Lần Chuỗi Mân Côi – một việc đạo đức đang bị giới trẻ “xếp xó”

Trong đời sống của Giáo Hội, có hai việc tôn thờ Thiên Chúa: thứ nhất là Phụng Vụ, thứ hai là các việc đạo đức bình dân. Việc Phụng Vụ là việc thờ phượng Thiên Chúa một cách chính thức của Giáo Hội, gồm Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể và Giờ Kinh Thần Vụ. Còn các việc đạo đức bình dân gồm có viếng Thánh Thể, lần hạt Mân Côi, đi Đàng Thánh Giá, rước kiệu… Gọi là “bình dân” vì ai cũng có thể làm được, và có thể làm được mọi nơi mọi lúc.

Trong các việc đạo đức bình dân, thiết nghĩ lần chuỗi Mân Côi là việc có giá trị nhất. Vì sao? Vì khi lần chuỗi Mân Côi là ta lặp đi lặp lại những lời kinh trọng nhất, đẹp nhất trong đạo. Bắt đầu là Kinh Lạy Cha, lời kinh do chính Chúa Giêsu dạy, lời kinh trọng nhất. Và tiếp đến là 10 kinh Kính Mừng, vốn là lời kinh cũng có nguồn gốc từ Tin Mừng. Đi kèm là việc luân phiên suy gẫm 20 mầu nhiệm Tin Mừng gắn liền với công trình nhập thể và cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, trong đó Đức Mẹ luôn luôn góp phần một cách trực tiếp.

Đó là lý do tại sao Mẹ Maria rất yêu thích chuỗi Mân Côi. Và đó cũng là lý do tại sao, ta thấy rằng, mỗi lần hiện ra nơi này nơi nọ, Mẹ Maria đều cầm tràng chuỗi Mân Côi trên tay, và luôn nhắc nhở con cái của Mẹ lần chuỗi Mân Côi: ở Fatima, ở Lộ Đức, hay ở La Vang đều như thế!

Tuy nhiên, thực tế ngày hôm nay giới trẻ và cả giới trung niên rất lười lần Chuỗi Mân Côi, đặc biệt nam giới. Tất cả đều có chung một “họ” là họ “lười”. Nguyên nhân tại sao? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng thiết tưởng có ba nguyên nhân chính.

– Thứ nhất là do não trạng chung, người ta vốn xem thường các việc đạo đức bình dân.

Vì là bình dân, nên nhiều người cho là bình thường, thậm chí là tầm thường, là việc của mấy bà già. Cơm bình dân thì giới bình dân ăn; việc đạo đức bình dân thì người bình dân làm. Đọc kinh, viếng Chúa, đi Đàng Thánh Giá đã mệt, lại còn mất công, tốn thời gian. Lần hạt thì toàn lặp đi lặp lại những kinh nhàm chán và buồn ngủ; trong khi đó cuộc sống hôm nay có những thứ khác hấp dẫn hơn, lý thú hơn nhiều. Rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ vẫn thường suy nghĩ như thế! 

– Thứ hai là do cuộc sống ngày hôm nay vốn nhiều bận bịu lo toan, nhất là việc học hành, làm ăn.

Người lớn thì căng thẳng vì chuyện cơm áo gạo tiền, hay vì chuyện công ăn việc làm, có khi phải tăng ca tăng kíp, có khi làm ngày không đủ phải tranh thủ làm đêm. Người trẻ thì bù đầu vào chuyện học hành: học chính khóa, học thêm, học tăng cường, học phụ đạo, học nâng cao… Tất cả những thứ đó đã khiến cho nhiều người cảm thấy mệt mỏi sau một ngày làm việc, hay học hành; vì thế mà họ không còn hứng thú, hay sốt sắng để làm các việc đạo đức nữa.

– Thứ ba là do các thú vui giải trí từ ngành công nghệ truyền thông.

