Phòng khám của Giáo hội cứu giúp những người túng thiếu ở Myanmar

Phòng khám Thánh Phanxicô Xaviê ở Mandalay chăm sóc những người cơ cực và giúp lấp khoảng trống trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia

Kết quả hình ảnh cho Myanmar
Cha Dominic Thiha đang khám răng cho một nữ tu Công giáo tại phòng khám Thánh Phanxicô Xaviê ở Mandalay,

thành phố lớn thứ 2 của Myanmar, hôm 9-10. Ảnh: ucanews.com

Vào một buổi sáng trời mưa hồi tháng 9, hàng chục bệnh nhân bao gồm các nữ tu Công giáo ngồi trong phòng đợi của phòng khám ở Mandalay trong khi một y tá đo huyết áp cho bệnh nhân.

Trong một căn phòng nhỏ ở tầng 2, cha Dominic Thiha, nha sĩ phụ trách Phòng khám Thánh Phanxicô Xaviê thuộc tổng giáo phận Mandalay trong thành phố lớn thứ 2 của Myanmar, đang bận điều trị răng hàm cho một tu sĩ Phật giáo.

Vị linh mục hoan nghênh mọi người thuộc tất cả các tôn giáo và sắc tộc và chỉ lấy lệ phí không đáng kể, chăm sóc “dựa trên nguyên tắc lòng bác ái và nhân hậu”, ngài nói.

Mục đích của phòng khám là bổ sung những chỗ trống trong hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng của Myanmar, vốn gần như sụp đổ do sự quản lý yếu kém của quân đội trong 6 thập niên qua, theo các nhà chỉ trích.

Gần 1/3 ngân sách quốc gia được chi cho quân đội, trong khi chỉ dành 1% cho việc chăm sóc sức khỏe.

Tình hình được cải thiện từ khi người đoạt Giải Nobel Hòa bình bà Aung San Suu Kyi được bổ nhiệm làm Cố vấn Nhà nước đầu tiên từ trước đến nay vào tháng 4-2016, theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực với quân đội.

Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe chiếm 5,23% ngân sách quốc gia trong năm tài chính 2017 nhưng đây chỉ là một con số không đáng kể so với tiêu chuẩn thế giới và ngay cả trong khu vực.

Cha Thiha cho biết ngài khám bệnh cho khoảng 180 bệnh nhân một tháng tại phòng khám bao gồm người Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo, nhưng đa số là người Công giáo.

Mặc dù ngài là một nha sĩ chuyên nghiệp, phòng khám còn điều trị những người bị cao huyết áp, bị bệnh phổi hay gan cũng như những người bị các triệu trứng như sốt và tiêu chảy.

Những trường hợp nghiêm trọng hơn được chuyển đến bệnh viện nhà nước gần đó.

“Chúng tôi chỉ tính tiền khám khoảng 1.000 Kyat (0,64 Mỹ kim) đến 2.000 Kyat, nhưng chúng tôi miễn tất cả các loại phí cho những người không có khả năng chi trả, bao gồm tiền thuốc” cha Thiha nói với ucanews.com.

Các tình nguyện viên Công giáo phụ giúp phòng khám, mở cửa từ 8 giờ sáng đến 19 giờ, từ thứ Hai đến thứ Bảy. Hiện nay phòng khám có 9 bác sĩ, 5 nha sĩ, hơn 10 y tá và một số dược sĩ. Lệ phí được dùng để phụ giúp kinh phí đi lại cho các bác sĩ.

Phòng khám là một tòa nhà 3 tầng nằm trong khuôn viên nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê, chỉ cách bệnh viện đa khoa 2 dãy nhà. Bệnh viện đa khoa ở đây nổi tiếng quá tải với thời gian chờ đợi thường kéo dài đến nhiều giờ.

“Ở đây chúng tôi giúp bệnh nhân được điều trị nhanh chóng và dễ dàng, ngoại trừ các ca cấp cứu hay phẫu thuật”.

Nữ tu Emilie Cing, thủ quỹ phòng khám, cho biết phòng khám dùng các khoản đóng góp từ một số nhà hảo tâm địa phương và các gia đình Công giáo giàu có ở thành phố để chi trả lương cho nhân viên và mua thuốc.

Tổng giáo phận Mandalay còn trao tặng một triệu Kyat để giúp trả chi phí vận hành, nhưng nhân viên ở đây cho biết họ không đủ sống.

Nữ tu thuộc dòng Các Nữ tu Phanxicô Thánh Aloysius, cho biết thách thức chính là thiếu tài trợ và trang thiết bị. Sơ hy vọng mở rộng phòng khám để phòng khám có thể thực hiện nhiều chức năng cơ bản hơn.

Phòng khám do 2 bác sĩ mở năm 2003 và mở cửa lại vào cuối năm 2016 sau khi tòa nhà này bị lửa thiêu rụi toàn bộ đồ đạc bên trong hồi tháng 1-2014.

Công ty dược Denk Pharma giúp trả chi phí cho công việc phục hồi tòa nhà, một phần là nhờ công lao của một người Công giáo người Đức làm giám đốc điều hành và sinh sống tại Myanmar. Ông còn quyên góp tiền tài trợ từ bạn bè và mạng lưới ở châu Âu.

Từ năm 2015, cha Thiha cùng với một nhóm thuộc ủy ban chăm sóc sức khỏe của tổng giáo phận Mandalay đưa “phòng khám di động” đến các làng đa số Công giáo một tháng một lần để giúp những người không thể đến phòng phám ở trung tâm.

Ngài cho biết bước tiếp theo ngài sẽ cố gắng kiếm tiền tài trợ để mở một phòng phẫu thuật nhỏ và đào tạo các phụ nữ Công giáo trẻ về các kỹ năng cần thiết để làm y tá, nhằm làm cho phòng khám mang tính bền vững hơn.

Để thực hiện mục đích này, cha Thiha đang liên lạc với tất cả các giáo xứ trong khu vực và mời gọi người Công giáo tham gia 3 tháng đào tạo và 3 tháng “thực tập” tại phòng khám.

“Chúng tôi làm hết sức mình để chăm sóc bệnh nhân mặc dù có nhiều hạn chế”, ngài nói.

Giáo hội còn có các phòng khám tương tự hoạt động ở các giáo phận Lashio, Loikaw, Mandalay, Myitkyina và Yangon, ngài cho biết thêm.

(UCAN 24.10.2018)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*