Ngày 09/07 vừa qua, Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Greg Burke, đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô, nhận lời mời của chính quyền và các Giám mục Panama, sẽ đến Panama nhân dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới (ĐHGT), tiến hành từ ngày 23-27/01/2019. Để chuẩn bị cho sự kiện này, bà phó tổng thống Panama, Isabel de Saint Malo de Alvarado, cũng đã đến Vatican và gặp gỡ ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin, để thảo luận về các chi tiết trong việc tổ chức ĐHGT thế giới năm 2019 và chuyến viếng thăm của ĐTC.
Theo nội dung cuộc gặp gỡ, Panama thuộc về Hệ thống hội nhập Trung mỹ có mục đích thiết lập một sự cộng tác về vấn đề di dân. Các vị đã đồng ý với nhau về tầm quan trọng của các thách đố trong vùng về vấn đề dân chủ và nhân quyền, trong bối cảnh những khủng hoảng chính trị và xã hội đặc biệt tại Nicargua và Venezuela. Các vị cũng đồng ý hoạt động chung để hỗ trợ cho vấn đề ngoại giao và luật pháp quốc tế.
Tại Panama, Đức tổng Giám mục José Domingo Ulloa Mendieta của Panama đã bày tỏ vui mừng về tin chính thức công bố cuộc viếng thăm của ĐTC, nhưng đồng thời ngài cũng bày tỏ tình liên đới với Giáo hội tại Nicaragua. Ngài đã lên án sự vô nhân và vô luân của chính phủ Nicaragua khi đàn áp bắt bớ chống lại dân chúng, phần đông là sinh viên trẻ. Đức cha Mendieta nói rằng cộng đồng quốc tế không thể dưng dửng nữa! Ngài cũng bày tỏ sự ghê tởm đối với những hành động bạo lực đối với hàng giáo sĩ Nicaragua. Đức cha Mendieta xem đây là kết quả của sự thiếu lắng nghe tiếng kêu của dân chúng.
Ngày 25/07, vào lúc 17 giờ, tại đền thờ thánh Don Bosco ở Panama sẽ có buổi cầu nguyện đặc biệt cho nước Nicaragua, để xin Chúa ban ánh sáng cần thiết và qua cuộc đối thoại, nhân dân Nicaragua sớm có thể tìm lại hòa bình mà họ khao khát mong muốn. Đức cha cũng bày tỏ sự sẵn sàng tham dự các tiến trình đối thoại có thể giải quyết các khủng hoảng tại Nicaragua.
Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh đã ra thông cáo bày tỏ tình liên đới với Giáo hội và nhân dân Nicaragua. Thông cáo viết: “Trước tình trạng trầm trọng này, chúng tôi được mời gọi là tiếng nói của những người không có tiếng nói, để khẳng định quyền của họ, để tìm lại những tiến trình đối thoại và để thiết lập hòa bình và công lý, cho đến khi tất cả có được sự sống trong Chúa Kitô; cách đặc biệt, những người cảm thấy đau thương vì sự chết và bạo lực. Chúng tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục là những người bảo vệ nhân quyền và những người mang niềm hy vọng.” (Fides 20/07/2018)
Hồng Thủy
(VaticanNews 20.07.2018)
Để lại một phản hồi