ĐTC Phanxicô dâng Thánh lễ tại quảng trường Tự do ở Tallin, Estoni

ĐTC mời gọi dân Estoni sống sự tự do đích thực của dân được tuyển chọn, của dân tộc thánh thiện, tìm kiếm Thiên Chúa và làm phong phú cho tha nhân.

    

Lúc gần 4 giờ chiều thứ ba 25-09, ĐTC Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại quảng trường Tự do ở thủ đô Tallin của Estoni, với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu. Đây là Thánh lễ lễ biệt kính Chúa Thánh Thần.

 Trong bài giảng, ĐTC nhắc nhớ thân phận của dân Estoni phần nào cũng như dân tộc Do thái được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập như được thuật trong bài đọc thứ I trích từ sách Xuất Hành (Xh 19,3-8a.16-20b). Ngài nói: ”Anh chị em đã từng trải qua cuộc chiến đấu cho tự do, và có thể đồng hóa với dân tộc Do thái. Vì thế, chúng ta nên lắng nghe điều Thiên Chúa nói với Môisê để hiểu điều Chúa nói với chúng ta như một dân tộc:

Kitô hữu là một chọn lựa sống tự do, viên mãn

”Dân tộc đến núi Sinai là một dân tộc đã từng biết tình thương của Thiên Chúa đối với dân, được biểu lộ qua những phép lạ và những việc diệu kỳ; đó là một dân tộc đã quyết định ký kết một giao ước tình yêu vì Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương họ trước và biểu lộ tình yêu ấy cho họ. Họ không bị bó buộc, vì Thiên Chúa để họ được tự do. Khi chúng ta nói mình là Kitô hữu, chúng ta đón nhận cả một lối sống, chúng ta làm điều ấy không bị cưỡng bách, nhưng nhất là chúng ta biết rằng đề nghị của Thiên Chúa không làm cho chúng ta bị tước đoạt điều gì, trái lại còn mang lại cho chúng ta sự viên mãn, tăng cường mọi khát vọng của con người. Một số người cho rằng mình được tự do khi sống không có Thiên Chúa hoặc tách biệt khỏi Ngài. Họ không thấy rằng làm như thế, họ bước đi trong cuộc sống này như những người mồ côi, không có nhà để trở về…  Như dân tộc đã ra khỏi Ai Cập, chúng ta có nhiệm vụ lắng nghe và tìm kiếm.

Luân lý đạo đức: dấn thân với tha nhân

”Nhiều khi một số người nghĩ rằng ngày nay sức mạnh của một dân tộc được đo lường bằng những tiêu chuẩn khác. Có người nói to hơn, và khi nói như thế, họ có vẻ chắc chắn hơn, không nhượng bộ cũng chẳng do dự: có người thì la ó, đe dọa bằng võ khí, bố trí các đoàn quân, các chiến lược.. để ra vẻ là mạnh hơn. Nhưng đó không phải là tìm kiếm thánh ý Chúa, mà là một sự tích lũy để áp đặt người khác dựa trên sự giàu sang của mình. Thái độ đó hàm chứa một sự phủ nhận luân lý đạo đức và qua đó phủ nhận cả Thiên Chúa. Vì luân lý đạo đức đặt chúng ta trong tương quan với một vị Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta một câu trả lời tự do và dấn thân đối với tha nhân, với môi trường của chúng ta.. Anh chị em đã không chinh phục tự do để rốt cục trở thành nô lệ cho sự tiêu thụ, chủ nghĩa cá nhân hoặc khát vọng quyền lực và thống trị.

