Người trẻ làm việc ở nước ngoài gửi tiền về quê giúp xây dựng nhà thờ trong bang Kayin
Nhà thờ Công giáo Thánh Antôn ở làng Hton-Bo-Quay
được xây lại bằng gạch năm 2016 với chi phí 117.300
Mỹ kim. Ảnh: ucanews.com
Du khách đến làng Công giáo Tamil ở Myanmar sẽ bắt gặp Thánh giá ở cổng làng và có thể thấy nhà thờ Thánh Antôn ngay trước khi vào trung tâm.
Yaw Han, 24 tuổi, tự hào là người Công giáo ở Hton-Bo-Quay thuộc bang Kayin sau khi cộng đồng nỗ lực giúp tài trợ xây dựng một ngôi thánh đường mới trong năm 2016-2017.
Gia đình anh đóng góp 2 triệu kyats (1.380 Mỹ kim) cho dự án này, do 2 người anh của anh ở Malaysia tiết kiệm tiền lương gửi về.
“Chúng tôi sẵn sàng đóng góp và không cảm thấy đây là gánh nặng mặc dù đa số dân làng phải vất vả kiếm sống qua ngày bằng nghề nông truyền thống”, Yaw Han chia sẻ với ucanews.com.
Anh giúp gia đình trồng lúa khi không tham gia các hoạt động của ban thanh niên làng trong vai trò trưởng ban. Ban thanh niên của anh đóng góp 300.000 kyat cho dự án xây nhà thờ trong khi các tổ chức khác bao gồm hội các bà mẹ, hội đồng mục vụ và hội phụ nữ đóng góp tổng cộng 16 triệu kyat.
Làng có khoảng 100 thanh niên nam nữ đang làm việc ở Malaysia, Singapore và Mỹ, đóng góp khoảng 38 triệu kyat trong tổng số kinh phí dự án là 170 triệu kyat (117.300 Mỹ kim).
Cha Edward Aye Min Htun, chánh xứ nhà thờ Thánh Antôn, cám ơn sự đóng góp của người dân địa phương, đặc biệt là sự đóng góp của những người trẻ đang làm việc ở nước ngoài.
Ngôi nhà thờ bằng gạch trước đây chỉ rộng 93 mét vuông nên không đủ chỗ cho số người Công giáo ngày càng đông trong vùng.
“Tôi không lo về vấn đề tài chính khi xây nhà thờ mới vì tôi tin Chúa sẽ giúp chúng tôi và đó là việc làm của Chúa”, cha Htun phát biểu với ucanews.com.
Vị linh mục được thuyên chuyển đến giáo xứ năm 2015, cho biết người dân địa phương thường xuyên quyên góp trong thời gian xây nhà thờ mới bằng bê tông.
Cần một ngôi thánh đường mới vì dân làng có lòng tin mạnh mẽ vào Chúa và tham gia sinh hoạt nhà thờ, ngài nói.
Giáo phận Hpa-an ủng hộ 2 triệu kyat trong khi các khoản đóng góp khác là của các linh mục con em trong làng, dân làng và các nhà hảo tâm ở các nơi khác của Myanmar.
Ở Hton-Bo-Quay có một ngôi nhà thờ gỗ được dựng năm 1900 nhưng được xây lại bằng gạch năm 1932. Nhà thờ bằng bê tông được khởi công xây dựng vào tháng 1-2016 và Đức cha Justin Saw Min Thide của Hpa-an làm phép nhà thờ vào ngày 29-12-2017, theo tài liệu của Giáo hội.
Giáo phận Hpa-an thuộc miền đông nam Myanmar hiện có 24 linh mục, 37 nam nữ tu sĩ và 73 giáo lý viên phục vụ khoảng 20.000 người Công giáo trong bang có 1,5 triệu dân, theo niên giám Giáo hội Myanmar.
Làng Hton-Bo-Quay, cách Hpa-an 25 km, có khoảng 700 người Công giáo Tamil. Người Tamil sống ở đó từ năm 1823, theo thống kê của Giáo hội. Họ trồng lúa và đậu, và chăn nuôi để sinh sống.
Ngôi làng nằm giữa các làng Phật giáo và Hồi giáo ở Kayin, và họ có quan hệ tốt đẹp với nhau, theo cha Htun.
Hton-Bo-Quay bị ảnh hưởng lũ lụt gần đây do mưa lớn trong bang Kayin, và nhà cửa, đồng ruộng và ngay cả nhà thờ cũng bị ảnh hưởng lũ. Tổ chức Bác ái Xã hội Karuna của Hpa-an đã phát gạo cho dân làng bị ảnh hưởng.
Người Công giáo Tamil từ Hton-Bo-Quay chuyển đến Yathaepyan, một ngôi làng Phật giáo gần đó, năm 1954 sau khi làng của họ bị phóng hỏa do xung đột. Họ trở về nhà năm 1956 khi tình hình đã ổn định.
Bang Kayin bị ảnh hưởng nội chiến trong hơn 60 năm qua. Liên minh Dân tộc Karen đã chống lại quân đội Myanmar từ khi đất nước này giành độc lập từ Anh quốc năm 1948.
Người Tamil là người bản xứ trong bang Tamil Nadu thuộc miền nam Ấn Độ cũng như quốc đảo Sri Lanka.
Người Tamil được thực dân Anh đưa đến Myanmar, chiếm khoảng 2% trong số 51 triệu dân Myanmar. Có khoảng 50.000 người Công giáo Tamil. Nhiều người Tamil buộc phải chạy trốn chế độ độc tài quân sự sau khi cuộc đảo chính của Tướng Ne Win năm 1962.
(UCAN 28.08.2018)
Để lại một phản hồi