Có thể nói, chưa có thời điểm nào mà các show tấu hài lại thu hút được nhiều người xem như hiện nay. Điều này cho thấy nhu cầu giải trí của con người: vô chừng. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ mới dừng lại ở góc độ sân khấu mà chúng cần phải được hiện thực hóa trong cuộc sống đời thường.
Chúng ta cần trân trọng những tiếng cười khá khiêm tốn trong một góc nhà nhỏ hẹp nhưng rất chân chất. Từ đó, gia đình sẽ trở thành một “sân khấu” thu nhỏ với những tiếng cười rộn rã và mỗi người trong gia đình đóng vai trò là người đem đến niềm vui và nụ cười sảng khoái giúp nhau đối diện và vượt qua mọi khó khăn trong đời. Bài viết là một cố gắng góp nhặt một vài tình huống mà các thành viên trong gia đình đã hóa giải được nhờ TÍNH HÀI HƯỚC.
Các nhà chuyên môn nhận định rằng từ những năm đầu đôi bạn mới lấy nhau hiệu ứng của việc “say nắng” vẫn còn tác dụng tốt nhưng dần dà tình yêu ấy phai nhạt do cả hai quen dần với những cảm xúc thông thường mà sự kích thích dường như mất hẳn. Nếu như trước kia một cánh hồng cũng đủ làm nàng say đắm thì vật kích thích ấy phải tăng “đô”, nghĩa là lần sau phải tặng nhiều hoa hơn hoặc một hoa khác hay một vật gì giá trị hơn. Có thế, sự thắm thiết mới được duy trì trong bầu khí an hòa. Bởi đó, tình yêu phải luôn là động lực giúp mọi người khám phá nét đẹp quanh ta. Thật vậy, chỉ những người phiêu lưu và sáng tạo trong tình yêu mới đem lại niềm vui và hạnh phúc trong gia đình. Một trong những cách bài viết này muốn đề nghị: sống hài hước, vì nó luôn tạo sự bất ngờ thú vị mà chỉ có những người yêu nhau mới thực sự “bỏ mình” đủ để đem lại niềm vui cho người khác.
Trong gia đình nọ, mọi người có thói quen dùng một ly sữa trong giờ điểm tâm. Tuy nhiên, có vài hôm người vợ lo việc “bao đồng” nên quên không dọn sữa cho mọi người. Vì tế nhị, không ai nhắc đến vấn đề đó nữa, mọi sinh hoạt như bình thường. Vài ngày sau, trong giờ ăn, người vợ bèn lên tiếng xin lỗi mọi người. Thay vì trách móc hay ca thán, người chồng tủm tỉm cười rồi nói: “Anh nghĩ em quên thì có một ngày thôi, thế mà em quên cả ba ngày rồi, anh tưởng em định “cai sữa” cho cha con anh chứ !” Thế là cả nhà có một trận cười no nê.
Thử đặt tình huống này với ông chồng khó tính và gia trưởng thì sao ? Chắc bà vợ đã bị một vố no đòn, rằng: “Ở nhà cả ngày có mỗi việc lo nội trợ và dọn sữa cho chồng con mà còn nhếch nhác như thế thì ai mà ngưởi nổi”. Có lẽ, chúng ta cũng đã tiên đoán việc gì sẽ xảy ra, bà vợ sẽ không nhân nhượng, thậm chí, còn ca một bài giọng cổ dài cả buổi sáng, và lúc này bầu khí gia đình trở nên ngột ngạt đến mức nào ! Thế mới rõ, hài hước luôn là người bạn đồng hành của mọi gia đình.
Chẳng may ông chồng vớ phải bà vợ nói nhiều, mà lại nói chuyện người khác nữa mới chết chứ !
Vào một ngày đẹp trời tại công viên, bà vợ đang thao thao bất tuyệt nói chuyện người khác, ông chồng im lặng chẳng nói chẳng rằng, mắt đảo hướng khác như không chú ý vào câu chuyện.
Đột nhiên, người chồng ngắt lời vợ: “Em biết lúc nào em ít nói hơn không ?”. Người vợ ngước nhìn chồng bằng đôi mắt ngạc nhiên, lắc đầu như không hiểu chuyện gì xảy ra.
