Ông Silvano Pedrollo, người sáng lập công ty máy bơm Pedrollo, dùng lợi nhuận của công ty để phát triển chương trình nước sạch cho các nước nghèo, vì theo ông, “Kitô hữu không thể nói không” trước lời cầu xin giúp đỡ.
Một em bé ở Yemen lấy nước uống từ nguồn được cung cấp
(ANSA)
Ông Silvano Pedrollo là người sáng lập và chủ tịch của tập đoàn mang tên ông, là người đi đầu thế giới trong việc sản xuất máy bơm thủy lực và khoan giếng. Ông không quên rằng mình đã rất may mắn khi thành công như ngày nay, vì vậy, ông phải đáp lại bằng một cách nào đó. Chính suy nghĩ này thúc đẩy ông dùng thời gian, tiền bạc và kỹ năng, để xây dựng các giếng nước ở những nơi đang cần có nước sạch, vì ông biết ở nhiều nơi trên thế giới, vấn đề có nước sạch không được quan tâm nhiều.
Một gia đình Công giáo
Ông Pedrollo sinh năm 1945, tại Arcole, tỉnh Verona, nước Ý, trong một gia đình có truyền thống Công giáo. Vợ ông và con gái là các giáo lý viên. Đối với ông Pedrollo, đức tin là nền tảng. Ông chia sẻ: “Ông bà của tôi, ông nội của tôi, không giàu có, nhưng họ đã cố gắng quảng đại với những ai nghèo khổ hơn họ. Điều này được lưu truyền trong gien và lớn lên trong tôi. Và nó khiến cho tôi cảm thấy hạnh phúc. Trong thời gian đầu, tôi nhận được rất nhiều lời yêu cầu xin giúp đỡ. Tôi tự hỏi là tôi sẽ nghe lời yêu cầu của ai đây. Và rồi tôi đã hiểu. Tôi có quyền gì để lựa chọn người nào để giúp đỡ? Tôi phải tìm cách đáp lại yêu cầu của tất cả. Nếu tôi là một Ki-tô hữu, tôi không thể nói ‘không’.”
Từ năm 1974, ông Pedrollo đã xây dựng một vương quốc mà ngày nay các con của ông – Giulio và Alessandra – mỗi năm sản xuất 2,5 triệu bơm điện, đạt doanh thu 230 triệu euro và cung cấp việc làm cho khoảng 900 nhân viên. Trong hoạt động kinh doanh hiệu quả của công ty cũng có hoạt động của lòng thương xót Tin mừng, đó là “cho người khát uống”. Ông Pedrollo nhận định rằng thiếu nước là một trong những nguyên nhân chính gây ra đói kém, bệnh tật và kém phát triển ở nam bán cầu. Nếu có nước sạch và năng lượng, người ta có thể xây dựng các trường học, bệnh viện và nhà thờ. Ông xác định: “Chúa phải có thể có một ngôi nhà trang nghiêm.”
Chương trình nước
Ông Pedrollo chưa bao giờ nghĩ rằng những viện trợ lẻ tẻ ban đầu lại này có thể trở thành một hoạt động liên đới có quy mô lớn. Đức Hồng Y Ersilio Tonini đã gợi ý cho ông. Ông kể lại: “ĐHY nói với tôi: ‘Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II yêu cầu giúp châu Phi, về nước và đào tạo”. Chúng tôi bắt đầu thông báo về sự sẵn sàng của chúng tôi, và các yêu cầu từ các giáo xứ, các dòng tu, các linh mục, các Hồng y và tu sĩ đã gia tăng nhiều lần». Và chương trình nước đã ra đời như thế; chỉ riêng ở châu Phi chương trình đã đào hơn một ngàn giếng. Nhưng không chỉ có thế. Nhờ có “dòng sông” liên đới, trường Josefina Bakhita được thành lập tại Luanda, Angola; ở Bénin, ở huyện Dassà, một doanh nghiệp nông nghiệp đã bắt đầu; ở Ngozi, Burundi, một trung tâm dành cho trẻ em đường phố; ở Bondoukou, nước Côte d’Ivoire, bệnh viện San Camillo đã ra đời … nhưng danh sách này có thể tiếp tục kéo dài, bởi vì ít nhất hai triệu người trên thế giới đã có thể được hưởng lợi từ chương trình nước sạch “Pedrollo”.
Các sáng kiến từ Ai Cập đến Ghana, từ Sénégal đến Etiopia, từ Malawi đến Congo, từ Kenya đến Burkina Faso. Và tiếp đến ở Ấn Độ, Philippines, Litva, Albania, Bosnia và Herzegovina, Trung Đông, Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Ông Pedrollo nói: “Tôi đã giúp cải thiện cuộc sống của những người mà tôi sẽ không gặp và không bao giờ biết. Và tôi rơi nước mắt vì xúc động mỗi khi nhận được email viết rằng “nhờ ông tôi đã có thể theo học đại học”. Có gì hài lòng hơn thế này không? ” Đặc biệt, ông Silvano quan tâm đến những trẻ em “bụng ỏng” vì thiếu ăn.
Trách nhiệm xã hội
Những khoảng thời gian mà ông Pedrollo có thể dứt ra khỏi công việc, ông dành cho bốn đứa cháu, và nó giúp ông trở nên nhạy cảm hơn. Ông nói: “Các cháu của tôi may mắn hơn. Làm sao tôi có thể không nghĩ về người khác? Chúng tôi có nhiệm vụ mang đến một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai”.
Trách nhiệm xã hội là một phần quan trọng trong tầm nhìn của công ty Pedrollo. Tôn trọng nhân viên là điều đứng hàng đầu, ông chia sẻ: “Chúng tôi đã chọn không phân chia lợi nhuận, để bảo toàn chúng và có thể sử dụng chúng trong những thời điểm làm ăn kém hơn. Vì vậy, chúng tôi không bao giờ phải cho bất cứ ai nghỉ việc, thậm chí là phải nghỉ một ngày.” Và về việc chăm sóc môi trường, ông cho biết: “Chúng tôi đã trồng 800 cây xung quanh khu phức hợp San Bonifacio (100 nghìn mét vuông) để tạo ra một vi khí hậu đặc biệt”. Hơn nữa, 15-20% doanh thu được dành cho đổi mới, nghiên cứu và phát triển, đến mức ông Pedrollo đã được nhận bằng kỹ sư danh dự của Đại học Padua. Đó là bằng danh dự thứ sáu mà ông được nhận.
“Ẩn trốn” ở Mễ du
Thỉnh thoảng, khi cần hồi phục lại năng lượng sức lực, ông Pedrollo và vợ “trốn” đến Mễ du. Ông cho biết mình là một người bị thuyết phục bởi Đức Mẹ Mễ du; ông có nhiều tượng Đức Mẹ nhỏ trong văn phòng. Ông khuyên mọi người nên đi “tắm thiêng liêng”. Ông chia sẻ: “Bạn hít thở một bầu không khí rất đặc biệt và khi bạn trở về bạn đầy sức lực hơn. Và khi bạn đã đến đó một lần, bạn luôn quay trở lại đó.”
Hồng Thủy
(VaticanNews 07.01.2019)
Để lại một phản hồi