Từ ngày 29.10 đến ngày 03.11.2018_ Phút lắng đọng Lời Chúa

Từ ngày 29.10 đến ngày 03.11.2018_ Phút lắng đọng Lời Chúa29.10.2018

THỨ HAI TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Lc 13,10-17

Lời Chúa:

Chẳng lẽ người con cháu ông Áp-ra-ham này lại không được cởi xiềng xích trong ngày Sa-bát sao?” (Lc 13,16).

Câu chuyện minh hoạ:

Có hai vị thiền sư xuống núi. Khi đi ngang qua một khúc sông cạn, họ thấy một cô gái đang mắc nạn giữa dòng sông. Vị thứ nhất đi qua và chẳng nói năng gì. Vị còn lại thấy cô gái mắc nạn liền nhanh nhẹn cõng cô gái kia qua sông. Cả hai vị cùng về chùa. Khi về đến cổng chùa, vị thứ nhất liền trách vị thứ hai: “Tại sao anh lại cõng cô gái đó? Anh có biết làm như vậy là hành vi phá giới, không giữ luật của chúng ta không? Vị thứ hai điềm tĩnh trả lời: “Tôi đã thả cô ta bên bờ sông rồi, còn anh tại sao anh vẫn còn mang cô ấy về đến đây?”.

Suy niệm:

Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh khòm lưng đã 18 năm của người đàn bà trong ngày Sabát. Tuy nhiên viên trưởng hội đường lại bực tức với Chúa Giêsu. Nhân dịp này, Chúa liền dạy cho họ về luật giữ đạo ngày Sa-bát, đó là luật bác ái.

Thật thế, Chúa Giêsu muốn mọi người hiểu rằng: Luật giúp con người sống hoàn thiện, hướng chúng ta đến cứu cánh của đời mình là Thiên Chúa. Chính Người là lề luật và có quyền trên luật. Tình yêu của Chúa thắng vượt trên mọi lề luật. Do đó, luật mới của ngày Sa-bát chính là luật của bác ái yêu thương.

Lạy Chúa, giúp chúng con hiểu và sống đúng luật Chúa, để không vì luật mà chúng con sống thiếu bác ái với người khác. Amen.

 

 

 

 

 

30.10.2018

THỨ BA TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Lc 13,18-21

Lời Chúa:

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” (Lc 13,19)

Câu chuyện minh hoạ:

Đức Cha Helder Camara đã kể lại chính kinh nghiệm của Ngài như sau:

Tôi có một người anh hơn tôi 5 tuổi đã được rửa tội và theo học tại một trường do các cha Dòng Maria điều khiển. Nhưng sau đó, anh tôi tuyên bố là đã hoàn toàn mất đức tin. Sau khi tôi thụ phong Linh Mục. Tôi đã cùng anh về chung sống với một người chị không lập gia đình. Mỗi lần tôi sắp đi giảng hoặc đi dâng thánh lễ, anh tôi thường hỏi:

– Hôm nay chú định giảng gì đó?

Tôi thành thật giải thích cặn kẽ cho anh tôi hiểu những gì tôi đang định giảng cho người khác, anh tôi chú ý lắng nghe, nhưng không đưa ra một lời bình luận nào. 8 năm sau, lúc bị bệnh nặng và biết mình sắp chết, anh gọi tôi lại bảo:

– Tôi biết chú là người thông minh và hiểu rộng hơn tôi. Tôi không bao giờ thấy sự cách biệt giữa đức tin và cuộc sống của chú. Vậy tôi xin hỏi chú: Có thể tin thế cho người khác được không? Có thể hưởng nhờ đức tin của một người mà mình tin tưởng không? Tôi tin vào sự chân thành của chú. Tôi đã mất đức tin, nhưng tôi có thể dựa vào đức tin của chú để rước mình thánh Chúa không? Tôi trả lời:

– Tôi tin rằng Chúa sẽ tưởng thưởng thái độ khiêm tốn của anh. Tôi không nghi ngờ gì hết. Tôi sẽ trao mình thánh Chúa cho anh, và tôi tin chắc rằng anh sẽ được Chúa thương:

Trong cơn xúc động, anh tôi nói:

– Bây giờ thì chưa được đâu, tôi còn phải xưng tội đã. Tôi định đi tìm một vị Linh Mục đến để giải tội, nhưng anh tôi dứt khoát đòi xưng tội với tôi. Và anh tôi đã xưng tội, rước lễ một cách sốt sắng. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, tôi đã nghe anh tôi thốt lên:  

– Tôi tin, tôi tin! Tôi tin không phải là vì chú, nhưng là vì chính tôi tin.

