Trong năm vừa qua, Đức Thánh Cha công bố 90 bài giảng trong các thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta. Những bài giảng của ngài xoay quanh việc sống đức tin KTG đích thực, tập trung vào cuộc gặp gỡ sống động với Chúa Giêsu và tình yêu cụ thể đối với tha nhân.
Những bài giảng ngắn gọn và sống động này tập trung vào bài giảng đầu tiên, “keryma”: “Chúa Giêsu Kitô yêu thương các bạn, Người hiến đời mình để cứu rỗi bạn, và giờ đây Người đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày để soi sáng, để thêm sức và để giải thoát bạn.” (Evangelii gaudium, 164).
Bằng những từ ngữ sống động và nhiều màu sắc, Đức Thánh Cha dùng những lời đánh động con tim. Những bài giảng của ngài thường có ba yếu tố: ý tưởng, cảm xúc, hình ảnh. Nhiều lần ngài cũng dùng cách nói châm biếm để thúc giục dân Chúa sống trưởng thành trong đời sống Kitô hữu của mình. Dù đôi khi những lời này có vẻ gay gắt, nhưng nội dung luôn tích cực và hướng tới niềm hy vọng. Những lời chối tai mà Chúa Giêsu thường dùng để thức tỉnh những người nghĩ mình công chính và tự khép mình lại với lòng yêu mình, với ơn cứu độ.
Cuộc phán xét chung cuộc về tình yêu
Trong năm vừa qua, Đức Thánh Cha nhiều lần nhắc tới hoàn cảnh hiện tại của thế giới và của Giáo Hội, nhưng thông điệp được lặp lại nhiều nhất là cánh chung, hy vọng gặp gỡ Chúa Giêsu và cuộc phán xét chung cuộc, mà Đức Thánh Cha gọi là kiểu mẫu trong Tin Mừng Matthêu chương 25: “Khi ta đói, các ngươi đã cho ăn, khi ta khát, các ngươi đã cho uống, khi là khách lạ, các người đã đón tiếp, khi trần truồng, các người đã cho mặc, khi đau ốm, các ngươi đã viếng thăm, khi bị cầm tù, các ngươi đã thăm nom.” Trong buổi chiều tà của cuộc đời này, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu cụ thể mà chúng ta đã làm khi còn sống nơi trần thế. Hôm nay, chúng ta đã biết những đòi hỏi của cuộc phán xét chung cục này rồi đó.
Các Kitô hữu là những người đền trả cho người khác, như Chúa Giêsu
Ví dụ như bài giảng ngày 8 tháng 10, Đức Thánh Cha nói về dụ ngôn người Samaritano nhân hậu. Ngài nói: Đoạn văn này chứa đựng toàn bộ Tin Mừng. Một tiến sĩ luật hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?”. Đó là một câu hỏi vừa để thử thách vừa để biện minh. Chúa Giêsu nói về một người bị bọn cướp sát hại, cùng hai nhân vật khác: một tư tế và một người Lê-vi. Hai người này được kính trọng vì là người thi hành việc thờ phượng, và hiểu biết luật. Họ gặp anh ta trên đường và tránh sang một bên. Họ là những “viên chức hành chức” của đức tin. Họ có thể nói: “Tôi sẽ cầu nguyện cho người này, nhưng anh ta không liên quan đến tôi. Thay vào đó, nếu tôi đến gần anh ta và đụng đến máu, thì tôi bị nhơ nhớp.”
Lại có một người Samari, một người tội lỗi, một kẻ đã bị cắt phép thông công. Ông đã dừng lại và ông chăm sóc anh. Ông là kẻ tội lỗi nhất, nhưng ông lại tỏ lòng cảm thương với người bị hại. Ông bỏ sang một bên kế hoạch của mình, sẵn sàng để tay mình bị bẩn và quần áo bị dính máu. Ông băng bó các vết thương của người bị hại, xức dầu và rượu, đưa anh ta đến nhà trọ và trả tiền cho người chủ nhà trọ ấy. Ông còn nói: “Xin chăm sóc anh ta, nếu ông phải chi trả nhiều hơn, tôi sẽ trả cho ông khi tôi trở lại”. Đoạn này tóm gọn tất cả Tin Mừng: người Kitô hữu mở ra với sự ngạc nhiên của Thiên Chúa, biết thay đổi dự định kế hoạch của mình và đền trả cho người khác như Chúa Giêsu.
