1- Khi cử hành thánh lễ an táng, một số linh mục đã giảng rằng: linh hồn ông này, (bà này) chắc chắn đã lên thiêng đàng rồi, không cần cầu nguyện nữa! Xin cho biết có giáo lý nào cho phép biết và tin điều này hay không?
2- Khi đăng cáo phó với lời lẽ như: “đau đón báo tin buồn Ông, (Bà) đã được Chúa gọi về ngày giờ…” như thế có phù hợp với tín lý Công Giáo về sự chết và hy vọng phục sinh của con người hay không?
Trả lời:
1- Khi có người qua đời, Giáo Hội chỉ dạy cử hành Nghi thức an táng (Ordo Exsequiarum = Rite of Funerals) gồm có các nghi thức cầu nguyện ở tư gia hay nhà quàn, nghi thức thánh lễ an táng cử hành ở nhà thờ, và nghi thức tiễn đưa ngoài nghĩa trang. Các nghi thức này đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI chấp thuận và Thánh Bộ Phụng Tự đã công bố cho thi hành trong toàn Giáo Hội kể từ ngày 1 tháng 6 năm 1970.
Qua tất cả các nghi thức trên, Giáo Hội cầu nguyện cho linh hồn người quá cố được mau đón nhận vào Nước Thiên Chúa để vui hưởng Nhan Thánh Ngài là nguồn hạnh phúc vĩnh cữu cho những ai được cứu rỗi.
Giáo Hội cầu nguyện cho người quá cố vì tin vào sự phục sinh của kẻ chết nhờ lòng xót thương tha thứ vô biên của Chúa như ta tuyên xưng trong Kinh Tín Kính: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy. Amen.
Giáo lý của Giáo Hội chỉ nói đến sự phán xét riêng dành cho một linh hồn sau khi lìa khỏi xác như sau:
“Mỗi người lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình phần trả công muôn đời cho mình ngay sau khi chết trong một cuộc phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng hạnh phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt muôn đời.” (x. SGLGHCG, số 1022).
Nghĩa là sau khi thể xác chết, linh hồn sẽ chịu phán xét riêng để:
· hoặc phải được thánh luyện thêm ở nơi gọi là luyện tội (Purgatory) một thời gian trước khi được vào hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng.
· hoặc được thâu nhận ngay vào Thiên Đàng vì đã thánh thiện đủ.
· hoặc bị phạt đời đời trong nơi gọi là hỏa ngục (hell)
Kết quả trên tùy thuộc vào cuộc sống mà một người đã tự do lựa chọn cho mình khi còn sống trên đời này. Đó là giáo lý của Giáo Hội mà chúng ta phải theo. Nhưng sự thực xẩy ra thế nào cho một linh hồn ngay sau khi lìa khỏi xác thì chỉ có Chúa biết và định đoạt mà thôi. Giáo Hội không cách nào biết được nên chỉ dạy tín hữu cầu nguyện cho kẻ chết được tha thứ mọi tội lỗi đã phạm khi còn sống để mau được đón nhận vào Nước hằng sống.
Nói khác đi, Giáo Hội chưa bao giờ phán đoán tức khắc ai đã lên Thiên Đàng, ai phải thanh luyện trong luyện tội và ai đã sa hỏa ngục, cho dù người chết đã sống lành thánh hay tội lỗi công khai đến mức nào. Giáo Hội có phong thánh (canonize) cho ai thi cũng phải qua một thủ tục khắt khe và một thời gian điều tra vô tư theo giáo luật qui định chứ chưa bao giờ tuyên bố tức khắc ai là thánh và đang ở trên Thiên đàng để khỏi phải cầu nguyện cho người đó nữa.
Như vậy, linh mục nào, khi cử hành lễ an táng cho ai, mà tuyên bố linh hồn người ấy đã lên thiên đàng rồi, thì đây hoàn toàn là điều “tưởng tượng quá chủ quan” của linh mục đó để nhằm vinh danh người chết, và làm vui lòng cho tang gia mà thôi. Tuyệt đối không có giáo lý, tín lý nào của Giáo Hội cho phép ai tuyên bố như vậy đối với một người vừa qua đời, dù người đó là Giáo Hoàng, Hồng y, Giám mục, linh mục hay tu sĩ. Chắc chắn như vậy! Giáo Hội chỉ dạy cầu nguyện và phó thác linh hồn các tin hữu đã ly trần cho lòng từ ái của Thiên Chúa mà thôi, chứ không hề phán đoán gì về số phận đời đời của ai cả. (x. SGLGHCG số 958, 1032)
Vả lại, nếu đã biết linh hồn nào lên thiên đàng rồi thì dâng lễ cầu nguyện làm gì nữa, vì các thánh trên Thiên đàng không cần ai cầu nguyện cho, mà ngược lại, còn nguyện giúp cầu thay cách đắc lực cho các tín hữn còn sống hay đang đau khổ trong nơi luyện tội. (tín điều các thánh thông công = communion of saints)
Vậy chúng ta cứ cầu nguyện cho mọi người đã qua đời vì không biết những người đó hiện đang ở đâu, Thiên đàng, luyên tội hay hỏa ngục. Nghĩa là đừng vội tin lời tuyên bố chủ quan của ai để không cầu nguyện cho người quá cố nữa.