Đây là lý do chính. Rảnh rang được giờ nào là xem Tivi, chat chit, lướt web, hay chơi game. Tivi thì nhiều chương trình, nhiều kênh đài phong phú và hấp dẫn, phát sóng 24/24. Đặc biệt những chương trình nóng, “hot” lại rơi vào những giờ vàng, giờ Kinh Lễ, khiến cho người ta không sao rời khỏi cái màn hình Tivi – con quái vật một mắt. Nếu rời được cái Tivi thì quay sang ôm cái điện thoại, là thứ mà lúc nào cũng kè kè bên mình: hết gọi điện lại nhắn tin, hết nhắn tin lại chơi game, hết chơi game lại nghe nhạc, hết nghe nhạc lại selfie. Chưa hết, dứt được cái điện thoại, lại chụp ngay cái máy vi tính: lướt web, chat chit, xem phim, chơi game thỏa thích, v.v…

Ngày hôm nay không ai phủ nhận những tiện ích lớn lao từ cuộc cách mạng công nghệ thông tin mà Apple, Microsoft… mang lại cho con người. Thế nhưng, có thể nói Apple, Microsoft đang là những “nhà vô địch” trong việc “đánh cắp” các linh hồn. Dĩ nhiên, chính những người sử dụng các phương tiện, cũng có phần trách nhiệm vì đã “thỏa hiệp” với những “kẻ đánh cắp” ấy.

Viện cớ cuộc sống có nhiều áp lực và căng thẳng, nên cần giải trí, cần thứ giãn, và dần dà người ta sa đà và bị cuốn vào những thứ giải trí thường vô bổ. Hậu quả là gì? Hậu quả là các thứ này sẽ lấy hết những khoảng thời gian rảnh rỗi ít oi, và cũng xâm chiếm hết tâm trí của con người, khiến cho người ta không còn trí lòng nào, khoảng trống nào cho Chúa Mẹ và cho các việc đạo đức. Cầm điện thoại thích thú hơn cầm sách Lời Chúa, lướt web lý thú hơn lần hạt, chat chit chí thú hơn đọc kinh, v.v… Đây là một thực tế đối với nhiều bạn trẻ ngày nay.

Có thể nói chính vì những nguyên nhân trên mà lớp trẻ ngày nay đang bắt đầu rơi vào một cuộc “đại khủng hoảng” về các việc đạo đức, xa hơn sẽ là một “thảm họa” về đời sống thiêng liêng. Cứ thử xem trong giáo xứ có bao nhiêu bạn trẻ còn lần chuỗi Mân Côi mỗi tối, bao nhiêu thanh thiếu niên còn viếng Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày thì sẽ thấy thảm họa về đời sống thiêng liêng là không còn xa. Ai phải chịu trách nhiệm?

Người đầu tiên phải chịu trách nhiệm chính là các bậc làm cha mẹ. Vậy cần chấn hưng thế nào đây?

– Trước hết, các bậc cha mẹ hãy quản lý con cái của mình, quản lý cái Tivi và cái máy vi tính. Đừng cho con cái mua sắm những cái điện thoại đắt tiền, nhiều chức năng…. Chúng sẽ tiêu tốn hết thời gian rảnh rỗi của nó vào những chuyện vô bổ, tả pí lù. Bởi vì chúng chưa biết làm chủ bản thân, chưa biết sử dụng đúng đắn. Thay vì những phương tiện đó đem lại những cái hay cái được, thì lại đem đến những cái dở cái mất: mất giờ, mất tiền, mất sức và mất nết.

– Sau nữa, chính cha mẹ hãy nêu gương sáng cho con cái mình. Đây là điều quan trọng nhất. Mai sau ra trước tòa phán xét, Chúa sẽ hỏi các bậc cha mẹ về trách nhiệm này, trách nhiệm răn dạy và làm gương sáng cho con cái của mình. Cha mẹ mà không có lòng yêu mến Chúa, không đọc kinh lần chuỗi thì khó mà mong con cái có được lòng yêu mến Chúa và yêu mến Chuỗi kinh Mân Côi.

Vậy nếu ta chưa có thói quen làm các việc đạo đức bình dân, hoặc đã đánh mất thói quen tốt lành là lần chuỗi Mân Côi, do lười biếng, hay do xem nhẹ, thì tháng Mân Côi là dịp rất thuận tiện để bắt đầu tập thói quen, hoặc bắt đầu lại thói quen tốt lành ấy.

Xin Chúa giúp chúng ta có quyết tâm cụ thể trong tháng Mân Côi này và nỗ lực để thực hành, hầu kéo ơn Chúa, ơn Mẹ xuống trên gia đình và gia tộc mình; đồng thời giúp con cái mình tìm lại nguồn sức sống thiêng liêng.
 

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*