Đức giáo hoàng Phanxicô đã dời Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn hằng năm của Giáo hội Công giáo từ tháng Giêng sang tháng Chín, người phát ngôn của Toà Thánh, ông Greg Burke, đã cho biết như trên trong một thông cáo hôm thứ Ba 20/11/2018.
Thông cáo viết: “Theo đề nghị của nhiều Hội đồng Giám mục, Đức giáo hoàng đã dời Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn đến Chúa nhật cuối cùng của tháng Chín. Như vậy, Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần tới – lần thứ 105, sẽ được cử hành vào Chúa nhật 29 tháng Chín 2019”. Thông cáo xác định thêm: “Như thường lệ, Sứ điệp của Đức giáo hoàng sẽ được công bố vài tháng trước Ngày này”..
Nguồn gốc Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn
Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn có thể đã bắt đầu từ năm 1914, vài tháng trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Xúc động trước thảm cảnh hàng triệu người Ý phải di cư ra nước ngoài từ đầu thế kỷ 20, Đức giáo hoàng Piô X đã kêu gọi tất cả các Kitô hữu cầu nguyện cho người di dân.
Vài tháng sau, Đức giáo hoàng kế vị là Đức Bênêđictô XV đã thành lập Ngày Di dân để trợ giúp tinh thần và kinh tế cho mục vụ của người di dân Ý.
Đến năm 1952, Ngày Di dân đã mang một ý nghĩa rộng hơn và quốc tế hơn, đồng thời các Giáo hội địa phương cũng được mời gọi chọn một ngày để cử hành trong năm phụng vụ.
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên, từ năm 1985, đã gửi một sứ điệp hằng năm để kêu gọi mọi người chú ý đến một số thực tế và khó khăn cụ thể của những người di dân, và kêu gọi Giáo hội hành động.
Năm 2004, Hội đồng Toà Thánh về mục vụ Chăm sóc Người di dân và Lữ hành mở rộng Ngày này cho những người tị nạn và gọi là Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn.
Theo quyết định của Thánh Gioan Phaolô II, từ năm 2005, Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn được toàn Giáo hội cử hành vào Chúa nhật thứ hai sau lễ Chúa Hiển linh.
Vào Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 104 (14/01/2018), Đức giáo hoàng Phanxicô đã thông báo dời việc cử hành này sang Chúa nhật cuối cùng của tháng Chín.
(Vatican News, 20/11/2018)
Minh Đức
Để lại một phản hồi