1 giờ trưa ngày 26 tháng 1 năm 2018, cuộc đời của cô gái 16 tuổi Christine đã bị thay đổi. Ngày hôm đó, Christine cùng với cô bạn Rita và 4 nữ sinh khác của trường Besançon đang đi ngang qua quảng trường Bab Toumas ở thủ đô Damasco của Siria, thình lình bầu trời như nổ tung.
Hàng trăm vỏ đạn rơi xuống như mưa; tiếng còi xe cứu thương vang vọng khắp thành phố, và những người bị thương và chết không ngừng được đưa vào bệnh viện. Trong số những người bị thương có cô học sinh trung học Christine.
Ngày hôm đó, những ngọn nến trong tất cả các ngôi nhà ở Damascus đều được thắp lên và những lời cầu nguyện vang lên không ngừng, suốt đêm, cầu cho những người bị thương và những người sống sót sau cuộc pháo kích man rợ này: với họ, trong những khoảnh khắc khó khăn đó, không có gì quan trọng hơn là lời cầu nguyện của mọi người.
Vượt thắng nỗi đau
Sau khi nằm trên giường 5 tháng, Christine đã quyết định vượt thắng sự im lặng và bắt đầu làm chứng về những điều mình đã chứng kiến. Christine chia sẻ: “Những giờ phút đầu tiên khi vừa bị thương thật là khủng khiếp, tôi cảm thấy người mình đầy mùi tanh của máu, không thể đánh giá được mức độ của những gì đã xảy ra. Khi được đưa vào bệnh viện, tôi bắt đầu nhận ra, bắt đầu hiểu và ý thức mình đã may mắn sống sót, dù rằng tôi bị mất một chân. Đó là cái giá phải trả, nhưng ít nhất tôi còn sống. Khi nhận ra điều này, tôi không thể ngăn cản mình mỉm cười, dù cho cảm thấy đau đớn, và tôi bắt đầu cầu xin Chúa để tôi là nạn nhân cuối cùng của cuộc tàn sát này … và để xin Chúa tha thứ do những hành động này của họ.”
Christine tiếp tục chia sẻ: “Trong 7 năm chiến tranh, không có ai được miễn khỏi cái chết, thương tích, tật nguyền hay bị tiêu diệt. Rita, người bạn tốt nhất của tôi, đã bị giết chết ngay trước mắt tôi. Thật là sốc và đau buồn. Nhưng đối với tôi, còn sống là một ân sủng. Mỗi ngày tôi nói với mình rằng Chúa đã lấy đi của tôi một chân để cho tôi thứ quý giá hơn. Đó là sự sống mới và sự hiện diện của Ngài ở bên cạnh tôi. Các bác sĩ đã đề nghị một bác sĩ tâm lý đồng hành với tôi, nhưng tôi đã từ chối. Tôi không cần điều này, tôi có Chúa Giêsu: chính Ngài là sự can đảm của tôi, và như thế là đủ cho tôi.”
Tình thân của mọi người
Christine theo học tại trường của các nữ tu ở Besançon, là thành viên của ca đoàn “Trái tim-Niềm vui” của nhà thờ Đức Bà ở Damasco và tham gia phong trào hướng đạo Damasco. Cuộc sống của Christine luôn theo gương Chúa Kitô, thể hiện qua sự chia sẻ, tha thứ và tình yêu dành cho người xung quanh. Từ khi Christine bị thương, căn hộ đơn sơ của gia đình cô đón tiếp hàng trăm người khách mỗi ngày: gia đình, bạn bè, người lân cận hay những người chỉ đi ngang qua, đến chia sẻ lời cầu nguyện và sự cảm thông của họ với gia đình cô. Tất cả, không trừ ai, đều khẳng định rằng cuộc tấn công này thì khác với những cuộc tấn công khác bởi vì phản ứng của gia đình và của chính Christine.
Một gia đình sống đức tin qua thử thách
Cha của Christine khẳng định: “Nếu không tha thứ, chúng ta không thể sống với người khác. Cuộc sống của chúng ta sẽ không được ghi dấu bởi thù hận và ý muốn trả thù: đúng thật là con gái tôi đã mất một chân; nó sẽ bị tàn tật vĩnh viễn, nhưng tận đáy lòng tôi, tôi cảm thấy như có một sức mạnh giúp tôi chịu đựng và chấp nhận tai ương này, một sức mạnh siêu nhiên; đó chính là sự hiện diện của Chúa Kitô, tình yêu của Chúa Kitô. Chúng tôi luôn cảm thấy Ngài hiện diện với chúng tôi, ở bên cạnh chúng tôi. Chúng tôi đã mệt mỏi, lạc đường, mất phương hướng về mặt luân lý đạo đức, về thể lý và vật chất. Nhưng thật ra Chúa luôn ở đây, Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng tôi.”
Mẹ của Christine đặt can đảm của mình nơi con gái. Bà chia sẻ: “Tình trạng của con gái làm tim tôi tan vỡ. Một thiếu nữ 16 tuổi là một thanh nữ nắm lấy cuộc sống cách cương quyết. Chạy nhảy, đi chơi với các chàng trai, ăn mặc, làm đẹp trước gương. Một cách đơn giản là sống! Nhưng đối với chúng tôi, Thiên Chúa đã nghĩ về điều khác. Hơn 3 năm qua, chúng tôi đã đăng ký tại một số đại sứ quán để đến châu Âu hoặc Canada. Mỗi lần, hồ sơ đều bị từ chối với lý do chúng tôi không ở Ghouta, Bab Touma không phải là một khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, mỗi ngày, mỗi lần Christine đến trường và trở về, tôi cảm thấy đau khổ: quảng trường Bab Touma đã trở thành quảng trường của sự chết, nhiều lần bị trúng đạn và chôn vùi các xác chết. Cuối cùng, vào tháng 1, tôi đã từ bỏ mọi nỗ lực để được đi định cư ở nước khác. Tất cả những sự từ chối này giúp tôi nhận ra rằng tôi vẫn có một vai trò để thực hiện ở đây, một điều gì đó để trao tặng và một sứ vụ để thực hiện. Như là Thiên Chúa không muốn chúng ta ra đi. Ngài đã làm mọi thứ để tôi ở lại. Christine rất dũng cảm. Chính Christine là người đã mang lại cho chúng tôi sự kiên nhẫn, chúng tôi chỉ có tình yêu dành cho cô bé. Cô ấy là một thông điệp cho mọi Kitô hữu, cho mọi người hoạt động để giải phóng miền đất này của phương Đông khỏi những kẻ xâm lược. Cái giá phải trả là rất đắt, nhưng đức tin, tình yêu, tình bạn và sự cảm thông của những người xung quanh đã giúp chúng tôi chấp nhận số phận.”
Tiến bước
Dù cho bị tàn tật và nhiều khó khăn, Chirstine hoàn toàn cương quyết tiến bước. Vào tháng 9 Christine sẽ trở lại trường học. Vào lúc đó, cô sẽ được gắn chân giả và sẽ lại có thể đứng lên và bước đi.
Hồng Thủy
(VaticanNews 25.07.2018)
Để lại một phản hồi