Người chồng trả lời: “Tháng Hai”.
“Vì sao ?”, người vợ nóng lòng hỏi.
“Bởi vì tháng Hai chỉ có 28 ngày”, người chồng nói xong thì mỉm cười.
Người vợ vỡ lẽ ra, bật cười và đấm khẽ vào lưng chồng mấy cái, phản đòn: “Ai như anh, số câu nói ban ngày còn không nhiều bằng số câu nói trong mơ ban đêm”. Thế là cả hai nhìn nhau cười trừ.
Có thể nói, đây là cách người chồng nhắc khéo người vợ trong cách lỗi về lời ăn tiếng nói. Còn người vợ cũng nhanh trí, nói mấy lời giúp giảm nhẹ bầu khí căng thẳng và xóa đi tính hổ thẹn trong mình.
Con khi ông chồng mắc phải bà vợ thích thời trang thì sự nhanh trí sửa lỗi là một việc cần thiết. Nhưng thay vì người chồng sỗ sàng lớn tiếng chỉ cần dùng cách nói hài hước và trách yêu, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hơn và không làm mất hòa khí trong gia đình.
Vợ: “Mùa xuân năm nay không biết thịnh hành mốt quần áo gì anh nhỉ ?”.
Chồng: “…thì cũng như mọi khi, chỉ có hai loại: một loại không vừa ý em, một loại anh mua không nổi”.
Sự hài hước của người chồng này sẽ dễ dàng được người vợ chấp nhận. Chúng ta có thể tưởng tượng hai vợ chồng nhìn nhau bật cười trước sự nhanh trí của người chồng. Có thể, sau đó người vợ sẽ bỏ ý định của mình khi mua sắm quá nhiều đồ đắt tiền như thế.
Tuy nhiên, cũng với tình huống này mà người chồng lại giận dữ nói: “Anh không biết, có thể là loại quần áo làm em hài lòng nhưng khiến anh phải ăn mì tôm…cả tháng” thì chắc chắn giữa hai vợ chồng sẽ lập tức xảy ra một trận “đấu khẩu” nghiêm trọng. Một lần nữa, chúng ta mới thấy giải pháp hài hước chẳng tốn một xu nào, trái lại, còn có thể hoãn một dịp đi shopping hàng triệu đồng; đó là chưa nói đến, tính hài hước giúp giữ hòa khí trong gia đình.
Tại một gia đình nọ, hai vợ chồng cãi nhau vì một chuyện nhỏ chẳng đáng gì, rồi giận nhau mấy ngày, chẳng ai nói với ai lời nào. Cuối cùng, ông chồng quyết định xuống nước mở lời trước, thế mà, bà vợ chẳng bảo sao.
Một buổi sáng, ông chồng lúi húi lục tung hết từ tủ này đến tủ khác, không biết tìm cái gì. Bà vợ trông ngứa mắt, không chịu được nữa mới hỏi: “Anh tìm cái gì thế ?”.
Ông chồng thấy vợ đã mở lời thì cười trong bụng và nói nhỏ: “Tìm câu nói này của em”.
Lúc này, người vợ mới ngộ ra rằng chồng mình muốn hòa giải còn bản thân thì cứ giận dai. Sau đó, người vợ bỏ xuống bếp không biết có chuyện gì. Lát sau, nàng mang lên 2 ly nước chanh mát, nàng nói: “Uống cho nó mát và thông giọng nhỉ !”. Người chồng cười và đáp: “Uống cho hạ hỏa nha !”. Cả hai nhìn nhau cười thích thú.
Bởi vậy, trong gia đình, mỗi bên cần khám phá thiện chí của người kia để gia đình luôn giữ được hòa khí, hơn nữa, còn vang tiếng cười.
Cũng một tình huống khó xử khác trong gia đình kia, người vợ ở nhà đợi cơm chờ chồng về, thấy vợ đang nổi giận, người chồng nhanh trí hỏi: “Sao thế, em nhớ anh đến bực mình cơ à ?”. Nghe lời ấy, mặt người vợ dịu lại rồi nói lẫy: “Ai thèm nhớ anh”. Thế là, người chồng lại có dịp kể chuyện của công ty để vợ hiểu và thông cảm, nhờ đó, bữa cơm gia đình có nguội lạnh nhưng cơm vẫn ngon canh vẫn ngọt. Đó là kết quả của sự thông minh và hài hước của người chồng biết làm chủ tình hình.
