Sống tâm tình biết ơn khác việc tổ chức mừng dịp tạ ơn

Tư tưởng biết ơn, dâng lời tạ ơn và dâng lễ vật cảm tạ được lặp đi lặp lại trong Thánh Kinh nhiều lần, tất cả là 195 lần. Tác giả Thánh vịnh 116 trong lời kinh tạ ơn có ghi lại: “Biết lấy gì đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho” (Tv 116:12).


Kết quả hình ảnh cho cảm tạ chúaNgôn sứ Isaiah nhắc nhở cho dân chúng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những gì Người đã làm cho họ (Is 63:7). Thánh Phaolô thì khuyên giáo hữu Côlôxê đối xử với nhau bằng tâm tình biết ơn lẫn nhau nên phải: “Có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì phải trách móc người kia” (Cl 3: 12-13). Còn trinh nữ Maria thì dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã làm những việc trọng đại nơi mình bằng cách ra đi phục vụ bà chị họ đang mang thai trong tuổi cao niên (Lc 1:39-44). Khi còn tại thế, Ðức Giêsu cũng thường dạy các môn đệ sống tâm tình tạ ơn. Khi ngồi vào bàn ăn, Đức Giêsu  cầm lấy bánh, dâng lời cảm tạ (Mt 15:36; Mc 8:6; Ga 6:11). Khi lập Bí tích Thánh thể trong bữa Tiệc Li, Người cũng cầm bánh, dâng lời tạ ơn (Lc 22:19), rồi cầm chén rượu cũng dâng lời cảm tạ (Mt 26:27; Mc 14:23).

Đức Giêsu còn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha đã ban cho những người bé mọn được hiểu biết về màu nhiệm Nước Trời. Còn những người khôn ngoan, thông thái lại không lãnh hội được. Ðiều được tiết lộ cho những người này, thì lại bị giấu kín khỏi những người khác.

Vậy thì đâu là sự khác biệt và tại sao có sự khác biệt về sự không ngoan và thông thái với trí khôn loài người? Việc Thiên Chúa bày tỏ cho loài người qua Thánh Kinh là kho tàng chung của nhân loại, nghĩa là ai cũng có thể mua cuốn Thánh Kinh để đọc lời Chúa, nếu có tiền. Tuy nhiên chỉ có những người mở rộng tâm hồn, những người khiêm tốn trước quyền lực siêu nhiên, mới có thể lãnh hội được lời Chúa.

Ðó chính là ý nghĩa lời Chúa phán trong Phúc âm Thánh Mát-thêu: ‘Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan và thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn’ (Mt 11:25).

Chẳng thế mà văn hào Blaise Pascal mới đặt bút viết: “Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, không phải là Thiên Chúa của các triết gia, những nhà thông thái”. Pascal là nhà thông thái, nhà toán học, nhà vật lí học, nhà tranh luận và triết gia, mà đã nói lên điều đó. Sinh năm 1662 tại Pháp quốc, Ông mồ côi mẹ lúc 3 tuổi. Thân phụ là nhà toán học nổi tiếng, đích thân nuôi dạy Pascal và hai em, đem các con về Balê khi Blaise được 8 tuổi. Khi chứng kiến phép lạ cháu gái Marguerite Périer, 10 tuổi được chữa lành khỏi bệnh chảy nước mắt, Ông biên soạn tác phẩm Pensées, nói lên đức tin của mình: “Scio cui credidi” (Tôi biết tôi đặt niềm tin vào Đấng Cứu thế), một tác phẩm được coi là một trong những kiệt tác của văn học Pháp. Từ năm 18 tuổi, ông bị bệnh đau đầu thường xuyên. Lúc 24 tuổi, ông bị liệt phải chống gậy. Sinh thời, Ông tự nguyện sống khổ hạnh. Câu nói để đời của Ông thường được trích dẫn là: “Con tim có những lí lẽ riêng của nó mà lí trí không hiểu được” ( Le coeur a ses raisons que la raison ne comprends pas – The heart has its arguments that reason does not understand ). 

Trước khi nhắm mắt lìa đời vào tuổi 39, Ông xin được xức dầu thánh và cầu nguyện: “Con xin Chúa đừng bao giờ bỏ con”. Đời sống thiêng liêng và trí thức của Paschal được nhiều vị giáo hoàng thán phục. Ngày 08 Tháng 07, 2017, Giáo hoàng Phanxicô chấp thuận tiến hành án phong chân phước cho triết gia Blaise Pascal.

