Sứ điệp ĐTC nhân dịp 70 năm Tuyên Ngôn Nhân Quyền

ĐTC tố giác nhiều tình trạng bất công trong xã hội ngày nay và kêu gọi mỗi người cũng như các vị hữu trách góp phần để các quyền con người được tôn trọng.
Kết quả hình ảnh cho Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền

G. Trần Đức Anh OP – Vatican

 Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi các tham dự viên Hội nghị quốc tế do Bộ Phát triển nhân bản toàn diện tổ chức tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma trong hai ngày 10 và 11-12 này, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của LHQ và 25 năm Tuyên ngôn chương trình hành động, ký kết tại Vienne bên Áo.

 Hội nghị có chủ đề là ”Các quyền con người trong thế giới ngày nay: những thực hiện, những quên lãng và những phủ nhận”. Trong số các tham dự viên, có nhiều GM, LM và cả đại diện đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, các tổ chức LHQ, các Ủy ban Công lý và hòa bình của các HĐGM và giới đại học.

 Nhiều bất công trầm trọng trong xã hội

 Trong sứ điệp được ĐHY Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, tuyên đọc, ĐTC nhận xét rằng Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 nhìn nhận rằng ”Mỗi người có các nghĩa vụ đối với cộng đoàn và chỉ trong đó mới có thể có sự phát triển nhân cách một cách tự do và đầy đủ… Tuy nhiên, khi quan sát kỹ các xã hội chúng ta hiện nay, người ta thấy có nhiều mâu thuẫn khiến chúng ta tự hỏi: phải chăng phẩm giá bình đẳng của mọi người, được long trọng tuyên bố cách đây 70 năm, đang được nhìn nhận, tôn trọng, bảo vệ và thăng tiến trong mọi hoàn cảnh. Trên thế giới ngày nay vẫn còn nhiều hình thức bất công, được nuôi dưỡng bằng những nhân sinh quan hẹp hòi và một kiểu mẫu kinh tế dựa trên lợi lộc, không do dự bóc lột, gạt bỏ và thậm chí giết người. Trong khi một phần nhân loại sống trong sung túc thừa thãi, thì một phần khác thấy phẩm giá của mình không được tôn trọng, bì khinh rẻ và chà đạp, các quyền cơ bản của mình không được biết đến hoặc vi phạm.

 Nhiều người bị phủ nhận các quyền con người

 ĐTC nhắc đến bao nhiêu thai nhi bị phủ nhận quyền chào đời, những người không được những phương tiện tối thiểu để sống xứng đáng, những người không được giáo dục thích hợp, bị tước đoạt công ăn việc làm một cách bất công hoặc phải làm việc như nô lệ. ĐTC nghĩ đến những người bị giam cần trong những tình trạng vô nhân đạo, bị tra tấn, hoặc bị phủ nhận cơ may chuộc lỗi, những người bị mất tích, và gia đình họ.

 ĐTC viết: ”Tôi cũng nghĩ đến những người sống trong bầu không khí ngờ vực, bị khinh rẻ, phải chịu những hành động bất bao dung, kỳ thị và bạo hành chỉ vì họ thuộc về một chủng tộc, bộ tộc, quốc gia hoặc tôn giáo nào đó..

 Kêu gọi mỗi người góp phần cho sự tôn trọng nhân quyền

 Vì thế, ĐTC khẳng định rằng ”mỗi người được mời gọi can đảm và quyết tâm góp phần theo khả năng và vai trò đặc thù của mình vào việc tôn trọng các quyền căn bản của mỗi người, nhất là những người ”không được thấy”: bao nhiêu người đói khát, trần trụi, bệnh tật, khách ngụ cư, hoặc tù nhân, họ là những người sống ngoài lề xã hội hoặc bị gạt bỏ.

 Dấn thân đặc biệt của các Kitô hữu

 Và ĐTC nhắc nhở các tín hữu: ”đòi hỏi công lý và liên đới có một ý nghĩa đặc biệt đối với các tín hữu Kitô chúng ta, vì chính Tin Mừng mời gọi chúng ta hướng nhìn những người bé nhỏ nhất trong số các anh chị em chúng ta, cảm thương và dấn thân cụ thể để thoa dịu những đau khổ của họ” (Rei 10-12-2018)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*