Hay một tình huống tương tự nhưng lại xảy ra với một gia đình khác, có người chồng nọ hứa sẽ về ăn tối với vợ, nhưng đến giờ về lại gặp việc đột xuất phải làm ngay nên không về được.
Người vợ giận lắm, đêm khuya, khi mở cửa cho chồng, vợ không nhịn được liền thốt mấy câu nặng lời: “Hôm nay, không làm thêm thì công ty phá sản luôn à ? Sao anh lại tự làm khổ mình thế, hãy nói với ông chủ là anh không thể ngày nào cũng làm thêm như vậy được !”.
May thay, bà vợ gặp phải ông chồng tâm lý, biết chuyện, nên ôn tồn nói với vợ:
“Em biết không ? Lúc làm thêm, cứ nghĩ tới em là anh thấy mình có thêm một niềm an ủi”. Nghe được lời này thì người vợ nào còn đủ sức mà nổi nóng, trái lại, tươi cười dắt chồng vào nhà và không khí gia đình lại ấm cúng như xưa.
Cũng có lúc tình huống trở nên kịch tính hơn vì cả hai cùng đấu đá, kết quả thế nào ?
Hai vợ chồng đang bàn tính chuyện tương lai, vợ liền nói: “Kỳ nghỉ tới em muốn đi du lịch”.
Người chồng nói: “Sao lại tốn kém thế, mua một quyển tạp chí du lịch về xem là được rồi, vừa được mở rộng tầm mắt, vừa tiết kiệm tiền. Em đừng có mơ mộng nữa, mau mua thức ăn về nấu cơm đi”.
Thua 1-0, người vợ kiếm cách gỡ hòa, nàng nói: “Mua thức ăn à ? Sao phải tốn kém thế, mua một quyển sách dạy nấu ăn về xem, như thế chẳng phải vừa mở rộng tầm mắt, vừa tiết kiệm được tiền sao ?”.
Người vợ đã lừa qua mặt chồng, chấm banh và suýt đẹp, giúp đôi nhà ghi bàn gỡ hòa 1-1. Khi ấy, người chồng mới có cơ hội nghĩ lại lời đề nghị của vợ vì lợi ích của hai người. Đúng là gậy ông đập lưng ông nhưng thay vì ông đau mặc kệ ông, bà lại lấy dầu xoa bóp cho chồng, thế là cả hai cùng có một bữa cơm ngon và một giờ bàn chuyện đi du lịch nhờ tài ứng đáp của người vợ thông minh và hài hước.
Tuy nhiên, có những tình thế bi đát đến mức, người vợ phải buộc bỏ nhà ra đi mặc dù chẳng biết đi đâu, chỉ muốn tránh xa mặt chồng.
Người vợ nói: “Trời ơi, đây đâu phải cái nhà ! Em không thể sống trong cái nhà này được nữa !”, nói rồi xách vali bỏ đi ra ngoài.
Ra đến cửa, người chồng đã hét lên ở phía sau: “Chờ một chút, chúng ta cùng đi ! Trời ơi, ai mà ở được trong cái nhà này chứ !”.
Người chồng cũng xách vali đuổi theo và đỡ lấy cái vali trong tay vợ, không biết đi đâu mà khi trở về, trông họ như vừa hưởng tuần trăng mật.
Thế mới rõ, ai là người hài hước sẽ là người bản lĩnh và chiến thắng trong các cuộc chơi.
Trên đây, người viết chỉ gợi lên một vài tình huống cụ thể giúp các thành viên trong gia đình có dịp ôn cố tri tân; những gì chưa tốt trong quá khứ sẽ là kinh nghiệm cho hiện tại, những gì va vấp trong hiện tại sẽ là bước tiến mạnh trong tương lai. Mọi gia đình đều có vấn đề, nếu ai không thừa nhận điều đó thì sớm muộn họ cũng phải đối diện với siêu vấn đề. Nếu hài hước là giải pháp cho vấn đề trong gia đình thì siêu hài hước mới là giải pháp cho siêu vấn đề !
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
Để lại một phản hồi