Chúa Giêsu đã làm người để giúp con người, vì tội lỗi, bị câm điếc nội tâm, có thể nghe tiếng Chúa và đến lượt mình, con người học nói thứ ngôn ngữ của tình yêu khi biến nó thành những cử chỉ của lòng quảng đại và trao tặng chính bản thân mình.
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 09.09.2018, dựa trên bài Tin mừng, ĐTC Phanxicô mời gọi khoảng 30 ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô: bên cạnh việc chữa lành bệnh tật thể xác, cần chữa lành sự sợ hãi khiến chúng ta xa tránh người bệnh và người đau khổ, để dám “mở lòng” mình ra trước tiếng nói Tình yêu của Chúa và anh em bằng chính sự quảng đại và trao tặng chính bản thân mình.
Làm điều tốt cách âm thầm, không phô trương
Đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay (x. Mc 7,31-37) thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc một cách lạ lùng. Người ta mang đến cho Chúa Giêsu một người câm điếc và xin Người đặt tay trên anh ta. Nhưng Chúa Giêsu lại thực hiện những cử chỉ khác với lời họ yêu cầu: Người dẫn anh ta ra xa khỏi đám đông. Trong trường hợp này, cũng như những trường hợp khác, Chúa Giêsu luôn hành động cách kín đáo. Người không muốn gây sự chú ý đối với dân chúng; Người không tìm kiếm sự nổi tiếng hay thành công, nhưng chỉ muốn làm điều tốt cho con người. Với thái độ này, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng điều tốt được thực hiện cách âm thầm, không cần phô trương.
Chúa Giêsu nhập thể hiểu và chữa lành đau khổ của con người
Khi Chúa Giêsu và người câm điếc đi xa khỏi đám đông dân chúng, Người đặt các ngón tay vào lỗ tai của người câm điếc và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Hành động này ám chỉ đến biến cố Nhập thể. Con Thiên Chúa là một con người hòa nhập hoàn toàn vào thực tại nhân sinh, do đó Người có thể hiểu tình trạng đau khổ của người khác và can thiệp bằng một hành động có liên quan đến toàn thể nhân loại. Đồng thời, Chúa Giêsu muốn người ta hiểu rằng phép lạ được thực hiện nhờ sự hiệp nhất của Người với Chúa Cha: vì vậy, Người ngước mắt lên trời. Rồi Người thở dài và nói lời quyết định: “Ép-pha-tha”, nghĩa là “Hãy mở ra”. Và ngay lập tức, người đàn ông được chữa lành: tai anh mở ra, lưỡi anh như hết bị buộc lại. Việc chữa lành đối với anh là một sự “mở ra” với người khác và với thế giới.
Chữa lành sự sợ hãi xa tránh tha nhân đau khổ
Bài trình thuật này nhấn mạnh sự cần thiết của một sự chữa lành kép. Trước hết là sự chữa lành bệnh tật và đau khổ thể lý, để phục hồi sức khỏe của thân xác; ngay cả nếu mục đích này không thể thực hiện được nơi trần gian, dù cho những nỗ lực của khoa học và y học. Nhưng còn có sự chữa lành thứ hai, có thể là khó khăn hơn, và đó là sự chữa lành khỏi sợ hãi khiến chúng ta xa tránh người bệnh, người đau khổ, người khuyết tật. Có rất nhiều cách thức xa tránh, ngay cả dưới hình thức của lòng thương xót giả tạo hay việc giải quyết loại bỏ vấn đề; người ta cứ câm điếc trước đau khổ của những người bị đau khổ vì bệnh tật, khốn khổ và khó khăn. Nhiều lần, người bệnh và người đau khổ trở thành một vấn đề đối với chúng ta, trong khi lẽ ra đây phải là cơ hội để bày tỏ sự quan tâm và liên đới của một xã hội đối với những người yếu đuối nhất.
“Ép-pha-tha” – Hãy mở lòng mình ra với Thiên Chúa và anh em
Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta thấy bí mật của một phép lạ mà cả chúng ta cũng có thể lập lại khi chúng ta chính là những người thực hiện những hành động “Ép-pha-tha”, “hãy mở ra”, lời nói mà chính Chúa Giêsu đã dùng để trao ban lại lời nói và thính giác cho người câm điếc. Đó là “mở lòng” mình ra trước những nhu cầu của các anh chị em đau khổ và cần sự giúp đỡ, bằng cách thoát ra khỏi sự ích kỷ và trái tim đóng kín của chúng ta. Chính con tim, hạt nhân sâu thẳm của con người, là điều mà Chúa Giêsu đã đến để mở ra, để giải phóng, để làm cho chúng ta có khả năng sống tràn đầy mối liên hệ với Chúa và với tha nhân. Chúa Giêsu đã làm người để giúp con người, do tội lỗi, trở nên câm điếc, có thể lắng nghe tiếng Chúa, tiếng của Tình yêu nói với trái tim mình và như thế, đến lượt mình, con người học nói thứ ngôn ngữ của tình yêu khi biến nó thành những cử chỉ của lòng quảng đại và trao tặng chính bản thân mình.
Xin Mẹ Maria, Người đã hoàn toàn “mở” mình ra với tình yêu của Chúa, giúp cho chúng ta cảm nghiệm mỗi ngày, trong đức tin, phép lạ “Ép-pha-tha”, để sống hiệp thông với Thiên Chúa và với các anh chị em.
Hồng Thủy
(VaticanNews 09.09.2018)
Để lại một phản hồi