Vậy có phải Thiên Chúa giấu giếm, không cho bậc khôn ngoan, thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời không? Nếu Chúa xử với bậc khôn ngoan và thông thái như vậy thì có vẻ Chúa không công bằng với họ vì chính Chúa đã tạo dựng nên người khôn ngoan và thông thái. Và nếu như vậy thì kể là cũng tội nghiệp cho họ.

Thực ra thì Thiên Chúa bầy tỏ cho tất cả mọi người về màu nhiệm Nước Trời, nhưng chỉ có những người khiêm tốn và mở rộng tâm hồn để đón nhận sự thật và quyền năng siêu việt mới lãnh hội được mà thôi.

Chúa tạo dựng con người, nhưng Chúa ban cho con người ý chí tự do lựa chọn. Những người khôn ngoan và thông thái mà cậy mình kiêu ngạo, thường không muốn tuỳ thuộc vào Chúa. Khi người ta không muốn tuỳ thuộc vào Chúa là chính lúc mà mầu nhiệm Nước Trời bị cất giấu khỏi họ.

Khi mà tâm trí người ta đầy ắp những thứ mà người ta cho là của mình, thì những gì thuộc thiên giới không còn chỗ mà vào. Còn những người khôn ngoan và thông thái mà có lòng khiêm tốn và mở rộng tâm hồn thì vẫn có thể tìm đến Chúa để tiếp nhận màu nhiệm Nước Trời. Họ là những người to lớn về trí tuệ, mà lại bé mọn về tâm hồn. Bé mọn theo nghĩa Thánh Kinh là đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác vào Chúa.

Tâm tình tạ ơn nảy sinh từ tâm tình đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác

Tâm tình đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác vào Chúa sẽ nảy sinh ra tâm tình  biết ơn / cảm tạ. Tạ ơn nói lên nhu cầu thiếu thốn, nên muốn tuỳ thuộc vào Chúa. Đó là tâm tình của người: “Uống nước nhớ nguồn” hoặc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Ðể có thể đến với Chúa và đặt niềm tin cậy vào Người như trẻ nhỏ phó thác vào cha mẹ, người ta cần có những đức tính của trẻ nhỏ như: đơn sơ, tuỳ thuộc và phó thác. Khi lớn lên với những của cải giàu sang, với sự hiểu biết sâu rộng và quyền hành to lớn, người ta có hai lựa chọn: hoặc là người ta bớt tùy thuộc vào Chúa, không còn muốn tuỳ thuộc vào Chúa. Hoặc người ta vẫn muốn tuỳ thuộc vào Chúa, tuỳ theo mức độ người ta gắn bó với của cải, quyền thế hoặc tài trí. Tâm tình tạ ơn được biểu lộ trên nét mặt, trong thái độ và cử chỉ của người nhận ơn đối với Đấng ban ơn và người làm ơn.

Một tâm hồn kiêu căng, tự phụ không thể có được tâm hồn biết ơn / cảm tạ. Tâm tình biết ơn bắt đầu bằng việc biết ơn về những ơn huệ nhỏ, rồi đến ân huệ lớn, chứ không phải chỉ biết ơn về những ơn huệ lớn nhận được, còn những ơn huệ, những tài năng, những của cải nhỏ bé nhận được, người ta lại coi thường hoặc bất mãn. Khi người ta biết ơn Chúa về sự vật hay ân huệ gì: lớn hoặc nhỏ, người ta muốn nhớ đến Chúa, muốn tuỳ thuộc vào Chúa.

Tâm tình tạ ơn kéo dài suốt cả ngày sống và cuộc song

Tâm tình tạ ơn là một tâm thức người ta phải có trong suốt cả ngày sống và cuộc sống, ngày cũng như đêm, nghĩa là 24/24 giờ mỗi ngày. Như vậy tâm tình tạ ơn là một tâm thức luôn có trong tâm khảm của mỗi người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống như khi thức giấc, khi làm việc, khi giải trí, khi ăn, khi ngủ trong suốt cả đời sống. Còn hành động tạ ơn như lời cám ơn, việc làm tỏ lòng biết ơn chỉ có vào lúc nào đó trong đời.

