Đức Giê-su đã không viết di chúc. Ngài cũng không truyền cho môn đệ phải viết di chúc. Nhưng những gì Ngài chia sẻ và tâm sự với họ, đã được cẩn thận ghi lại, đích thực mang nội dung một di chúc quý giá, thánh thiêng, cao cả và ý nghĩa tuyệt vời.
Đọc các sách Tin Mừng, nhất là Tin Mừng thánh Gio-an, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động trước những lời nói chân tình, thân thương và sâu lắng của Đức Giê-su. Những lời tâm huyết của Ngài sẽ mãi mãi còn đó như một lời trăng trối, đặc biệt cho những ai được chọn và được sai đi.
Dựa vào Lời Chúa trong sách Tin Mừng, chúng ta có thể tóm lược nội dung di chúc của Đức Giê-su qua mấy điểm chính sau:
* CHÍNH CHÚA ĐÃ GỌI VÀ CHỌN MÔN ĐỆ
Một điều tiên quyết và quan trọng khiến người môn đệ cảm thấy yên tâm và hạnh phúc, đó là họ được Chúa yêu thương và được chính Ngài tuyển chọn.
Phê-rô, An-rê, Gia-cô-bê, Gio-an…đã không phải vất vả làm hồ sơ xin việc làm, không phải cực khổ chen chân để có chỗ đứng trong một đơn vị tuyển dụng, không phải lao đao lận đận vì những chuyện thành tích, lý lịch, học vấn, trình độ, kinh nghiệm này nọ…
Họ bỗng dưng được đoái nhìn, được mời gọi và được tuyển chọn.
“Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: ‘Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá’. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1, 16-18).
Với các môn đệ, việc tuyển chọn của Chúa là một ơn huệ nhưng không và thật kỳ diệu. Chúa đã không đặt điều kiện nào khác, như là tiên quyết, ngoại trừ việc họ đáp lại lời mời gọi của Ngài. “Đức Giê-su bảo ông Si-mon: ‘Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá’. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc 5, 10-11).
Vậy điều mà Chúa muốn người-được-chọn quan tâm và đồng thuận với Ngài, đó là theo Chúa một cách dứt khoát, để phục vụ công trình mà Ngài đã đảm nhận từ Cha, và họ phải tự nguyện chấp nhận được đào tạo theo đường lối, cách thức riêng của Ngài.
Khi bước chân vào môi trường đào tạo của Chúa, người môn đệ sẽ một lòng một dạ nghe theo Chúa, vì những lời dạy bảo của Ngài không phải từ thế gian, mà từ Chúa Cha trên trời. “…Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã nói cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” (Ga 15, 15-16).
Kết quả của việc đi theo Chúa không gì khác hơn là trở thành môn đệ “chính hiệu” của Chúa, tích cực làm việc cho Chúa để sinh hoa kết trái “có chất lượng cao”. Đó là dấu chỉ đẹp lòng Chúa Cha nhất. “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15, 8).
Sinh nhiều hoa trái bằng tấm lòng yêu thương và đời sống phục vụ hy sinh quên mình.
* NGƯỜI ĐƯỢC CHỌN PHẢI TÍCH CỰC YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ
Đức Giê-su không có một giáo trình đào tạo nào khác cho các môn đệ tiên khởi, ngoài việc giáo dục lòng yêu thương vô điều kiện và tinh thần phục vụ hết mình. Đó cũng là điểm căn cốt nhất trong di chúc của Ngài. “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Và “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).
Yêu thương như Chúa yêu thương, phục vụ như Chúa phục vụ, đó là đặc điểm của nếp sống và hành trình tông đồ. Đó cũng là sức mạnh và nền tảng của động cơ theo Chúa. “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45).
Vậy thiết nghĩ, người phục vụ cho chương trình và kế hoạch của Chúa sẽ hướng theo mấy tiêu chí sau:
* Phục vụ cách ân cần và chu đáo
Để sự phục vụ đạt hiệu quả cao, người phục vụ phải hết sức ân cần và chu đáo. Có thể hình dung thái độ ân cần chu đáo của một người chăn chiên lành mà Chúa đã nói trong Tin Mừng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 14-15).
Như Chúa đã phục vụ với cái “tâm” của một vị mục tử nhân lành thế nào, người môn đệ sẽ phục vụ theo tinh thần đó như vậy: một tấm lòng nhân hậu, một tình yêu bao la, một đồng cảm dịu êm, một thao thức liên lỉ, một đời sống hy sinh đến tận cùng… Sự ân cần phục vụ, như Chúa, sẽ không xét nhìn ở những gì bên ngoài cho bằng ở sự “mục nát” thâm sâu bên trong con người mình: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 24-25).
