Giấc mơ “bác sĩ không biên giới!” của Giulia Civitelli

Cuốn sách “Cách bất ngờ, những chứng từ của người trẻ” được nhà xuất bản Fontana Di Siloe vừa phát hành năm nay (2018), có kể lại câu chuyện cuộc đời của bác sĩ Giulia Civitelli, một bác sĩ trẻ, sinh năm 1985 tại Roma.

Kết quả hình ảnh cho tree
“Các bác sĩ với châu Phi CUAMM” tại Tanzania

Bác sĩ Giulia Civitelli đã gia nhập Tu hội đời các nữ thừa sai Scalabrini, thuộc gia đình dòng Scalabrini, chuyên sống và hoạt động trong thế giới người di dân. Sau đây là câu chuyện cuộc đời của bác sĩ Giulia.

Khám phá ra trong Tin mừng có điều mà tim tôi khao khát mãnh liệt

Dù sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đức tin, trong thời gian học đại học, tôi đã lìa xa Giáo hội, bởi vì tôi không thể chấp nhận cuộc sống của các Kitô hữu mà như ĐTC Phanxicô định nghĩa “ngồi ghế bành” nghĩa là an nhiên tự tại, hay “thứ đồ cổ trong bảo tàng viện”, nghĩa là chỉ để ngắm và hồi tưởng. Nỗi thao thức mà tôi cảm thấy đã thúc đẩy tôi tham gia vào một khóa học về những đề tài cộng tác vào việc phát triển và nhân quyền do tổ chức “Tình nguyện quốc tế cho sự phát triển”, một tổ chức phi chính phủ liên kết với gia đình dòng Salêdiêng Don Bosco. Tôi xúc động với ý tưởng về một thế giới tốt hơn, và cuộc gặp gỡ ở đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Khi tôi tham dự lần thứ nhất, thật sự là tôi không biết rằng những buổi chiều đó đã bắt đầu “một hành trình đức tin”. Lắng nghe Lời Chúa, suy tư và áp dụng vào cuộc sống, theo một cách thức mới, đã mở mắt tôi về tình yêu vô biên và nhưng không mà Chúa Cha dành cho mỗi người chúng ta. Tôi nhớ rằng tôi bị đánh động đặc biệt bởi lời giải thích về từ “thương xót”, từ ngữ nói về sự thắt ruột của người mẹ khi ôm đứa con của mình. Thiên Chúa yêu chúng ta như thế!

Tôi đã khám phá ra rằng trong Tin mừng có điều mà tim tôi khao khát mãnh liệt. Tôi mua một cuốn Thánh kinh để có một cuốn riêng của mình và khi tôi càng biết về nó thì sự kinh ngạc của tôi về Thiên Chúa cũng gia tăng; đó không phải là một ý niệm xa vời nhưng là một con người, Giêsu Nadarét, đã đến thế gian trong một thời điểm lịch sử cụ thể để giúp chúng ta biết gương mặt thật của Chúa Cha. Vì thế, vì yêu chúng ta “cho đến cùng” và để cứu độ toàn thể nhân loại, Người đã không dừng bước, ngay cả trước viễn cảnh của một cái chết theo cách thế tồi tệ.

Một Thiên Chúa chết trên thập giá: một điều ngu ngốc! Tôi ngày càng thêm yêu sự ngu ngốc này và sự ngu ngốc này đã cho tôi đức mạnh để tiếp tục và tìm kiếm con đường cụ thể để dấn thân vì những người bị ở bên lề xã hội.

Những món quà tôi đang nhận được, trên tất cả là khám phá ra đức tin, đều mang theo trách nhiệm to lớn…

Trong thời gian đó, tôi có cơ hội đi sang Etiopia một tháng để chia sẻ cuộc sống trong một bệnh viện do tổ chức phi chính phủ của Ý “Các bác sĩ với châu Phi CUAMM” điều hành. Ở đó tôi nhìn thấy một cơ sở y tế với ít ỏi nguồn lực, nơi trẻ em cũng như người lớn chết vì thiếu dinh dưỡng, viêm phổi, viêm dạ dày. Kinh nghiệm đó vừa đau đớn những cũng đầy cơ hội, cũng như trong cầu nguyện tôi hỏi Chúa: “Tại sao Chúa tốt với con?”. Tôi đã nhận ra rằng tất cả những món quà tôi đang nhận được, trên tất cả là khám phá ra đức tin, đều mang theo trách nhiệm to lớn…

Sau khi tốt nghiệp y khoa, tôi đã quyết định tiếp tục học chuyên ngành về Vệ sinh và y tế dự phòng để giải quyết các vấn đề liên quan đến công bằng xã hội và bình đẳng. Tôi quan tâm đến việc tìm kiếm nguyên nhân thực sự của sự bất bình đẳng mà tôi có thể nhìn thấy, sờ mó, cảm thấy và hiểu rằng cần giải quyết vấn đề được gọi là “những yếu tố xã hội quyết định của sức khỏe”. Chúng ta có thể nghĩ đến việc điều trị các căn bệnh liên quan đến nghèo đói và sự mong manh yếu kém của xã hội chỉ đơn giản bằng thuốc?