Kẻ tội lỗi và thối nát
Chúa Giêsu đã dùng những lời rất mạnh mẽ chống lại thói giả hình của những người Pharisieu, những nhà thông luật và nhóm Xa-đốc. Những người này tự cho mình tốt nhất, hoàn hảo hơn người khác, và là những người biết rõ về luật. Họ phán xét người khác, đặt gánh nặng lên vai người khác, còn mình thì không muốn động tay vào. Theo cách đó, Đức Thánh Cha thường quở trách những người nghĩ họ sống nghiêm chỉnh nhưng lại không quan tâm đến người khác. Và những người ấy sống cuộc đời hai mặt, nhất là những người mục tử. Đức Thánh Cha cũng định nghĩa những người hư hỏng là những người tự nghĩ rằng mình công chính và không cần phải hoán cải liên tục. Ngược lại, Kitô hữu biết rằng mình là tội nhân, cần hoán cải và cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa; Và vì thế, người ấy thương xót tha nhân.
Tin Mừng không dễ chịu chút nào
Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng: “không phải ai nói với tôi “Lạy Chúa, Lạy Chúa” là được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Chúa Cha mà thôi”. Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta trở nên những Kitô hữu trong việc làm chứ không phải trong lời nói mà thôi. Kitô hữu với những cử chỉ cụ thể, chứ không phải là Kitô hữu với với những lớp trang điểm. Đúng thế, người nghèo làm phiền chúng ta: họ chạm đến cái ví của ta, người đau ốm có thể lây bệnh cho ta, người ngoại kiều đòi buộc ta mở trí và mở lòng với những người khác biệt với mình, tù nhân kéo chúng ta vào thực tại mà ta không muốn đụng tới. Tin Mừng đã bị loại ra bởi sự ích kỷ và những kế hoạch mang tính lý thuyết của chúng ta. Và ta để mình thoải mái trong vùng an toàn của mình. Tin Mừng đích thực đặt chúng ta vào trong cuộc khủng hoảng, không thoải mái, và chuyển chúng ta từ “tôi” đến “bạn”.
Hãy cẩn thận với ma quỷ
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta vượt qua luận lý của thế gian để đến với luận lý của Thiên Chúa, vì ta rất dễ rơi vào việc sống chủ nghĩa KTG thờ ơ và trần thế mà không hề để ý tới điều đó. Ngài khuyến khích chúng ta can đảm sống cầu nguyện liên lỉ, dám thưa cùng Thiên Chúa với lòng tin tưởng, chiêm ngắm Chúa Kitô trên thập giá trong những giây phút khó khăn của mình. Ngài kêu mời chúng ta hãy ở lại trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu và với tha nhân để không rơi vào cám dỗ của ma quỷ. Hắn luôn lừa đảo, nói dối để chia rẽ khi dùng những kẻ đạo đức giả. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha thường cảnh báo chống lại Satan, Kẻ Tố Cáo. Công việc của hắn là phá huỷ những công trình của Thiên Chúa.
Hãy yêu Chúa Giêsu
Từ chìa khoá để không rơi vào sai lầm trên hành trình đức tin là “ở lại trong tình yêu” với Thiên Chúa, và đón nhận nơi Người những hứng khởi cho hành động của chúng ta. Chính việc cân bằng giữa “chiêm niệm và hoạt động”, cầu nguyện và lao động của thánh Biển Đức. Chiêm ngắm đích thực không phải là không làm gì nhưng là dừng lại để nhìn ngắm Thiên Chúa để Người chạm đến con tim ta và gợi hứng cho hành động của ta.
Gặp gỡ mỗi ngày và mong chờ vào cuộc diện kiến chung cuộc
Chính Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta sống cuộc đời này với niềm vui, trong niềm hy vọng gặp gỡ Thiên Chúa: “đức cậy thì cụ thể, là điều hằng ngày bởi đó là cuộc gặp gỡ. Và mỗi lần chúng ta gặp Chúa Giêsu nơi Bí Tích Thánh Thể, nơi kinh nguyện, nơi Tin Mừng, nơi người nghèo, nơi đời sống cộng đoàn, mỗi lần như thế, chúng ta tiến thêm một bước nữa hướng về cuộc diện kiến chung cuộc. Thật là khôn ngoan khi biết vui mừng trong những cuộc gặp gỡ nho nhỏ như thế trong cuộc đời mình.
Trần Đỉnh, SJ
Để lại một phản hồi