Niềm tin được tiếp nhận và nuôi dưỡng bằng chính chứng tá của những người chung quanh, nhất là của những người thân trong gia đình! Vợ chồng, cha mẹ, anh em, con cái… Hãy tin rằng chúng ta cần có nhau. Chúng ta được nâng đỡ bằng niềm tin của mỗi người trong gia đình.”

Suy niệm:

Những việc làm của chúng ta tuy nhỏ nhưng có sức mạnh rất lớn khi chúng ta đặt niềm tin vào Chúa. Một khi đã tin rồi, chúng ta sẽ vượt qua tất cả, dù khó khăn, bất lợi,… Chúa Giêsu đã ví Nước Trời như hạt cải, dù nó nhỏ bé nhưng Chúa đã cho nó cành lá xum xuê, chim trời đến làm tổ được huống chi mỗi người chúng ta được Chúa yêu thương, thì Người sẽ làm những gì nữa?

Để hạt giống đức tin được lớn lên và sinh trưởng, mỗi người Kitô hữu cần biết sống trong mối tương quan với Chúa, qua cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể…

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con, để giữa những thăng trầm của đời sống này, con có Chúa là sức mạnh, có Chúa là nương con nương tựa.

31.10.2018

THỨ TƯ TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Lc 13,22-30

Lời Chúa:

“Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.” (Lc 13,29)

Câu chuyện minh hoạ:

Hai người lính trẻ đang nói về sự tin theo Đức Ki-tô. Một người nói: tôi không thể nói hết cho anh biết Đức Ki-tô quý báu cho tôi dường nào và đã ban cho tôi những gì. Tôi ước ao anh xung vào quân đội của Ngài.

Người kia suy nghĩ và đáp:

– Tôi đang suy nghĩ về việc đó, nhưng tin theo Ngài phải từ bỏ nhiều điều, quả thật tôi còn phải tính giá đã.

Lúc ấy, một sĩ quan đi qua đó, nghe được câu chuyện, bèn đặt tay trên vai chàng nói rằng:

– Anh ơi! Anh tính giá của sự tin theo Đức Ki-tô sao? Nhưng có bao giờ anh tính giá của sự không tin theo Ngài chăng?

Suy niệm:

Đoạn Tin Mừng hôm nay nói đến viễn cảnh ngày cánh chung, được ví như một phòng tiệc cưới. Muôn dân từ khắp bốn phương thiên hạ đều được mời đến tham dự bàn tiệc. Thế nhưng, điều kiện muốn vào dự tiệc Nước Trời thì phải qua cửa hẹp.

Thật thế, qua cửa hẹp là một sự chiến đấu luôn luôn của mỗi người chúng ta với những nỗ lực cố gắng và bền chí trong việc thực thi giáo huấn của Chúa; đồng thời luôn biết tỉnh thức trong việc thanh tẩy đời sống và thánh hoá bản thân để sẵn sàng đợi giờ Chúa đến.

Lạy Chúa, xin soi sáng những điều chúng con nghĩ, nói và làm, để đời sống chúng con luôn có Chúa đồng hành, giúp chúng con qua cửa hẹp vào dự tiệc Nước Trời. Amen.

01.11.2018

THỨ NĂM TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Lễ các thánh nam nữ

Mt 5,1-12a

Lời Chúa:

“Phúc thay…” (Mt 5,1).

Câu chuyện minh hoạ:

Ngày xưa, có một bầy yêu tinh tập hợp nhau lại để lên kế hoạch làm hại con người. Một con yêu tinh lên tiếng: “Chúng ta nên giấu cái gì quý giá của con người. Nhưng mà cái đó là cái gì?”

Một con yêu tinh khác lên tiếng: “Chúng ta nên giấu hạnh phúc của con người. Không có nó, ngày đêm con người sẽ phải khổ sở. Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ giấu hạnh phúc nơi nào mà con người không thể tìm thấy được.”

Một con yêu tinh cho ý kiến: “Chúng ta sẽ quẳng hạnh phúc lên đỉnh núi cao nhất thế giới.”

Con yêu tinh khác phản đối: “Con người rất khoẻ mạnh, chuyện trèo lên đỉnh núi đối với họ không có gì là khó khăn.”

“Vậy thì chúng ta sẽ đem hạnh phúc ném xuống đáy biển sâu.”

“Không được, con người rất tò mò. Họ sẽ chế tạo ra những con tàu hiện đại để đi xuống tận đáy biển. Rồi tất cả mọi người sẽ biết.”

Một con yêu tinh trẻ có ý kiến: “Hay là chúng ta đem giấu hạnh phúc ở một hành tinh khác.”

Con yêu tinh già phản đối: “Không được, con người rất thông minh. Càng ngày họ càng thám hiểm nhiều hành tinh khác đấy thôi.”