2- Khi có người qua đời thì thông thường người ta dùng những ngôn từ như câu hỏi được đặt ra trên đây để báo tin buồn cho thân thuộc xa gần.
Về một phương diện, hay nói đúng hơn về mặt con người, thì sự chết quả thật là điều đau buồn nhất cho thân nhân còn sống. Như thế, đau buồn, báo tin và chia buồn là điều chính đáng và phù hợp với bản chất và tâm lý nhân loại.
Chúa Giêsu xưa kia đã sống trọn vẹn với bản tính nhân loại này khi Chúa nghe tin người bạn của mình là Lazarô chết (x. Ga 11). Nhưng khi thấy người Do Thái đến chia buồn với chị em Maria và Martha, Chúa Giêsu đã không nói với họ: sao lại chia buồn? phải chúc mừng chứ vì chết là được giải thoát khỏi cuộc sống đau khổ ở đời này mà …
Ngược lại, chính Chúa đã khóc thương Lazarô khi đứng trước mộ của anh khiến những người Do thái có mặt phải nói với nhau rằng: “Ông ta thương Lazarô biết mấy!” (Ga 11:36). Và để an ủi cho chị em Mariavà Martha, nhất là để cho thấy Người là Thiên Chúa, là sự sống và là sự sống lại, Chúa Giêsu đã truyền cho Lazarô ra khỏi mồ, sống lại sau 4 ngày nằm ở đây. Đặc biệt, Chúa đã nói với Martha khi đó và mọi người chúng ta ngày nay tín điều rất quan trọng này: “Ta là sự sống và là sự sống lại. Ai tin vào Ta thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.” (Ga 11: 25).
Như vậy, tuy đau buồn theo bản tính con người trước sự chết, chúng ta cũng đừng quên tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô là sự sống và là sự sống lại mỗi khi phải đối diện với sự chết, một điều không ai tránh được khi mang thân phận con người trong trần thế này.
Đau buồn và biểu lộ buồn đau này là điều phù hợp với nhân tính và không nghịch với đức tin. Tuy nhiên, để nói lên niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, tức là bày tỏ niềm hy vọng vào sự sống lại của người đã chết, chúng ta không nên quá bi thảm sự chết để không vô tình kêu trách Chúa là nguyên nhân gây ra sự đau buồn to lớn này. Linh mục giảng trong lễ tang, cũng không nên quá đào sâu nỗi đau khổ của sự chết mà quên nhấn mạnh chiều kích hy vọng và niềm vui phục sinh của người đã ly trần.
Sau hết, trong lời báo tin buồn cho thân nhận, chúng ta nên dùng ngôn từ thể hiện được niềm tin phục sinh nhiều hơn là thuần tính nhân loại như một số cáo phó đã được nghe gần đây.
Thí du, nên viết: Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, xin báo tin để thân bằng quyến thuộc được biết: người thân của chúng tôi là… đã được Chúa gọi về (hay đã ra đi bình an trong Chúa) ngày tháng năm… Nghĩa là không nên nói: rất đau đớn báo tin buồn người thân đã được Chúa gọi về…
Trong lời phân ưu, cũng không nên nói: “rất đau buồn khi được tin ông, bà… đã được Chúa gọi về”. vì nói như vậy hóa ra trách Chúa đã gây ra sự đau buồn hay sao?
Thật ra, chết là hậu quả của tội lỗi chứ không phải là điều Thiên Chúa mong muốn cho ai từ ban đầu: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi đã gây nên sự chết. Như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người vì một người đã phạm tội. (x Rm 5:12).
Chính Chúa Kitô cũng đã phải chết vì tội của nhân loại, nhưng qua cái chết của Người trên thập giá, Chúa đã chiến thắng tội lỗi và sự chết và cho chúng ta hy vọng vào sự sống lại sau khi phải chết trong thân xác, nếu chúng ta cùng sống và chết như Chúa Kitô. Đây là niềm tin, vui hy vọng mà chúng ta phải cám ơn Chúa mặc dù phải chấp nhận đau khổ của sự chết.
Tóm lại, đứng trước cái chết, là con người, ai cũng phải đau buồn, khóc thương, chia buồn với nhau. Nhưng đừng quá bi thảm cái chết đến nỗi vô tình trách Chúa là nguyên nhân gây ra. Ngược lại, phải cám ơn Chúa về hy vọng phục sinh sau khi phải chết vì hậu quả của tội lỗi như Thánh Phaolô đã dạy.
Cầu nguyện cho người chết là việc bác ái đẹp lòng Chúa. Nhưng không ai được phép kết luận hay phán đoán gì về phần rỗi của bất cứ người nào dù biết người đó đã sống tốt lành hay “tội lỗi” ra sao. Chỉ một mình Thiên Chúa biết và phán đoán mà thôi.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Để lại một phản hồi