Nếu có ai hỏi khi ngủ làm sao mà sống tâm tình tạ ơn. Câu trả lời là khi có tâm tình tạ ơn, người ta sẽ ngủ dưới sự hiện diện của Chúa và dưới sự che chở của thiên thần Chúa. Như vậy tâm tình tạ ơn sẽ thể hiện ra trong tâm tư, trong ước muốn, trong lời nói, việc làm, việc ăn, việc ngủ – ăn ngủ dưới sự hiện diện và trong tâm tình tạ ơn Chúa.

Mỗi người có nhiều lí do để tạ ơn. Những ơn mà người ta nhận được cách chung như là ơn được sinh ra làm người, ơn có nhà ở, việc làm, có cơm ăn áo mặc, ơn được cắp sách đến trường học, ơn được có công ăn việc làm, ơn được nhận lãnh đức tin.  Mỗi người còn nhận được những ân huệ và tài năng khác nhau nữa như tài nói năng hoạt bát, làm thơ bay bướm, đàn ca hát hay, có năng khiếu về văn chương, nghệ thuật, khoa học, âm nhạc, thể thao. Tài năng và ân huệ Thiên Chúa ban phải được phát triển và được dùng để phụng sự Chúa và phục vụ đồng loại.

Tâm tình tạ ơn là một tâm thức về thân phận yếu hèn, mỏng dòn và tội lỗi của mình mà được Chúa thương ban ơn tha thứ. Như vậy, người có tâm tình tạ ơn thì nảy sinh ra tâm tình sám hối và tạ tội, khi nhận thức về tội lỗi được thứ tha. Người có tâm tình tạ ơn hằng tự hỏi sao Chúa dẫn đưa mình từng bước qua những chặng đường gập ghềnh và chông gai của cuộc sống, qua những cơn mây đen bao phủ tâm trí, những giằng co giữa lí trí và con tim để có được ngày hôm nay. Người có tâm thức tạ ơn thường tự hỏi sao mình thua kém bạn bè cùng lứa tuổi về nhiều phương diện trong cuộc sống như trí tuệ, tài năng, phương tiện và gia cảnh, mà bây giờ mình được may mắn hơn họ? Người có tâm thức tạ ơn cũng thường tâm niệm sao Chúa bảo vệ, gìn giữ và cứu sống mình qua những cạm bẫy, hiểm nguy của cuộc sống?

Để áp dụng thực hành thì trong ngày sống, người có tâm tình tạ ơn phải dâng lên Thiên Chúa những lời cảm tạ, những cử chỉ tạ ơn về những hồng ân, những ơn huệ nhận được. Chẳng hạn tạ ơn Chúa cho một ngày đẹp trời, có nắng ấm dưới bầu trời xanh biếc với những vầng mây trắng điểm tô, thêm gió hiu hiu thổi nhè nhẹ và tiếng chim hót véo von. Tạ ơn Chúa cho một giấc ngủ yên lòng, khiến tâm thần được thanh thản. Cảm tạ Chúa cho một bữa ăn ngon lành. Có những người không dám cảm tạ Chúa cho bữa ăn ngon, sợ làm như vậy là mất nhân đức hi sinh hãm mình.

Ði du lịch sang Mĩ, người ta thường nghe thấy hai tiếng cám ơn và xin lỗi trên cửa miệng người bản xứ. Một lời khen họ về bất cứ chuyện gì, họ cũng cám ơn. Sơ ý đụng chạm vào mình, họ cũng xin lỗi. Có lẽ năng cám ơn nhau, cũng phải nhắc nhở cho người ta đừng quyên cám ơn Chúa. Khi Đức Giêsu chữa mười người phong cùi, mà chỉ có một người trở lại cám ơn, mà người đó lại là người ngoại bang, thì Chúa mới hỏi: “Còn chín người kia đâu?” (Lk 17:18). Có lẽ chín người không trở lại tạ ơn Chúa vì họ coi việc Chúa chữa lành cho họ, là bổn phận Chúa phải làm cho họ vì họ là dân được chọn chăng?

Thánh lễ theo nguyên tự Hi Lạp Eucharistos có nghĩa là tạ ơn. Người tín hữu thời Giáo hội sơ khai khi đi dâng lễ, họ mang trong tâm tư ý niệm và tâm tình tạ ơn. Ðối với người tín hữu, đến nhà thờ dâng lễ là cách thế tốt nhất để bầy tỏ tâm tình tạ ơn. Vậy tạ ơn Thiên Chúa mà không đến nhà thờ dâng thánh lễ tạ ơn là một thiếu sót lớn, làm mất đi nhiều ý nghĩa của ngày lễ Tạ ơn vậy.

