín hữu các tôn giáo khác ở Á châu hy vọng rằng nó định đoạt để mở ra một cơ may đối thoại tuyệt vời.
Trong khi đó kitô hữu các nước Á châu cũng hiệp ý cầu nguyện cho hội nghị thượng đỉnh thành công. Tại Chiang Mai bên Thái Lan Ủy ban đại kết của Liên HĐGM Á châu cũng đã tổ chức buổi cầu nguyện đặc biệt cho hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền Nam Bắc Hàn được thành công.
Linh Mục Andres Ahchak, giám đốc văn phòng truyền thông của tổng giáo phận Singapore cũng cho biết ĐC William Seng Chye Goh, TGM Singapore, cũng đã rất hài lòng vì kết quả tích cực của hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn. Chính ĐTGM đã xin sáng tác một lời cầu và phổ biến trên các địa chỉ mạng để mọi người hiệp ý cầu nguyện cho hội nghị thượng đỉnh Singapore được thành công. Ngài nói đây là một cơ may cho đảo quốc nhỏ bé đa chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ của chúng ta được góp phần vào lịch sử và quan trọng hơn nữa là được góp phần vào việc tạo dựng một nền hòa bình trong vùng và trên toàn thế giới”.
Linh Tiến Khải
(RadioVaticana 03.07.2018)
Để lại một phản hồi