Chỉ có Chúa có thể làm nguôi ngoai khát mong của tôi

Ở Roma tôi tiếp tục làm tình nguyện viên tại phòng khám đa khoa dành cho người nhập cư của cơ quan bác ái của giáo phận Roma. Ở đó tôi có dịp gặp những người gặp những hoàn cảnh bất hạnh. Mỗi cuộc gặp gỡ mở ra một cánh cửa nhìn ra thế giới. Do đó, đây là thời gian mà nhiều dự án mới và lý thú bắt đầu, dù trong lòng tôi vẫn còn một sự không hài lòng thật lớn. Tôi bắt đầu nhận thức rằng trái tim của tôi thật sự – như thánh Augustino đã lưu ý – “không có bình an cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”: chỉ có Chúa có thể làm nguôi ngoai khát mong của tôi. Tôi bắt đầu tham dự Thánh lễ mỗi ngày. Việc bắt đầu một hành trình, mà trong đó tôi có thể đào sâu về các đề tài tôi có trong lòng cũng như giải quyết nguyên nhân của những người bị gạt ra bên lề xã hội không là đủ đối với tôi. Việc tôi ở đó với khả năng chuyên môn là không đủ với tôi. Tôi tiếp tục tự hỏi đâu là kế hoạch sống của tôi và những câu trả lời tôi tìm thấy đã mở ra con đường cho những câu hỏi mới giúp cho cuộc tìm kiếm của tôi luôn sống động.

 

Ơn gọi Scalabrini

Vào mùa hè đầu tiên của năm chuyên ngành, tôi đã tham gia những ngày cuối của trại hè do cộng đoàn các nữ tu thừa sai Scalabrini ở Solothurn, Thụy Sĩ tổ chức… Trong những ngày đó, tôi đã có thể trải nghiệm một cuộc gặp gỡ bình đẳng, khi cùng nhau đào sâu món quà của đức tin và khám phá theo một cách mới mẻ, trong sự đơn giản và cụ thể của cuộc sống hàng ngày, chiều kích “công giáo” của đức tin Kitô giáo. Tôi đặc biệt bị ấn tượng bởi tầm nhìn tiên tri của Đức cha Scalabrini (1839-1905), tông đồ của người di cư, người đã truyền cảm hứng cho gia đình dòng Scalabrinian.

Chính ở nơi đặc biệt đó, Thiên Chúa, Đấng luôn đi trước chúng ta, đã đến với tôi với một sự ngạc nhiên lớn lao, Đấng bắt đầu khiến tôi mất ngủ từ đêm đầu tiên sau khi tôi đến đó. Cho đến lúc đó tôi chưa bao giờ nghĩ rõ về con đường tận hiến … Có lẽ, đặc biệt là ngày nay, nó được xem như một lựa chọn của thời đại nào khác và thường thì nhiều bạn trẻ thậm chí còn không nghĩ đến nó. Chỉ nghĩ đến từ ” lời mời gọi” hoặc “ơn gọi”, tôi nói thầm trong lòng: “không không, chờ một chút, đây không phải là dự án của tôi!”. Trong những ngày đó, tôi biết đến những nữ tu truyền giáo và đời sống dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa của họ, tôi càng bị cuốn hút bởi khả năng “dâng mình trong tu hội đời”…

Tôi cảm thấy rằng, giống như Mẹ Maria, tôi cũng phải tín thác:  một ít ngày sau đó tôi đã nói lời xin vâng của tôi và kinh nghiệm tôi có là niềm vui từ từ bắt đầu, lấn át nỗi sợ hãi. Đó là một câu trả lời “có” mà tôi đã nói ngay cả khi trong lòng tôi mọi thứ còn chưa rõ ràng và trên tất cả tôi vẫn tiếp tục hỏi Chúa: nhưng tại sao lại là lúc này?! Ngay lúc này nhiều dự án đẹp đang bắt đầu? Tôi bắt đầu nhận ra rằng Thiên Chúa không áp đặt nhưng là đề nghị, và để chúng ta tự do đi theo lời mời của Người; chính Người đã không ngần ngại ban Con của mình cho chúng ta! Và khi chúng ta đặt nó lên hàng đầu, mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi.

Vào ngày 2 tháng 5 năm 2015, tôi cùng với Ròża, một bạn trẻ Balan khấn hứa khiết tịnh, thanh bần và vâng phục trong cộng đoàn tu hội đời các nữ thừa sai Scalabrini.

Hồng Thủy

(VaticanNews 12.11.2018)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*