Tâm tình tạ ơn loại trừ lòng ghen tuông, bất mãn và oán hận

Thường khi gặp những rủi ro, bệnh tật, đau khổ, bất hạnh, người ta hay bất mãn, than trách Trời, Phật và Chúa. Khi thấy người khác có những sự vật và tài năng mà người ta không có, người ta thường nảy sinh lòng ghen tuông, phân bì. Những lời lẽ hoặc thái độ phàn nàn, than trách, phân bì, ghen tuông làm cho mắt người ta bị che đậy lại, không nhìn thấy những chiều sáng của cuộc đời.  Kết quả là người ta nảy sinh ra thái độ tiêu cực như: hận đời và còn hận cả đấng Hoá Công như: “Hoá Công sao khéo trêu ngươi” (Cung Oán Ngâm Khúc) hoặc “Phũ phàng chi bấy Hoá Công” (Thuý Kiều). Khi người ta nhận ra được rằng càng phàn nàn, than trách, càng làm cho người ta khổ thêm, khiến người ta phải suy nghĩ và xét lại. Từ đó có thể là khởi điểm cho cuộc hành trình thay đổi cách nhìn đời.

Với con mắt đức tin, những gì xem ra bề ngoài là rủi ro, thua thiệt, đau khổ có thể mang lại lợi ích cho người ta về đường dài hay về đời sống tinh thần và thiêng liêng. Người có được tâm tình tạ ơn thì nhận thức được rằng Thiên Chúa ban cho ai những nén bạc nào và tới mức độ nào, là quyền tự do của Chúa. Người nhận được nhiều nén bạc thì phải sinh lợi ra nhiều hơn (Mt 25:20-23) để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ đồng loại.

Chỉ khi nào sống trong tâm tình biết ơn, người ta mới nhìn thấy những chiều sáng của cuộc đời. Nếu nhìn quanh, người ta thấy còn biết bao người nghèo đói, thiệt thòi, đau khổ về phần xác và tinh thần. Như vậy phải chăng người ta còn được may mắn hơn nhiều người khác gấp bội. Khi tỏ ra biết ơn đối với những ân huệ nhận được nơi Thiên Chúa, người ta cũng sửa soạn cho mình đón nhận thêm hồng ân của Chúa.

Tâm tình tạ ơn biểu lộ ra bằng việc giúp đỡ, chia sẻ và tha thứ

Tâm tình tạ ơn được biểu lộ ra bằng việc giúp đỡ và chia sẻ: chia sẻ tiền bạc, cuả cải và tài năng. Tâm tình tạ ơn cũng được biểu lộ ra bằng việc tha thứ cho người súc phạm đến mình. Có người đầy tớ kia nợ ông chủ món nợ khổng lồ, mà không trả được, nên van xin ông chủ cho hoãn trả. Đông lòng thương, ông chủ tha luôn món nợ. Tuy nhiên, người đầy tớ này lại không chịu tha thứ cho người bạn, chỉ nợ anh ta số nợ nhỏ, lại còn tống giam người đầy tớ vào ngục tù. Khi câu truyện được trình bày cho ông chủ, người đầy tớ liền bị tống vào ngù tù cho tới khi anh ta trả hết nợ (Mt 18: 24-34). Đức Giê-su dùng cơ hội này để kêu gọi loài người phải thương xót và tha thứ cho nhau như là cơ hội để người ta học bài học của người đầy tớ không chịu tha thứ.

Tâm tình tạ ơn còn được biểu lộ bằng việc bỏ qua những lỗi lầm của người khác đã súc phạm đến mình trong tư tưởng, lời nói và việc làm trong đời sống hằng ngày. Nói lời tạ ơn thôi có thể chỉ là bôi bác bề ngoài, nếu lời cảm tạ không phát xuất tự đáy lòng hoặc không có việc làm đi theo. Lời cám ơn sẽ trở thành hiện thực khi người ta biết đem ra thực hành bằng cách chia sẻ những hồng ân Thiên Chúa ban tặng với người thiếu thốn.