Suy nghĩ hồi lâu, có một con yêu tinh già lụ khụ lên tiếng: “Tôi biết phải giấu hạnh phúc của con người ở đâu rồi. Hãy giấu nó ở chính bên trong con người. Đa số con người đi tìm hạnh phúc ở khắp chốn, khắp nơi, và bao giờ họ cũng thấy người khác hạnh phúc hơn mình; còn bản thân họ thì họ chẳng bao giờ quan tâm. Giấu nó ở đó thì con người không bao giờ tìm thấy hạnh phúc cả!!!”

Suy niệm:

Con người chỉ hạnh phúc khi thoát ra khỏi những vướng bận của bản thân, và ở trong sự tự do. Các môn đệ theo Chúa chấp nhận mất mát, trở nên những người nghèo, không có gì để sở hữu, cũng không còn gì để đảm bảo, kể cả niềm hy vọng, vì các ông đã đặt tất cả nơi Chúa. Theo lẽ tự nhiên không ai chọn cho mình cái nghèo để sống nhưng Thánh Matthêu đã xác định cái nghèo đúng nghĩa mà Chúa muốn nói đến là sự nghèo khó trong tâm hồn. Vì như vậy, chúng ta mới cậy dựa, tin tưởng vào Chúa và đặt Chúa làm tâm điểm đời mình. Chúng ta đừng lầm tưởng nghèo khó với lầm than, vì lầm than như E. Mounier nói: thuyết bần cùng hay thuyết thống khổ không phải là truyền thống Kitô giáo.

Lạy Chúa, Ngài đã sống triệt để Tám mối phúc, và các thánh đã đi  con đường đó, xin giúp con biết sống như Chúa, đừng khép lại nơi chính mình, nhưng biết mở ra với những ai cần đến con, đó là hạnh phúc thật mà Chúa muốn con sống.

 

 

 

 

02.11.2018

THỨ SÁU TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Lễ các Đẳng

Lc 23,33.39-43

Lời Chúa:

Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. (Lc 23,43)

Câu chuyện minh hoạ:

Cứ mỗi độ tháng các linh hồn tôi lại nhớ đến câu chuyện “xin lễ” cười ra nước mắt của một linh mục kể lại. Câu chuyện kể về một bà góa nghèo ở một giáo xứ nọ, một hôm bà lão chống gậy khập khiễng đến gặp cha chánh xứ để xin lễ. Bước vào văn phòng giáo xứ, bà cụ mở lời: Xin cha cho con “xin lễ đời đời.”

Vừa nghe hết câu, cha xứ trợn mắt nhìn bà cụ đang đứng trước mặt mình, ăn mặc sơ sài, dáng dấp già yếu làm cha xứ thoạt nhớ đến hình ảnh bà góa nghèo ở trong Tin Mừng của Thánh Mácô, có điều bà cụ này không đến với vài đồng xu, mà trên tay cầm cả một phong thư dầy cộm và chắc có lẽ đây cũng là cả gia tài mà bà cụ gom góp được bấy lâu nay.

Sau một thoáng xúc động, cha chánh xứ hỏi: “Cụ à, cụ xin lễ đời đời là ý gì vậy?”

Bà cụ thật thà trả lời: “Là khi nào con qua đời, cha làm lễ cho con, bây giờ xin cha giữ tiền trước giùm con”.

Cha xứ cũng thành thật nói: “Sao vậy cụ! Cụ có dư giả gì đâu, xin cụ cứ mang tiền về đi để lo mua thức ăn, thuốc men bổ dưỡng cho cụ.”

Bà cụ mở mắt tròn xoe, và nói: “Thế còn lễ cho con?”.

Cha xứ lại phải cố gắng để trấn an bà: “Lo gì bà! Con cháu sẽ lo cho bà. Bà yên tâm đi.” Bà cụ vẫn cố nài nỉ: “Nhưng lỡ nếu con cháu không lo xin lễ cho con thì thật là khốn khổ cho thân con.”

Lần này cha xứ phải giải thích cặn kẽ hơn: “Bà yên tâm, nếu nhỡ con cháu có quên thì còn có Chúa. Chúa là Cha của chúng ta mà. Nếu con cháu có quên bà cụ thì Chúa sẽ không quên bà đâu. Không ai thương bà bằng Chúa. Chúa thương lo cho bà còn hơn cả bà lo cho chính mình nữa đó. Chúa đã nói rồi mà: có bà mẹ nào nỡ lòng bỏ rơi con mình đã cưu mang đâu, nhưng giả như có bà mẹ nào như thế thì Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi bà đâu.”

Bà cụ mở mắt tròn xoe, tay nắm chặt, gật gật đầu như bắt đầu thấm ý.