Vậy như cách nói của Chúa thì số phận người môn đệ sẽ giống hệt như số phận của hạt lúa: nó cần phải gieo xuống và chịu chôn vùi trong lòng đất. Đó là mảnh đời “coi thường mạng sống mình vì con chiên”. Đó cũng là thân phận của những con người đam mê phục vụ. Một cách ân cần, chu đáo nhưng hết sức kín đáo và khiêm tốn.
* Phục vụ cách tự hạ và khiêm tốn
Như đã biết, Đức Giáo Hoàng, dù với tư cách là vị Giáo Chủ của Hội thánh Công Giáo toàn cầu, nhưng khi cần, ngài vẫn tự xưng mình là “Tôi tớ các tôi tớ Thiên Chúa”. Người phục vụ, nói một cách nôm na, đó là người đầy tớ. Cung cách, thái độ của đầy tớ thường gắn liền với sự khiêm tốn, tự hạ, bỏ mình…
Đức Giê-su rất lưu tâm đến thái độ khiêm tốn. Ngài luôn đề cao người khiêm tốn. Khiêm tốn trong bố thí. Khiêm tốn trong cầu nguyện. Khiêm tốn trong phục vụ. Khiêm tốn trong dẫn dắt. Khiêm tốn trong giảng dạy. Chính Ngài đã nêu gương khiêm nhường tự hạ cho môn đệ. Ngài cũng mời gọi các môn đệ học tập nơi Ngài vì Ngài làm gương sống hiền lành và khiêm nhường thật sự từ trong lòng ra bên ngoài (x. Mt 11, 29).
Chúa biết rằng, một lúc nào đó trong các môn đệ của Ngài sẽ phát sinh những cách thức phục vụ không phù hợp với Tin Mừng. Bời vì, trên thực tế, khiêm tốn đúng như ý Chúa là một điều hết sức khó khăn, tế nhị. Có thể nhìn vào thực tế xưa nay để nhận định và cảnh báo: “Người phục vụ là người thường được ưa thích. Nhưng đừng quên điều này: phục vụ mà kiêu căng sẽ không là phục vụ của người môn đệ Đức Ki-tô. Phục vụ với lòng tự cao tự đại là một xúc phạm. Phục vụ mà chỉ tưởng rằng cho đi mà không là nhận lãnh cũng là một sai lầm. Phục vụ mà cho rằng chỉ có mình là đúng, là tốt, là cần, sẽ là một thảm họa. Nhưng phục vụ với dáng vẻ khiêm nhường câu nệ hình thức cũng rất xa lạ với Phúc Âm” [1].
Đối với Chúa, sự khiêm tốn tự hạ phải đạt đến mức độ sâu thẳm tận cùng của mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm hủy mình ra không, mầu nhiệm chết đi chính mình. Việc rửa chân cho các môn đồ là một minh họa sống động (x. Ga 13, 1-15). Bài học “rửa chân” là một chỉ dẫn quan trọng, đồng thời cũng được xem như phương án đào tạo trực quan mà Chúa muốn các môn đệ phải nhập tâm và thực hiện. Bởi vì, chính Ngài, trong hành trình rao giảng và tuyển chọn các môn đệ, đã rất lưu tâm về tinh thần và thái độ phục vụ của người-được-chọn và được-sai-đi.
* MÔN ĐỆ PHẢI SỐNG TÍN THÁC VÀ VÂNG PHỤC
Một khi đã chấp nhận theo Chúa, người môn đệ không có gì để phải bận tâm về nhu cầu vật chất cũng như về đời sống. Chúa sẽ lo cho họ tất cả. Hành trang duy nhất của họ là niềm tin, sự bình an và lòng trung tín.
“Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14, 1-4).
Chúa trấn an môn đệ không phải bằng lời nói suông, trống rỗng, mà sau khi chết và sống lại, Ngài đã chia sẻ cho họ Thánh Thần, ơn huệ cao cả nhất, đẹp đẽ nhất, mạnh mẽ nhất, nhờ đó họ có thể chu toàn sứ mệnh của mình. “Bình an cho anh em!… Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…” (x. Ga 20, 19-22).
Vậy trong hành trình theo Chúa, người môn đệ không còn gì để bận tâm. Họ thanh thản ra đi. Họ phấn khởi rao giảng Tin Mừng. Họ bình an đón nhận mọi biến cố xảy ra trong đời. Họ vui vẻ chấp nhận trong vâng phục hoàn cảnh và kiếp sống của thân phận “du mục” vì Nước Trời, thân phận của những người-được-chọn và được-sai-đi.
“Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: ‘Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ’. Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi ” (Lc 9, 1-6)./.
– – – – – – – – – – –
THAM KHẢO:
[1]-ĐGM GB Bùi Tuần, Tĩnh tâm LM, tu sĩ Gp Long Xuyên, 1997.
Aug. Trần Cao Khải
Để lại một phản hồi