Trên một chuyến bay chở hàng giám mục Hoa Kì sang La mã họp Công Ðồng Vaticanô II, tổng Giám mục Fulton Sheen, một nhà giảng thuyết hùng biện và cự phách trên truyền hình Mĩ, thấy một chiêu đãi viên trẻ đẹp, bèn ghé vào tai cô hỏi có bao giờ cô đã tạ ơn Chúa về sắc đẹp mà Thiên Chúa ban chưa? Sau đó cô đến xin ý kiến tổng Giám mục Sheen xem cô nên làm gì để tạ ơn. Bất chợt không sửa soạn đề nghị cách thế cảm tạ thế nào cho cô, mà lại vừa đọc báo, nghe tin Ðức Cha Cassaigne, Tổng Giám mục Sàigòn xin từ chức để phục vụ người phong cùi tại Di Linh, Ðức Cha Sheen mới đề nghị cô nên sang Việt Nam giúp Đức Cha Cassaigne  phục vụ người cùi ở đây một thời gian để làm dịu bớt những đau khổ và buồn tủi của người xấu số. Thất vọng về lời đề nghị, cô quay ngoắt ra về mà không thèm chào. Ðến năm 1963, báo chí Sàigòn loan tin về một chiêu đãi viên trẻ đẹp, hãng máy bay PANAM Mĩ, tình nguyện sang phục vụ người phong cùi ở trại Di Linh sáu tháng. Nghe tin khi trở về Mĩ, cô này xin vào dòng tu làm “Ma Sơ”, mà cho tới lúc này, tác giả chưa kiểm chứng được.

Tâm tình tạ ơn khác việc tổ chức mừng lễ tạ ơn vào dịp này nọ.

Như đã bàn ở trên, tâm tình tạ ơn kéo dài suốt cả cuộc sống. Còn việc tổ chức mừng lễ tạ ơn vào dịp kỉ niệm nọ kia chỉ có tính cách giai đoạn, chỉ kéo dài một vài giờ hoặc mấy ngày như mừng sinh nhật, mừng lễ ngân khánk, kim khánh linh mục, ngân khánh, kim khánh thành hôn, khấn hứa hoặc thành lập giáo xứ hoặc được thăng chức này nọ.

Việc tổ chức mừng lễ kỉ niệm tạ ơn vào dịp nọ kia có thể được làm vì theo thói quen xã hội. Người ta có thể tổ chức mừng lễ kỉ niệm, dâng lời tạ ơn vào dịp nọ kia, mà không thực sự có tâm tình biết ơn và cảm tạ. Nếu người ta coi những sự vật, của cải, tài năng mình có, là chuyện ngẫu nhiên, họ cũng không thể có được tâm tình biết ơn. Còn tâm tình tạ ơn phát xuất tự thâm tâm mình đối với Đấng Tạo Dựng và điều hành vận mạng đời mình.

Như vậy việc tổ chức mừng lễ tạ ơn và dâng lễ cảm tạ vào dịp này nọ kia thường xuyên hay hằng năm với bằng phép lành xin mãi từ Toà Thánh của Đức Thánh Pha Pha mà thiếu tâm tình tạ ơn, và không sống theo ý Chúa thì không biết có làm đẹp lòng Chúa không?

Ngoài ra tổ chức lễ tạ ơn mà nhắm để kiếm một số tiền mừng hoặc để khoe khoang về phương diện nào đó của cá nhân hay gia đình, thì đã áp dụng sai ý nghĩa của việc tạ ơn. Có giáo xứ kia tổ chức mừng lễ tạ ơn cho ngày kỉ niệm thành lập giáo xứ với hi vọng kiếm được số tiền lời, nhưng không may lại bị lỗ một số tiền lớn.

Có được tâm tình tạ ơn đối với Thiên Chúa mà không có khả năng biểu lộ tác động tạ ơn bằng cách đền ơn Chúa bằng việc giúp đỡ người thiếu thốn, đói khát, khổ sở  thì Chúa cũng hiểu cho. Còn nếu không có tâm tình tạ ơn mà tổ chức mừng lễ tạ ơn vào dịp nọ kia, thì đó chỉ vì làm theo thói quen, theo phong tục xã hội mà thôi.

Có lời Chúa trong Thánh Vịnh dạy rằng: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con. Này con xin đến để làm theo ý Chúa và ấp ủ luật Chúa trong lòng” (Tv 40: 7-9). Lời Thánh Vịnh khác còn dạy: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm hồn đổ vỡ, một tấm lòng đổ vỡ, ăn năn, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51:18-19). 

Lm Trần Bình Trọng

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*