Lúc 5 giờ 30 chiều ngày 18/1/2019, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Chiều tại Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Hiện diện trong Kinh Chiều, có ĐHY Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Toà thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, các đại diện của các Giáo hội khác tại Roma, phái đoàn đại kết từ Phần Lan và nhiều người tham dự.
Trong phần bài giảng, Đức Thánh Cha nói:“Hôm nay mở đầu tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Tất cả chúng ta được mời gọi cầu xin Thiên Chúa về món quà lớn lao này. Sự hiệp nhất các Kitô hữu là hoa trái của ân sủng Thiên Chúa và chúng ta cần mở lòng để đón nhận với con tim quảng đại và sẵn sàng.Tôi đặc biệt vui mừng được cầu nguyện cùng với đại diện của nhiều Giáo Hội khác hiện diện ở Roma.”Khởi đi từ sách Đệ Nhị Luật”.
Đức Thánh Cha nói đến hình ảnh dân Israel cắm trại trong vùng bình nguyên Moab, gần với Miền Đất Hứa. Tại đây, Môsê như là người cha và là người lãnh đạo được chọn bởi Thiên Chúa, đã lặp lại Luật cho dân chúng, chỉ dẫn và nhắc nhở rằng họ phải sống trung thành và công chính khi vào cư ngụ trong Đất Hứa.
Các bài đọc hôm nay nói đến ba lễ chính: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều. Mỗi lễ đều mời gọi dân Israel biết ơn về những hồng ân lãnh nhận từ Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều được mời gọi tham dự, không ai bị loại trừ.
Dẫu cho Israel đang nô lệ bên Ai Cập, không ai có tài sản riêng, nhưng “không ai đến trước Chúa với hai bàn tay trắng” và lễ phẩm của mỗi người được đo bằng phúc lành mà Thiên Chúa ban cho họ. Do đó, tất cả đều nhận được phần của mình từ sự trù phú của đất nước và được hưởng nhờ sự tốt lành của Thiên Chúa.
Tất cả những lễ này khích lệ dân chúng về sự công bình, về sự bình đẳng căn bản giữa tất cả mọi người. Tất cả đều tuỳ thuộc ngang nhau vào lòng thương xót của Thiên Chúa, và cũng được mời gọi chia sẻ cho người khác những điều tốt đẹp đã lãnh nhận.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các Kitô hữu Indonesia, được gợi hứng từ đề tài Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất, họ đã quyết định theo những lời này của sách Đệ Nhị Luật: “Anh em hãy theo đuổi sự công chính và chỉ sự công chính mà thôi” (16,20). Họ nhận thức sâu sắc về sự phát triển kinh tế của đất nước, vì não trạng chạy đua nên đã làm cho nhiều người trở nên nghèo, trong khi một số ít trở nên giàu kết xù. Điều này nguy hiểm cho sự hài hoà xã hội. Nhưng điều này không chỉ xảy ra ở Indonesia, đây là một vấn đề toàn cầu. Chúng ta quên mất sự khôn ngoan của Luật Môsê: nếu sự phồn thịnh không được chia sẻ, thì xã hội sẽ chia rẽ.
Thánh Phaolô, trong thư Roma, cũng áp dụng cùng một lối suy nghĩ cho cộng đoàn Kitô hữu: “người mạnh phải nâng đỡ người yếu, chứ không chiều theo sở thích riêng của mình” (15,1). Theo gương Chúa Kitô, chúng ta nỗ lực nâng đỡ những người yếu kém. Tình liên đới và trách nhiệm chia sẻ phải là luật chi phối gia đình Kitô giáo.Là dân thánh thiện của Thiên Chúa, chúng ta không ngừng tiến đến ngưỡng cửa vương quốc Chúa được hứa cho chúng ta. Nhưng, vì bị chia rẽ, chúng ta cần cầu xin sự công bằng đến từ Chúa, đừng chỉ theo đuổi phú quý mà để lại người nghèo và yếu thế.
Sự hiệp nhất của chúng ta là bước đầu tiên tiến về đất hứa. Tất cả chúng ta đều được dự phần vào món quà của người khác. Một dân Kitô giáo được đổi mới và tăng trưởng nhờ việc trao đổi những món quà này sẽ là một dân có khả năng tiến bước vững chắc trên con đường tiến đến sự hiệp nhất.
Trước khi kết thúc giờ Kinh Chiều với phép lành của Đức Thánh Cha, ĐHY Kurt Koch đã cảm ơn Đức Thánh Cha và hứa đồng hành cùng Đức Thánh Cha trong việc cầu nguyện cho sứ mạng của Ngài.
Văn Yên SJ (Chuyển dịch)
( Nguồn Vatican news)
Để lại một phản hồi