Khao khát của chúng ta được thành toàn nơi Thiên Chúa

ĐTC cũng nhận xét rằng: “Thiên Chúa biết các nhu cầu của chúng ta, những nhu cầu mà chúng ta thường che giấu đàng sau ước muốn sở hữu; cả những bất an của chúng ta cũng được khắc phục nhờ quyền lực. Sự khát khao đó ở trong tâm hồn mỗi người, và Chúa Giêsu, – như chúng ta đã nghe trong Phúc Âm, khích lệ chúng ta hãy vượt thắng sự khát khao đó trong cuộc gặp gỡ với Ngài. Chính Chúa có thể làm cho chúng ta thoả mãn, làm cho chúng ta được tràn đầy sự phong phú nhờ nước của Ngài, nhờ sự tinh tuyền, và sức mạnh đảo lộn của Ngài. Đức tin cũng là nhận thức Chúa hằng sống và yêu thương chúng ta, không bỏ rơi chúng ta, và vì thế Ngài có khả năng can thiệp một cách huyền nhiệm trong lịch sử chúng ta. Ngài rút điều thiện từ điều ác nhờ quyền năng và sức sáng tạo vô biên của Ngài.

Dân được tuyển chọn

ĐTC nhắc lại sự kiện trong sa mạc, dân Israel đã rơi vào cám dỗ tìm kiếm các thần khác, thờ lạy bò vàng, tín thác nơi sức mạnh của mình. Nhưng Thiên Chúa luôn tái lôi kéo họ, và họ nhớ lại những điều đã nghe và thấy trên núi. Giống như dân ấy, cả chúng ta cũng biết mình là một dân được tuyển chọn, dân tư tế và thánh thiện (Xc Xh 19,6, 1 Pr 2,9). Chính Thánh Linh nhắc nhớ chúng ta tất cả những điều ấy.

Dân tộc thánh thiện

ĐTC đặc biệt kêu gọi các tín hữu hãy ra đi như những tư tế do bí tích rửa tội. Ra đi để thăng tiến quan hệ với Thiên Chúa, cổ võ một cuộc gặp gỡ yêu thương vì Đấng đang kêu lên ”Các con hãy đến cùng Ta” (Mt 11,28). Sau cùng là làm chứng mình là một dân tộc thánh thiện.

 ĐTC cảnh giác rằng: ”Chúng ta có thể rơi vào cám dỗ nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ là điều dành cho một số người. Trong thực tế, tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh bằng cách sống yêu thương và mỗi người làm chứng tá trong những công việc hàng ngày, nơi ta sinh sống (Gaudete et exsultate 14). Nhưng cũng như nước trong sa mạc không phải là của riêng cá nhân, nhưng là của cộng đồng, như manna không thể tích lũy vì sẽ bị hỏng, cũng vậy sự thánh thiện sống thực được mở rộng, lan ra và làm phong phú tất cả những gì ở cạnh.

Sự thánh thiện lan tỏa và làm phong phú

Ngày hôm nay, chúng ta chọn nên thánh bằng cách chữa lành những vùng ngoài lề và khu ngoại biên trong xã hội chúng ta, nơi người anh em chúng ta nằm bẹp và chịu tình trạng bị loại trừ. Chúng ta đừng để người đến sau chúng ta phải chạy đến cứu giúp họ và dồn cho các tổ chức phải giải quyết vấn đề. Chính chúng ta là những người nhìn thẳng vào người anh em, giơ tay ra để nâng họ trỗi dậy, vì nơi họ có hình ảnh Thiên Chúa, là người anh em đã được Chúa Giêsu cứu chuộc. Đó là ý nghĩa của Kitô hữ và sự nên thánh hằng ngày.”

 Thánh lễ kết thúc lúc 6 giờ chiều và sau khi ban phép lành và từ giã các tín hữu, ĐTC ra phi trường quốc tế của thành phố Tallin để đáp máy bay trở về Roma.

Giuse Trần Đức Anh O.P

(VaticanNews 25.09.20018)

PopeFrancis-25Sep2018-02.jpg

PopeFrancis-25Sep2018-03.jpg

PopeFrancis-25Sep2018-04.jpg

PopeFrancis-25Sep2018-05.jpg

PopeFrancis-25Sep2018-06.jpg

PopeFrancis-25Sep2018-07.jpg

PopeFrancis-25Sep2018-08.jpg

PopeFrancis-25Sep2018-09.jpg

PopeFrancis-25Sep2018-10.jpg

PopeFrancis-25Sep2018-11.jpg

PopeFrancis-25Sep2018-12.jpg

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*