Cha quản xứ nói tiếp: “Bà cứ nghe tôi đi, bà cụ cầm cái gói tiền này đem về đi. Nhớ để cho Chúa lo. Tôi cũng không bảo đảm đâu. Nếu lỡ tôi cũng quên, cũng sơ sót thì sao? Chỉ có Chúa thương bà cụ là bảo đảm nhất thôi.”

Bà cụ đứng tần ngần một hồi lâu rồi mới chịu cầm lại gói tiền, không quên cám ơn cha rồi ra về. Cha chánh xứ nhìn theo dáng đi tiều tụy của bà cụ mà thấy thương, chợt nghĩ trong lòng: “Không khéo bà cụ lại đem gói tiền tới một nhà thờ khác để “xin lễ đời đời” thì thật là thương cho bà cụ.”

Suy niệm:

Thường khi chúng ta nghĩ Thiên Chúa là một ông chủ khắc khe hơn là một người Cha giàu lòng thương xót, nên thay vì sống phó thác, chúng ta lại sống dựa vào bản thân mình với những việc lành phúc đức, bố thí, xin lễ… Ngày lễ hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta về thân phận yếu đuối mỏng giòn của con người, và tin rằng Chúa Giêsu đã dùng chính giá máu để cứu chuộc những linh hồn đang trong lửa luyện tội và cho mỗi người chúng ta. Ngày lễ tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn là tưởng nhớ và cầu nguyện cho những bậc sinh thành, ông bà, tổ tiên, những người dạy ta khôn lớn… họ là những người đồng hành với chúng ta trong những lúc vui buồn của cuộc đời. Vì thế, chúng ta là những người còn sống phải biết ơn họ và dùng những hy sinh, thánh lễ cầu nguyện thật nhiều cho họ, để ngày sau chúng ta cùng họp đoàn với các ngài trên thiên quốc.

Lạy Chúa, xin giúp con biết tận dụng cơ hội quý báu khi còn trên trần gian này để cầu nguyện cho các linh hồn qua những hy sinh và thanh luyện bản thân bằng việc hãm mình ép xác, đồng thời chuyên chăm cầu nguyện kết hiệp với Chúa, để mai sau con cũng được hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng.

 

 

 

 

 

03.11.2018

THỨ BẢY TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN

Lc 14,1.7-11

Lời Chúa:

“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,11)

Câu chuyện minh hoạ:

Tối hôm ấy, ông nhà văn quyết định đem vợ và 4 đứa con của mình đi xem phim tại một rạp hát. Khi họ đến thì trong rạp mới chỉ có sáu người. Và khi họ bước vào thì cả sáu người trong rạp đều đứng lên vỗ tay. Ông nhà văn mỉm cười đáp lễ. Sau khi ngồi vào chỗ, ông nhà văn bèn quay sang bà vợ và nói: – Có lẽ họ đã nhận ra anh vì hình ảnh của anh được đăng trên báo và những tác phẩm của anh được quảng cáo một cách rộng rãi.

Ngay lúc đó, có một chàng thanh niên tiến đến bắt tay ông. Ông nhà văn bèn hỏi: – Làm sao anh nhận ra tôi.

Thế nhưng, chàng thanh niên đã trả lời:

– Tôi chẳng hề biết ông là ai cả. Sở dĩ chúng tôi vỗ tay khi ông và gia đình bước vào rạp là vì viên quản lý rạp hát đã bảo: Nếu không có thêm bốn khán giả cho đủ mười người thì ông ta không thể chiếu xuất phim này.

Suy niệm:

Chiếc ghế tượng trưng cho quyền hành, chức tước, địa vị… mà có nhiều người nhắm tới và tranh giành. Thế nên nhân cơ hội này, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở các môn đệ của Ngài “hãy chọn chỗ cuối mà ngồi” (Lc 14,10). Ngài muốn chúng ta hãy dùng chức tước của mình để phục vụ người khác, xoa dịu nỗi đau của anh chị em, đến gần hơn với những người bất hạnh, bị bỏ rơi, nghèo khổ. Giữa một thế giới tranh giành quyền lợi, Ngài mời gọi chúng ta sống khiêm tốn, nhìn nhận con người thật của mình, chọn chỗ cuối để gần Chúa hơn, vì nơi đó có Chúa ngự trị.

Mỗi người chúng ta có can đảm nhìn nhận con người thật của mình không khi đối diện với những cám dỗ của quyền hành, trước những lời khen chê, và nhất là trước mặt Chúa, chúng ta là ai?

Lạy Chúa, xin cho con bước gần Chúa hơn trên con đường của sự thánh thiện, khiêm tốn, để con cũng được bước đi trên con đường thênh thang mà cuối đường là hạnh phúc Nước Trời.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*